Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 5, 25/04/2024

Đang duyệt: Trang chủ Nhân lực - nhân tài

ĐƯƠNG ĐẦU VỚI LỰC CẢN CẢI CÁCH? ; "CHƯNG CẤT" LẠI TOÀN BỘ CÔNG CHỨC ,VIÊN CHỨC

Bài 1: Đương đầu với lực cản cải cách?

 

Câu chuyện bộ máy cồng kềnh, phình biên chế đã được đề cập từ hơn 20 năm trước. Trớ trêu ở chỗ, càng chủ trương giảm thì biên chế thực tế lại càng tăng. Nguy hiểm hơn, còn thách thức sức chịu đựng của cả nền kinh tế và xã hội. Căn nguyên là bởi chúng ta chưa thực sự đương đầu với những lực cản của tiến trình cải cách.

 Càng chủ trương tinh giản thì biên chế công chức, viên chức, người hưởng lương trong hệ thống chính trị càng phình ra; và nói đến tinh giản thì ai cũng thấy đúng nhưng đụng đến cơ quan mình thì lại nói không giảm được, thậm chí lại còn đòi phải tăng… Nguyên nhân căn cốt của những nghịch lý này là gì? Và làm thế nào để có thể giải quyết được căn bệnh này từ gốc?

Nói chuyện “đuổi” ai thì không bao giờ tinh giản được

Phải nói rất thẳng với nhau rằng, đụng vào câu chuyện tinh giản biên chế là đụng vào thành lũy, vào thói quen, tâm tư, tình cảm, đụng vào tư duy… nên rất dễ bị phản ứng. Ví dụ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa rồi có xới xáo lên câu chuyện bỏ biên chế giáo dục. Ngay lập tức, ý tưởng này đã bị phản ứng rất dữ dội, mà người phản ứng đầu tiên chính là công chức ngành giáo dục. Họ đang ổn định trong biên chế nhà nước bao nhiêu năm nay. Dạy tốt hay không tốt, cứ vào biên chế rồi thì không ai làm gì được nữa. Bây giờ, bảo họ phải từ bỏ cái thành lũy kiên cố đó đi, phải đối mặt với việc sát hạch chất lượng và hiệu quả công việc thì họ phản ứng là đương nhiên. Đây là lực cản đầu tiên nhưng cũng dễ bị đem ra làm “bình phong” che chắn, làm mờ đi những lực cản khác như lực cản về lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, con ông này, cháu ông kia…

Xử lý cội rễ câu chuyện phình biên chế phải có cách làm linh hoạt, có bước đi phù hợp. Nếu đặt ra câu chuyện “đuổi” ai khỏi biên chế thì không bao giờ tinh giản được. Tôi làm thực tiễn ở cơ sở rất “thấm” điều này. Có người thấy rõ là phải tinh giản đấy nhưng có khi mình chưa kịp làm gì thì họ hoặc người nhà của họ ở cấp cao hơn đã “đuổi” mình.

 

Vì thế, theo tôi, phải bắt đầu bằng việc thiết kế lại và đổi mới ngay từ cội nguồn, tổ chức hoạt động của Nhà nước. Phải chuyển đổi triệt để tổ chức bộ máy và phương thức vận hành của tổ chức bộ máy theo đúng nguyên tắc, cái gì doanh nghiệp, xã hội làm được, nhân dân làm được thì Nhà nước thôi không làm. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, các dịch vụ công khác, doanh nghiệp làm được, tư nhân làm được thì Nhà nước phải dứt khoát chuyển giao. Bệnh viện tư hiện tự lo cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị đến bác sĩ, y tá… mà chất lượng khám, chữa bệnh có kém gì bệnh viện công đâu? Trong khi, chúng ta đầu tư từ A đến Z cho bệnh viện công mà tiêu cực, phong bao, phong bì và vẫn bị dân kêu. 

Nhà nước không làm thay xã hội, làm thay doanh nghiệp, làm thay người dân. Chúng ta nói nhiều rồi, bây giờ phải quyết tâm làm, kiên quyết làm. Khi đó, Nhà nước chỉ tập trung vào việc thiết kế chính sách, hỗ trợ người dân bằng chính sách, thông qua chính sách. Làm được như vậy thì tức khắc, biên chế sẽ giảm mà giảm nhẹ nhàng, êm thấm chứ không gây xáo trộn, tâm tư như hiện nay. Vì khi công - tư rạch ròi như vậy, tôi tin rằng, cán bộ, công chức, viên chức sẽ thích ra ngoài làm để có thu nhập cao hơn, chính đáng hơn là ở lại biên chế, nhận đồng lương “chết đói” và chờ đợi “màu mè, lót tay”…

Phải “định vị” lại công chức

 Tinh giản biên chế chưa thành công. Nhưng khi đánh giá nguyên nhân, chúng ta vẫn cho rằng chủ yếu là do cơ quan nhà nước chưa quyết liệt thực hiện chủ trương của Đảng, vẫn xem đây là việc của cơ quan nhà nước. Tôi cho rằng, các cơ quan, tổ chức của Đảng phải tiêu biểu và kiên quyết trong thực hiện chủ trương này. Phải làm sao để các cơ quan khác trong hệ thống chính trị nhìn vào cơ quan của Đảng là thấy chỉ có một con đường, đó là phải tinh giản biên chế ở đơn vị mình, bộ, ngành, địa phương mình, không thể khác.

Nguyên Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Lê Nam

 Luật Cán bộ, công chức đã có quy định nhưng khái niệm và nhận diện công chức hiện nay chưa đúng. Công chức, cán bộ bao gồm cả người làm việc trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan dân cử, tổ chức đoàn thể. Các nước hiện nay, người được đưa ra bầu cử thì không phải là công chức nữa. Chúng ta cũng phải nằm trong chuẩn giá trị chung này. Phải định vị lại, ở vị trí nào, thực hiện nhiệm vụ gì thì là công chức, còn không thì phải chuyển sang chế độ lao động khác.

Cùng với đó là phải xem lại công tác quản lý, đánh giá công chức. Hiện nay, đánh giá cán bộ công chức chủ yếu thông qua phiếu, chia theo mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ và hoàn thành nhiệm vụ. Mà lại quy định không quá 30% là xuất sắc, tức là cơ quan có 10 người thì chỉ được 3 người xuất sắc, ai rơi vào “hoàn thành nhiệm vụ” là đau khổ rồi. Nhưng chỉ cần hoàn thành nhiệm vụ thôi là thủ trưởng cơ quan cũng không làm gì được, không thể tinh giản biên chế được. Chưa kể, đánh giá công chức lại đan xen với công đoàn viên, đảng viên… Cuối năm, cứ bên đảng đánh giá là đảng viên xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ thì chính quyền cơ bản cũng như vậy.


Câu chuyện bỏ biên chế giáo dục vừa được xới lên ngay lập tức đã bị phản ứng dữ dội

Nguồn: doisongphapluat.com

 

Mặt khác, hiện nay, thủ trưởng cơ quan không thể cách chức được cán bộ, không thể cho thôi biên chế, bổ nhiệm cán bộ cũng không có thực quyền mà phải thông qua cấp ủy đảng, thông qua “hội đồng lên, hội đồng xuống”. Lơ mơ, mấy “ông” cán bộ mang kết quả bình bầu, xét duyệt chiến sĩ thi đua ra kiện cáo thì thủ trưởng còn khốn đốn chứ chả đùa. Như vậy, người đứng đầu cơ quan đã bị “tước” đi một vũ khí vô cùng quan trọng trong lãnh đạo quản lý đó là quyền quyết định đối với cán bộ, công chức trên cơ sở năng lực, trình độ chuyên môn, khả năng làm việc thực tế của họ. Giờ lãnh đạo nhiều cơ quan cứ hay cười, chúng ta thấy anh em đánh giá tín nhiệm cao rồi tưởng thủ trưởng đó tốt nhưng chưa chắc. Thủ trưởng bây giờ là cứ phải mềm mại, phải “lấy lòng” anh em thì làm sao mà quyết liệt giảm biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức được?

Tôi cho rằng, phải trao quyền, trao trách nhiệm cho người sử dụng công chức trong việc đánh giá, xử lý cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Tất nhiên điều này không thể tràn lan, không thể để ông thủ trưởng lạm quyền mà phải có chế định bằng luật pháp rõ ràng, minh bạch. Đây là vấn đề rất quan trọng. Hiện nay, chúng ta vẫn đặt công chức như một cái gì đó xa vời, thiêng liêng, đã vào được công chức rồi thì có cảm giác như không ai với tay chạm vào được nữa nên dường như chúng ta bất lực với chính cái mà mình “đẻ” ra.

Lê Nam - Nguyên Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa
Nguyễn Bình ghi

Bài 2: “Chưng cất” lại toàn bộ công chức, viên chức

Trong các cơ quan, đơn vị nhà nước, tỷ lệ cán bộ, công chức là con cháu, bạn bè gửi gắm, “đánh trống ghi tên” khá phổ biến. Với tình hình hiện nay, nếu không quyết liệt tinh giản biên chế thì không ngân sách nào có thể chịu nổi. Phải thực hiện một cuộc “chưng cất”, sát hạch lại toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương, kiên quyết loại khỏi bộ máy những ai không đáp ứng yêu cầu công việc.

 

3 nguyên nhân gốc rễ

Có 3 nguyên nhân gốc rễ làm cho bộ máy, biên chế tăng, hoặc có nơi giảm nhưng lại không giảm một cách thực chất.

Một là, do chúng ta chưa tinh giản được bộ máy. Nói tinh giản, nhưng thực chất lại chỉ giảm đầu mối, “bóp trên, phình dưới”. Giảm đầu mối các cơ quan bộ, trực thuộc Chính phủ thì lại phình ra các tổng cục, trong tổng cục lại có các cục, vụ, viện. Đây chính là mô hình tổ chức “Bộ trong Bộ”, vô hình trung tạo ra một bộ máy lồng ghép ở trong một tổ chức, cơ quan. Thông thường, trong một cơ quan, đơn vị, một thủ trưởng thì sẽ có một vài “thủ phó”, một thủ phó thì có một vài nhóm giúp việc. Cứ như thế, bộ máy phình ra, dẫn đến tăng biên chế.

Hai là, chúng ta đưa ra tiêu chí tinh giản biên chế, nhưng lại chưa thực hiện việc sát hạch lại, chưa thường xuyên đánh giá khách quan, để có một cuộc “chưng cất” thực sự; tức là chưa có sự thay đổi về “chất”, thay vì thay đổi về “lượng” đối với cán bộ, công chức, để từ đó buộc những người không đủ tiêu chuẩn, không làm được việc ra khỏi bộ máy. Có không ít trường hợp “ngồi chơi, xơi nước”, làm việc không hiệu quả, nhưng chúng ta không chịu tinh giản, hoặc không tinh giản được.

Đại biểu Lê Thanh Vân phát biểu tại hội trường

Ảnh: Quang Khánh

 

Ba là, việc tinh giản biên chế lâu nay chưa thực chất, giảm chủ yếu là người về hưu, chuyển công tác khác chứ không vì cán bộ, công chức không làm được việc mà tinh giản.

Cần lưu ý rằng, vai trò của người đứng đầu trong tinh giản biên chế là rất quan trọng. Nếu người đứng đầu không quyết liệt, công tâm trong đánh giá cán bộ thì rất khó tinh giản biên chế. Trong khi tiêu chí để đánh giá cán bộ, công chức lại chưa cụ thể, còn thiên về định tính thì việc đánh giá cán bộ hoàn toàn phụ thuộc vào sự “yêu - ghét” của mỗi cá nhân, trong đó có người đứng đầu. Do vậy, đánh giá không nghiêm sẽ khó tìm ra người để tinh giản. Trong khi đó, chế tài trong công tác cán bộ vẫn rất chung chung, nên rất khó xử lý người đứng đầu. Bộ luật Hình sự tuy có quy định tội danh lạm dụng chức vụ, quyền hạn, nhưng để chứng minh được hành vi lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ là không dễ, bởi chưa có điều, khoản nào quy định rõ cấu thành cụ thể của những hành vi này.

Mạnh dạn khoán chi hành chính

Người dân không thể đóng thuế mãi để “cõng” cả một bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả, để nuôi một bộ phận công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Trong tình hình ngân sách hiện nay, việc tinh giản biên chế thực sự là một sức ép rất lớn. Nếu chúng ta không tinh giản biên chế thì không thể có ngân sách nào chịu nổi. Để tinh giản biên chế, cần tập trung vào một số giải pháp:

Thứ nhất, phải tái cấu trúc tổ chức bộ máy. Muốn vậy, phải phân định được chức năng của từng bộ phận cấu thành bộ máy. Phải phân công quyền lực rạch ròi, không có vùng chồng lấn chức năng, loại bỏ sự phối hợp không đáng có. Trên cơ sở phân định rành mạch chức năng mới xác định được nhiệm vụ; xác định rõ nhiệm vụ mới định ra được khối lượng công việc; từ công việc mới định lượng được vị trí việc làm tương ứng với số biên chế là bao nhiêu.

Trong các cơ quan, đơn vị Nhà nước, tỉ lệ cán bộ, công chức là con cháu, bạn bè gửi gắm, “đánh trống ghi tên”… không nhỏ. Muốn tinh giản biên chế phải thực hiện một cuộc “chưng cất”, sát hạch lại toàn bộ hệ thống cán bộ, công chức hiện nay, kiên quyết loại những cán bộ, công chức không đáp ứng được yêu cầu công việc ra khỏi bộ máy.

Thứ hai, cần mạnh dạn khoán chi hành chính. Khoán chi thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cấp trên về việc tổ chức và vận hành bộ máy. Nếu lạm dụng quyền lực để đưa người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn vào cơ quan, đơn vị do mình quản lý thì phải chịu trách nhiệm và chịu sự xử lý của pháp luật. Giao trách nhiệm cho người đứng đầu phải kèm theo chế tài xử lý nếu có vi phạm xảy ra.

Thứ ba, thực hiện thi tuyển cán bộ, công chức một cách nghiêm minh, chặt chẽ. Với chức danh do bầu cử thì người được đề cử, tiến cử phải trình bày được chương trình hành động trước tập thể bầu ra mình. Còn chức vụ do bổ nhiệm để đứng đầu bộ máy điều hành thì bắt buộc phải thi tuyển công khai, cạnh tranh. Theo tôi, để huy động được nhân tài thì chúng ta không nên gò bó trong khuôn khổ quy hoạch và giới hạn độ tuổi, mà nên “chiêu hiền, đãi sỹ”. Công tác quy hoạch có động, có tĩnh và có mở.

Thứ tư, chúng ta đang đi trong cách mạng công nghiệp 4.0, nên không đứng ngoài phương thức quản lý hiện đại. Muốn tinh giản bộ máy, biên chế thì phải ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào tổ chức và vận hành bộ máy sẽ tiết giảm được nhiều hoạt động có thể thay thế con người, giảm mạnh về biên chế.

Thứ năm, phân định rõ khu vực công và khu vực tư. Nhà nước không nên “ôm” những việc mà xã hội có thể bảo đảm. Cái nào thuộc khu vực công, mà khu vực tư không thể làm được thì Nhà nước phải có tổ chức bộ máy để đảm nhiệm. Cái nào khu vực tư nhân làm được thì nên chuyển cho tư nhân làm. Đồng thời, phải rà soát các đơn vị sự nghiệp công lập để chuyển dần sang khu vực tư theo hướng này.

Tuy nhiên, cũng cần phải có lộ trình để thực hiện việc tinh giản. Nhà nước rút dần vai trò của mình trong việc thực hiện các chức năng xã hội bằng cách chuyển đổi chức năng của các đơn vị công lập. Có bước chuyển giao để công chức, viên chức ở đơn vị đó rút dần ra khỏi khu vực nhà nước. Cùng với đó, cũng phải tái cấu trúc các tổ chức chính trị - xã hội.

5 giải pháp này phải tiến hành đồng bộ và quyết liệt thì mới đạt được mục tiêu mà Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị đã đề ra.    

Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách
Hà An ghi

Nguồn:daibieunhandan.vn

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển