Mô hình CNXH hiện thực đã sai phạm học thuyết Mác -Lênin nội dung về thời kỳ quá độ từ CNTB lên CNCS. Mác-Ănghen cho rằng “để xây dựng CNCS cần phải trải qua giai đoạn trung gian quá độ, ở đấy một xã hội mà trong thời gian dài có cơ cấu vẫn mang trên mình dấu ấn rõ nét của một xã hội cũ như: Nền kinh tế hàng hóa trao đổi ngang giá, còn tiền tệ, còn tồn tại nền kinh tế đa dạng chế độ sở hữu v.v.., nhằm làm phù hợp các quy luật ở giai đoạn quá độ này, nhất là QHSX phù hợp với trình độ và và tính chất xã hội của LLSX còn thấp. Lênin cho rằng “Chủ nghĩa xã hội ở đó nền kinh tế có nhiều hình thức sở hữu, trong đó sở hữu nhà nước là chiếm ưu thế trong nền kinh tế quốc dân. Một xã hội vẫn còn tồn tại nền sản xuất hàng hoá, còn giai cấp, quy luật giá trị còn chỗ đứng, trả lương theo kết quả lao động v.v. Đó là giai đoạn quá độ từ CNTB lên CNCS (gọi là CNXH). Đó chưa phải là xã hội phát triển đầy đủ, đạt được sự hoàn thiện, hoàn hảo, thành thục của nó với tư cách là một xã hội mới. Đó là thời kỳ lịch sử lâu dài để cải biến triệt để xã hội cũ và xây dựng thành công xã hội mới trên mọi phương diện.
Thế nhưng những người cộng sản thế hệ học trò của C.Mác-Ănghen và Lênin khi lên cầm quyền xây dựng mô hình CNXH hiện thực xóa sạch các dấu vết của xã hội cũ trong khi nó còn vai trò lịch sử như: sở hưu tư nhân, tư bản tư nhân, nền kinh tế hàng hóa trao đổi ngang giá, nền kinh tế thị trường v.v.. để điều chỉnh QHSX phù hợp với trình độ và tính chất xã hội của LLSX còn thấp ở giai đoạn quá độ này. Mô hình CNXH hiện thực đã sai lầm về học thuyết Mác - Lênin còn sản sinh ra thể chế lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước tập trung quan liêu cách biệt với thực tiễn, làm cho tư duy cả hệ thống xơ cứng, đã vi phạm nhiều quy luật kinh tế, xã hội mà tụ trung là quy luật QHSX - LLSX gần một thế kỷ không một lần điều chỉnh và đổi mới, làm suy thoái nền kinh tế - xã hội đến cực đỉnh dẫn đến suy thoái về chính trị làm sụp đổ Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu. Các nước XHCN ở Châu Á như: Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Lào và Cuba ở Châu Mỹ La tinh đổi mới theo định hướng học thuyết Mác - Lênin về thời kỳ quá độ từ CNTB lên CNCS nêu trên để hồi sinh và phát triển nhiều thập kỷ qua.
Thời kỳ cách mạng theo mô hình CNXH hiện thực học tập và nghiên cứu lý luận theo kiểu sao chép giáo điều cách biệt với thực tiễn. Các hội thảo lý luận, khoa học, chỉ hội mà không thảo, trao đổi đối thoại và thẩm định khoa học. Giảng dạy và học tập lý luận theo mốt thầy đọc trò ghi chép và làm bài tập theo ý truyền đạt của thầy, thiếu sự sáng tạo và phát triển, như trường hợp của một học sinh là công nhân bậc cao đã trí thức hoá (kỹ sư chế tạo máy) được tổ chức tuyển chọn lên làm việc ở các cơ quan ban Đảng ở Trung ương, đơn vị cử đến học tập ở Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc, nay là Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. Là công nhân thường năng động sáng tạo, phát minh để phát triển, không bằng lòng với những gì có sẵn, do đó bài kiểm tra đầu tiên anh sinh viên ấy làm bài không hoàn toàn theo ý thầy giảng, mà muốn nêu những ý tưởng mới phát triển, kết quả bài kiểm tra đầu tiên ấy chỉ đạt điểm trung bình, thấp nhất so với anh em trong tổ học tập, về ký túc xá than thở với mọi người, anh em cho là bài viết không bám sát ý thầy truyền đạt nên điểm thấp, mọi người góp ý để đạt điểm cao các bài kiểm tra và bài thi học kỳ cần viết sát nội dung bài giảng của thầy. Sau đó anh sinh viên công nhân này tiếp thu ý kiến anh em trong tổ học tập, kết quả các năm học đều đạt điểm cao từ 7 đến 9 điểm.
Không chỉ lĩnh vực lý luận mà tất cả các ngành khoa học lý thuyết phải gắn kết với thực tiễn để phát triển, ngược lại sẽ kìm hãm sự phát triển. Như trường hợp ở một Viện thiết kế máy nông nghiệp sản xuất thử nghiệm máy thái sắn (khoai mì) để bổ sung chế độ lương thực thời kỳ bao cấp, máy làm xong chạy thử sắn thoát ra khỏi máy đều bị nát, đã nhiều lần tháo ra kiểm tra so với bản thiết kế mẫu không thấy thiếu một chi tiết nào, cả Viện đang bức xúc thì đúng lúc có đoàn sinh viên khoa chế tạo máy Trường Cao đẳng Kỹ thuật I xuất hiện trình giấy giới thiệu của Trường đến Viện thực tập làm đề án tốt nghiệp, các anh trong Viện phàn nàn sự cố nêu trên với đoàn, qua nhiều ngày chưa tìm ra nguyên nhân, đoàn thực tập sinh yêu cầu Viện cho máy chạy thử để đoàn quan sát, rất nhanh chỉ chưa tới một phút anh sinh viên công nhân trong đoàn đã phát hiện nguyên nhân làm nát lát sắn khi thoát ra khỏi máy là do xử lý công nghệ chưa chuẩn, đoàn đề nghị tháo tấm thép dẫn lát sắn thoát ra ngoài để xử lý, bằng cách đưa lên máy phay hoặc máy bào vát cạnh sắc phía trước tấm thép dẫn sắn, chỉ mất mấy phút giải quyết xong sự cố mà cả tháng Viện chưa tìm ra nguyên nhân. Sở dĩ chậm phát hiện sự cố nêu trên do thời bao cấp đào tạo kỹ sư, tiến sỹ ở các cơ quan khoa học lý thuyết ít liên hệ gắn kết với thực tiễn.
Mô hình CNXH hiện thực còn sản sinh ra các thể chế làm hạn chế cấp vĩ mô tiếp cận với thực tiễn trở thành tập trung quan liêu, tư duy xơ cứng, lý luận lạc hậu với thực tiễn như Nghị quyết IX và nhiều nghị quyết của Đảng đã nêu, do vậy hơn hai mươi năm đổi mới còn nhiều vấn đề lý luận chưa làm sáng tỏ như “đổi mới kinh tế và cơ sở hạ tầng không đồng thời với đổi mới hệ thống chính trị và thượng tầng kiến trúc làm xuất hiện mâu thuẫn mới giữa cơ sở hạ tầng đổi mới cơ bản phù hợp với thượng tầng kiến trúc chưa đổi mới (có đổi nhưng chưa mới) đã phát sinh các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng trên khắp các lĩnh vực hoạt động đời sống xã hội, làm hạn chế thành quả đổi mới và phát triển tiềm năng của đất nước. Nếu để kéo dài mâu thuẫn này đến cực đỉnh, cơ sở hạ tầng sẽ phủ định thượng tầng kiến trúc là nguy cơ cho Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Để khắc phục tình hình nêu trên cần đổi mới thể chế dân chủ trong nghiên cứu lý luận và thể chế lãnh đạo quản lý điều hành đất nước tạo điều kiện để cấp vĩ mô thường xuyên tiếp cận thông tin từ thực tiễn, đó là liều thuốc trị bệnh quan liêu.
1. Đổi mới thể chế dân chủ trong nghiên cứu lý luận:
Công tác nghiên cứu lý luận cần chuyển đổi từ quy trình ngược “ lấy đường lối, nghị quyết định chế công tác nghiên cứu lý luận” sang quy trình thuận “lấy sản phẩm khoa học từ kết quả nghiên cứu lý luận để hoạch định đường lối, nghị quyết” sẽ tránh sai lầm như những thập niên thế kỷ hai mươi. Trong nghiên cứu lý luận và hội thảo khoa học phải được phép nêu lên ý tưởng mới sáng tạo của mình không bị rào cản, trong các hội thảo khoa học “hội phải gắn với thảo”, trao đổi, đối thoại và thẩm định khoa học. Khi các đề tài được thẩm định khoa học mới được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, báo chí và đưa vào áp dụng trong thực tiễn.
Trong định hướng công tác nghiên cứu lý luận trong thời gian tới để phục vụ các đại hội của Đảng cần tập trung các đề tài:
+ Thiết lập mô hình CNXH đổi mới thay thế mô hình CNXH hiện thực đã sai lầm, để định hướng thống nhất tư tưởng và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân, khắc phục hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống … như nội dung Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã nêu. Đồng thời định hướng cho việc xây dựng sửa đổi Hiến pháp, Cương lĩnh, đường lối và nghị quyết của Đảng phù hợp.
+ Đối với công tác xây dựng đảng không chỉ chỉnh đốn, tự phê và phê bình mà đòi hỏi đổi mới toàn diện từ hệ thống tổ chức, đến phương thức lãnh đạo, chất lượng đảng viên và thể chế kiểm tra dám sát v.v.. sao cho phù hợp với Đảng cầm quyền lãnh đạo vận hành nền kinh tế thị trường XHCN và hội nhập quốc tế.
+ Đổi mới mô hình nhà nước tập trung quan liêu sang nhà nước pháp quyền XHCN phù hợp với các nguyên lý của khoa học tổ chức, học thuyết Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là Nhà nước của dân, do dân và vì dân.
+ Đổi mới công tác tổ chức cán bộ phù hợp tính phổ biến và tính đặc thù của CNXH và hệ thống các nguyên lý của khoa học tổ chức.
+ Đổi mới nền dân chủ tập trung quan liêu, dân chủ hình thức sang nền dân chủ XHCN sao cho phù hợp với đường lối đổi mới và hội nhập quốc tế của Đảng.
Những vấn đề nêu trên là những giải pháp điều chỉnh đổi mới thượng tầng kiến trúc phù hợp với hạ tầng cơ sở đã đổi mới cơ bản phù hợp, nhằm khắc phục nguy cơ tồn vong của Đảng và chế độ XHCN, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững.
2. Xây dựng thể chế hoạt động cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất là cấp vĩ mô tiếp cận thực tiễn.
+ Bộ Chính trị và Trung ương cần thành lập tổ chức trực thuộc để tiếp nhận những ý tưởng mới hiến kế của cán bộ, đảng viên và các nhà khoa học, Trung ương cần tuyển chọn những người có trình độ và tâm huyết với sự nghiệp của Đảng và đất nước điều hành tổ chức này để tiếp nhận các ý tưởng hiến kế, tổ chức hội thảo, trao đổi, thẩm định khoa học và chuyển giao sang Bộ Chính trị và Trung ương sử dụng vào thực tiễn (Singapore nhờ có tổ chức phản hồi - hiến kế đã góp phần phát triển nhanh và bền vững).
+ Bộ Chính trị cử người tham dự các đề tài nghiên cứu và hội thảo lý luận khoa học thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Một mặt có điều kiện tiếp xúc với các nhà khoa học và thực tiễn, coi như một lớp tập huấn cập nhật thông tin và kiến thức sẽ giúp khắc phục bệnh quan liêu lãnh đạo và quản lý hiệu quả hơn.
+ Để tiếp cận các dòng thông tin từ cơ sở, cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất là cấp vĩ mô khi đi thực tế cần học tập tác phong lãnh tụ Hồ Chí Minh tiếp cận thực tiễn để nắm thực chất thông tin đổi mới tư duy sáng tạo trong lãnh đạo và hành động phù hợp quy luật. Đồng thời thường xuyên quan tâm đến báo chí, qua thông tin trên báo chí chỉ đạo giải quyết các vấn đề mà người dân bức xúc phản ảnh …
Thực hiện hiệu quả các giải pháp nêu trên sẽ khắc phục tình trạng lý luận lạc hậu với thực tiễn, định hướng quá trình đổi mới phù hợp và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
KS. NGUYỄN KIM ĐĨNH
Nguyên CVCC Ban Tổ chức Trung ương
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực, nhân tài Việt Nam