Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 3, 23/04/2024

Đang duyệt: Trang chủ Nhân lực - nhân tài

ĐỔI MỚI GIÁO DỤC ĐÀO TẠO THEO HƯỚNG NÀO...?

Bài 1: Chi 12.000 tỷ đồng đào tạo 9000 tiến sĩ để đổi mới giáo dục

TPO - Để thực mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018 – 2025, tầm nhìn 2030, Việt Nam cần đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt tỉ lệ 35% (khoảng 9000 tiến sĩ) tổng số giảng viên các cơ sở giáo dục đại học. Tổng kinh phí thực hiện Đề án dự kiến là 12.000 tỷ đồng.

 

Đó là một trong những nội dung của dự thảo Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030” vừa được đưa ra lấy ý kiến dư luận.

Trong số 9000 tiến sĩ cần đào tạo đó sẽ đào tạo khoảng 5.000 tiến sĩ ở nước ngoài tại các trường đại học có uy tín trên thế giới. Từ 2017 đến 2025 mỗi năm tuyển chọn khoảng từ 600 - 700 nghiên cứu sinh đi đào tạo ở nước ngoài;

Đào tạo khoảng 500 tiến sĩ theo hình thức phối hợp, liên kết đào tạo giữa các trường đại học Việt Nam và trường đại học nước ngoài. Từ năm 2017 đến năm 2025 mỗi năm tuyển chọn khoảng 60-70 người;

Đào tạo khoảng 2.000 tiến sĩ tại các trường đại học đã được kiểm định ở Việt Nam;

Thu hút khoảng 1.500 tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài hoặc đang làm việc ngoài các cơ sở giáo dục đại học đến làm việc tại các trường đại học tại Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ GD&ĐT yêu cầu rà soát đánh giá nhu cầu đào tạo tiến sĩ của các cơ sở giáo dục ĐH về số lượng, cơ cấu (theo lĩnh vực, ngành, chuyên ngành), xác định các lĩnh vực, ngành, chuyên ngành trọng tâm cần ưu tiên đầu tư đào tạo.

Tuyển chọn, cử giảng viên đủ điều kiện để đào tạo đạt trình độ tiến sĩ theo các phương thức: Đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài; đào tạo theo hình thức liên kết, phối hợp với các cơ sở đại học nước ngoài và đào tạo tiến sĩ ở trong nước.

Đồng thời, đề án cũng đưa ra  mục tiêu 100% cán bộ quản lý là chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng/viện trưởng, hiệu phó/phó viện trưởng được bồi dưỡng về quản trị trường đại học; 100% giảng viên được bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp, về năng lực phát triển chương trình đào tạo, năng lực giảng dạy theo phương pháp hiện đại, năng lực nghiên cứu khoa học, năng lực ngoại ngữ và công nghệ thông tin.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án dự kiến là 12.000 tỷ đồng, bao gồm 10.200 tỉ đồng từ kinh phí còn lại của Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020 được phê duyệt theo Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ và 1.800 tỉ từ các cơ sở giáo dục đại học và đối tượng thụ hưởng Đề án. 

PHƯƠNG TRÀM

 

Bài 2: Thêm 9.000 tiến sĩ hay đào tạo công nhân lành nghề?

Công nhân kỹ thuật đang là nhóm nhân lực mà thị trường “khát” nhất hiện nay. Ảnh chụp tại cuộc thi tay nghề ASEAN. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Chỉ 23% lao động Việt Nam có bằng cấp, chứng chỉ - được hiểu là nhóm lao động có trình độ. Hơn 70% số lao động không có chuyên môn là một lỗ hổng, một sự thiếu hụt rất đáng lo ngại trong cơ cấu nhân lực Việt Nam hiện nay.

Cũng vì thế, việc chi 12.000 tỉ đồng đào tạo 9.000 tiến sĩ để nâng tỉ trọng lao động có trình độ sẽ là không thừa, có thể sẽ là vẫn thiếu, nếu việc đào tạo không đi đúng “địa chỉ”, đào tạo kiểu phân bổ, cào bằng… Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thay vì chi hàng nghìn tỉ “đúc” thêm tiến sĩ, có nên dùng nguồn kinh phí này đào tạo cho nhóm nhân lực “khát” nhất hiện nay: Công nhân kỹ thuật?

Cơ cấu trình độ rất bất hợp lý

Theo báo cáo “Xu hướng lao động và xã hội Việt Nam giai đoạn 2012-2017” mới công bố của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH), dù trong 5 năm qua tỉ lệ thất nghiệp ở Việt Nam gần như ổn định và chỉ tăng nhẹ từ 1,96% lên 2,26% vào quý II/2017; tỉ lệ thiếu việc làm cũng ở mức thấp và có xu hướng giảm từ 2,74% năm 2012 xuống còn 1,62% vào quý II/2017. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là chất lượng lao động Việt Nam còn thấp, mới chỉ 23% có bằng cấp, chứng chỉ. Cơ cấu lao động theo các cấp trình độ đào tạo còn bất hợp lý, chưa thực sự phù hợp.

Chi tiết hơn, báo cáo chỉ ra trong số lao động có bằng cấp, chứng chỉ thì có hơn 50% thuộc nhóm trình độ cao đẳng và đại học trở lên, trong khi số có chứng chỉ nghề trình độ trung cấp chỉ chiếm 5,42% và chứng chỉ nghề ngắn hạn chiếm 5,6% trong tổng lực lượng lao động. Ngoài ra, số lao động đang làm việc trong khu vực phi chính thức lên tới hơn 18 triệu người, mục tiêu hướng tới việc làm bền vững tại Việt Nam đối diện nhiều rào cản. Ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, thừa nhận, với cơ cấu và các con số thực tế này, thị trường lao động Việt Nam hiện vẫn còn lạc hậu.

Với tỉ lệ lao động thiếu việc làm có xu hướng giảm và tỉ lệ thất nghiệp khá “ổn định”, vấn đề thiếu việc làm không phải là thách thức lớn nhất mà việc tăng năng suất lao động thấp mới là khó khăn lớn nhất hiện nay. Bên cạnh đó, xu hướng già hóa dân số đang tác động mạnh mẽ đến cơ cấu việc làm theo nhóm tuổi ở Việt Nam: Lao động là người cao tuổi làm việc trong nền kinh tế hiện nay ngang bằng với số lao động từ 15-24 tuổi.

Bà Nguyễn Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng, với 23% lao động được coi là có trình độ thì việc đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ là không thừa, thậm chí thiếu.

Thêm tiến sĩ hay thêm công nhân?

Theo bà Lan Hương, về chương trình đào tạo 9.000 tiến sĩ, đáng lo ngại nhất là có đi đúng quy hoạch hay không? “Đối tượng quy hoạch phải làm kỹ. Về chương trình đào tạo tiến sĩ là tốt, tuy nhiên, tăng về số lượng nhưng ai tham gia? Nếu không có quy hoạch, cứ phân bổ và không lựa chọn đối tượng đào tạo theo địa chỉ, có thể biến tướng. Khúc giáo dục nghề nghiệp cần được tập trung nhiều hơn. Nếu chỉ tập trung đại học, tiến sĩ bậc cao thì mất cân bằng trong khối đã qua đào tạo” - bà Hương nhấn mạnh.

Trao đổi với PV Báo Lao Động về những nguy cơ “biến tướng” đào tạo tiến sĩ, bà Lan Hương cho rằng, đào tạo tiến sĩ phải gắn với quy hoạch: Hiện nay đào tạo mới gắn với người, nên có tình trạng khi đi học quay về cơ quan cũ thì quy hoạch không đúng mong muốn người học. Do đó, chương trình quan trọng này phải biết được ngành nghề tương lai là gì, công tác dự báo tốt… để hiểu rõ chúng ta cần tiến sĩ trong những ngành nào? việc tuyển chọn như thế nào?... Nếu để các đơn vị, các viện, cơ quan nhà nước tham gia đề án 9.000 tiến sĩ này thì sẽ không thiết thực.

Dù chất lượng nhân lực thấp, việc bổ sung thêm 9.000 tiến sĩ vẫn không thừa nhưng cơ cấu nội tại của nhân lực qua đào tạo lại còn nhiều bất cập. Bà Hương lấy ví dụ, cho rằng cơ cấu nhân lực Việt Nam thời kỳ này phải như củ khoai tây chứ không phải mô hình cái nơ như hiện tại. Theo đó, tỉ lệ lao động bậc trung: Cao đẳng, trung cấp, sơ cấp phải nhiều hơn tiến sĩ.

Tại Việt Nam, mô hình nguồn nhân lực năm 2016 cho thấy: Cứ 1 đại học thì có 0,7 trung cấp, sơ cấp và 6,4 không có chuyên môn kỹ thuật. Đây chính là mô hình cái nơ, thắt giữa trong khi giai đoạn này chúng ta cần chỗ thắt đó phình ra. Nghĩa là, thay vì cái nơ, mô hình chuẩn phải là củ khoai tây: Công nhân kỹ thuật bậc trung phải cao hơn cả 2 nhóm còn lại.

Bà Lan Hương dẫn ví dụ cơ cấu nhân lực tại các nước trong khu vực: Với 3 nhóm: Cao đẳng, đại học; công nhân kỹ thuật bậc trung và không chuyên môn kỹ thuật, Thái Lan tương ứng các con số: 1; 4,8; 2. Singapore: 1; 1,8; 0,4. “Tất cả đều hình củ khoai tây, chỉ riêng Việt Nam một kiểu” - bà Hương nói.

Việc hơn 70% nhân lực không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, so với các nước khác: Thái Lan 26%; Malaysia 3%; Singapore 1,3% là rất đáng báo động, và lao động “qua đào tạo” cần được bổ sung thêm. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, thay vì bổ sung thêm 9.000 tiến sĩ, tại sao chúng ta không đầu tư cho nhóm nhân lực mà thị trường “khát” nhất hiện nay: Công nhân kỹ thuật?

Thực tế hiện nay vẫn có hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, trong khi nhóm lao động có tay nghề bậc trung lại “đắt như tôm tươi”. Việc chi hàng chục nghìn tỉ đồng để tăng cường cho nhóm nhân lực không trực tiếp sản xuất có thực sự cần thiết khi mà các trường nghề “khát” kinh phí nâng cao trang thiết bị, máy móc cho thực hành; khi thị trường vẫn thiếu lao động có tay nghề? Câu hỏi này, xin nhường cho các nhà quản lý.

QUỲNH CHI

 

 

 

 

Bài 3: Ông tiến sĩ đi vận động học nghề

 Trước "làn sóng" học ĐH, tiến sĩ Trần Công Chánh đi tìm học sinh, hướng nghiệp và khơi gợi sở thích, sở trường để các em lựa chọn nghề.

 

Ông Trần Công Chánh cùng học viên của trường - Ảnh: THÙY TRANG

"Học sinh không tìm mình, mình sẽ tìm học sinh. Nhưng không dụ dỗ, chỉ hướng nghiệp và khơi gợi sở thích, sở trường để các em lựa chọn đúng đường...", tiến sĩ Trần Công Chánh - hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Bạc Liêu, nói.

Và ông Chánh lập một ban vận động đến trường THPT, THCS gặp từng học sinh và cả phụ huynh để nói về tương lai của việc học nghề.

Hướng nghiệp tận nhà

Hằng tuần, ông Chánh và đội tư vấn đến trường phổ thông gặp gỡ, tìm hiểu nguyện vọng của học sinh. 

"Phần lớn học sinh nông thôn rất rụt rè. Đến một lần không được, đến lần hai, lần ba, dần dần các em xem mình không phải là thầy cô nữa, trò chuyện dạn dĩ hơn. Khi đó ưu điểm, yếu điểm các em mình sẽ hiểu va mình định hướng, cho lời khuyên thì các em rất tin tưởng" - ông Chánh "bật mí".

Khi học sinh quan tâm đến học nghề nhưng gia đình khó khăn, ông Chánh ghi lại thông tin để đến nhà, gặp phụ huynh phân tích rõ con đường học tập: Học ĐH có hai đường. Một là đi thẳng lên ĐH. Hai là học nghề rồi dần dần học lên cũng chạm đích ĐH. 

"Phụ huynh nghe tới chữ ĐH là... chịu rồi và hỏi tiếp: Con em mình tốn kém gì không? Tôi phân tích với THCS nhà trường lo hết, chỉ cần theo trường ba năm là có bằng trung cấp nghề. Song song đó các em cũng được học bổ túc văn hóa. 

Học lên cấp III ba năm chỉ có bằng phổ thông. Còn học trường nghề vừa có bằng phổ thông vừa có bằng nghề. Các em muốn lấy bằng nào thi ĐH cũng được. Phụ huynh không mất mà được hết. Con cái học an toàn, không xa nhà...".

Rồi ông hiệu trưởng trường nghề tâm sự thêm: "Lối mòn phải học ĐH của nhiều bậc cha mẹ vô tình làm hại chứ không phải thương con. Bởi có em thích làm việc trí óc, có em lại làm việc bằng đôi tay rất khéo léo, hay chỉ một số ít kết hợp cả hai, tùy theo đặc điểm tâm sinh lý".

Khi thực hiện kế hoạch đưa giáo viên đi hướng nghiệp tận nhà, tỉ lệ tuyển sinh hằng năm của Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Bạc Liêu đều tăng. Cụ thể: năm 2014-2015 chỉ tiêu tuyển sinh là 1.100, tuyển được 856; năm 2015-2016 chỉ tiêu 1.355, tuyển 996; năm 2016-2017 chỉ tiêu 1.355, tuyển hơn 1.000 sinh viên. 

Đó là chưa kể những lớp đào tạo ngắn hạn nâng cao kỹ năng dành cho cán bộ đang làm việc. Hiện các ngành chủ lực của trường đông sinh viên theo học là nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi thú y, kế toán doanh nghiệp, trồng trọt và bảo vệ thực vật.

Tùy năng lực học sinh

Hầu hết nông dân mình bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để mong con vào ĐH. Nhưng thực chất một học trò không đủ năng lực mà cố gượng ép vào khuôn ĐH ra trường khó xin được việc. Vậy nên mới có tình trạng thừa thầy thiếu thợ, thất nghiệp nhan nhản

TS Trần Công Chánh

Bạn Trần Mỹ Tiên, lớp trung cấp chăn nuôi thú y, tâm sự: "Trước đây tôi cũng định vô ĐH. Nhưng sau khi nghe thầy Chánh phân tích, tôi chọn nơi học sao cho vừa tiết kiệm chi phí gia đình. Ra làm nghề ổn định rồi học thêm nữa không muộn". 

Về việc học ở trường, Tiên kể khi vào học chỉ nghĩ học để biết cách nuôi, trị bệnh gia súc gia cầm, thậm chí làm sao bán sản phẩm giá cao chứ không nghĩ trước tiên phải làm ra sản phẩm tốt. 

"Chúng tôi được thực hành nhiều và được dạy phải để chữ tâm vào sản xuất, nhất là trong chăn nuôi. Nên ra trường tôi sẽ phát triển theo hướng sản xuất thực phẩm sạch" - Tiên nói thêm. 

Để sinh viên thạo nghề, tất cả việc nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, trồng trọt hay dọn dẹp phân heo, phân gà... đều do sinh viên phụ trách.

Ông Chánh bảo hướng nghiệp cho học sinh không phải làm cho trường mà cho cộng đồng. "Có những em muốn học cơ khí, y dược tôi hướng dẫn qua trường khác có đào tạo. Phát hiện em nào thích nghề gì ở trường có thì dạy, không thì cung cấp thông tin". 

Ông hiệu trưởng cũng hồ hởi cho biết hiện nay học nghề dễ tìm việc nên sinh viên trường ông ra trường đều có việc làm, nhất là các khối nông nghiệp đều được các công ty, trạm nông nghiệp nhận hết.

"Các công ty liên hệ liên tục, thậm chí "đặt cọc" những sinh viên chưa ra trường. Các em ra trường vừa đúng tuổi lao động là có việc làm ngay, một thời gian sau lại học liên thông lên ĐH" - ông Chánh bảo vậy.

Heo, gà sạch "made in sinh viên"

Cô Nguyễn Thị Kim Thi - chủ tịch công đoàn trường - cho hay trường là nơi cung cấp thịt heo, gà, vịt sạch của sinh viên nuôi theo kiểu truyền thống cho nhiều gia đình.

"Trước đây còn bày bán chứ giờ phần lớn người mua đặt trước hết. Giờ thầy cô và sinh viên cố gắng không chỉ cuối tuần mà mỗi ngày đều có sản phẩm phục vụ người dân" - cô Thi nói.

THÙY TRANG

Bài 4: Đề xuất mô hình đào tạo giáo viên ở Việt Nam

 Trên cơ sở nghiên cứu mô hình đào tạo giáo viên của các nước phát triển và mô hình đào tạo giáo viên trong nước, GS.TS. Đinh Xuân Khoa - Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh - đề xuất mô hình đào tạo giáo viên thích hợp cho các cơ sở đào tạo giáo viên ở Việt Nam hiện nay.

GS.TS. Đinh Xuân Khoa

Một số mô hình đào tạo giáo viên trên thế giới

GS Đinh Xuân Khoa cho biết: Hiện nay, đối với phần lớn các nước Đông Á như Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, và Hàn Quốc, cả hai mô hình đào tạo giáo viên là mô hình song song và mô hình nối tiếp cùng song song tồn tại.

Việc đào tạo giáo viên ở các nước này cũng có hai hệ thống trường cùng đảm nhiệm là hệ thống các trường chuyên đào tạo giáo viên (trường sư phạm) và hệ thống các trường đào tạo đa ngành.

Trong khu vực, ngoài Trung Quốc đào tạo giáo viên chủ yếu là trong các trường sư phạm, các nước còn lại trong khu vực Đông Á, việc đào tạo giáo viên trung học chủ yếu được thực hiện ở các trường đào tạo đa ngành còn giáo viên tiểu học thường được đào tạo ở các trường sư phạm.

Ở Châu Âu, như là một thay đổi nhằm thực hiện tiến trình Bologna, tiến trình tạo ra được một khu vực giáo dục đại học Châu Âu, các nước Châu Âu đã có những thay đổi đáng kể trong việc đào tạo giáo viên.

Hiện nay, có gần 90% các nước thành viên EU và 70% cơ sở giáo dục đại học ở các nước này đã triển khai đào tạo giáo viên theo hai bậc nối tiếp cử nhân (Bachelor) và thạc sĩ (Master).

Việc đào tạo giáo viên ở tất cả các bậc chủ yếu được thực hiện ở các trường đại học tổng hợp (các University), với các chương trình đào tạo được phát triển theo định hướng phát triển năng lực, đáp ứng chuẩn ở mỗi quốc gia và cộng đồng Châu Âu.

Ở Iceland, từ 2011, yêu cầu giáo viên các bậc học phải có trình độ thạc sĩ thay vì có trình độ cử nhân như trước đây. Việc đào tạo giáo viên được thực hiện theo mô hình nối tiếp, với 3 năm đầu (180 ECTS – tín chỉ chuyển đổi Châu Âu) để lấy bằng cử nhân và 2 năm tiếp theo (120 ECTS) để lấy bằng thạc sĩ.

Ở Iceland, cũng như các quốc gia Châu Âu khác, đào tạo giáo viên được tổ chức ở các đại học đa ngành có đào tạo giáo viên, người học sẽ được học tập ở các khoa sư phạm (College of teacher education) thuộc các trường đại học tổng hợp (University).

Ở Đức, mặc dù đào tạo giáo viên theo mô hình đào tạo phân 2 bậc nối tiếp cử nhân và thạc sĩ, nhưng ngay trong bậc đào tạo đại học, chương trình đào tạo đã có song song hai nội dung là khoa học ngành và khoa học giáo dục bao gồm cả thực tiễn giáo dục phổ thông. Tương tự các nước Châu Âu khác, ở Đức hiện nay, đào tạo giáo viên được thực hiện ở các trường đại học đa ngành có ngành đào tạo giáo viên.

Ở Hoa Kỳ, chính phủ liên bang giao quyền tự chủ cho chính quyền các bang, vì vậy, việc đào tạo giáo viên ở các trường đại học ở các bang có khác nhau. Nhìn chung đào tạo giáo viên ở Hoa Kỳ có thời gian 4 hoặc 5 năm. Mô hình đào tạo giáo viên ở Hoa Kỳ gồm cả đào tạo song song và đào tạo nối tiếp.

Lựa chọn mô hình đào tạo giáo viên ở Việt Nam

Theo GS Đinh Xuân Khoa, công tác đào tạo giáo viên ở nước ta hiện nay đang được thực hiện theo hai mô hình là mô hình song song và mô hình tiếp nối.

Trên thực tế, mỗi mô hình này đều có những ưu thế và những hạn chế nhất định trong việc đào tạo giáo viên. Việc công nhận và duy trì hai mô hình này sẽ tạo nên sự đa dạng trong phương thức đào tạo, hỗ trợ giáo viên phát triển năng lực nghề nghiệp và chuyên môn sư phạm, tăng thêm sự lựa chọn cho người học muốn trở thành giáo viên và theo kịp xu thế chung của giáo dục đại học trên thế giới.

Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh phân tích: Mô hình song song hiện nay được áp dụng phổ biến trong các trường/khoa chuyên đào tạo giáo viên. Với mô hình này, quá trình đào tạo giáo viên được thực hiện trong 4 năm (cử nhân đại học) hoặc 3 năm (cử nhân cao đẳng), trong đó việc đào tạo khoa học cơ bản và đào tạo sư phạm (nghiệp vụ) sẽ được tiến hành đồng thời.

Mô hình này có ưu thế là người học sớm xác định được được mục tiêu học tập là trở thành giáo viên và mục tiêu này liên tục được củng cố trong một môi trường sư phạm thuận lợi cho hình thành năng lực và nhân cách của các chuyên gia giáo dục. Nhưng nhược điểm của mô hình này là chậm chuyển đổi chương trình để thích ứng với thực tiễn.

Mô hình kế tiếp (3+1) hiện nay đang được thực hiện tại Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội). Trong đó, 3 năm đầu sinh viên được đào tạo khối kiến thức khoa học cơ bản ở các trường thành viên thuộc ĐHQG Hà Nội, năm cuối về Trường ĐH Giáo dục học kiến thức khoa học giáo dục và thực tập làm giáo viên ở trường phổ thông.

Mô hình này đã phát huy được tối đa sức mạnh của các đơn vị thành viên trong ĐHQG Hà Nội qua sự kết hợp khoa học cơ bản và khoa học giáo dục.

Mô hình nối tiếp có những ưu thế trong việc đào tạo giáo viên có kiến thức chuyên môn vững vàng, bởi những năm đầu được đào tạo như một cử nhân các chuyên ngành của khoa học cơ bản.

Tuy nhiên, theo GS Đinh Xuân Khoa, hạn chế của mô hình này là thời lượng phân bổ cho các học phần về khoa học giáo dục, kiến tập và thực tập sư phạm chưa nhiều. Điều này sẽ dẫn đến thực tế kĩ năng sư phạm của người học còn nhiều hạn chế, sinh viên sau khi ra trường sẽ cần thêm thời gian để hoàn thiện kĩ năng giáo dục, dạy học để vững vàng ở vị trí giáo viên.

Nghiên cứu kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới và Việt Nam, GS Đinh Xuân Khoa đề xuất nâng chuẩn được đào tạo của giáo viên theo hướng:

Đào tạo giáo viên trung học áp dụng mô hình đào tạo nối tiếp hai giai đoạn với khung thời gian đào tạo kéo dài hơn so với hiện nay. Giai đoạn 1 với 3-4 năm (tương ứng với 6-8 học kỳ), người học lấy bằng cử nhân khoa học; Giai đoạn 2 với 2 năm (4 học kỳ), người học lấy bằng thạc sĩ giáo dục chuyên ngành và đủ điều kiện để giảng dạy ở các trường THPT. Đào tạo giáo viên tiểu học áp dụng mô hình đào tạo song song truyền thống.

"Nhìn chung, việc đào tạo giáo viên ở Việt Nam trong những năm qua đã đạt được những thành tựu nhất định: mở rộng về quy mô, đa dạng trong mô hình đào tạo; cơ sở vật chất ngày càng được nâng cấp. Đóng góp của cơ sở đào tạo giáo viên thời gian qua cũng góp phần đưa GD&ĐT ở Việt Nam đạt được những thành tựu đáng kể so với nhiều nước có thu nhập tính theo đầu người tương đương.

Tuy nhiên, đào tạo giáo viên ở nước ta hiện nay đang bộc lộ những hạn chế, bất cập so với yêu cầu thực tế, đặc biệt yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Do đó, nghiên cứu mô hình đào tạo giáo viên của các nước phát triển trên thế giới, đánh giá mô hình đào tạo giáo viên hiện nay ở Việt Nam, trên cơ sở đó đề xuất mô hình đào tạo giáo viên ở nước ta là hết sức cần thiết" - GS Đinh Xuân Khoa nhấn mạnh.

Nguồn: Báo GD&TĐ

Bài 5: Những trường mầm non triệu đô

Giáo dục mầm non (MN) là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ của trẻ em. 

Nhưng hiện các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) trên cả nước gần như vắng bóng trường MN, khiến không ít bậc phụ huynh phải gửi con mình vào những lớp MN không đạt chuẩn, xa chỗ làm. Việc các doanh nghiệp trong các KCN ở Đồng Nai đầu tư xây dựng nhà trẻ, trường MN dành riêng cho con công nhân là mô hình cần được nhân rộng ra cả nước.


Học miễn phí ở trường triệu đô

Vừa tan ca lúc 16 giờ, chị Nguyễn Thị Phương (quê ở Nghệ An) đã chạy vội đến trường chờ đón con, nét mặt của chị rạng ngời khi nhìn thấy con đang cùng với các bạn trong lớp chơi trò vận động ngoài sân cỏ. “Khi chưa có Trường MN Dona Standard, tôi và những người làm cùng công ty phải gửi con ở các nhóm lớp mẫu giáo tư nhân không phép, nên rất bất an vì sợ bị tai nạn và bạo hành. Bây giờ thì chúng tôi rất yên tâm vì công ty đầu tư xây dựng trường mẫu giáo đẹp, khang trang, hiện đại và còn cho học miễn phí nữa”, chị Phương nói. 


Trường MN Dona Standard đóng trên địa bàn KCN Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc), do Công ty Dona Standard thuộc Tập đoàn Phong Thái đầu tư xây dựng để chăm sóc và nuôi dạy con công nhân đang làm việc tại công ty, với tổng kinh phí là 3 triệu USD, được khánh thành và đưa vào sử dụng từ tháng 8-2016. Khuôn viên trường rộng 2,4ha gồm hàng chục phòng học, các phòng chức năng, khu vui chơi, khu vực ăn uống, cùng đội ngũ giáo viên giỏi (thu nhập trên 7 triệu đồng/tháng). Trường trông giữ hơn 1.000 con công nhân từ 6 giờ 30 đến 20 giờ, nên dù tăng ca người lao động vẫn yên tâm làm việc. Trường hoạt động không vì mục đích lợi nhuận nên không thu học phí mà do công ty hỗ trợ, phụ huynh chỉ đóng góp tiền ăn cho mỗi cháu 430.000 đồng/tháng... Ngoài ra, các khoản bảo hiểm cũng được công ty hỗ trợ. 


Trước đó, Công ty TNHH Phương Đông thuộc Tập đoàn Phong Thái đóng tại KCN Sông Mây (huyện Trảng Bom) cũng đầu tư xây dựng trường MN dành riêng cho con công nhân của công ty, với 30 phòng học theo chuẩn của Bộ GD-ĐT, tổng kinh phí hơn hơn 1 triệu USD, được trích từ quỹ phúc lợi của công ty. Mức học phí chỉ hơn 300.000 đồng/tháng/cháu, bao gồm cả tiền ăn. Công ty hỗ trợ thêm tiền sữa và các bữa phụ cho các cháu. Trường được xây gần với khu nhà ở công nhân nên rất thuận tiện việc đưa đón. 


Năm 2006, Tập đoàn Phong Thái cho biết đã đầu tư 14 triệu USD cho dự án phúc lợi đầu tiên, gồm 1 nhà lưu trú cho người lao động và 1 trường MN cho con em người lao động tại địa bàn huyện Trảng Bom. Đại diện lãnh đạo tập đoàn này bày tỏ: “Đồng hành với người lao động để mọi người xem công ty là nhà và an tâm làm việc, cống hiến, là mục tiêu mà tập đoàn hướng tới. Với đội ngũ giáo viên đạt chuẩn, được tuyển chọn kỹ càng, chế độ dinh dưỡng hợp lý, chương trình học đa dạng, chúng tôi mong muốn góp phần xây dựng những lứa MN tương lai của đất nước phát triển toàn diện cả văn - thể - mỹ”.

Mô hình cần được nhân rộng


Bà Nguyễn Thị Như Ý, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Đồng Nai, cho biết thực hiện Chỉ thị số 09 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp MN ở các KCN, KCX, Tỉnh ủy - UBND tỉnh đã có nhiều biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc giao đất và các điều kiện để xây dựng những trường MN cho con công nhân lao động ở các KCN. Cụ thể, ngoài Tập đoàn Phong Thái, năm 2016 Công ty Tae Kwang Vina đã đầu tư và đưa vào sử dụng Trường MN tư thục Thái Quang (tại KCN Agtex Long Bình, thành phố Biên Hòa) với diện tích 7.500m2, có mức đầu tư trên 3 triệu USD, với quy mô chăm lo khoảng 1.000 cháu là con em công nhân của công ty. Hiện nay đã có 300 cháu đang theo học.

Trước đó, năm 2013 Công ty Pou Chen Việt Nam (đóng tại xã Hóa An, thành phố Biên Hòa) cũng khai trương Trường MN Thế Giới Xanh (Green World) với 18 phòng học và 5 phòng chức năng, trong đó có phòng học nhạc và một phòng tập thể dục, đáp ứng tiếp nhận chăm sóc, giảng dạy cho 500 trẻ từ 2-5 tuổi.

Cũng theo lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, tỉnh chủ trương kêu gọi xã hội hóa để xây dựng các trường MN nên ngoài những doanh nghiệp đầu tư lớn, hiện tại ở các KCN của tỉnh, nhiều doanh nghiệp cũng đã có trách nhiệm đầu tư, xây dựng nhà trẻ phục vụ con em công nhân, như ở huyện Nhơn Trạch có Công ty TNHH Hwaseung Vina đầu tư xây trường MN tại xã Hiệp Phước trị giá 5 tỷ đồng. Doanh nghiệp này đang tiếp tục đầu tư xây dựng thêm 1 trường tại xã Long Thọ trị giá 3 tỷ đồng. Công ty TNHH Dệt may Eclat Việt Nam đã đầu tư 5 tỷ đồng xây dựng trường MN ở xã Hiệp Phước. Công ty TNHH Hyosung Việt Nam cũng đang xin chủ trương đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng trường MN cho con công nhân tại xã Hiệp Phước.

Cách làm hay như trên của các doanh nghiệp rất cần được nhân rộng, để đảm bảo nhu cầu học tập của con em công nhân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung.

TIẾN MINH

 Văn phòng TW Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực - Nhân tài Việt Nam tổng hợp từ các nguồn:tienphong.vn; laodong.vn; vinhuni.edu.vn; tuoitre.vn; sggp.org.vn.

 

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển