Ngày hôm qua, cử tri cả nước đã theo dõi sát sao ngày chất vấn đầu tiên của Kỳ họp thứ Bảy. Cảm nhận rõ nét nhất là qua từng năm, từng nhiệm kỳ, các phiên chất vấn của Quốc hội đều có những cải tiến, đổi mới để đưa hoạt động này ở nước ta đến gần hơn nữa với bản chất của nó. Chất vấn thực ra không phải là hỏi - đáp. Chất vấn là việc ĐBQH yêu cầu các thành viên Chính phủ trả lời về việc thi hành chính sách quốc gia, hay về một vấn đề hiện thời nào đó của quốc gia. Đây là một hình thức giám sát nhằm xác định trách nhiệm và một đặc điểm của nó là tạo ra cuộc tranh luận chung ở nghị trường mà tất cả các vị ĐBQH đều có quyền tham gia. Việc các “tư lệnh” ngành, lĩnh vực và ĐBQH cùng đối thoại, tranh luận trực tiếp về một số ít vấn đề chắc chắn sẽ giúp cho việc làm sáng tỏ bản chất sự việc trở nên dễ dàng, khả thi hơn. Nếu thiếu sự trao đổi, tranh luận thì khó lòng thấy hết được tất cả hậu quả của chính sách và có sự điều chỉnh phù hợp.
Trong phiên chất vấn, cơ hội chia đều cho các đại biểu và “tư lệnh” ngành, lĩnh vực. Các đại biểu sẽ có thêm thông tin và có dịp để đánh giá về những nhược điểm, thiếu sót trong công việc của các “tư lệnh” ngành, lĩnh vực, từ đó sẽ bày tỏ sự tín nhiệm của mình. Ngược lại, các “tư lệnh” ngành, lĩnh vực cũng có dịp để bày tỏ tinh thần trách nhiệm của mình đối với công việc được giao, từ đó tạo thêm sự tín nhiệm của mình trước Quốc hội. Khi diễn đàn Quốc hội ngày càng dân chủ và tranh luận thẳng thắn để đi đến tận cùng vấn đề, thì các “tư lệnh” ngành, lĩnh vực khó có thể lơ là với hai từ trách nhiệm.
Chẳng thế mà cử tri nói, hoạt động chất vấn của Quốc hội thực chất là một trong những phương thức đánh giá năng lực của những người đã được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn vào các chức vụ lãnh đạo, điều hành đất nước trong các lĩnh vực khác nhau. Trước “lửa” cử tri và các đại biểu, ai “vàng”, ai “thau” đều lộ ra.
Nhưng sau đó mọi chuyện diễn ra như thế nào mới quan trọng. Hiệu quả các phiên chất vấn của Quốc hội không chỉ được thể hiện ở những câu hỏi “nóng” của đại biểu hay những lần “xin nhận trách nhiệm” và lời hứa “rút kinh nghiệm sâu sắc” của “tư lệnh” ngành, lĩnh vực mà nó phải được đánh giá ở khâu “hậu chất vấn”. Điều cử tri trông đợi hơn cả là những chuyển biến sau chất vấn bởi nó thực sự tác động đến đời sống cử tri. Hết quy hoạch treo dân mới bớt khổ sở, tạm bợ trên chính mảnh đất của mình. Ngăn chặn được ma túy xâm nhập vào nội địa cử tri mới có được đời sống an lành. Tất cả trạm BOT đều thu phí không dừng thì may ra mới minh bạch được dự án BOT…
Nhưng, nhận trách nhiệm - chỉ trong một lời nói, để tạo chuyển biến thực chất - cần hơn thế rất nhiều ở mỗi “tư lệnh” ngành, lĩnh vực và sự phối hợp. Trên thực tế, vẫn còn có những lời hứa sau kỳ họp chưa trở thành hiện thực. Ngay trên nghị trường hôm qua, cũng có một số vấn đề đại biểu đã chất vấn từ kỳ họp trước nhưng do chuyển biến còn chậm, hoặc chưa được giải quyết nên đại biểu phải chất vấn lại. Xét đến cùng, chỉ khi các ĐBQH tiếp tục đeo bám quyết liệt vấn đề mình đã chất vấn thì vấn đề mới có thể được giải quyết rốt ráo.