Giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí như giữ gìn con ngươi của mắt mình
|
Thời gian đã lùi xa hơn ½ thế kỷ, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo Di chúc lần đầu tiên, tư tưởng về đạo đức của Đảng, về xây dựng đạo đức trong Đảng của Hồ Chí Minh càng ngày càng tỏ rõ, đây là một tư tưởng lớn, là một đóng góp quan trọng của Hồ Chí Minh vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về chính đảng cách mạng. Đặc sắc và độc đáo hơn nữa khi Hồ Chí Minh nhấn mạnh tới văn hóa trong Đảng, “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Đạo đức là cốt lõi của văn hóa. Bốn chữ “Thật” đem thực hành trong Đảng sẽ định hình văn hóa đạo đức của Đảng cầm quyền. Từ nền tảng này tiến tới xây dựng Đảng về văn hóa.
GS.TS. Hoàng Chí Bảo
|
Người thể hiện trong Di chúc, ý chí mãnh liệt của toàn dân tộc, quyết tâm đánh bại hoàn toàn giặc Mỹ cứu nước, dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhưng cuối cùng nhất định chúng ta sẽ thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn. Khẳng định đó của Người có sức động viên, cổ vũ to lớn đối với quân và dân ta khắp hai miền Nam - Bắc.
Trong bản văn Di chúc 1.000 từ để lại, Người tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng bao nhiêu thì Người cũng đặc biệt quan tâm bấy nhiêu tới công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Lãnh đạo toàn dân tộc trong cách mạng giải phóng để hoàn thành mục tiêu độc lập dân tộc, Đảng cần có sức chiến đấu của một Đảng chân chính cách mạng. Xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, Đảng với tư cách là đội tiên phong của giai cấp công nhân và của dân tộc, nhận trọng trách lãnh đạo và cầm quyền, phấn đấu hy sinh vì Độc lập - Tự do - Hạnh phúc của Tổ quốc và nhân dân, Đảng càng cần có sức mạnh chiến đấu ấy. Đảng tồn tại và hành động chỉ vì tương lai, triển vọng của dân tộc trên con đường phát triển, vì quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi người dân Việt Nam. Để làm tròn sứ mệnh vẻ vang đó do giai cấp - dân tộc và nhân dân ủy thác, Đảng không chỉ cần có năng lực lãnh đạo với trí tuệ khoa học và bản lĩnh chính trị mà còn phải có phương hướng chính trị sáng suốt, phương pháp lãnh đạo, cầm quyền sáng tạo, nhất là có sức mạnh tổ chức, phẩm chất đạo đức trong sáng, sự đoàn kết gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
Trong Đảng, từ chi bộ tới Trung ương, từ Trung ương đến chi bộ phải giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Với dân, Đảng phải làm cho dân giác ngộ, dân hiểu biết, dân tin tưởng, dân ủng hộ, dân giúp đỡ và dân bảo vệ. Đó là bí quyết của thành công. Muốn vậy, Đảng phải làm hết sức mình vì lợi quyền của dân chúng, làm sao cho dân đặt niềm tin tuyệt đối vào Đảng, tự hào xem Đảng là Đảng của mình. Tận tụy, trách nhiệm, nêu cao đức hy sinh và sự gương mẫu của cán bộ đảng viên là bảo đảm bền vững cho uy tín và ảnh hưởng của Đảng trong lòng dân. Bởi thế, trong Di chúc, khi khẳng định,“Đảng ta là một Đảng cầm quyền”, Người đã 4 lần nhấn mạnh tới chữ “THẬT” chỉ trong một đoạn văn ngắn nói về Đảng cầm quyền. Việc đặc biệt nhấn mạnh tới đạo đức đối với Đảng và đạo đức trong Đảng là nằm trong chủ kiến, chủ thuyết của Người về Đảng, làm tầm nhìn xa trông rộng của Người.
“Đảng ta là một Đảng cầm quyền”. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(1).
Có thể nói, với một Đảng như thế và chỉ một Đảng như thế, cách mạng mới thắng lợi, sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và nhân dân mới thành công.
Tư tưởng của Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng không chỉ cần thiết và quan trọng đối với Đảng ta, với nước ta mà còn mang ý nghĩa phổ biến, phổ quát và có giá trị trường tồn đối với các Đảng cộng sản trong phong trào cách mạng thế giới, trong thế giới nhân loại, trong cuộc hành trình gian khổ nhưng vô cùng vĩ đại và cao thượng tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
Thực tiễn lịch sử đã cho lời xác tín về tư tưởng của Người. Tương lai, triển vọng lâu dài của lịch sử theo lý tưởng, mục tiêu chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi thế giới cũng sẽ xác tín chắc chắn như vậy. Trong hàng ngũ các vĩ nhân cộng sản, duy nhất chỉ có Hồ Chí Minh để lại bản văn Di chúc cho đời và cũng chỉ có Hồ Chí Minh trong suốt thời gian dài ở đỉnh cao quyền lực(2) mà lại chú trọng thường xuyên tới vai trò của đạo đức trong cầm quyền, trong thực thi quyền lực đến như vậy. Người thực sự nằm trong số lãnh tụ hiếm hoi của các Đảng Cộng sản, của các nước XHCN và của phong trào cộng sản, và đã suốt đời thực hành nhất quán, triệt để về đạo đức cách mạng trong đời sống đạo đức của đảng viên và của toàn Đảng mà bản thân Người là một mẫu mực lý tưởng.
Sâu xa hơn nữa, Hồ Chí Minh là người đã sớm nhận thấy, muốn cho Đảng thực sự là đạo đức, là văn minh thì Đảng phải dựa vào dân, cán bộ đảng viên phải gắn bó mật thiết với dân, suốt đời gần dân và vì dân. Không có sự giúp đỡ, tiếp sức, thúc đẩy của dân thì Đảng, trong không ít trường hợp, nhất là khi đã cầm quyền cũng khó vượt qua những suy thoái, hư hỏng.
Nhờ nỗ lực của Đảng và nỗ lực giúp sức của dân mà Đảng mới có thể thực sự trong sạch, thực sự vững mạnh.
Những kiến giải ấy của Hồ Chí Minh, từ tư tưởng sâu sắc mà thâm thúy, cô đọng, hàm súc mà có âm hưởng lớn, có hiệu ứng rộng, có sức lan tỏa xa cho đến tấm gương đạo đức tuyệt vời trong sáng của Người và trở thành phong cách giản dị, tự nhiên, như nhiên, “Giản dị - Lão thực - Hiền minh(3) như nhận xét tinh tế của Phạm Văn Đồng về Người, ta nhận ra tầm vóc và ảnh hưởng của Hồ Chí Minh trong lòng dân tộc và nhân loại. Tất cả kết tinh trong Di chúc của Người.
Kết tinh căn dặn của Người với Đảng, với nước, với dân, với dân tộc và quốc tế
Đề cập tới vấn đề con người, Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh tới chính sách xã hội và quản lý xã hội, xác định rõ trách nhiệm của Đảng và Chính phủ trong lãnh đạo và quản lý. Đó là chính sách đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sĩ, các gia đình có công với nước, tuyệt đối không để họ rơi vào cảnh đói khổ sau chiến tranh, tạo điều kiện cho họ có cuộc sống ổn định, có việc làm thích hợp. Người còn chỉ dẫn tỉ mỉ những công việc phải làm để giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, truyền thống yêu nước và anh hùng của dân tộc, giáo dục các thế hệ tương lai trách nhiệm và nghĩa vụ, kế thừa các thế hệ cha anh.
Quan tâm rất mực tới con người, trong Di chúc, Người nêu rõ, nhân dân lao động ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Đó là sự cảm thông sâu sắc của Người đối với cuộc sống và hoàn cảnh sống của đồng bào ta, đặc biệt là nông dân và đồng bào các dân tộc thiểu số. Người đánh giá cao lòng dũng cảm, đức hy sinh và phẩm chất cần cù của đồng bào ta, nhất là từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng(4). Do đó, “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”(5).
Bản viết và sửa chữa của Người trong Di chúc vào tháng 5.1968, lúc Người đã 78 tuổi, đã thuộc lớp người “trung thọ” như Người nói, có một vị trí đặc biệt quan trọng, nổi bật tư tưởng nhân văn, chăm lo tới mọi người, mọi việc, trù tính bao việc phải làm để kiến thiết đất nước, chấn hưng dân tộc sau chiến tranh.
Người căn dặn Đảng và Chính phủ chăm lo tới các chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong, chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành nghề, đào tạo thành cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta(6). Đây là tư tưởng lớn về nguồn nhân lực trong phát triển, là phát huy vai trò nhân tố con người trong chủ nghĩa xã hội.
Người dành cho phụ nữ sự quan tâm đặc biệt, nhắc nhở các cấp lãnh đạo Đảng và chính quyền chăm lo tới sự tiến bộ của chị em, kể cả trong tham gia lãnh đạo chính trị, còn chị em phải chủ động vươn lên, giành lấy bình quyền, đây là cả một cuộc cách mạng.
Người với lòng bao dung, độ lượng vĩ đại, chủ trương giúp đỡ các nạn nhân của chế độ xã hội cũ, tạo điều kiện cho họ trở nên người lương thiện, hòa hợp cộng đồng.
Người đề xuất miễn thuế nông nghiệp cho nông dân ngay sau chiến tranh, sửa đổi giáo dục cho phù hợp với hoàn cảnh mới, phát triển y tế, chăm lo đời sống cho nhân dân, đồng thời có kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế. Củng cố quốc phòng, chuẩn bị mọi việc để thống nhất Tổ quốc.
Người đã phác thảo một bức tranh rộng lớn, toàn diện về xây dựng đất nước sau chiến tranh và đó cũng là nội dung của đổi mới và phát triển, không thiếu một việc gì, không sót một đối tượng nào.
Có thể thấy, toàn bộ bản Di chúc từ tinh thần đến lời văn đã kết tinh những lời căn dặn của Người với Đảng, với nước, với dân, với dân tộc và quốc tế, với Đảng ta và phong trào cộng sản trên thế giới.
Di chúc ở tầm bảo vật quốc gia cũng đã kết tinh tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, là giá trị cao quý, trường tồn Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta.
Trong tư tưởng của Người, cần nhận rõ những kiến giải, trù tính của Người về chủ nghĩa xã hội, về đổi mới thể hiện trong Di chúc. Đó là những nét mới, đặc sắc tôn thêm tầm vóc lịch sử, giá trị, ý nghĩa và sức sống của bản Di chúc mà Người chuẩn bị công phu trước lúc ra đi, để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta.
_____________
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.622.
2. Người vừa là Chủ tịch Đảng từ Đại hội II, 1951, Đại hội III, 1960 đến cuối đời vừa là Chủ tịch Nước từ năm 1945 đến năm 1969.
3. Phạm Văn Đồng, Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc, trong sách Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc, tinh hoa của thời đại, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1974, tr.7-31.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.622
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tr.622
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 15, tra.616-617