Tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản của con người; đồng thời cũng là một trong những cách thức để con người vượt qua khó khăn, nghèo đói, tự vượt lên chính mình hòa nhập với cộng đồng và cuộc sống sôi động, phong phú của xã hội. Đối với những người dân nghèo, cung cấp cho họ vốn liếng phục vụ lao động sản xuất là rất cần thiết, nhưng điều không kém phần quan trọng là phải kịp thời chuyển tải, trang bị cho họ những kiến thức, cách thức làm ăn để từng bước vượt khó, thoát nghèo. Nhận thức rõ vấn đề này, những năm gần đây, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm tạo cơ hội cho bộ phận người dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có điều kiện tiếp cận các dịch vụ thông tin. Hiện nay, 100% xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn đã được Chính phủ cấp 18 đầu báo, tạp chí; các già làng, trưởng bản, người có uy tín, chức sắc tôn giáo và trưởng các tổ chức đảng, đoàn thể quần chúng cấp thôn (thanh niên, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh…) ở 10 tỉnh miền núi, biên giới, ven biển cũng được cấp radio miễn phí. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã có những việc làm thiết thực giúp người dân “xóa đói” về thông tin, như: Tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ cơ sở (xã, thôn) nâng cao kỹ năng thông tin, tuyên truyền về giảm nghèo; xây dựng, tổ chức các chương trình chuyên đề thông tin và truyền thông về công tác giảm nghèo; phổ biến cho hộ nghèo về chính sách giảm nghèo, kinh nghiệm tốt, cách làm hiệu quả về vượt khó thoát nghèo…

Ảnh minh họa. 

Theo báo cáo gần đây của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 6,7% vào cuối năm 2017. Trong 3 năm qua, đã có 8 huyện, 38 xã được đưa ra khỏi danh sách huyện, xã đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư Chương trình 135 của Chính phủ. Thành công này bắt nguồn từ nhiều yếu tố, trong đó có vai trò quan trọng của công tác truyền thông giảm nghèo và thực hiện các chính sách về bảo đảm tiếp cận thông tin cho người dân nghèo ở địa bàn đặc biệt khó khăn.

“Việt Nam cam kết xóa bỏ tình trạng nghèo dưới mọi hình thức, không để bất cứ ai bị bỏ lại phía sau” là cam kết chính trị của nước ta đối với cộng đồng quốc tế. Đó cũng là chính sách nhân văn, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong việc tạo cơ hội cho mọi người dân không chỉ có công ăn, việc làm, thu nhập ổn định, bảo đảm mức sống tối thiểu, mà còn được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, như: Y tế, giáo dục, thông tin… Với hơn 53% số dân sử dụng internet, Việt Nam hiện đứng thứ 16/20 quốc gia có sử dụng internet nhiều nhất tại châu Á. Tuy nhiên, tỷ lệ người dùng internet chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị, đồng bằng và đối tượng sử dụng phần lớn là người trẻ. Một bộ phận người nghèo ở nước ta, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa hiện nay vẫn chưa được thường xuyên tiếp cận thông tin. Điều này đang đặt ra cho chúng ta cần sớm giải quyết bài toán nơi thì “bội thực” thông tin, trong khi chỗ cần, người cần cung cấp thông tin thì lại chưa có điều kiện bảo đảm kịp thời, đầy đủ. 

Thông tin được ví như sức mạnh, “chìa khóa của quyền lực”. Vì vậy, việc chủ động cung cấp thông tin, trang bị kiến thức, tạo mọi điều kiện cho người dân, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số, người nghèo, người yếu thế ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, chính là giúp đồng bào mở mang tầm nhìn, có thêm hiểu biết, nâng cao kiến thức để tự tin vào bản thân, chủ động vượt khó vươn lên lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, văn minh, hạnh phúc.

BẢO NHƯ

Nguồn: www.qdnd.vn