XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU TỔ CHỨC TẦM CHIẾN LƯỢC ĐÁP ỨNG YÊU CẦU THỜI KỲ ĐỔI MỚI VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ.
I. TIÊU CHUẨN NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU TỔ CHỨC QUA CÁC GIAI ĐOẠN CÁCH MẠNG.
Người đứng đầu tổ chức có vai trò quyết định sự thành bại của tổ chức và vận mệnh của đất nước. Đối với các tổ chức người đứng đầu có tâm và đạt tầm sẽ tạo ra đội ngũ cán bộ dưới quyền có chất lượng cao và khai thác tốt nhất tiềm năng của tổ chức. Ngược lại người đứng đầu tổ chức thiếu tâm và không đạt tầm sẽ tạo ra đội ngũ cán bộ dưới quyền yếu kém và không có khả năng khai thác tiềm năng của tổ chức, thậm chí còn làm suy thoái tổ chức.
Trong lịch sử của từng đất nước và dân tộc, giai đoạn nào xuất hiện người đứng đầu đất nước là người hiền tài, ở giai đoạn lịch sử ấy sẽ hình thành đội ngũ cán bộ dưới quyền có chất lượng cao, xuất hiện nhiều nhân tài, phong trào cách mạng phát triển thành cao trào và đạt nhiều thành quả cao nhất như: Vai trò của Lênin với cách mạng tháng Mười Nga và Đảng Bôn-sơ-vích vĩ đại; Bác Hồ với cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh; Phiđen-Castro với Đảng cộng sản Cu Ba anh hùng v.v.. Ngược lại, đất nước và dân tộc nào xuất hiện kẻ cơ hội lên cầm quyền là tai họa cho đất nước và dân tộc ấy, Góoc-ba-chốp là một điển hình lịch sử thế giới, lên cầm quyền chỉ trong thời gian ngắn đã phá tan Đảng cộng sản Liên Xô, Nhà nước Liên bang Xô Viết và hệ thống các nước XHCN.
Từ bài học thực tiễn về bố trí người đứng đầu tổ chức ở nước ta và các nước XHCN, cho chúng ta cảm nhận sâu sắc hơn tầm quan trọng của người đứng đầu tổ chức tầm chiến lược mà thận trọng trong việc tạo nguồn, đào tạo và bố trí sử dụng sao cho phù hợp với từng giai đoạn cách mạng, nhất là giai đoạn đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay.
1. Mỗi giai đoạn cách mạng có yêu cầu về tiêu chuẩn cán bộ khác nhau. Thời kỳ chiến tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập, do số lượng công việc và độ phức tạp còn thấp, hoạt động của cán bộ, đảng viên và người đứng đầu tổ chức chưa đòi hỏi nhiều về kiến thức khoa học, kỹ thuật mà đòi hỏi về cơ bản là lòng yêu nước, dũng cảm và sáng tạo trong chiến đấu giết giặc lập công. Tiêu chuẩn cơ bản người đứng đầu tổ chức trong giai đoạn cách mạng này là phẩm chất chính trị, bản lĩnh và dám hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Thời kỳ này do đối mặt với kẻ thù và sàng lọc của quy luật chiến tranh, cán bộ, đảng viên được rèn luyện trong chiến đấu là điều kiện biểu hiện rõ hơn những người nổi trội thủ lĩnh, do đó Đảng và Nhà nước có điều kiện nắm bắt thông tin lựa chọn và quyết định chính xác người đứng đầu tổ chức phù hợp với nhiệm vụ cách mạng ở giai đoạn này, thường là trùng hợp người đứng đầu tổ chức “vừa là thủ lĩnh và vừa là thủ trưởng”. Do vậy đã phát huy cao độ hiệu lực và hiệu quả hoạt động của tổ chức, đưa hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn, giành độc lập và thống nhất đất nước.
2. Bước sang giai đoạn cách mạng cả nước tiến hành xây dựng CNXH, đổi mới và hội nhập quốc tế. Số lượng công việc và độ phức tạp tăng lên nhiều lần so với giai đoạn kháng chiến cứu nước của dân tộc, đối với cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu tổ chức từ Trung ương cho đến các ngành, các cấp và cơ sở phải được nâng lên về chất. Ngoài các tiêu chuẩn phổ cập mà thời kỳ nào cũng phải hiện diện là phẩm chất chính trị, bản lĩnh và nhân cách cần phải trang bị nhiều kiến thức theo yêu cầu trong giai đoạn cả nước tiến hành xây dựng CNXH, đổi mới và hội nhập quốc tế. Giai đoạn cách mạng mới này đối với Đảng và nhân dân ta còn mới mẻ, học thuyết Mác - Lênin mới chỉ đưa ra các định hướng mang tính nguyên lý, còn các vấn đề cụ thể như thế nào chưa có tiền lệ trong lịch sử. Giai đoạn cách mạng mới này lại áp dụng nhiều kiến thức khoa học đa ngành trên mọi lĩnh vực hoạt động đời sống xã hội cán bộ, đảng viên nhất là người đứng đầu tổ chức tầm chiến lược nếu thiếu tâm và không đủ tầm sẽ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời kỳ tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.
3. Đào tạo cán bộ là việc làm rất công phu và đòi hỏi phải có thời gian dài, nhất là cán bộ tầm chiến lược, như Bác Hồ đã chỉ dạy “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Lẽ ra sau giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, Đảng cần có chương trình trồng người vì lợi ích trăm năm, như sắp xếp tổ chức, cử đại bộ phận người có công đối với công cuộc kháng chiến cứu nước, nhất là cán bộ trẻ tuổi gửi đi đào tạo kiến thức cơ bản ở các trường Đại học trong và ngoài nước với các kiến thức cần thiết cho sự nghiệp xây dựng đất nước và CNXH sẽ khắc phục tình trạng hụt hẫng cán bộ có tầm và đạt tâm như hiện nay. Bởi vì như là quy luật người chiến thắng sau chiến tranh thường hay ngưỡng mộ chiến công hơi kéo dài, ít thời gian giành chỗ lo liệu tinh tường cho tương lai, do đó người đứng đầu cấp chiến lược hiện nay chưa được đào tạo bài bản theo chức năng nhiệm vụ được giao.
Đối với đội ngũ cán bộ đào tạo trong môi trường giáo dục CNXH hiện thực ở miền Bắc nước ta và đào tạo ở các nước XHCN trước đây, chỉ đào tạo lý thuyết không gắn với thực tiễn, thiếu kỹ năng lãnh đạo, chưa đào tạo lại theo yêu cầu giai đoạn đổi mới và hội nhập quốc tế. Đối với đội ngũ cán bộ trưởng thành qua các cuộc kháng chiến cứu nước, sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, do không thực hiện chiến lược trồng người nên mọi người tự bơi lo liệu kiến thức của mình để chuẩn hóa bằng cấp theo yêu cầu của các chức danh được Đảng phân công (chủ yếu học ngành Luật và Chính trị), do đó khó tránh các hiện tượng tiêu cực nảy sinh như: Bằng dỏm bằng giả hoặc bằng thật nhưng kiến thức giả v.v.. ở không ít cán bộ tầm chiến lược và một số trường hợp đã bị phát hiện kỷ luật.
Hai đội ngũ người đứng đầu cấp chiến lược nêu trên đều tầm nhìn còn hạn chế, thiếu nhìn xa tổng thể như lời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong lễ khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, dẫn đến nhiều sai phạm trong lãnh đạo điều hành nền kinh tế - xã hội ở giai đoạn đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay, như do thiếu khả năng dự báo nên làm theo kiểu phong trào tỉnh, thành phố và địa phương nào cũng phải có các dự án: Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, sân gol, sân bay, thủy điện v.v.. Gần đây còn xuất hiện những “thành phố hoang” tại Bình Dương, Nhơn Trạch (Đồng Nai), Mộc Bài (Tây Ninh) … Các dự án trên thiếu tính khả thi nên khai thác kém hiệu quả, không bảo đảm vệ sinh môi trường và an sinh xã hội, lãng phí hàng nghìn ha đất nông nghiệp, đẩy bà con nông dân đến chỗ bần hàn không việc làm, tìm đến các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh định cư để sinh sống, làm quá tải các thành phố dẫn đến phát sinh các tệ nạn tiêu cực xã hội ngày càng lớn dần, làm mất an ninh xã hội.
Do kiến thức hạn chế và không phù hợp với giai đoạn đổi mới và hội nhập quốc tế, một số cán bộ không am hiểu chức năng nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao như một số tỉnh đùn đẩy việc định chế hành vi của một số công ty, xí nghiệp làm ô nhiễm môi trường sang Bộ Tài nguyên Môi trường giải quyết, các Bộ nói chung là tổ chức tham mưu cho Chính phủ lĩnh vực mình phụ trách, không có chức năng và bộ máy làm việc ấy, cơ quan hành pháp mới có chức năng và bộ máy thực thi pháp luật trong điều hành quản lý nền kinh tế - xã hội.
Mặt khác do thiếu kiến thức, tầm nhìn nhận thức không đầy đủ một số nghị quyết của Đảng nên thực hiện hiệu quả thấp, thậm chí sai phạm để lại hậu quả nghiêm trọng, ví dụ một số nghị quyết sau đây:
+ Nghị quyết Trung ương 5 khóa V về “Giá - lương - tiền” chuyển “giá - lương - tiền” thời bao cấp sang “giá - lương - tiền” thời kinh tế thị trường XHCN. Có nghĩa từng bước xóa giá bao cấp nâng dần lên sát giá thị trường, đồng thời nâng lương bằng chỉ số nâng giá và phát hành phá giá đồng tiền bao cấp trở về đúng giá trị thực của chúng (đến cuối năm 1986 đã nâng giá lên trên 700% sát giá thị trường lúc bấy giờ là 800%) nhưng các nhà lãnh đạo cao cấp cho là lạm phát nên không nâng lương bằng chỉ số nâng giá và không phát hành phá giá đồng tiền bao cấp, đã làm thất thoát của Nhà nước nhiều nghìn tỷ đồng ngân sách, không có khả năng cấp vốn đầu vào cho sản xuất và nâng lương phù hợp với nâng giá, để kéo dài hơn hai mươi năm đổi mới tiền lương vẫn dưới 50% giá trị sức lao động.
(Mặc dù sau đó đã nhiều lần điều chỉnh theo trượt giá).
+ Nghị quyết 32 Bộ Chính trị rất coi trọng khoa học tổ chức, thế nhưng hai mươi năm sau Nghị quyết ban hành mới thành lập Viện nghiên cứu Khoa học Tổ chức trực thuộc Ban Tổ chức Trung ương, hoạt động một số năm chưa ra được sản phẩm khoa học đầu tiên đã nhập vào Viện Xây dựng Đảng. Do không coi trọng Khoa học Tổ chức nên trong việc lãnh đạo, điều hành quản lý nền kinh tế - xã hội đất nước đã vi phạm các nguyên lý của khoa học tổ chức, để tổ chức trở thành nguyên nhân của các nguyên nhân.
+ Nghị quyết Trung ương 6 khóa X đề cập đến vấn đề xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh làm việc là sống còn của Đảng và CNXH, trong thực tế chúng ta chưa quan tâm đến điều kiện lao động, đời sống sinh hoạt của công nhân để các chủ doanh nghiệp vi phạm pháp luật của Việt Nam về lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội như nợ lương và bảo hiểm xã hội kéo dài để xảy ra nhiều cuộc đình công, bãi công hàng nghìn người. Hàng năm các cơ quan chức năng thiếu kiểm tra xử phạt và khen thưởng chủ doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi công nhân. Do hạn chế kiến thức và tầm nhìn, người đứng đầu cấp chiến lược, quá trình lãnh đạo điều hành nền kinh tế - xã hội đã vi phạm tính hệ thống trên nhiều lĩnh vực gây ra hậu quả nghiêm trọng, một vài ví dụ sau đây:
+ Lĩnh vực kinh tế đầu tư theo chiều ngược, trải thảm mời gọi đầu tư lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ trước đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, hậu quả làm quá tải gây ùn tắc giao thông và gây tai nạn giao thông ngày càng nghiêm trọng, phải đến một vài thập kỷ mới khắc phục cơ bản. Thực hiện quy trình thuận là cần có chính sách ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng trước một bước nhất là giao thông, tiếp theo sau mời gọi đầu tư công nghiệp và dịch vụ v.v.. sẽ tránh xảy ra hậu quả nêu trên.
+ Đổi mới mô hình Nhà nước thời chiến tranh và CNXH hiện thực sang mô hình Nhà nước pháp quyền XHCN, lại đưa khâu thủ tục hành chính (khâu cuối lên khâu đầu là khâu đột phá) nên qua hơn hai mươi năm đổi mới chưa hình thành mô hình Nhà nước pháp quyền XHCN mà là hình hài của một Nhà nước lai tạp chồng chéo tập trung quan liêu. Theo tính hệ thống đổi mới theo tuần tự là: Xóa bỏ chức năng nhiệm vụ Nhà nước tập trung quan liêu, xây dựng chức năng nhiệm vụ Nhà nước pháp quyền XHCN phù hợp với các nguyên lý khoa học tổ chức, làm căn cứ tổ chức lại hệ thống tổ chức và đào tạo lại đội ngũ công chức, viên chức trên cơ sở hệ thống tổ chức mới làm căn cứ đổi mới nền hành chính và thủ tục hành chính sẽ hiệu quả hơn.
II. NHỮNG GIẢI PHÁP XÂY DỰNG NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU TỔ CHỨC CẤP CHIẾN LƯỢC TRONG GIAI ĐOẠN ĐỔI MỚI VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ.
1. Tạo nguồn đào tạo đội ngũ người đứng đầu tầm chiến lược
+ Đối với người đứng đầu tổ chức tầm chiến lược đang đương chức cần đào tạo lại, đào tạo bổ sung ngành nghề phạm vi phụ trách, kỹ năng lãnh đạo và các kiến thức bổ trợ theo yêu cầu của nền kinh tế thị trường XHCN và hội nhập quốc tế.
+ Đào tạo đội ngũ kế thừa tầm xa từ 15 - 20 năm, tìm nguồn từ sinh viên các trường đại học với các chuyên môn tổ chức cần tuyển chọn, qua theo dõi phát hiện các sinh viên thông minh học giỏi, có năng khiếu v.v.. sau khi tốt nghiệp đại học phân công về cơ sở xã, phường và doanh nghiệp, có thể bố trí làm công nhân, quân nhân theo quy định thời gian cần thiết để rèn luyện thực tiễn, tính kỷ luật, kỷ cương, tinh thần tập thể, tính cộng đồng nhằm hoàn thiện nhân cách, bản lĩnh, lối sống và phát triển tài năng. Qua đó theo dõi hoạt động thực tiễn ở cơ sở để lựa chọn những người nổi trội cả đức và tài bố trí lên tổ chức cấp cao hơn. Trước khi bố trí lên cấp trên cần cử đi đào tạo các kiến thức bổ trợ chức danh mới được phân công.
+ Tạo nguồn từ công nhân và quân nhân. Guồng máy tổ chức hai lĩnh vực hoạt động công nghiệp và quân đội sẽ tạo tâm đức con người chuẩn mực, nhất là bản chất công nhân, tính kỷ cương năng động sáng tạo, là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua Đảng tiền phong của mình là Đảng cộng sản. Do đó cần có tỷ lệ người đứng đầu tổ chức tầm chiến lược xuất thân từ công nhân để làm trụ cột xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh, bảo vệ sự sống còn của Đảng và chế độ như NQTW 6 khóa X đã khẳng định Đảng và Nhà nước cần có chủ trương tạo nguồn từ công nhân bậc ba trở lên, quân nhân từ trung úy trở lên, cử đi học văn hóa nếu chưa qua trình độ trung học phổ thông, khi tốt nghiệp thi vào các trường đại học theo chuyên môn tổ chức cần tuyển chọn dự nguồn, sau khi tốt nghiệp đại học cử đi học tiếp các kiến thức bổ trợ cấp trên cơ sở, hoàn thành chương trình bố trí về cấp quận, huyện và cấp vụ của các Bộ, ngành, qua hoạt động thực tiễn chọn những người nổi trội bố trí lên cấp cao hơn và theo lịch trình cho đến khi đạt chuẩn người đứng đầu tổ chức cấp chiến lược.
2. Đổi mới thể chế công tác tổ chức cán bộ theo yêu cầu giai đoạn đổi mới và hội nhập quốc tế.
Mỗi giai đoạn cách mạng có môi trường và hệ thống các quy luật tác động vào mọi hoạt động đời sống xã hội, trong đó công tác tổ chức cán bộ không ngoại lệ. Để có cơ sở xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung và người đứng đầu tổ chức tầm chiến lược nói riêng cần phải xây dựng thể chế, hình thức và phương pháp sao cho phù hợp với nhiệm vụ từng giai đoạn cách mạng, mới có thể tạo ra đội ngũ cán bộ chất lượng cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng giao.
Giai đoạn kháng chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm giành độc lập và xây dựng CNXH hiện thực ở miền Bắc nước ta Đảng lãnh đạo công tác tổ chức cán bộ tập trung trực tiếp phù hợp với quy luật chiến tranh và quy luật cân đối có kế hoạch, đã đào tạo đội ngũ người đứng đầu cấp chiến lược có tâm và đạt tầm nên đã lãnh đạo hoàn thành xuất sắc các cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập và thống nhất đất nước, vang dội khắp năm châu, bạn bè thế giới khâm phục.
Nay chuyển sang giai đoạn cả nước tiến hành xây dựng CNXH, đổi mới và hội nhập quốc tế, môi trường và hệ thống các quy luật hoàn toàn mới tác động vào công tác tổ chức cán bộ cần thiết phải chuyển đổi thể chế, hình thức và phương pháp tập trung trực tiếp sang phân quyền. Đảng lãnh đạo công tác cán bộ thông qua chiến lược về tổ chức cán bộ, quy định tiêu chuẩn từng vị trí công tác cho cả hệ thống chính trị, đào tạo, tạo nguồn để người đứng đầu và cấp ủy, từng cấp tuyển chọn và quyết định cán bộ. Giai đoạn cách mạng này đòi hỏi người đứng đầu tổ chức và cấp ủy các cấp phải được làm chủ cả hai lĩnh vực: nhiệm vụ tổ chức - công tác tổ chức cán bộ và chịu trách nhiệm trước cấp trên và pháp luật mọi hành vi của tổ chức và cán bộ của cấp mình phụ trách. Trung ương chỉ trực tiếp tạo nguồn, đào tạo và tuyển dụng người đứng đầu các tổ chức đơn vị trực thuộc như: Bí thư, chủ tịch cấp tỉnh, thành phố và các cấp trưởng Bộ, ban, ngành và quy định giao quyền cho người đứng đầu cấp chiến lược và cấp ủy cùng cấp được quyền tuyển chọn cán bộ dưới quyền và nhân sự mà cấp mình sử dụng, chịu trách nhiệm trước cấp trên và pháp luật mọi hành vi mà cấp mình tuyển chọn. Thể chế này sẽ tạo điều kiện cấp ủy và người đứng đầu tổ chức hoạt động năng động sáng tạo điều hành tổ chức hiệu lực và hiệu quả hơn, khắc phục tệ quan liêu của thể chế tập trung của mô hình CNXH hiện thực. Hàng năm Trung ương định ra kế hoạch kiểm tra thực hiện trách nhiệm với các quyền tự chủ nêu trên để khắc phục những khuyết nhược điểm và nhân rộng các ưu điểm, cũng là giải pháp xây dựng đội ngũ người đứng đầu tầm chiến lược và hệ thống tổ chức chất lượng cao để khai thác tốt nhất tiềm năng của tổ chức.
3. Đổi mới hình thức và phương pháp tuyển chọn người đứng đầu tổ chức cấp chiến lược.
Mỗi giai đoạn cách mạng phải có hình thức và phương pháp tuyển chọn người đứng đầu tổ chức tầm chiến lược sao cho phù hợp với môi trường và hệ thống quy luật của từng giai đoạn cách mạng mới tạo ra đội ngũ người đứng đầu tổ chức có tâm và đạt tầm để lãnh đạo thành công cách mạng. Giai đoạn chiến tranh ái quốc và xây dựng CNXH hiện thực, lãnh đạo và quản lý nền kinh tế - xã hội bằng mệnh lệnh là chủ yếu, người đứng đầu tầm chiến lược do Đảng cử đảng viên và nhân dân bầu cử là phù hợp. Hoạt động trong môi trường nền kinh tế thị trường XHCN theo định hướng của Đảng, mọi công dân, đảng viên phải được quyền ứng cử và đề cử, thông qua chương trình tranh cử để cử tri lựa chọn người có đức độ và tài năng ra ghánh vác việc Đảng và việc nước. Tranh cử sẽ kích thích mọi người gắng sức học hỏi, rèn luyện sẽ làm xuất hiện nhân tài và sẽ loại những kẻ cơ hội ra khỏi hệ thống. Khi trúng cử đảng viên và nhân dân căn cứ chương trình tranh cử dám sát các ứng cử viên theo định kỳ, nếu sự tín nhiệm sút giảm dưới 50% đề nghị miễn chức và tuyển chọn người khác thay thế, để bảo đảm guồng máy vững mạnh và phát triển, khai thác tốt nhất tiềm năng của tổ chức.
Nhìn chung, vai trò lãnh đạo của Đảng về công tác tổ chức cán bộ là mang tính phổ biến, sẽ hiện diện qua các giai đoạn cách mạng không thay đổi. Nhưng ngược lại về thể chế, hình thức và phương pháp công tác tổ chức cán bộ mang tính đặc thù, phải thường xuyên thay đổi theo yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng, mới bảo đảm xây dựng người đứng đầu tổ chức có tâm và đạt tầm để lãnh đạo thành công các giai đoạn cách mạng và công cuộc cách mạng.
KS. NGUYỄN KIM ĐĨNH
(Nguyên CVCC Ban Tổ chức Trung ương - Phó Chủ tịch Hội Khoa học PTNLNT Việt Nam)