Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 7, 27/04/2024

Đang duyệt: Trang chủ Tin tức - sự kiện

ĐỂ CHIẾM ĐƯỢC TRÁI TIM VÀ NIỀM TIN CỦA CÔNG CHÚNG

Một cuộc cải cách sâu rộng, đi vào yếu tố căn cốt đóng vai trò quan trọng đối với việc quy hoạch lại và thúc đẩy phát triển báo chí trong giai đoạn mới. Hơn lúc nào hết, chính các cơ quan báo chí và đội ngũ báo chí phải tìm ra con đường để khẳng định giá trị của thông tin và bồi đắp được niềm tin trong công chúng. Xin giới thiệu những chia sẻ của nhà báo HỒ QUANG LỢI (ảnh nhỏ), Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam về những vấn đề đang được những người làm báo và cả cộng đồng quan tâm hiện nay.

Món nợ nghề nghiệp

Gần đây, một nhà báo phỏng vấn tôi rằng, sau mấy chục năm làm nghề với nhiều vị trí công việc khác nhau, từ phóng viên đến tổng biên tập, từ làm báo trực tiếp đến làm quản lý báo chí và làm công tác Hội, ông có thấy báo chí chúng ta đang có món nợ nào chưa trả được hay không?

Tôi nghĩ về những món nợ nghề nghiệp cụ thể và món nợ với cuộc đời. Tôi muốn nói đến tờ báo tôi từng lãnh đạo, cũng như báo chí nói chung, dù cố gắng rất nhiều nhưng vẫn còn đó những bất cập, hạn chế trong việc phấn đấu trở thành nguồn thông tin quan trọng, hữu ích cho người đọc. Đây đó, vẫn còn nhiều những bất công, ngang trái. Nhiều người dân còn quá khổ sở mà báo chí chưa đề cập hoặc chưa đề cập đúng mức. Người ta thất vọng mà báo chí chưa đem lại được cho họ niềm hy vọng. Cuộc vật lộn giành trái tim, niềm tin của công chúng vẫn còn là một vấn đề lớn của báo chí chúng ta...

Ở thời điểm hiện tại, vấn đề mạng xã hội đang có tác động mạnh, thậm chí đang gây những áp lực “khủng khiếp” lên cả đời sống xã hội chứ không phải chỉ riêng đời sống báo chí. Phải làm gì để giảm tải những tác động tiêu cực, những áp lực xấu, không đáng có đó cho tất cả? Món nợ này phải được thanh toán bằng cách nào?

Những điều còn nguyên giá trị

Có thể thấy, mạng xã hội đang trở thành một phần “không thể thiếu” của đời sống xã hội và thế giới ngày nay. Cơ hội rất lớn, tiện ích không hề nhỏ. Mạng xã hội có xây đắp, nhưng cũng có hủy hoại, tàn phá. Facebook đang là “siêu quyền lực” vì tính không bị kiểm soát và không thể kiểm soát. Sự bình yên đang bị tước đoạt vì sự thiếu tử tế và tàn nhẫn. Mark Zuckerberg, 35 tuổi, cha đẻ của Facebook đã bị Chris, người bạn cùng phòng ở ký túc xá Đại học Harvard, sau này là người đồng hành, nhận xét: “Mark vẫn là một con người. Nhưng bởi chính cái sự người đó, thứ quyền lực chẳng ai kiểm soát được của Facebook đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng”.

Mạng xã hội với xã hội nói chung và báo chí nói riêng là câu chuyện cực lớn. Báo chí sẽ phải trải qua một cuộc cách mạng thật sự về cách thức, phương thức làm nghề. Nhưng, tôi nghĩ, lý tưởng làm nghề, đạo đức làm nghề thì không thể khác.

Vậy ở thời kỳ hiện nay, đâu là phẩm chất cần thiết nhất của một nhà báo? Tôi nghĩ, ở bất cứ thời kỳ nào thì “trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật” vẫn là những yêu cầu có tính nguyên tắc khi hoạt động nghề báo. Để làm được điều đó, đòi hỏi nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ và có đạo đức nghề nghiệp trong sáng.

Báo chí có trách nhiệm bảo vệ công lý và lẽ phải, cho nên nhà báo phải dũng cảm và có tinh thần dấn thân. Đã nói đến báo chí là nói đến tinh thần chiến đấu, đi đến cùng, làm rõ sự thật, bảo vệ sự thật. Nhưng tính chiến đấu của báo chí phải gắn liền với tính nhân văn. Chúng ta không thể phơi bày mọi thứ lên mặt báo bất chấp số phận của cá nhân và tập thể có liên quan. Có thể đằng sau mỗi bài báo là sinh mạng, là số phận của một con người hay một tập thể và sau đó nữa còn là bố mẹ, vợ con, người thân của họ. Cho nên, khi nhấn mạnh tính chiến đấu của báo chí, chúng ta cũng phải luôn suy nghĩ: Viết cho ai? Viết để làm gì? Rồi đi đến quyết định, viết cái gì, viết như thế nào như Bác Hồ đã căn dặn. Cái tốt luôn cần được bảo vệ và lan tỏa. Càng đấu tranh vạch trần cái xấu, cái ác càng đòi hỏi tính nhân văn. Đây là việc cực kỳ khó khăn. Bởi khoảng cách giữa cái thiện và cái ác trong đấu tranh chống tiêu cực đôi khi rất mỏng manh. Cho nên, nếu phải nói gọn lại, tôi nghĩ, nhà báo phải là người “dũng cảm và nhân văn”.

Sau nhà báo là người đứng đầu cơ quan báo chí - những tổng biên tập báo in, báo điện tử, là những giám đốc nhà đài. Họ cũng đang rất cần được nhìn nhận thấu đáo, đánh giá đúng mức về cái được và cái chưa được, bao gồm cả việc tôn vinh những nỗ lực cố gắng hay đánh giá những sai lầm - một việc rất cần thiết đối với các cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý báo chí, pháp luật và cộng đồng xã hội. Đừng để ai bị oan ức. Nhất là đối với người làm nghề vô tư, chính trực. Bản thân nhà báo, Tổng Biên tập phải biết tự bảo vệ mình, đừng để những sai sót lặt vặt hủy hoại mình hoặc tạo cơ hội cho kẻ xấu “thọc gậy” mình. Chỉ khi nhà báo được bảo vệ quyền làm nghề chính đáng thì họ mới bảo vệ được chân lý và lẽ phải.

Một cơ quan báo chí lành mạnh, đích thực, các giá trị chính đáng đều được coi trọng, lao động sáng tạo được bảo vệ và tôn vinh thì đó là môi trường lý tưởng để báo chí có thể hoàn thành các sứ mệnh nhân văn to lớn và thiêng liêng - bảo vệ chân lý và lẽ phải.

Phóng viên Đài truyền hình tỉnh Yên Bái tác nghiệp tại điểm sạt lở do lũ quét ở xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Ngăn chặn biểu hiện tiêu cực trong đời sống báo chí

Một trong những chủ trương lớn liên quan trực tiếp đến đời sống báo chí hôm nay là vấn đề quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Quy hoạch đã được phê duyệt. Hội Nhà báo Việt Nam sẽ có những bước đi cần thiết để góp phần thực hiện tốt quy hoạch đó.

Trước tiên, phải khẳng định Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 là xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của thực tiễn. Bất cứ lĩnh vực nào cũng cần đến quy hoạch cụ thể để bảo đảm phát triển đúng định hướng. Chính vì vậy, quy hoạch trên hứa hẹn mang đến những điều tích cực hơn cho báo chí cả nước, qua đó làm rõ quan điểm của Đảng, Chính phủ khi đề ra và xây dựng quy hoạch là báo chí phải bảo đảm đúng tôn chỉ, mục đích, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để nhóm lợi ích chi phối báo chí. Quy hoạch sẽ giúp báo chí phát triển mạnh và bền vững, làm tốt chức năng thông tin và định hướng dư luận xã hội cũng như hạn chế được sự chồng chéo và lãng phí nguồn lực. Ngoài ra, quy hoạch sẽ góp phần ngăn chặn được các biểu hiện tiêu cực trong đời sống báo chí.

Tuy nhiên, việc quy hoạch này cũng tác động trực tiếp đến đời sống báo chí và đời sống của từng nhà báo, hội viên, các cấp Hội và cơ quan báo chí. Hệ thống báo chí sẽ có bước chuyển lớn với những thay đổi về cơ cấu tổ chức. Không ít Tổng Biên tập sẽ phải đau đầu về vấn đề này. Tới đây sẽ có nhiều cơ quan báo chí hoặc sáp nhập, hoặc chuyển từ báo thành tạp chí, đồng thời chấm dứt hoàn toàn việc báo hóa tạp chí. Điều đó dẫn đến nhiều nhà báo thiếu hoặc thậm chí là mất việc làm, hoặc chuyển sang làm việc khác.

Hội Nhà báo Việt Nam đã và đang dành sự quan tâm đặc biệt, sẽ rà soát, nắm bắt cặn kẽ tình hình triển khai thực hiện, đồng thời sát cánh cùng các cấp Hội, các hội viên để hỗ trợ, giúp đỡ các cấp Hội, hội viên thích ứng với quy hoạch báo chí và vượt qua khó khăn. Đây là một nội dung rất thời sự được đề cập nhiều trong các cuộc họp gần đây của Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam cũng như Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2018, định hướng năm 2019 của Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra tại Cần Thơ ngày 19-4 vừa qua. Đặc biệt trong Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận 102 của Bộ Chính trị về Hội quần chúng diễn ra vào giữa tháng 5 vừa qua, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư cũng nhấn mạnh vai trò này của Hội Nhà báo Việt Nam với trách nhiệm bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp, bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên.

Vấn đề này, ngoài vai trò, trách nhiệm của Hội Nhà báo Việt Nam, cũng rất mong muốn và đề nghị các cấp từ trung ương đến địa phương khi triển khai thực hiện quy hoạch báo chí cần có lộ trình hợp lý, quan tâm thích đáng để giải quyết, hỗ trợ giúp đỡ một cách cụ thể, thiết thực, từ đó mới có thể bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên, nhà báo.

MỘC MIÊN (ghi)

Nguồn: www.nhandan.com.vn

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển