Là HNCC chính thức đầu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, HNCC ASEAN 36 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đã và đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với khu vực cũng như thế giới. HNCC ASEAN 36 đáng lẽ diễn ra hồi tháng 4 vừa qua theo kế hoạch ban đầu, song phải lùi lại và được tổ chức theo hình thức trực tuyến do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Ngay từ đầu năm nay, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã cùng các nước thành viên xác định chủ đề chung cho Năm ASEAN 2020 là “Gắn kết và chủ động thích ứng” nhằm đẩy mạnh công cuộc xây dựng cộng đồng và phát huy vai trò của ASEAN trong một thế giới đầy biến động. Sự bùng phát bất ngờ của đại dịch Covid-19 càng khiến chủ đề “Gắn kết và chủ động thích ứng” trở nên đúng lúc và xác đáng hơn bao giờ hết.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: tuyengiao.vn
|
Nếu như xem đại dịch Covid-19 là thách thức nghiêm trọng nhất đối với nhân loại, là cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng có kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai thì đây cũng chính là thử thách lớn nhất với ASEAN trong hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển. Đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN trong thời điểm đặc biệt khó khăn này, Việt Nam nhận thức rõ trách nhiệm của mình và quyết tâm kề vai sát cánh với các nước thành viên chèo lái con thuyền ASEAN vượt qua sóng gió.
Kể từ khi đại dịch bùng phát đến nay, phát huy vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã chủ động, tích cực thúc đẩy đoàn kết, thống nhất và điều phối nỗ lực chung của Cộng đồng ASEAN trong ứng phó với dịch bệnh. Sau khi tham vấn với các nhà lãnh đạo ASEAN, ngày 14-2-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN, khẳng định quyết tâm và cam kết chính trị ở mức cao của ASEAN để kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh. Phát huy hiệu quả tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng”, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã dẫn dắt ASEAN xây dựng cơ chế điều phối, hợp tác, tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến của ASEAN ở các cấp, các ngành, nhất là HNCC đặc biệt ASEAN về ứng phó đại dịch Covid-19 hồi tháng 4 vừa qua, đề ra nhiều biện pháp cụ thể, như: Lập Quỹ hợp tác ứng phó Covid-19, lập kho dự phòng vật tư y tế, xây dựng quy trình ứng phó khẩn cấp chung của ASEAN khi có dịch bệnh, xây dựng kế hoạch phục hồi của ASEAN. Việt Nam cũng linh hoạt thúc đẩy, phối hợp tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến giữa ASEAN với các đối tác, như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Nga... nhằm đẩy mạnh hợp tác quốc tế ứng phó với Covid-19, hỗ trợ khắc phục tác động của dịch bệnh.
Trong bối cảnh như vậy, HNCC ASEAN 36 chính là dịp để Việt Nam và các nước thành viên ASEAN tiếp tục trao đổi, thảo luận các biện pháp xây dựng cộng đồng trên cả 3 trụ cột: Chính trị-An ninh, Kinh tế và Văn hóa-Xã hội; tập trung triển khai hiệu quả các ưu tiên, sáng kiến trong năm 2020; củng cố đoàn kết, thống nhất, tăng cường tương trợ lẫn nhau, nâng cao hiệu quả hợp tác, phát huy tính chủ động của ASEAN trước các thách thức khu vực và quốc tế hiện nay, trong đó có đại dịch Covid-19.
Trong lịch sử hơn 5 thập kỷ hình thành và phát triển, sau mỗi khó khăn, thách thức và khủng hoảng, ASEAN lại mạnh mẽ hơn trước. Nay chính là thời điểm để ASEAN tiếp tục phát huy truyền thống quý báu đó và thể hiện sứ mệnh của mình là làm chỗ dựa cho các quốc gia thành viên trong lúc gian nguy nhất. Hơn bao giờ hết, mỗi nước thành viên ASEAN phải thực sự “tư duy cộng đồng, hành động cộng đồng”. Phản ứng kịp thời và phối hợp chặt chẽ trong chính sách cũng như hành động giữa 10 nước thành viên sẽ có ý nghĩa quyết định trong kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Chúng ta tin tưởng rằng Covid-19 không những không thể khuất phục được mà trái lại sẽ tạo động lực để ASEAN vươn lên mạnh mẽ hơn, thực sự là một cộng đồng “gắn kết và chủ động thích ứng” trước bất cứ khó khăn, nghịch cảnh nào.
Nguồn: qdnd.vn