Trong đó, quan điểm về xây dựng hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức
vụ nhìn chung được dư luận đồng tình ủng hộ.

Cải cách chính sách tiền lương là yêu cầu khách quan, không chỉ bảo đảm mức sống cho cán
bộ, công chức, viên chức, người lao động mà cũng chính là để khuyến khích, thúc đẩy tính sáng
tạo và sự nỗ lực cao hơn nữa trong công việc, góp phần tạo ra hiệu quả lao động tốt hơn. Tiền
lương chính là giá cả sức lao động, rất khó yêu cầu có sản phẩm sức lao động tốt nếu như
không có một mức trả lương tương xứng. Trong khu vực công, việc có một chính sách lương
phù hợp cũng là giải pháp để góp phần dưỡng liêm, hạn chế tham nhũng, tiêu cực trong đội
ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

 

Ảnh minh họa: TTXVN.

Vấn đề rất nhiều người quan tâm là: Lấy nguồn nào, cơ sở nào để bảo đảm rằng các mục tiêu
của chính sách cải cách tiền lương sẽ được thực hiện tốt trên thực tế? Bởi tiền của, vật chất
không tự nhiên mà có, không phải muốn là được. Muốn tăng lương thì phải tăng nguồn thu của
nền kinh tế, của từng doanh nghiệp, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Những năm qua, ngân sách phải gánh một tỷ lệ không nhỏ để trả lương. Hiện mức chi cho trả
lương, phụ cấp đã chiếm khoảng 20% tổng chi ngân sách Nhà nước, khó có thể đòi hỏi tăng
thêm tỷ lệ chi ngân sách, vì như vậy sẽ ảnh hưởng tới nguồn ngân sách đầu tư cho phát triển.
Thêm vào đó, hiện nay năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, là một rào cản lớn đối với
việc nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách, để từ đó tăng lương. Theo công
bố cuối năm 2017, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6%
của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và bằng
87,4% năng suất lao động của Lào. Khi năng suất lao động còn thấp, hiệu quả công việc
còn hạn chế thì khó có thể đòi hỏi mức lương cao.

Do vậy, việc cải cách chính sách tiền lương chắc chắn phải đi cùng với việc cơ cấu lại ngân
sách Nhà nước, tăng thu, giảm chi, chi hợp lý; cùng với đó là nâng cao hiệu quả của nền kinh
tế, tăng năng suất lao động. Để tăng năng suất lao động, có rất nhiều giải pháp, nhưng cái dễ
nhìn thấy nhất là sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy lao động. Chúng ta cần phải thực hiện được yêu
cầu của kinh tế thị trường, đó là với một số lượng công việc nhất định thì phải ngày càng có
ít người làm hơn. Công việc của mỗi người trong hệ thống cần được định nghĩa, định lượng
rõ tính hiệu quả, nếu không thực sự cần thiết thì kiên quyết cắt giảm. Việc tinh gọn bộ máy,
cắt giảm những công việc không cần thiết cũng giúp từng người ý thức được công việc của
mình, từ đó nỗ lực để làm tốt hơn. Nhân lực sẽ được dịch chuyển sang các khu vực lao động
mới, cùng với đó phải liên tục nâng cao kiến thức, kỹ năng lao động.

Lộ trình tăng lương phải đồng hành với lộ trình tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả
của nền kinh tế, giảm sức ỳ, giảm lực cản, giảm thất thoát, lãng phí. Đó là kế sách lâu bền
và vững chắc. Để đóng góp vào việc đó thì cần sự nhận thức và nỗ lực làm mới mình của
mỗi người được nhận lương, để ngày càng nâng cao năng lực, nâng cao trách nhiệm, tăng
nỗ lực cá nhân.

                                                                                                           HỒ QUANG PHƯƠNG

Nguồn: laodong.vn; www.qdnd.vn