Đầu tư cho con người, đặc biệt là giới trẻ, vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển bền vững và ổn định xã hội, là điều kiện tiên quyết để cho dân tộc Việt Nam mãi mãi trường tồn.
|
(Ảnh minh họa) |
Trong lịch sử phát triển của nhân loại, không ít quốc gia trên hành tinh mặc dù nguồn tài nguyên ít ỏi như Nhật Bản, Israel, Singapore, Hàn Quốc... nhưng đã trở thành những cường quốc kinh tế, bởi họ sớm nhận ra con người, đặc biệt là giới trẻ là tài nguyên quý giá nhất của quốc gia. Họ đã tập trung đầu tư và khai thác một cách tối đa để phát triển đất nước.
Đầu tư cho giới trẻ là trách nhiệm của gia đình, xã hội, cần phải có thời gian, nguồn tài chính của cộng đồng và chính phủ.
Đầu tư cho con người bắt đầu từ trong bào thai đến lúc sinh thành, trải qua các giai đoạn mầm non, phổ thông, học nghề, cao đẳng, đại học... và trong suốt quá trình lao động kể cả khi thất bại và lúc thành công, đồng thời phải thường xuyên đầu tư bổ sung kiến thức, kỹ năng sống cho họ để bắt kịp với sự tiến bộ của thời đại.
Kết quả của đầu tư là con người phải có việc làm, lao động phải đạt năng suất cao, đem lại thu nhập lợi ích cho bản thân, gia đình, xã hội và đất nước.
Việt Nam đã và đang bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng với tỉ lệ thanh thiếu niên cao nhất trong lịch sử, đặc biệt nhóm người từ 10-29 tuổi chiếm gần 40% dân số cả nước, là lực lượng quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Đây là cơ hội vàng, đồng thời cũng là gánh nặng cho quốc gia nếu như lớp trẻ không tìm ra việc làm, trình độ học vấn, kỹ năng sống, năng suất lao động và thu nhập thấp.
Thực trạng của nước ta hiện nay giới trẻ không có việc làm và thiếu việc làm đang ở mức báo động.
Theo số liệu mà Tổng cục Thống kê công bố vào cuối quý I/2016, gần 48% trong tổng số 1,12 triệu người thất nghiệp ở độ tuổi từ 15-24 tuổi; số người thiếu việc làm và việc làm không ổn định chiếm tỉ lệ cao, đặc biệt là ở nông thôn; trình độ học vấn thấp, số trẻ em đến trường ở cấp học phổ thông mới đạt 70%, có sự khác biệt giữa các vùng miền, điều kiện kinh tế của mỗi gia đình và các nhóm dân tộc.
Số thanh niên có trình độ cao đẳng, đại học trở lên còn thấp, thậm chí hiện nay một số cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ ra trường không tìm được việc làm, kỹ năng sống và trình độ ngoại ngữ có hạn; 1/3 thanh niên nước ta chủ yếu là người di cư và dân tộc ít người gặp nhiều rào cản để tiếp cận thông tin và các dịch vụ sức khỏe, sinh sản...
Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước khó khăn, thuận lợi, thách thức, cơ hội đan xen nhau, để xây dựng và bảo vệ đất nước thành công, ổn định xã hội, phát triển kinh tế bền vững, đưa Việt Nam bước vào nền kinh tế tri thức, Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị phải xem đầu tư cho con người, đầu tư cho giới trẻ là nhiệm vụ hàng đầu.
Các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương phải xây dựng một chiến lược dài hạn, trung hạn, có biện pháp toàn diện và quyết liệt huy động các nguồn lực và tài chính để đầu tư, chăm lo bảo vệ quyền lợi cho giới trẻ, nâng cao trình độ học vấn, phổ cập giáo dục trung học, dạy nghề, dạy ngoại ngữ, dạy kỹ năng sống, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, tìm việc làm phù hợp.
Đồng thời bảo đảm cho thanh thiếu niên tiếp cận với thông tin, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, có chính sách tạo điều kiện cho giới trẻ có cơ hội “sống cùng với lịch sử dân tộc”, tham gia đối thoại bình đẳng, thực hiện các chương trình có ảnh hưởng đến sự phát triển trí lực và thể lực.
Mặt khác, phải tạo mọi điều kiện tối đa để phát huy vai trò tiên phong của Đoàn thanh niên tham gia phát triển kinh tế-xã hội, đặt đúng vị trí của họ như trong thời kỳ kháng chiến chống ngoại xâm.
Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đoàn thanh niên phải thực sự là “trường học” tập hợp giới trẻ để góp phần nâng cao nhân cách, đạo đức, lý tưởng, kỹ năng sống, trình độ học vấn, đạo làm người, phụng sự cho Tổ quốc và dân tộc; động viên giới trẻ ở khắp mọi miền của đất nước, từ thành thị đến nông thôn, từ trường học đến các thành phần kinh tế chủ động tham gia các hoạt động cộng đồng, các câu lạc bộ “khởi nghiệp, sáng tạo”, khơi dậy những ý tưởng mới và biến thành hiện thực trong cuộc sống.
(Ảnh minh họa)
Bác Hồ đã dạy ngay từ khi mới thành lập nước cũng như trước lúc Người đi xa: “Thanh niên là chủ tương lai của nước nhà”, “Tuổi trẻ là mùa xuân của nhân loại”, “... phải đào tạo họ trở thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng, vừa chuyên”, “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Để thực hiện lời dạy của Người, đầu tư cho giới trẻ phải là nhiệm vụ hàng đầu của cả hệ thống chính trị, của gia đình, dòng họ và toàn dân. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để dân tộc Việt Nam mãi mãi trường tồn.
TS. Hồ Văn Hoành
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khoa học phát triển
nguồn nhân lực-nhân tài Việt Nam
Theo Báo điện tử Chính phủ