Nông hộ có vai trò quan trọng
Theo quy định pháp luật hiện hành, các tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã...) không có nhiều quyền liên quan đến chuyển nhượng quyền sử dụng đất như cá nhân, nông hộ. Để thu hút nhiều hơn các chủ thể khác tham gia vào sử dụng đất có hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp, đã có ý kiến cho rằng, cần tạo sự bình đẳng về quyền cho các chủ thể sử dụng đất. Thực tế, kết quả khảo sát khi thực hiện Đề tài khoa học cấp bộ “Hoàn thiện pháp luật về tích tụ đất nông nghiệp” của Viện Nghiên cứu lập pháp cũng cho thấy, 62,7% người trả lời khảo sát nhất trí với việc xóa bỏ sự phân biệt về quyền cho các chủ thể sử dụng đất khác, song cũng có 26,2% người trả lời không đồng tình với đề xuất này; 9,8% người trả lời không có ý kiến.
|
Thạc sỹ Đặng Thị Bích Thảo, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách lưu ý, nông hộ có vai trò đặc biệt trong ngành nông nghiệp, nên hãy dành đất nông nghiệp cho họ. Thực tế, đối tượng chính trong ngành này là các sinh vật, cây trồng, vật nuôi, đòi hỏi cách thức sản xuất khác so với công nghiệp và dịch vụ. Chuyên gia của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cũng lưu ý, đây là xu hướng ở nhiều quốc gia trên thế giới, ngay tại Hoa Kỳ hiện có 97% đất nông nghiệp được sở hữu bởi nông hộ, chỉ 3% đất nông nghiệp được sở hữu bởi doanh nghiệp.
Theo nhiều chuyên gia tham dự hội thảo, trong đầu tư vào nông nghiệp, doanh nghiệp có thế mạnh hơn ở cung cấp vật liệu đầu vào, kết nối với thị trường. Doanh nghiệp chắc chắn sẽ quan tâm đầu tư ở những công đoạn này hơn, vì mang lại nhiều lợi nhuận hơn, trong khi khó cạnh tranh được với nông hộ ở khâu chăm sóc cây trồng, vật nuôi.
Đưa ra kết quả của 10 nghiên cứu ở các quốc gia nông nghiệp phát triển trên thế giới, chuyên gia Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách lưu ý, các kết quả nghiên cứu này đều thống nhất nhận định “năng suất của nông hộ cao hơn so với doanh nghiệp”, và đất nông nghiệp cũng được sử dụng chủ yếu dành cho canh tác. Từ bài học kinh nghiệm trên thế giới, chuyên gia của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách đề nghị, đất nông nghiệp hãy dành cho nông hộ, doanh nghiệp chỉ lo đầu vào và đầu ra.
Thay đổi tư duy về đất nông nghiệp
Lịch sử phát triển của nông nghiệp nước ta đã dẫn đến tình trạng đang thiếu những nông dân chuyên nghiệp, chỉ tồn tại những “lão nông chi điền”, canh tác theo kinh nghiệm, không được học hành bài bản. Nông dân chuyên nghiệp là những người canh tác trên diện tích lớn, có kiến thức về canh tác, thị trường, hiện đã xuất hiện ở khu vực phía Nam. Nông dân chuyên nghiệp sẽ tự hình thành khi sản xuất có lãi, và tự có nhu cầu liên kết với nhau thành một hợp tác xã, cũng như liên kết với doanh nghiệp. Những người có thế mạnh trong nông nghiệp sẽ tự chuyển thành nông dân chuyên nghiệp. Do vậy, không thể đốt cháy giai đoạn ngay, cần kiên nhẫn, xây dựng chính sách hỗ trợ những cá nhân là thế hệ tương lai của nông nghiệp nước ta.
Thạc sĩ Đặng Thị Bích Thảo, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách
|
Qua sử dụng các phương pháp phân tích, chuyên gia của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách chỉ rõ, diện tích đất canh tác lúa để tối ưu sản lượng, cũng như thu nhập tại đồng bằng sông Cửu Long phải là 4,8ha và 5,5ha. Tương tự, tại Trung du và miền núi phía Bắc lần lượt là 0,6 và 0,7ha. Ngoài ra, kết quả bước đầu của công trình nghiên cứu Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách cũng cho thấy, diện tích canh tác cà phê tối ưu tại khu vực Tây Nguyên phải là 9ha, trồng cao su tại Nam Trung Bộ là 6,1ha… Đối chiếu với diện tích đất canh tác của mỗi nông hộ được thống kê mới nhất, chuyên gia nhận thấy, quy mô đất canh tác lúa, cà phê, cao su… ở nước ta hiện chưa đạt được mức tối ưu sản lượng và thu nhập của các nông hộ.
Như vậy, nhu cầu tích tụ, tập trung đất nông nghiệp đang được đặt ra. Nhưng để thúc đẩy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp để bảo đảm sản lượng và thu nhập tối ưu, nhiều chuyên gia tham dự hội thảo nhấn mạnh, khi thiết kế chính sách đất đai cần chi tiết hơn hiện nay, thay vì áp dụng một chính sách chung, nên có chính sách phù hợp với đặc thù ở khu vực miền Bắc và miền Nam. “Tại khu vực miền Bắc đang trong tình trạng nhu cầu cho thuê đất cao, song đối tượng có khả năng thuê đất không nhiều, vì nếu muốn mở rộng thêm 2ha đất sản xuất lúa sẽ phải làm việc với khoảng 10 - 20 hộ, khó có sự đồng thuận của tất cả (cung lớn nhưng cầu không có). Ở khu vực phía Nam lại theo xu hướng ngược lại, nhu cầu tích tụ ruộng đất cao, song không có sẵn diện tích để thu mua (cầu lớn, song cung không có)” - Thạc sỹ Đặng Thị Bích Thảo cho biết.
Không chỉ thiết kế chính sách phù hợp cho từng địa bàn, các chuyên gia cũng cho rằng, cần nương theo sự vận động của thị trường, các cơ quan chức năng không nên can thiệp vào những giao dịch dân sự. Thị trường đất nông nghiệp “mắc” ở đâu, cơ quan chức năng xây dựng chính sách hỗ trợ, “bôi trơn” cho thị trường ở đấy. Dựa trên nguyên tắc này, theo một số chuyên gia, để tăng cung cho quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, điểm quan trọng nhất là phải giải quyết sinh kế, ly nông bền vững cho các hộ gia đình.
Ngoài ra, do quy luật cung - cầu của thị trường không thể điều chỉnh bằng quyết định hành chính, nhiều ý kiến cũng cho rằng, Nhà nước hãy cho người bán và người mua quyền tự định đoạt đất đai một cách đầy đủ, để thúc đẩy họ tích tụ, tập trung đất nông nghiệp. Tiến hành minh bạch hóa thông tin về cung - cầu đất nông nghiệp, thông qua thành lập trung tâm phát triển quỹ đất để điều tra quỹ đất thực tế, cung cấp thông tin công khai, khắc phục tình trạng không cân xứng về thông tin trên thị trường. Ở một số khu vực cũng cần cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác hiệu quả hơn.
Cũng có quan điểm không nên ưu tiên đất nông nghiệp dành cho doanh nghiệp, song Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi Trương Quốc Cần lại lý giải ở khía cạnh khác. Cụ thể, vòng đời một cây trồng ngắn, không phù hợp để doanh nghiệp tích tụ quá nhiều đất canh tác. Trong khi đó, nếu doanh nghiệp được tạo điều kiện tích tụ ruộng đất có thể xuất hiện những biến tướng, trục lợi chính sách đầu cơ bán đất. “Các cơ quan quản lý hãy để doanh nghiệp tự quyết định hình thức đầu tư phù hợp, có chăng chỉ điều chỉnh để giúp họ không phải tự lo ký hợp đồng với quá nhiều nông hộ như hiện nay”, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi đề nghị.