Bứt phá từ vốn FDI

Dẫn chúng tôi tới thăm một số dự án có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trên địa bàn, đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên khẳng định vai trò to lớn của việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với Thái Nguyên. Các dự án có vốn FDI đã làm “thay da đổi thịt” nhiều vùng đất nghèo trước kia, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động với thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với làm nông nghiệp. Chỉ tính riêng tổ hợp công nghệ cao Samsung Thái Nguyên đã thu hút khoảng 66.500 lao động đến làm việc.  

Các dự án FDI của Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore góp phần đưa Thái Nguyên từ một tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp chủ yếu trông chờ vào công nghiệp luyện kim, khai khoáng dịch chuyển sang công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ. Tính chung 5 năm gần đây, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng hơn 80%/năm; trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực có vốn ĐTNN chiếm tỷ trọng hơn 90%. Cũng nhờ có lực đẩy từ vốn FDI, 3 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Nguyên luôn ở mức cao và ổn định, bình quân đạt hơn 10%/năm, kéo theo thu ngân sách tăng nhanh, năm 2018, tỉnh thu đạt 15.003 tỷ đồng, tăng hơn hai lần so với năm 2015.

“Đất lành chim đậu”

Sản xuất điện thoại thông minh tại tổ hợp Samsung Thái Nguyên. Ảnh: QUỐC TUẤN

Không chỉ Thái Nguyên mà nhiều địa phương trong cả nước cũng có sự tăng trưởng nhanh nhờ thu hút vốn FDI. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20-2-2019, cả nước có 27.900 dự án vốn FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 344,9 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án FDI ước đạt gần 194 tỷ USD, bằng 56,2% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực. Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 200 tỷ USD, chiếm 57,9% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 58 tỷ USD (chiếm 16,8% tổng vốn đầu tư), sản xuất, phân phối điện, khí, nước với 23 tỷ USD (chiếm 6,6% tổng vốn đầu tư). ĐTNN đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó TP Hồ Chí Minh vẫn là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với 45 tỷ USD (chiếm 13% tổng vốn đầu tư), tiếp theo là Hà Nội với 33,2 tỷ USD (chiếm 9,6 % tổng vốn đầu tư).

Việt Nam-địa chỉ hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế

Trao đổi với chúng tôi tại Thái Nguyên, ông Song Yu Hoon, Giám đốc hành chính Công ty TNHH Glonics Việt Nam (thuộc Tập đoàn Bujeon Hàn Quốc) khẳng định: Việc Tập đoàn Bujeon chọn xây dựng nhà máy sản xuất tại Thái Nguyên là một quyết định đúng đắn. Lý do là bởi kể từ khi triển khai dự án đầu tư (năm 2012) đến nay, doanh nghiệp được chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi về mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật phục vụ dự án. Hiện nay, Công ty TNHH Glonics thường xuyên duy trì số lượng lao động khoảng 7.000 người. Mục tiêu mà công ty hướng đến là sẽ chế tạo được máy móc phục vụ cho sản xuất ngay tại Thái Nguyên, thay vì phải nhập khẩu như lâu nay.

Ông Yoichi Kobayashi, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Kinh tế Nhật Bản-Mekong thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) vừa dẫn đầu đoàn các doanh nghiệp Nhật Bản thăm Việt Nam cho biết: Số lượng các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng. Các doanh nghiệp Nhật Bản hết sức phấn khởi khi quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển và hy vọng thời gian tới, sự hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản được mở rộng mạnh mẽ hơn nữa.

Nhiều nhà đầu tư quốc tế lớn nhận định, Việt Nam là vùng đất thân thiện, mến khách, bình an, môi trường đầu tư thuận lợi. Báo cáo của Tổ chức Thương mại và phát triển Liên hợp quốc đánh giá, Việt Nam nằm trong tốp 12 quốc gia thành công nhất về thu hút FDI. Đây chính là lý do quan trọng khiến cho vốn FDI vào Việt Nam tăng nhanh trong thời gian gần đây. Chỉ tính riêng trong hai tháng đầu năm nay, cả nước đã có 514 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 2,44 tỷ USD, tăng 75,7% so với cùng kỳ năm 2018; có 176 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 854,8 triệu USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2018. Cũng trong hai tháng đầu năm, cả nước có 1.039 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 5,17 tỷ USD, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ 2018.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư

Đó là quan điểm nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cùng với quá trình đổi mới và mở cửa nền kinh tế, Luật ĐTNN được Quốc hội thông qua và ban hành ngày 29-12-1987, đánh dấu bước ngoặt cho việc chính thức hóa dòng vốn ngoại đầu tư vào Việt Nam. Từ chủ trương đúng đắn đó, trải qua chặng đường hơn 30 năm đến nay, khu vực kinh tế có vốn ĐTNN ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng và đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.  

Tuy nhiên, khu vực ĐTNN hiện nay cũng còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục, đặc biệt là mức độ kết nối, lan tỏa của khu vực ĐTNN đến khu vực đầu tư trong nước còn thấp, thu hút và chuyển giao công nghệ từ khu vực ĐTNN đến khu vực đầu tư trong nước chưa đạt được như kỳ vọng, chủ yếu là gia công lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành thấp, giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm chưa cao. Hiện tượng doanh nghiệp chuyển giá, trốn thuế hoặc chưa nghiêm túc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường vẫn còn tồn tại…

“Đất lành chim đậu”

Thiết kế mẫu sản phẩm tại Công ty TNHH Thêu Minh Châu, doanh nghiệp có vốn  Đài Loan (Trung Quốc) tại Hà Nội. Ảnh: PHÚ SƠN


Để khắc phục những bất cập nói trên và tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng đã nêu rõ: “Rà soát, sửa đổi pháp luật, chính sách để thu hút mạnh ĐTNN, nhất là các dự án có công nghệ cao, thân thiện môi trường, sản phẩm có giá trị gia tăng và tỷ lệ nội địa hóa cao, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế; tăng cường thu hút ĐTNN có công nghệ cao, thân thiện môi trường, sử dụng nhiều lao động; khuyến khích đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và các ngành công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, vật liệu mới, điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo nhân lực và chăm sóc sức khoẻ chất lượng cao...".

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các cơ quan chức năng của Nhà nước đang nghiên cứu hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến đầu tư, trong đó có thực hiện chủ trương hợp tác ĐTNN có ưu tiên, chọn lọc gắn với mục tiêu nâng tầm trình độ nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế tự chủ; hoàn thiện chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trên nguyên tắc gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát để bảo đảm doanh nghiệp ĐTNN thực hiện đúng cam kết đầu tư, tuân thủ đúng tiêu chí, điều kiện hưởng ưu đãi. Trước mắt sẽ sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo hướng sẽ bãi bỏ một số thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp không còn phù hợp, không cần thiết, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp. Bãi bỏ thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp không làm tăng tỷ lệ sở hữu của nhà ĐTNN trong doanh nghiệp…

ĐỖ PHÚ THỌ

Nguồn: www.qdnd.vn