Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 6, 19/04/2024

Đang duyệt: Trang chủ Tin tức - sự kiện

ĐẢO NGỌC CẤT CÁNH

Đảo ngọc cất cánh

 


Thị trấn Dương Đông (Phú Quốc) nhìn từ trên cao

 

Sau 13 năm, từ khi có Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn 2020, du lịch Phú Quốc đã từng bước phát triển và đạt mức tăng trưởng mạnh. Đến nay, huyện đảo đã hội đủ những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, đang được Trung ương hoạch định trở thành một trong ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt của Việt Nam.

Tăng trưởng ấn tượng

Những chuyến bay, chuyến tàu ra đảo Phú Quốc vào mùa hè và các dịp lễ, Tết thường xuyên hết chỗ vì quá đông khách du lịch đăng ký. Các khách sạn từ bình dân đến cao cấp ở Phú Quốc luôn đạt công suất hơn 70%. Giám đốc Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc Nguyễn Thống Nhất cho biết: Những năm gần đây, nhất là từ năm 2016 đến nay, khách du lịch đến Phú Quốc tăng mạnh; du khách thường phải đặt trước vé tàu thủy, vé tàu bay và phòng khách sạn. Hiện, Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc mỗi ngày trung bình có 40 chuyến bay cất cánh, hạ cánh ở Phú Quốc và khoảng 3.000 lượt hành khách qua cảng, cao điểm lên tới 4.000 đến 4.500 lượt khách. Ðường thủy, mỗi ngày có từ tám đến chín chuyến tàu cao tốc, năm chuyến phà chuyên chở với lượt khách đến và đi khoảng 2.500 lượt/ngày, cao điểm có ngày số khách tăng gấp đôi. Theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, năm 2016, lượng khách du lịch đến Phú Quốc đạt 1,45 triệu lượt người, tăng 9,6 lần so với năm 2005; trong số này, khách quốc tế là 210.132 lượt người, tăng 5,1 lần; tính bình quân lượng khách tăng hằng năm khoảng 18,5%. Doanh thu về lưu trú, ăn uống trong năm 2016 đạt gần 9.000 tỷ đồng, tăng 4,5 lần so năm 2005. Ðặc biệt, trong bảy tháng đầu năm 2017, lượng khách đến với đảo Phú Quốc đã vượt con số 1,2 triệu lượt người, đạt 64,5% kế hoạch năm, trong đó có hơn 211 nghìn du khách nước ngoài, đạt hơn 70% kế hoạch năm. Dự báo cả năm 2017, lượng khách đến Phú Quốc vào khoảng hai triệu lượt người, tập trung đông nhất trong dịp diễn ra cuộc thi Hoa hậu Hòa bình thế giới tại Phú Quốc vào tháng 10 và kỳ nghỉ đông Lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch năm 2018.

Những con số thống kê nêu trên cho thấy du lịch của Phú Quốc có sự tăng trưởng khá mạnh, "đảo ngọc" đã tạo được sức thu hút đối với du khách. Ðến với Phú Quốc, khách du lịch không chỉ đơn thuần tham quan, nghỉ dưỡng mà còn để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Hai năm qua, hàng loạt các dự án hạ tầng được đầu tư, triển khai xây dựng hoàn thành như: Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc, hệ thống lưới điện quốc gia, hệ thống hạ tầng giao thông trên đảo, cảng biển, hạ tầng cấp điện, cấp nước, xử lý rác thải, xây dựng đô thị thông minh… Ðến nay, 265 dự án đầu tư trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc còn hiệu lực, với diện tích 10.522 ha, đã có 197 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng diện tích 7.235 ha, tổng vốn hơn 217.993 tỷ đồng, trong đó có 31 dự án đã đi vào hoạt động, diện tích 2.076 ha, tổng vốn đầu tư 49.563 tỷ đồng. Nhiều nhà đầu tư có tiềm lực mạnh như: Vingroup với nguồn vốn đổ vào Phú Quốc khoảng 50.000 tỷ đồng, Sun Group có số vốn đầu tư 21.628 tỷ đồng, CEO Group có tổng vốn đầu tư 20.193 tỷ đồng, BIM Group hơn 9.140 tỷ đồng… Nhiều công trình, dự án phục vụ du lịch chất lượng cao đã được đưa vào khai thác. Hiện trên đảo Phú Quốc có hơn 600 cơ sở lưu trú, hơn 12.250 phòng, trong đó có 10 khách sạn từ 3 đến 4 sao, năm khách sạn tiêu chuẩn 5 sao và một khách sạn tiêu chuẩn 6 sao…

Cần những bước đi đột phá

Theo đánh giá của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng, Phú Quốc đã hội đủ các điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, cái mà Phú Quốc đang thiếu là định hướng, cơ chế và chính sách phù hợp, cho nên Phú Quốc vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có. Hiện, Phú Quốc đang phải đối mặt với nhiều bất cập trong quá trình xây dựng phát triển, như quy mô của nền kinh tế, khối lượng công việc cần giải quyết tương đương một tỉnh, nhưng tổ chức bộ máy vẫn còn là cấp huyện. Phú Quốc đã được công nhận là đô thị loại II, nhưng mô hình tổ chức bộ máy chính quyền bản chất vẫn là chính quyền nông thôn. Biên chế nhà nước và các dịch vụ công luôn trong tình trạng quá tải, phải dựa vào sự chi viện của tỉnh, nhiều vấn đề xã hội phát sinh, trong đó tình hình an ninh trật tự còn nhiều bất cập… Sau 13 năm, kể từ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển tổng thể Phú Quốc, huyện đảo đã phát triển mạnh lĩnh vực du lịch, nhưng không bảo đảm tính bền vững và có những biểu hiện ngày càng mất dần tính cạnh tranh với các địa danh du lịch khác trong vùng. Ngoài ra, vẫn chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư tầm cỡ quốc tế, sức lan tỏa phát triển hạn chế và chưa mang tầm đẳng cấp quốc tế để phát huy hết lợi thế và tiềm năng của Phú Quốc.
 

Ðể Phú Quốc phát triển đột phá trong giai đoạn mới, cần có một bộ máy quản lý hành chính - kinh tế năng động, hiệu quả, nhưng phải có tính tự quản cao, không bị lệ thuộc. Hiện, tỉnh Kiên Giang đang hoàn thiện đề án xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc với các ngành trụ cột chính là công nghiệp giải trí, nghỉ dưỡng, du lịch, tài chính ngân hàng, kinh tế biển… Theo đó, tỉnh Kiên Giang đề xuất các cơ chế chính sách theo hướng mở có tính cạnh tranh cao trong khu vực và thế giới; xây dựng tổ chức bộ máy chính quyền đa ngành, đa lĩnh vực, nhất thể hóa cơ quan chuyên môn của cấp ủy đảng với chính quyền.

Cùng với Vân Ðồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc sẽ là một trong ba khu hành chính - kinh tế đặc biệt của Việt Nam. Góp ý cho mô hình này, PGS, TS Trần Ðình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, muốn xây dựng đặc khu phải có quyết tâm chính trị mạnh, gắn với khát vọng vươn lên. Ðể phát triển đặc khu, một mặt phải có tầm nhìn thời đại (công nghệ và thể chế), một mặt phải thoát khỏi lợi ích cục bộ ngắn hạn. Phải coi đặc khu là động lực phát triển quốc gia, không bó hẹp trong từng tỉnh, gắn với việc hội tụ sức mạnh từ quốc tế và chỉ có thể hình thành được nhờ nỗ lực trao cho đặc khu các điều kiện bảo đảm thực hiện hội nhập quốc tế cao nhất và các cơ chế, chính sách mang tính đặc thù... Khi đó đặc khu mới có thể chế vượt trội và sẽ thu hút được các nhà đầu tư trên thế giới. GS, TS Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đề xuất, cần tạo lập mô hình thể chế vượt trội cho Phú Quốc, tạo nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ. Mô hình tổ chức bộ máy hiện nay được đề xuất là mô hình thành phố thuộc tỉnh cần được rà soát, nghiên cứu nhằm bảo đảm tính vượt trội, cân đối giữa việc trực thuộc tỉnh và tính độc lập, linh hoạt, ổn định về dài hạn.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng cho rằng, cơ chế chính sách đặc biệt là nhóm vấn đề quan trọng, tác động trực tiếp đến sự thành công trong phát triển của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc. Nếu có cơ chế, chính sách đủ mạnh, thật sự khác biệt, đủ sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế thì sẽ tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn cho các nhà đầu tư đến với Phú Quốc.

Phú Quốc đang trong thời kỳ quá độ để trở thành một trong ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt của Việt Nam. Công việc mà tỉnh Kiên Giang và huyện đảo Phú Quốc đang phải thực hiện trong giai đoạn này là tiếp tục quảng bá, kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào Phú Quốc; tập trung chỉ đạo thực hiện các công trình dự án đã được phê duyệt đúng quy hoạch tiến độ; giải quyết các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách cho các nhà đầu tư; tăng cường quản lý nhà nước trên lĩnh vực đầu tư, xây dựng; khẩn trương giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh… Phú Quốc đã sẵn sàng cho thời điểm cất cánh!

Bài và ảnh: VIỆT TIẾN

Nguồn :nhandan.com.vn

Số lượt đọc: 14379 Trở lại Bản in Về đầu trang

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển