Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 6, 29/03/2024

Đang duyệt: Trang chủ Tin tức - sự kiện

Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo

Sống trong kỷ nguyên bùng nổ thông tin, việc nắm bắt được những thông tin nhanh, bản sắc, nóng hổi luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sự sống còn của mỗi cơ quan báo chí. Tuy nhiên, trong cuộc chạy đua quyết liệt ấy, không ít nhà báo và cơ quan báo chí vì "sốt ruột" muốn thực hiện mục đích "giành giật" thông tin mà đã bỏ qua vấn đề trách nhiệm và lương tâm người làm báo, từ đó đánh mất tính nhân văn và làm suy giảm niềm tin yêu của bạn đọc dành cho báo chí.
Phóng viên Trung tâm truyền hình Nhân Dân tác nghiệp tại Đồn Biên phòng Ka Lăng (huyện Mường Tè, Lai Châu). Ảnh: TRẦN HẢI

 

Tính nhân văn trong "đưa tin"

Ðối với bất kỳ ngành nghề nào, vấn đề đạo đức nghề nghiệp cũng phải được đặt lên hàng đầu, bởi đây chính là thước đo thang giá trị của việc hành nghề chân chính. Song, với báo chí - một lĩnh vực nghề nghiệp đặc thù, khi mà chỉ cần vài thông tin viết ra đã có thể mang đến cơ hội đổi thay cuộc đời hoặc có thể đẩy ai đó vào chân tường, vì thế vấn đề đạo đức, lương tâm nghề nghiệp càng cần được chú trọng. Nhìn lại quá trình phát triển, có thể khẳng định, nền báo chí cách mạng Việt Nam luôn thể hiện được tư tưởng nhân văn, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng, phong phú của cuộc sống, từ đó đấu tranh loại bỏ những nhân tố xấu trong xã hội, nhân rộng những tấm gương người tốt, việc tốt, gìn giữ những nét đẹp văn hóa của dân tộc, hướng con người đến những giá trị chân, thiện, mỹ... Song bên cạnh những đóng góp to lớn ấy, những năm gần đây, trước đòi hỏi của nền kinh tế thị trường, đã và đang xuất hiện cách làm báo rất đáng lo ngại: đó là xu hướng chạy theo những thông tin giật gân, câu khách mà bỏ quên tính nhân văn - "thiên chức" cao cả của báo chí. Ðến nỗi, nhiều người đã phải dùng tới từ "bất chấp" khi nói về một bộ phận báo chí đương đại, nhất là báo mạng với những thông tin giật gân, lá cải.

Còn nhớ, cách đây không lâu, khi những thông tin cá nhân từ tên, tuổi, trường học, nhà riêng... bị một tờ báo mạng khai thác quá tỉ mỉ, một chàng trai mới lớn đã cùng bạn gái đang mang thai tẩm xăng tự thiêu vì không thể chịu nổi sức ép tâm lý quá lớn từ những đàm tiếu của dư luận bủa vây. Tương tự như thế, cô con gái ngoan, hiền, hiếu thảo vì dính vào nghi án giúp đỡ cậu ruột cưa chân mẹ theo cách đưa tin thất thiệt, thiếu kiểm chứng của một số báo, cũng đã phải đối mặt với quãng thời gian khổ sở, bị hiểu lầm, khiến cô mất hết niềm tin vào cuộc sống, không dám giao lưu, tiếp xúc cùng ai... Một cô bé tuổi vị thành niên vì xấu hổ với bạn bè đã bỏ nhà và bỏ học khi hình ảnh của em đột nhiên xuất hiện trên đài truyền hình bên cạnh người mẹ vướng vào tội bán dâm... Không hiếm những câu chuyện đau lòng đã xảy ra, không hiếm những số phận đã bị đánh mất cơ hội làm lại cuộc đời chỉ vì cách khai thác thông tin vô cảm của một số người làm báo và một số tờ báo. Ðáng báo động là xu hướng khai thác thông tin ở mọi góc cạnh tiêu cực đang có vẻ lây lan nhanh chóng. Trong xu thế thương mại hóa báo chí, khi mà nhuận bút báo điện tử được tính bằng số lượt xem của bạn đọc- yếu tố quan trọng để thu hút quảng cáo, thì việc chạy đua với những thông tin giật gân, câu khách là điều dễ hiểu. Thế nên, chuyện dường như đã thành quen, hễ cứ có thiếu nữ thất tình đòi tự tử, hay ca sĩ, diễn viên nào sơ suất "lộ hàng" thì ngay lập tức, sẽ có hàng chục, thậm chí hàng trăm tờ báo, trang thông tin điện tử thi nhau đăng tải, khai thác thông tin. Chính cách làm ăn theo kiểu chộp giật, "giậu đổ bìm leo", thậm chí là "đánh hội đồng" này đã tác động không tốt đến môi trường truyền thông báo chí và phần nào làm thị hiếu cũng như cách tiếp cận thông tin của công chúng trở nên lệch lạc.

Nói về cách đưa tin nhằm bảo đảm tính nhân văn của báo chí, thế giới đã có nhiều bài học đáng để ta tham khảo. Chẳng hạn, khi thông tin về sự kiện 11-9 -2001 gây chấn động thế giới, đài truyền hình của nhiều nước khi phát sóng đã nhận được thông điệp từ cấp lãnh đạo Nhà nước phải cắt bỏ những chi tiết cận cảnh tang thương, rùng rợn để vừa chuyển tải được thông tin, vừa không làm cho người dân trở nên hoang mang, bi lụy hơn. Hay như ở Nhật Bản, các nhà báo vẫn có thể khai thác thông tin về những người nổi tiếng nhưng họ luôn nằm lòng quy chuẩn rõ ràng về ranh giới giữa quyền khai thác của báo chí và việc xâm phạm đời tư, nhân phẩm con người... Tuy nhiên, ở không ít báo điện tử của nước ta đang có một xu hướng theo kiểu ngược lại, tức là, đã thông tin cá nhân càng được khai thác theo hướng càng rùng rợn, càng kinh hoàng càng tốt, còn đã là tình yêu trắc trở thì phải càng lâm li bi đát, càng "sến sẩm" càng hay. Cũng chính vì "ăn theo" hiệu ứng đám đông, bằng mọi cách phải có tin giật gân, cho nên có nhiều thông tin, hình ảnh không cần và không nên khai thác kỹ lại bị một số nhà báo săm soi, moi móc một cách quá đà, hoặc không đáng để nói nhiều lại được tô hồng quá mức, và có những thứ cần vào cuộc triệt để thì cơ quan báo chí lại "im hơi lặng tiếng" làm ngơ.

Cách đây không lâu, chỉ một câu trả lời phỏng vấn ngây thơ của cậu bé tiểu học mà cũng đã làm tốn không ít giấy mực của báo giới. Họ mổ xẻ từ thói quen sinh hoạt của cậu tới cách nuôi dạy "thần đồng" của phụ huynh, trong khi xét một cách công bằng và khách quan, dù là câu nói kia đúng hay sai thì cũng không cần bàn cãi quá nhiều bởi đó chỉ là phát ngôn của một cậu bé. Hay như trong nhiều vụ tai nạn thương tâm gần đây mà điển hình là vụ "xác chết không đầu", hàng loạt báo chí đã chơi trò "tát nước theo mưa", miêu tả cận cảnh từng tình tiết nhỏ nhặt nhất nhằm làm đậm tính chất dã man của vụ án mà không hề nghĩ đến tâm lý tiếp nhận của người đọc và tính chất dễ gây kích động của thông tin... Ðiều này không chỉ nói lên sự vô cảm của một số nhà báo, mà còn là biểu hiện phi văn hóa truyền thống, đi ngược lại tính nhân văn của báo chí cách mạng. Bên cạnh cách thức đưa tin, cách thức tiếp cận với nguồn tin của một số nhà báo hiện nay cũng đang bị cho là "có vấn đề". Chỉ cần nghe tin về một vụ tai nạn thảm khốc, họ liền phi thẳng tới nhà riêng của nạn nhân để phỏng vấn, tra khảo, lục lọi bằng được những câu chuyện, những nguyên nhân dẫn đến tai nạn, cốt để lấp đầy thông tin mà không cần chú ý đến nỗi đau đang cần được sẻ chia, cảm thông của thân nhân. Hay như gần đây, trong đám tang của một nhạc sĩ nổi riếng, phóng viên rầm rập kéo đến phỏng vấn, chĩa máy chụp ảnh liên tiếp vào những người chịu tang, người thăm viếng đã tạo nên một quang cảnh khá hỗn loạn, khiến nhiều nghệ sĩ tham dự phải ngần ngại phàn nàn về văn hóa tác nghiệp báo chí.

Thiên chức cao quý

Thiết nghĩ, việc tiếp cận sự kiện khách quan luôn là ước mơ, cũng là bổn phận của người cầm bút. Song việc tiếp cận như thế nào và khai thác thông tin như thế nào lại phụ thuộc vào năng lực mà trước hết là lương tâm, trách nhiệm của mỗi nhà báo. Báo chí luôn cần đưa tin khách quan, trung thực nhưng không phải tất cả những gì mắt thấy, tai nghe đều có thể đưa lên mặt báo. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là một nhà báo nổi tiếng, người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam, luôn nhấn mạnh, các nhà báo phải tự mình đặt ra những câu hỏi: viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào? Tức là trước khi đưa ra thông tin, báo chí phải cân nhắc đến cả tính hiệu quả cũng như sự tác động của thông tin tới công chúng, từ đó lựa chọn cách thức khai thác cho phù hợp. Tính nhân văn của báo chí chính là thể hiện ở chỗ đó. Dù là phản ánh tiêu cực thì thông tin báo chí cũng phải có hướng tiếp cận để tạo ra hiệu ứng xã hội tích cực. Phê bình là để cùng tiến bộ chứ không phải theo kiểu một số báo hiện nay đang làm: phê bình để vùi dập, triệt tiêu. Cùng một sự kiện, vấn đề nhưng tài năng, bản lĩnh cũng như cái "tâm" và "tầm" của người làm báo sẽ thể hiện qua cách thức lựa chọn thông tin, thái độ, góc nhìn của nhà báo trước sự kiện. Và trong thế cạnh tranh khốc liệt của truyền thông ở thời đại công nghệ số, chính cách thức xử lý thông tin sẽ giúp các nhà báo tự phân loại chính mình.

Trong cuộc chạy đua thông tin, hiện nay nước ta đang duy trì hơn 800 cơ quan báo chí với khoảng 1.500 sản phẩm. Báo chí muốn tồn tại và phát huy hiệu quả phải xây dựng được niềm tin với công chúng. Vì thế, đứng trước hiện trạng báo chí đang đánh mất công chúng và chạy theo lợi nhuận với những thông tin giật gân, vô cảm, vấn đề đặt ra là phải siết chặt lại hệ thống báo chí cũng như quản lý hoạt động báo chí. Những thông tin lá cải không khó phát hiện, những tờ báo chạy theo xu hướng câu khách cũng không khó nhìn ra, song vì nhiều lý do vẫn đang tồn tại. Nếu không muốn để "con sâu làm rầu nồi canh", nhất thiết công tác thanh lọc, giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm báo chí phải được làm triệt để. Những sản phẩm làm ảnh hưởng tới chất lượng chung của nền báo chí nước nhà cần phải được loại bỏ. Thứ nữa, công tác đào tạo báo chí, bao gồm cả đào tạo ban đầu và đào tạo lại, đào tạo nâng cao cũng cần được quan tâm. Bởi muốn tăng tính nhân văn cũng như hàm lượng văn hóa của báo chí, quan trọng nhất là người làm báo phải có lập trường, tư tưởng vững vàng trước cái sai - đúng, có óc phân tích vấn đề và sự khéo léo để chuyển tải thông tin một cách đúng mực, hấp dẫn và có lợi cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, con người.

Trong thời đại báo chí hiện đại, khi mà tin nóng, nhanh chính là đòi hỏi sống còn của từng tòa soạn, hơn lúc nào hết, bên cạnh "cái đầu lạnh", mỗi nhà báo còn cần phải có một "trái tim nóng" để không bước qua lằn ranh mong manh giữa đạo đức hành nghề và sự cám dỗ của vật chất.

HỒNG TRANG

 

Theo www.nhandan.com.vn

 

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển