Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 4, 25/12/2024

Đang duyệt: Trang chủ Nhân lực - nhân tài

ĐÁNH GIÁ CÁN BỘ

Đổi mới công tác đánh giá cán bộ

Tầm quan trọng của việc sử dụng, bố trí cán bộ từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ và nhắc nhở: Cân nhắc và khéo dùng cán bộ, dùng đúng cán bộ là trách nhiệm của các cấp lãnh đạo, bởi vì không đánh giá, sử dụng đúng cán bộ sẽ dẫn đến sự lãng phí nhân tài là sự lãng phí lớn nhất của đất nước. Làm theo lời căn dặn của Bác, Đảng bộ TP Hà Nội đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ, nhất là khâu đánh giá cán bộ, qua đó kịp thời khen thưởng cán bộ làm tốt, xử lý những cán bộ vi phạm.
 

 

Người dân sử dụng máy “chấm điểm” cán bộ tại bộ phận “một cửa” quận Thanh Xuân - một hình thức góp phần đánh giá công chức. Ảnh: Nhật Nam

Khắc phục tình trạng "cào bằng"

Về chuẩn mực đạo đức cán bộ, GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, khi soi rọi và vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên trong hoàn cảnh đất nước hiện nay, có thể xác định những chuẩn mực chung nhất, gồm: Trung thành, tận tụy, trung thực, sáng tạo, nêu gương. Để đánh giá cán bộ thực chất, tránh tình trạng "cào bằng", ngoài thực hiện quy định của Trung ương, của cấp trên, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương cần vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ vào tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

Trên thực tế, căn cứ các quy định của Trung ương, gắn với tình hình thực tế của mình, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã có những sáng tạo trong công tác đánh giá cán bộ. Tại buổi làm việc mới đây, Đoàn công tác của Ban Tổ chức Trung ương đánh giá rất cao việc đổi mới công tác đánh giá cán bộ của quận Long Biên (Hà Nội). Sự đổi mới đó được thể hiện, thay vì hằng năm, quận đã thực hiện đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hằng tháng nhờ đó đã khắc phục được tình trạng “cào bằng” trong đánh giá cán bộ.

Cụ thể, việc đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành công việc được áp dụng đối với toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn quận, thực hiện theo quy trình 3 bước. Mỗi cán bộ được phân công, giao nhiệm vụ rõ ràng, bảo đảm mỗi nhiệm vụ có người chịu trách nhiệm đến cùng, theo nguyên tắc "một việc một đầu mối xuyên suốt". 

Trên cơ sở đó, 100% đơn vị, cá nhân đã xây dựng kế hoạch công tác, xác định rõ nhiệm vụ, tiến độ và trách nhiệm, coi đây là cơ sở để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Việc đánh giá cán bộ cũng đổi mới theo nguyên tắc, ai giao việc thì người đó đánh giá. Kết quả đánh giá được tổng hợp và công bố hằng tháng trên Cổng thông tin điện tử quận, làm căn cứ xử phạt hoặc khen thưởng, động viên cán bộ.

Chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Thu Hà cho biết, quận đã xây dựng đề án đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thi đua - khen thưởng. Hằng tháng, cán bộ, công chức xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẽ được thưởng 650.000 đồng (0,5 lần lương cơ sở). Các sáng kiến, sáng tạo sẽ được thưởng 1,3 triệu đồng (1 lần mức lương cơ sở). Qua đó, năm 2017, quận đã khen thưởng 953 lượt cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với tổng kinh phí 577 triệu đồng, đồng thời hạ mức xếp loại 78 lượt thủ trưởng các đơn vị, 173 lượt công chức, viên chức. 

Ngoài quận Long Biên, nhiều địa phương trên địa Hà Nội đã đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo tinh thần chỉ đạo của Thành ủy bảo đảm thực chất, khách quan, công tâm.

Giữ nghiêm kỷ luật Đảng

Cùng với đổi mới công tác đánh giá cán bộ, TP Hà Nội là đơn vị đầu tiên tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 102-QĐ/TƯ ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, việc Đảng bộ TP Hà Nội tiên phong triển khai Quy định số 102-QĐ/TƯ để mỗi cán bộ, đảng viên tự giác thực hiện nghiêm kỷ luật Đảng.

Đây là văn bản rất quan trọng và cần thiết, làm căn cứ để tổ chức Đảng có thẩm quyền xem xét thi hành kỷ luật đối với đảng viên có sai phạm, đồng thời là căn cứ để mỗi cán bộ, đảng viên tự soi chiếu, chủ động, tự giác chấp hành, góp phần phòng ngừa sai phạm.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Trần Quang Cảnh, Quy định số 102-QĐ/TƯ một lần nữa đã khẳng định quyết tâm không có "vùng cấm" trong kỷ luật Đảng. Nội dung của quy định cũng khẳng định tinh thần công tâm, vô tư, xử lý nghiêm sai phạm theo đúng quy định của Đảng, bất kể người có vi phạm là ai, đang nắm giữ cương vị gì. Hà Nội là địa phương đi đầu trong triển khai quy định mới này và thực tế thành phố cũng đã bắt đầu xử lý cán bộ vi phạm theo tinh thần mới.

Như vậy, có thể thấy rõ quyết tâm của Đảng bộ Thủ đô trong việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ, nhất là việc đánh giá và xử lý cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh - nhân tố quyết định tới hiệu quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển Thủ đô. Đây cũng là việc làm thiết thực của Đảng bộ Thủ đô trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn hiện nay.
 
 
Hương Ly
 

Kênh thông tin quan trọng đánh giá cán bộ

Với tinh thần đổi mới, đoàn kết, sáng tạo của QH, HĐND các cấp trong thời gian qua để tiến tới mô hình cơ quan dân cử chuyên nghiệp, chuyển từ tham luận sang thảo luận, tranh luận, công tác lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH, HĐND bầu và phê chuẩn trong năm 2018 sẽ tạo thêm kênh thông tin quan trọng cho công tác đánh giá cán bộ.

Kênh thông tin quan trọng


Ảnh: Minh Hà

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm làm cơ sở, là căn cứ để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá cán bộ, thực hiện công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ một cách hiệu quả, đúng người, đúng việc; khuyến khích những người tín nhiệm thấp tự nguyện từ chức; kịp thời đưa ra khỏi vị trí lãnh đạo những người không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao mà không phải chờ đến hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy

Đánh giá cán bộ đặc biệt quan trọng trong công tác cán bộ, quyết định việc bố trí, sử dụng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Hiện nay, đánh giá cán bộ vẫn là khâu khó và yếu. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác này đã được quan tâm thực hiện và dần đi vào nền nếp, bước đầu tạo chuyển biến tích cực, có sự liên thông trong Đảng, Mặt trận, đoàn thể với các cơ quan trong bộ máy nhà nước, đặc biệt là các cơ quan dân cử.

Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm tăng cường hiệu quả giám sát, bảo đảm QH, HĐND thực hiện tốt hơn trách nhiệm của cơ quan quyền lực nhà nước, cơ quan đại biểu của nhân dân, thay mặt nhân dân giám sát người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm sẽ giúp những người được lấy phiếu thấy được mức độ tín nhiệm của mình để có phương hướng khắc phục khuyết điểm, thiếu sót, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, nâng cao bản lĩnh dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phát huy tối đa năng lực và nhiệt huyết để cống hiến, nâng cao hiệu quả công việc.

Ngay sau khi có chủ trương lấy phiếu tín nhiệm, thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 ngày 21.11.2012 của QH Khóa XIII, QH, HĐND các cấp đã hai lần thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm (năm 2013 và 2014). Kết quả đã khẳng định đây là chủ trương đúng đắn, cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển của nước ta trong giai đoạn mới. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã phát huy được tác dụng tốt, thu hút được sự quan tâm, đồng tình ủng hộ của dư luận, sự tin tưởng của cử tri và nhân dân cả nước. Đây thực sự là một kênh thông tin quan trọng để các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét mức độ tín nhiệm và đánh giá cán bộ chính xác hơn.

Có cơ chế để nhân dân tham gia giám sát

Để tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và kịp thời rút kinh nghiệm cho những lần lấy phiếu tín nhiệm tiếp theo, Nghị quyết số 85/2014/QH13 đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng về phạm vi, đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm, thời hạn, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm (chuyển từ định kỳ hàng năm, bắt đầu từ năm thứ hai của nhiệm kỳ sang lấy phiếu một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ) và hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm. Đối với mức độ lấy phiếu tín nhiệm vẫn gồm 3 mức là “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”. Tiếp đó, QH đã luật hóa quy định lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm trong Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND năm 2015, xác định cụ thể phạm vi đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, trình tự và hệ quả lấy phiếu tín nhiệm tại QH và HĐND. Các vấn đề về thời hạn, thời điểm, quy trình lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện theo nghị quyết của QH.

Căn cứ vào các văn bản pháp lý nêu trên, trong nhiệm kỳ QH Khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, QH, HĐND các cấp sẽ tiến hành hoạt động lấy phiếu tín nhiệm một lần vào giữa nhiệm kỳ. Hoạt động này diễn ra trong bối cảnh cả nước đang tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đặc biệt Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng này, cần tập trung vào những giải pháp, kiến nghị sau:

Thứ nhất, các cấp ủy Đảng cần lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát để hoạt động lấy phiếu tín nhiệm tại QH, HĐND bảo đảm chặt chẽ, thận trọng, đúng quy định, dân chủ, khách quan, công tâm, thực chất, đạt mục đích, yêu cầu đặt ra, không hình thức, duy tình. QH, HĐND các cấp phải thực hiện tốt công tác chuẩn bị, đặc biệt là bảo đảm về phương tiện kỹ thuật và phân công tổ chức thực hiện. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm minh việc vận động, lôi kéo hoặc có hành vi tác động làm sai lệch mức độ tín nhiệm hoặc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để làm tổn hại uy tín tập thể và cá nhân, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ. Căn cứ vào kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.

Thứ hai, tiếp tục rà soát, hoàn thiện văn bản hướng dẫn công tác lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm quy định theo Luật Hoạt động giám sát của QH, HĐND, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 85/2014/QH13. Trường hợp cần thiết thì đề nghị QH, UBTVQH kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc hướng dẫn để xác định cụ thể đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, thời hạn, thời điểm lấy phiếu tín nhiệm cũng như xác định các mức tín nhiệm phù hợp với từng chức danh lãnh đạo, quản lý ...

Thứ ba, các ĐBQH, đại biểu HĐND phải nhận thức sâu sắc trách nhiệm thay mặt cử tri, thay mặt nhân dân thực hiện quyền giám sát, đánh giá tín nhiệm đối với người được QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Do đó, mỗi đại biểu phải nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thảo luận, đánh giá một cách thận trọng, khách quan, công tâm và chính xác mức độ tín nhiệm của mình đối với người được lấy phiếu tín nhiệm. Muốn vậy, đại biểu phải thực sự lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, dành thời gian nghiên cứu báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm, báo cáo của Ủy ban MTTQ, lắng nghe, sàng lọc thông tin được phản ánh qua các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận xã hội một cách cẩn trọng.

Thứ tư, người được lấy phiếu tín nhiệm phải chuẩn bị báo cáo về kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và phẩm chất, đạo đức, lối sống một cách trung thực, khách quan. Thực hiện công khai Bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định, đồng thời phải trả lời nghiêm túc, đầy đủ, trung thực những vấn đề mà ĐBQH, đại biểu HĐND nêu. Để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII), người được lấy phiếu có trách nhiệm kiểm điểm, đánh giá về việc có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong báo cáo bằng văn bản của mình gửi QH, HĐND, làm căn cứ cho ĐBQH, đại biểu HĐND đánh giá mức độ tín nhiệm.

Thứ năm, cần có cơ chế để nhân dân tham gia giám sát hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, chẳng hạn thông tin về kết quả kiểm phiếu. Đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình “hậu lấy phiếu tín nhiệm” để theo dõi, đánh giá việc khắc phục những thiếu sót, hạn chế của người được lấy phiếu tín nhiệm, báo cáo với QH, HĐND trong lần lấy phiếu tín nhiệm tiếp theo.

Trần Văn Túy - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Công tác đại biểu
Văn phòng TW Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực - Nhân tài Việt Nam tổng hợp từ các nguồn: hanoimoi.com.vn; daibieunhandan.vn

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển