Tuy nhiên, thời gian gần đây, một mặt trận dân vận mới chưa được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm đúng mức là tiến hành vận động quần chúng trên không gian mạng.
Theo số liệu thống kê, năm 2019, Việt Nam có dân số gần 97 triệu người nhưng có 64 triệu người sử dụng internet. Trong đó, 58 triệu người dùng mạng xã hội (MXH) trên thiết bị di động (tính đến đầu năm 2019). Trên không gian mạng, người dùng dễ dàng tương tác, chia sẻ, tham gia các diễn đàn, hội, nhóm để liên kết, hợp tác ở mọi lĩnh vực đời sống, đồng thời thể hiện ý kiến cá nhân hay tập thể về mọi vấn đề của đời sống xã hội; trong đó có “luận bàn” nhiều nội dung liên quan đến việc quán triệt, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước. Do đó, vấn đề nắm bắt, định hướng dư luận và vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trên không gian mạng là xu hướng tất yếu trong tiến hành CTDV của Đảng hiện nay.
|
Ảnh minh họa: TTXVN |
Thế nhưng thời gian qua, một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thật sự quan tâm đúng mức đến CTDV trên không gian mạng, chưa nắm bắt kịp thời những diễn biến tư tưởng của các tầng lớp nhân dân, nhất là giới trẻ trên MXH. Do đó, việc phát huy nguồn lực tiến hành CTDV chưa được khai thác triệt để; ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả vận động quần chúng trong điều kiện xã hội số; thậm chí dẫn đến hệ quả là các luận điệu chống phá được dịp “đục nước béo cò”, lợi dụng, lôi kéo, tập hợp lực lượng gây rối an ninh, trật tự tại địa phương, gây khó cho việc vận động quần chúng của Đảng.
Thực tế cho thấy, không ít cấp ủy, địa phương như Bình Dương đã nắm bắt, dự đoán tốt tình hình, chỉ đạo kịp thời tiến hành CTDV bằng việc mỗi cán bộ, đảng viên hòa vào cộng đồng mạng từ những chiếc smartphone, qua đó thông tin, tuyên truyền về đường lối của Đảng, vận động quần chúng tham gia các phong trào hành động cách mạng đạt hiệu quả, tạo ra những trào lưu hành động không chỉ trên MXH mà cả ngoài đời sống xã hội, đưa Bình Dương phát triển bứt phá. Cũng qua các tài khoản cá nhân của cán bộ, đảng viên giúp người dân hiểu đúng chủ trương của Đảng, nắm rõ bản chất sự việc, không tin, theo kẻ xấu xúi giục, góp phần giữ ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn:“Dân vận không thể chỉ dùng báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ”. Vận dụng tư tưởng của Người, để tiến hành hiệu quả CTDV trên không gian mạng, trước hết, các cơ quan chức năng ở Trung ương cần sớm có chủ trương, giải pháp đồng bộ, cụ thể về việc nắm bắt, định hướng dư luận và vận động nhân dân trên internet, MXH để bảo đảm tính thống nhất trong toàn xã hội.
Mỗi cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc thiết lập các kênh thông tin trên internet, MXH, đầu tư các trang thiết bị phục vụ việc nắm bắt, định hướng, chủ động cung cấp thông tin cần thiết, đầy đủ, đúng sự thật về những vấn đề dư luận quan tâm về đường lối, chủ trương của Đảng. Coi trọng việc tổ chức hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng khai thác, sử dụng thông tin trên internet, MXH cho đội ngũ cán bộ, đảng viên làm CTDV trên không gian mạng.
Từng cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải phát huy vai trò, trách nhiệm của mình là một chiến sĩ dân vận trên không gian mạng bằng việc kết nối, gắn kết với cán bộ, người lao động nơi công tác, nhân dân nơi cư trú-tạo kênh liên kết chặt chẽ, gần gũi, chân thành, từ đó thông qua những lời nói, việc làm cụ thể để người dân hiểu, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước trong tình hình mới.
LÊ DUY THÀNH
Nguồn: qdnd.vn