|
Panasonic đang mở rộng các nhà máy hiện có tại Việt Nam. |
Kế hoạch mới của Panasonic
Những chiếc khuôn rập, khuôn đúc của nhà máy Panasonic tại Thái Lan sẽ cập bến Việt Nam vào tháng 9/2020. Trong thời gian chuyển giao, doanh nghiệp này sẽ sử dụng dây chuyền sản xuất hiện tại cho các mẫu sản phẩm chuyển giao.
Nhà máy của Panasonic tại Bangkok sẽ ngừng sản xuất máy giặt vào tháng 9/2020 và tủ lạnh vào tháng 10/2020. Theo đó, mảng sản xuất tủ lạnh công suất lớn được chuyển giao cho nhà máy Panasonic Appliances Việt Nam (PAPVN) đặt tại Đông Anh (Hà Nội) và sản xuất máy giặt cửa đứng công suất lớn sẽ được chuyển giao cho nhà máy PAPVN đặt tại Hưng Yên.
“Thời gian đầu, chúng tôi dự kiến sử dụng nhà máy và cơ sở vật chất hiện có. Tùy thuộc vào tình hình kinh doanh, chúng tôi có thể phải lên kế hoạch mở rộng hơn nữa”, đại diện Panasonic Việt Nam cho biết.
Chia sẻ về lý do Panasonic quyết định chuyển nhà máy từ Thái Lan sang Việt Nam, đại diện Panasonic cho hay: “Đây là một phần trong kế hoạch tái cấu trúc toàn cầu về sản xuất của chúng tôi. Sản xuất tại Việt Nam và phân phối cho các thị trường mục tiêu sẽ có lợi thế về chi phí hơn là việc tiếp tục sản xuất tại Thái Lan và chúng tôi có thể cung cấp các sản phẩm cạnh tranh hơn cho khách hàng”.
Cùng với việc chuyển nhà máy để tiết kiệm chi phí, Panasonic đang mở rộng các nhà máy hiện có tại Việt Nam. Theo đó, một dây chuyền sản xuất quạt trần và thông gió đang được xây dựng tại Nhà máy Panasonic tại Bình Dương, sẽ được hoàn thành vào tháng 1/2021. Đây là lần mở rộng thứ 2 của nhà máy tại Bình Dương kể từ khi đi vào sản xuất năm 2013.
Các động thái này đang phản ánh xu hướng mới, nhằm tìm kiếm địa điểm có giá thuê đất rẻ, chi phí nhân lực thấp và nhu cầu sử dụng các sản phẩm gia dụng điện tử cao tại Việt Nam.
Bản danh sách nối dài
Cùng với Panasonic, rất có thể nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử Nhật Bản sẽ cập bến Việt Nam.
Theo đó, hãng trò chơi điện tử Nintendo đã chuyển một phần hoạt động sản xuất máy chơi game Switch Lite tại Trung Quốc sang Việt Nam.
Trong khi đó, công ty sản xuất xe cơ giới và máy móc xây dựng Komatsu đang chuyển dây chuyền sản xuất linh kiện sử dụng cho khung xe cơ giới và bộ dây dẫn điện từ Trung Quốc về Nhật Bản và sang Việt Nam.
Còn Sharp cũng lên kế hoạch chuyển cơ sở sản xuất laptop dành cho thị trường Mỹ tới Việt Nam. Theo kế hoạch này, Sharp sẽ xây dựng nhà máy mới tại Việt Nam để sản xuất màn hình tinh thể lỏng (LCD) cho ô tô sẽ được bán ở Mỹ, một số đơn vị sản xuất máy tính cá nhân của thương hiệu con Dynabook cũng có thể chuyển sang cơ sở mới.
Một hãng khác của Nhật Bản là Kyocera, chuyên sản xuất các sản phẩm gốm và đồ điện tử, sẽ chuyển nhà máy sản xuất máy photocopy và máy in đa chức năng phục vụ thị trường Mỹ từ Trung Quốc sang Việt Nam. Hiện máy in đa năng của công ty này được sản xuất tại Trung Quốc chủ yếu xuất khẩu đến Mỹ, còn những máy in sản xuất tại Việt Nam thường dành cho thị trường châu Âu.
Ngoài các hãng Nhật Bản, một đối tác sản xuất linh kiện cho Apple cũng được cho là có dấu hiệu sẽ thiết lập nhà máy mới tại Việt Nam. Theo đó, Luxshare-ICT là một trong 6 tập đoàn sản xuất linh kiện điện tử hàng đầu Trung Quốc, chuyên sản xuất linh kiện cung cấp cho các nhãn hàng điện thoại lớn như Apple, Samsung, Lenovo, Sony, Asus, Dell, Huawei… đang xây dựng nhà máy thứ 2 tại Khu công nghiệp Quang Châu (huyện Việt Yên, Bắc Giang).
Động thái này cho thấy, có vẻ như Apple đang muốn tìm kiếm một Foxconn mới và công ty được nhắm đến có thể là Luxshare-ICT, đối tác đang sản xuất AirPods tại Việt Nam.
Trước đó, Apple đã khuyên Luxshare-ICT đầu tư mạnh vào các nhà cung cấp khung vỏ cho iPhone và MacBook. Nhà máy mới này sẽ sản xuất vỏ kim loại chất lượng cao, kết hợp với hiểu biết về lắp ráp smartphone để đạt trình độ gần như toàn bộ chuỗi cung ứng linh kiện điện tử. Như vậy, rất có thể Luxshare-ICT đã nhận được hợp đồng sản xuất iPhone từ Apple, cạnh tranh với chính Foxconn.
Trong khi đó, Google dự kiến chuyển toàn bộ đơn vị sản xuất của mình ra ngoài Trung Quốc, bao gồm nhà máy sản xuất điện thoại Pixel và loa thông minh Google Home. Riêng tại Việt Nam, Google sẽ đặt trước một số nhà máy sản xuất điện thoại Pixel 3A. Dự kiến việc chuyển đổi xong vào cuối năm 2020.
Công nghệ thông tin, công nghệ cao, thiết bị điện tử là các lĩnh vực đang có sự dịch chuyển đầu tư mạnh mẽ. Chi phí sản xuất thấp, nhân công rẻ, giá thuê đất thấp, vị trí thuận lợi và đặc biệt là sự ổn định chính trị và cải thiện môi trường đầu tư đang là những “điểm cộng” để Việt Nam thu hút làn sóng dịch chuyển này.
“Việt Nam cần chuẩn bị hạ tầng giúp đẩy nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng cũng như chuẩn bị đón làn sóng chuyển dịch đầu tư từ nước khác sang”, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Công viên phần mềm Quang Trung nhận định.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, cơ hội cho nền kinh tế rất lớn, do đó, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện hơn nữa chính sách, môi trường kinh doanh như đơn giản hóa thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian thẩm định và cấp phép, giúp các nhà đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần tiếp cận ngay để đàm phán cụ thể với các công ty đa quốc gia đang có ý định dịch chuyển sản xuất, không thụ động chờ họ tìm đến mình.
Hữu Tuấn
Nguồn: baodautu.vn