Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 4, 25/12/2024

Đang duyệt: Trang chủ Nhân lực - nhân tài

CỰU BINH MỸ 25 NĂM ĐỒNG HÀNH VỚI PHỤ NỮ NGHÈO; NGƯỜI CHA VÀ 93 ĐỨA CON

Cựu binh Mỹ 25 năm đồng hành với phụ nữ nghèo

Suốt 25 năm, hình ảnh một ông Tây lặn lội đến các vùng quê ở Quảng Ngãi giúp phụ nữ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mọi người.

Ông Roy Mike Boehm được phụ nữ nghèo Quảng Ngãi gọi với cái tên trìu mến “Ông Mai phụ nữ” /// Hiển Cừ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ông Roy Mike Boehm được phụ nữ nghèo Quảng Ngãi gọi với cái tên trìu mến “Ông Mai phụ nữ”

HIỂN CỪ

 

 

 

 

 

 

Đó là cựu binh Mỹ Roy Mike Boehm. Ông được người dân Quảng Ngãi gọi với cái tên trìu mến: “Ông Mai phụ nữ”. Từng tham chiến tại chiến trường VN, năm 1969 sau khi trở về Mỹ, tâm trí của Roy Mike Boehm luôn ám ảnh về sự tàn khốc của chiến tranh. Nỗi day dứt ấy khiến ông quyết định quay trở lại VN vào năm 1992. Ông tìm về Sơn Mỹ (xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi), nơi 504 thường dân vô tội bị sát hại, để kéo vĩ cầm tạ lỗi trước vong linh các nạn nhân.

Chứng kiến cuộc sống khốn khó của người dân, năm 1993, ông quyết định chọn Sơn Mỹ, chọn Quảng Ngãi là chốn đi về để làm những phần việc mà theo ông, là góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh. Kể từ đó, trong suốt 25 năm qua, Roy Mike Boehm cứ như con thoi bay qua bay lại nửa vòng trái đất để đồng hành, sẻ chia khó khăn với phụ nữ nghèo và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Cùng đi với ông còn có những cựu binh Mỹ từng tham chiến tại VN. Họ là những người bạn cùng chung ý nguyện lập nên Tổ chức Madison Quakers, Inc (MQI) với mục tiêu là hoạt động thiện nguyện, do ông Roy Mike Boehm làm giám đốc điều hành.

 

 

Được kết nạp vào hội phụ nữ

Ghi nhận những đóng góp của ông Roy Mike Boehm với phong trào xóa đói, giảm nghèo cho phụ nữ ở vùng nông thôn, Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi đã kết nạp ông là hội viên danh dự. Mới đây, ông còn được T.Ư Hội LHPN VN trao tặng kỷ niệm chương “Vì sự phát triển của phụ nữ VN”. Đây là sự ghi nhận đặc biệt dành cho ông về những hoạt động hỗ trợ sinh kế, giúp phụ nữ và trẻ em nghèo ở Quảng Ngãi trong suốt 25 năm qua. “Năm nay, tôi đã ngoài 70 tuổi. Dù tuổi đã cao, sức yếu nhưng tôi hy vọng sẽ tiếp tục đồng hành với phụ nữ nghèo Quảng Ngãi thêm 25 năm nữa”, ông Roy Mike Boehm thổ lộ.

 

Năm nay, ông Roy Mike Boehm cùng những người bạn Mỹ đến thăm các phụ nữ nghèo ở xã Tịnh Bình, H.Sơn Tịnh. Đây là địa phương có 15 chị em nghèo được Tổ chức MQI hỗ trợ 215 triệu đồng để mua bò giống, phát triển chăn nuôi, cải thiện đời sống gia đình. Gia đình chị Nguyễn Thị Kim Anh (ở xã Tịnh Bình) rất nghèo, luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau, con cái nheo nhóc, nhà cửa xuống cấp. Vì thế, đối với chị việc được “ông Mai” hỗ trợ vốn mua một con bò giống là một tài sản lớn, là cơ hội để gia đình thoát nghèo. “Có được con bò giống, tôi mừng lắm. Cố gắng chăm sóc để bò sinh sôi nảy nở. Cảm ơn “ông Mai” đã giúp đỡ”, chị Kim Anh bộc bạch.

Không chỉ đồng hành với phụ nữ nghèo, ngày 15.3 vừa qua, ông Roy Mike Boehm cùng các thành viên MQI còn trao 100 suất học bổng (1 triệu đồng/suất) cho học sinh nghèo ở các xã Tịnh Khê, Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa và Tịnh Thiện (TP.Quảng Ngãi). “Món quà nhỏ này là tình cảm của những cựu binh Mỹ mong muốn góp sức mình để xoa dịu vết thương chiến tranh trên mảnh đất này”, ông Roy Mike Boehm tâm tình.

Với số tiền ban đầu quyên góp được chỉ 3.000 USD, suốt 25 năm qua, ông Roy Mike Boehm lặng lẽ vận động từ những cựu binh Mỹ để giúp hàng trăm phụ nữ nghèo ở Quảng Ngãi. Từ nguồn vốn hỗ trợ gần 1,7 tỉ đồng, nhiều chị em phát triển chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất nên đã vượt qua đói nghèo. Ngoài ra, MQI còn xây mới, sửa chữa 57 nhà tình thương, tặng xe đạp, học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn...

Theo bà Phạm Thị Hồng Hải, Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Quảng Ngãi, sự đồng hành sẻ chia của MQI cũng như cá nhân ông Roy Mike Boehm thật đáng trân quý, tạo điều kiện cho chị em vươn lên thoát nghèo và tiếp sức cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đến trường.

Dành phần đời còn lại để góp chút sức lực hàn gắn vết thương chiến tranh nên mỗi lần về Quảng Ngãi, cựu binh Mỹ Roy Mike Boehm không quản ngại đường sá xa xôi, lặn lội đến nhiều làng quê để thăm hỏi, động viên, tìm hiểu cách thức làm ăn của những phụ nữ nghèo. Ánh mắt ông bừng lên niềm vui khi tận mắt chứng kiến những con bò, con trâu béo tốt. “Theo tôi, phụ nữ VN trong gia đình là người trụ cột. Họ làm việc rất vất vả, từ lao động sản xuất đến nuôi dạy con cái, trông coi nhà cửa nhưng nhiều người có cuộc sống rất khó khăn. Vì vậy, tôi muốn giúp họ giảm bớt nghèo khó”, ông Roy Mike Boehm nói.

Hiển Cừ

Người cha và 93 đứa con

Không vợ con, nhưng một mình ông nuôi 93 trẻ mồ côi, cơ nhỡ. Hơn 10 năm nay, ngôi nhà ông luôn rộn rã tiếng cười đùa của trẻ thơ...

Ông Nhật bên đàn con “nhặt được”
	 /// Ảnh: Thiên Ân

Ông Nhật bên đàn con “nhặt được”. ẢNH: THIÊN ÂN

Không khó để hỏi đường đến nhà người đàn ông nhân hậu Đinh Minh Nhật (57 tuổi, ở xã Ia Hlốp, H.Chư Sê, Gia Lai). Ngôi nhà đang được ông Nhật thuê người sửa và mở rộng hơn để những đứa trẻ có thêm chỗ ngủ. Thấy khách, người đàn ông nhỏ thó nở nụ cười đôn hậu, bỏ vội chiếc xe rùa chở cát xuống rồi ra đón. Đám trẻ thấy người lạ đến nhà cũng lễ phép ra chào.

Bắt đầu việc “nhặt” những đứa trẻ bất hạnh về nuôi đến nay đứa con lớn nhất cũng đã đôi mươi. “Khi nhìn những đứa trẻ bị vứt bỏ đang ở giữa ranh giới sống chết, tôi không đành lòng. Và bây giờ, gia tài của tôi chính là 93 đứa con này đây”, ông Nhật nhìn bầy nhỏ với ánh mắt trìu mến.

Giành trẻ từ tay tử thần

 

 

 

Người cha và 93 đứa con - ảnh 1

 

Tôi chỉ ước không còn đứa trẻ nào bị bỏ rơi, mất cha, mẹ nữa. Thực sự bây giờ tôi đã có tuổi rồi, không còn sức để nhận nuôi các con được nữa. Chỉ mong rằng những cặp đôi yêu nhau hãy có trách nhiệm hơn với giọt máu của mình

 

 

Ông Đinh Minh Nhật

 

Hơn 10 năm trước trong một lần vào làng của đồng bào Jarai (H.Chư Prông), ông chứng kiến cảnh dân làng chuẩn bị chôn sống một bé gái còn đỏ hỏn. Bé mới sinh được hai ngày thì mẹ qua đời, theo phong tục, đứa bé bất hạnh cũng phải chôn theo. Bị sốc bởi những quan niệm lạc hậu đó, ông xông vào giành lại đứa trẻ.

Dân làng không đồng ý vì cho rằng đứa bé này mang lại điều xui xẻo, nếu nó không bị chôn sống cả làng sẽ bị Giàng (trời, thần) phạt.

Sau hồi lâu giải thích và nộp phạt một con heo 50 kg để người dân cúng Giàng, ông Nhật cũng đưa được đứa trẻ về nhà nuôi nấng. Đứa trẻ bất hạnh ngày nào giờ đã là cô bé 11 tuổi hồn nhiên vui sống.

“Tôi đặt tên cho cháu là Hồng Phúc với mong muốn cháu được may mắn và quên đi nỗi bất hạnh của mình. Hy vọng lớn lên cháu sẽ biết thương yêu giúp đỡ người khác”, ông Nhật tâm sự.

Không chỉ riêng Phúc, ở mái ấm tình thương này có nhiều mảnh đời mà nghĩ lại ông vẫn không kềm được nước mắt. Đặc biệt là trường hợp của đứa con tật nguyền Đinh Thúi.

Trong một lần đi lang thang ở các buôn làng, ông Nhật bắt gặp một bé trai bị bỏ rơi, nằm trong tấm chăn mỏng nhàu nát, cơ thể đã tím tái. Kiểm tra sơ, ông rụng rời tay chân khi thằng bé không có... hậu môn. Ngay lập tức ông Nhật vội vàng ôm đứa trẻ xuống TP.HCM cấp cứu.

Đến bệnh viện, người cha già như chết lặng khi bác sĩ xác định bé mắc hội chứng Down. Đã vậy, nhiều người còn xì xầm: “Ăn ở không có đức nên con cháu mới không có hậu môn”.

Thương đứa trẻ tật nguyền, ông Nhật vay mượn tiền khắp nơi để phẫu thuật tạo hậu môn giả cho Thúi. Những đêm ở bệnh viện, Thúi đau đớn và thèm sữa mẹ nên khóc mãi làm ông Nhật chẳng thể chợp mắt. Những đêm như thế nước mắt của người đàn ông cứ lặng lẽ lăn dài trên khuôn mặt đã dày đặc vết chân chim.

Sau khi gặp Phúc và Thúi, ông Nhật cứ mãi tự dằn vặt. Từ đó, hễ nghe tin các em nhỏ có bố mẹ qua đời, bị bỏ rơi, lang thang cơ nhỡ, ông đều tìm đến và đưa về nuôi nấng. Nhiều người đi nương rẫy, đi công tác... hễ thấy trẻ bị bỏ rơi cũng “lượm” đưa về cho ông Nhật. Năm này qua năm khác, số con nuôi của ông cứ đông dần lên đến con số 93.

Người cha và 93 đứa con - ảnh 3

Ông Nhật vừa phải làm cha vừa phải làm mẹ chăm sóc những đứa trẻ mồ côi

“Không đủ sức nữa rồi”

Nhắc đến các con của mình, ông Nhật không giấu được nỗi xúc động. Ông nhớ có những đêm các con bệnh, thèm hơi ấm của người mẹ. Chẳng biết làm thế nào ông Nhật đành ôm con trong lòng và ru chúng vào giấc ngủ. Đến khi con ngủ say cũng là lúc ông mệt rã rời nhưng không dám cựa quậy, chỉ biết tựa lưng vào tường mà chợp mắt.

Sau những giờ bọn nhỏ học trên lớp, về nhà ông đọc cho chúng nghe những mẩu chuyện về gia đình, mở những bài hát về tình cảm cha mẹ, con cái. Qua đó, ông muốn chúng biết trân trọng tình cảm gia đình hơn và phần nào nguôi ngoai nỗi đau mất cha mẹ.

Để khuyến khích các con học tập tốt, ông Nhật ra điều kiện nếu đứa nào có giấy khen sẽ được thưởng 500.000 đồng. Năm học vừa qua, 23 con đạt được thành tích cao khiến ông vừa vui vừa lo khi nghĩ về phần thưởng đã hứa. “Lỡ hứa rồi thì phải thực hiện, nhưng số phần thưởng lớn quá mà tôi lại chưa xoay đâu ra tiền nên vẫn đang mắc nợ các con. Sau bao năm được thấy các con lớn lên, học hành chăm chỉ và đạt thành tích cao, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Chỉ cần chúng nó nhận thức được cuộc sống, yêu thương mọi người tôi đã mãn nguyện lắm rồi”, ông Nhật xúc động nói.

Nói về người “cha” của mình, em Siu H’Sêu (lớp 8) cho hay từ nhỏ em đã được cha Nhật đùm bọc và nuôi dưỡng nên đối với em đây là gia đình thứ 2 của mình.

“Em vào đây sống với cha từ nhỏ, em tủi thân khi thấy bạn bè có bố mẹ bên cạnh, nhiều đêm ngủ nhớ bố mẹ ruột em cũng khóc. Nhưng bù lại em thấy hạnh phúc vì có nhiều anh chị em, được cha Nhật quan tâm”, em Sêu rưng rưng nước mắt nói.

Có đến 93 người con, nhưng chưa bao giờ ông gọi nhầm hay quên tên các con vì mỗi đứa là một kỷ niệm và cũng là một dấu ấn với cuộc đời ông.

“Tôi đã nuôi nấng hàng chục đứa con, hơn ai hết tôi biết rõ nỗi khổ tâm của chúng. Tôi chỉ ước không còn đứa trẻ nào bị bỏ rơi, mất cha, mẹ nữa. Thực sự bây giờ tôi đã có tuổi rồi, không còn sức để nhận nuôi các con được nữa. Chỉ mong rằng những cặp đôi yêu nhau hãy có trách nhiệm hơn với giọt máu của mình”, ông Nhật tâm sự.

6 tạ gạo/tháng để nuôi trẻ

Hằng ngày ông đi làm thuê làm mướn ở khắp nơi, ai thuê gì làm nấy, toàn bộ tiền dành dụm được đem về nuôi tụi nhỏ. Cạnh đó, ông cũng tận dụng khu vườn trồng 600 gốc tiêu cùng 600 gốc cà phê để kiếm thêm. Theo ông Nhật, mỗi tháng lũ trẻ ăn hết 6 tạ gạo, hàng chục ký mắm muối. Bữa ăn sáng cho lũ trẻ thường là thùng mì tôm mua nợ từ quán gần nhà.

“Việc ông Nhật nhận nuôi hàng chục trẻ em mồ côi, cơ nhỡ rất đáng hoan nghênh. Chính quyền xã cũng tạo điều kiện kêu gọi các đoàn từ thiện. Cơ sở của ông Nhật cũng nhận được khá nhiều sự giúp đỡ từ các chùa, đoàn từ thiện, nhà hảo tâm. Nhưng hiện nay số trẻ đang quá lớn nên mọi thứ còn chật vật, mong rằng sẽ có thêm nhiều sự giúp đỡ để hỗ trợ cho các cháu có cuộc sống đảm bảo”, ông Lê Sĩ Quý, Chủ tịch UBND xã Ia Hlốp, cho biết.

Thiên Ân

Nguồn: thanhnien.vn

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển