Hiệp định CPTPP đã được ký kết vào ngày 8/3 tại Chile. Kết quả của việc ký kết này là nỗ lực của 11 nước thành viên, trong đó Nhật Bản đề xuất khởi động lại một TPP “mới” sau sự rút lui của Hoa Kỳ đầu năm ngoái.

p/Sau khi Mỹ rút lui, TPP được đổi tên thành CPTPP sau phiên thảo luận cấp bộ trưởng vào tháng 11/2017.

Sau khi Mỹ rút lui, TPP được đổi tên thành CPTPP sau phiên thảo luận cấp bộ trưởng vào tháng 11/2017.

Khác nhau giữa TPP và CPTPP

Về cơ bản, CPTPP giữ nguyên các nội dung cốt lõi của TPP với hy vọng chờ đợi sự quay lại của Mỹ. Tuy nhiên, trong số 8.000 trang của CPTPP được thông qua, có hơn 20 điều khoản đã bị tạm hoãn hoặc sửa đổi so với thỏa thuận TPP. 

Những thay đổi đó bao gồm trước tiên là tên gọi, tiếp đến là số lượng thành viên: CPTPP chỉ còn 11 nước thành viên với quy mô kinh tế chiếm khoảng 13,5% GDP và 15,2% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu, thấp hơn khá nhiều so với quy mô của TPP nếu có Mỹ (chiếm 38,2% GDP và 26,5% kim ngạch thương mại toàn cầu).

Tiếp theo, với tình huống Mỹ, quốc gia chiếm tới 60% GDP toàn khối, rút lui khỏi TPP, thì 11 nước còn lại đã phải thay đổi điều khoản để CPTPP có thể bắt đầu. Theo đó, chỉ cần ít nhất 6 quốc gia thành viên ký phê chuẩn thì Hiệp định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày ký.

Ngoài ra, CPTPP còn bổ sung các quy định về quy trình rút lui, gia nhập, rà soát lại CPTPP trong tương lai, tạo nên tính linh hoạt đối với Hiệp định và có thể sẵn sàng cho những đợt kết nạp thành viên mới sau này.

Cuối cùng, CPTPP có khoảng 20 nội dung bị tạm “treo” so với TPP, chủ yếu là các cam kết cứng rắn về sở hữu trí tuệ mà Mỹ là quốc gia đề xuất trước đây. Cụ thể, có 11/20 điều khoản liên quan đến sở hữu trí tuệ, bảo vệ chặt chẽ quyền lợi của người sở hữu sáng chế. CPTPP sẽ hoãn việc yêu cầu các nước thành viên thay đổi luật và thông lệ của mình để bảo vệ các dược phẩm mới, bao gồm cả chế phẩm sinh học, không bị cạnh tranh bởi các thuốc gốc.

Tại sao Mỹ quay lại?

Đầu năm 2018, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất Mỹ có thể cân nhắc quay lại CPTPP, với một số điều kiện nhất định. Sở dĩ Trump thay đổi quan điểm và cân nhắc quay trở lại với CPTPP là do: 

Thứ nhất là để thay đổi hình ảnh quốc gia. Tại WEF, ông Trump thanh minh, chính sách “nước Mỹ là trên hết” không phải là nước Mỹ muốn cô lập. Nước Mỹ cần một thế giới cởi mở, không phải “khép kín” vì sự phồn vinh và phát triển của mình.

Thứ hai là để xoa dịu quan hệ với các thành viên CPTPP. Trước thời điểm tổ chức WEF ở Davos, 11 nước thành viên đã hoàn thành đàm phán CPTPP, trong đó Nhật Bản đã phát huy vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy Hiệp định này.

Thứ ba là để tìm kiếm môi trường bên ngoài có lợi cho Mỹ. Tại Hội nghị APEC tháng 11/2017, ông Trump nhiều lần nhắc đến khái niệm mới Indo-Pacific Concept / IPC (Học thuyết Ấn Độ- Thái Bình Dương). IPC là quá trình đưa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương tạo thành vòng cung chiến lược mới mà giới quan sát quen gọi tắt là “không gian Ấn Thái Dương”. Từ IPC đến Chiến lược Ấn Độ- Thái Bình Dương (IPS) là cả một tiến trình, trong đó, lực lượng chủ công thúc đẩy tiến trình này chính là phe ủng hộ đường lối trước đây của đảng Cộng hòa và quân đội Mỹ. Một khi IPS trở thành chiến lược thực thụ, sẽ gia tăng tầm ảnh hưởng của Mỹ nhằm kiềm chế sự trỗi dậy “quá đà” của Trung Quốc.

Thứ tư là để đặt nền tảng cho việc cải cách hệ thống thương mai đa phương và khu vực. Trở lại với CPTPP, quan niệm “thương mại tự do” và “thương mại công bằng” sẽ được thúc đẩy. CPTPP sẽ trở thành diễn đàn để thúc đẩy quan niệm về giá trị và chính sách “nước Mỹ là trên hết”.

Thứ năm, CPTPP về bản chất không đi ngược lại lợi ích của cả đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ. Việc quay trở lại một CPTPP sẽ mang lại lợi ích thương mại lớn hơn cho nước Mỹ, sẽ thu được nhiều thành tựu hơn trong chuỗi giá trị và phát triển ngành nghề của khu vực Ấn Độ-Thái Dương.

Thứ sáu, từ đầu 2018, các va chạm thương mại Trung- Mỹ tiếp tục gia tăng. Những cuộc đàm phán đến nay vẫn không làm thay đổi được nhận thức của chính quyền Trump đối với quan hệ mậu dịch Trung- Mỹ. Sự quay trở lại CPTPP sẽ giúp Mỹ bảo vệ được địa vị lãnh đạo của mình trong hệ thống kinh tế thế giới.

Chiến lược của Việt Nam

Theo TS. Võ Trí Thành, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC), ý nghĩa của CPTPP có thể cũng chưa thể lường hết được, đó chính là tác động của Hiệp định đối với thể chế cũng như việc hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam.

CPTPP sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam như nhiều FTA khác. Tuy nhiên, Hiệp định sẽ khiến mức độ cạnh tranh lớn hơn, vì mức độ mở cửa cao nên đòi hỏi sự chuyển đổi của Nhà nước và sự chủ động của các doanh nghiệp nhằm phát huy mặt tích cực nhiều hơn và giảm thiểu các tồn tại.

Đặc biệt, đây là lúc Việt Nam càng phải ưu tiên mạnh mẽ quá trình xây dựng bộ máy nhà nước chuyên nghiệp, minh bạch và có tính giải trình cao. Công việc này cần được đẩy mạnh cùng với việc nâng cao chất lượng thị trường, thể hiện qua việc cải thiện hơn nữa chất lượng của quá trình kinh doanh, bao gồm nhiều nhân tố như vấn đề vốn, nhà đất, vấn đề sỡ hữu…

Ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư Công nghiệp và thâm dụng lao động được lợi

 

Khi CPTPP được ký kết và thông qua, hầu hết các ngành công nghiệp nhẹ và thâm dụng lao động được hưởng lợi. Hiệp định có thể tạo thêm mức tăng trưởng cho nhóm ngành này từ 4- 5%, và mức tăng xuất khẩu thêm từ 8,7- 9,6%. Kết quả tính toán của chúng tôi cho thấy, trong CPTPP, ngành dệt may vẫn tăng thêm được quy mô sản xuất và giá trị xuất khẩu. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tăng thêm từ 8,3-10,8%. Tốc độ tăng trưởng XK cao của ngành này do hàng dệt may, da giày có sức cạnh tranh về giá lớn hơn ở các thị trường mới trong CPTPP, trong khi vẫn giữ được thị trường chủ lực là Mỹ và EU.

Ngược lại, mức ảnh hưởng của CPTPP tới các ngành công nghiệp nặng khá mờ nhạt (0,8-1,2%) do Việt Nam không có lợi thế cạnh tranh ở nhóm hàng công nghiệp.

Bên cạnh đó, do tác động của CPTPP, tốc độ tăng trưởng sản lượng của một số ngành có thể giảm, bao gồm chăn nuôi, chế biến thực phẩm, và dịch vụ bảo hiểm. Trong đó, ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng nhiều nhất do sức cạnh tranh của ngành này rất yếu.

Ngoài những ích lợi từ CPTPP, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Điển hình như cơ cấu sản xuất khó thay đổi nhanh. Hiện nay, Việt Nam vẫn chủ yếu nhập khẩu nguyên phụ liệu và công nghệ cũ về để sản xuất, rồi sau đó mới xuất khẩu.


Ông Nguyễn Đình Lương, Nguyên trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt-Mỹ (BTA):Những lợi ích bất ngờ

 

Thứ nhất, việc 11 nước thành viên ký kết CPTPP đã đánh dấu lần đầu tiên hình thành một khu vực mậu dịch tự do ở châu Á – Thái Bình Dương, điều mà ta đã từng thấy ở một số khu vực khác trên thế giới.

Thứ hai, CPTPP là một sân chơi mới của các nước lớn, các nền kinh tế phát triển, trong đó có thể kể đến là Nhật Bản, Australia, Canada, Singapore …

Thứ ba, sự hình thành của CPTPP sẽ là một minh chứng cụ thể và động lực tiếp tục thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, chứ toàn cầu hóa không bị dừng lại như nhiều người vẫn nghĩ.

Cuối cùng, có thể nói rằng, việc 11 nước thành viên còn lại vẫn quyết tâm "cứu" TPP và đi đến chặng đường cuối cùng này dù không có sự tham gia của Hoa Kỳ như là một lời nhắc nhở, khuyến khích Mỹ quay trở lại. Nếu các nước thời gian vừa qua không nỗ lực thực hiện CPTPP thì CPTPP đã không thể hình thành chứ chưa nói tới khả năng Mỹ sẽ quay lại.