Từng bước hoàn thiện tiêu chí đánh giá cán bộ
Nói về những kết quả đạt được của công tác cán bộ (CTCB), đồng chí Hồ Mẫu Ngoạt, Chánh Văn phòng Tổng Bí thư, Trợ lý Tổng Bí thư bày tỏ ấn tượng trước việc Trung ương và các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện bộ tiêu chí ĐGCB. Bộ tiêu chí ĐGCB thể hiện tính toàn diện từ Trung ương đến cơ sở; đánh giá cả quá khứ, hiện tại và dự báo tương lai của cán bộ. ĐGCB là công việc vô cùng khó khăn; đây cũng khâu quan trọng đầu tiên của CTCB, có ảnh hưởng đến tất cả các khâu sau này của CTCB: Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, cũng như giúp cán bộ phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm, tiến bộ không ngừng.
Mặc dù Đảng đã có nhiều văn bản hướng dẫn về ĐGCB, song trên thực thế, việc ĐGCB vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém; vẫn chưa khắc phục được hiện tượng nể nang, cảm tính, chung chung, không thấy rõ điểm mạnh, điểm yếu của từng người, vẫn còn tình trạng “yêu nên tốt, ghét nên xấu”. Có trường hợp cố tình đánh giá sai, báo cáo không trung thực về khuyết điểm, yếu kém của cán bộ để đưa vào quy hoạch, bổ nhiệm. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt tiêu cực, hạn chế trong CTCB, là kẽ hở để một bộ phận cán bộ kém và hỏng "thăng quan, tiến chức" không minh bạch.
|
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Nguồn: qdnd.vn |
Thông báo về nội dung Kỳ họp thứ 7 của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương ngày 24-10-2016 về kiểm tra dấu hiệu vi phạm và xem xét, xử lý kỷ luật Ban cán sự đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 và một số cá nhân chỉ rõ: “Đánh giá, quy hoạch cán bộ một số trường hợp không đúng nguyên tắc, quy trình”. Trong đó, cá nhân đồng chí Vũ Huy Hoàng “mặc dù biết Trịnh Xuân Thanh có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn, nhưng vẫn đồng ý với đề nghị của Tỉnh ủy Hậu Giang trong việc thuyên chuyển Trịnh Xuân Thanh về công tác tại tỉnh Hậu Giang... Báo cáo không trung thực về tình hình hoạt động của Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và cá nhân Trịnh Xuân Thanh trước khi cấp có thẩm quyền phê chuẩn chức danh Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đối với Trịnh Xuân Thanh...”. Liên quan đến việc thẩm định, đánh giá thành thích của cá nhân, tập thể để đề nghị khen thưởng PVC và Trịnh Xuân Thanh, Thông báo Kỳ họp thứ 8 ngày 1-12-2016 của UBKT Trung ương kết luận khuyết điểm trong đánh giá, thẩm định của đồng chí Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương: “Có vi phạm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện việc thẩm định quy trình, thủ tục, điều kiện và tiêu chuẩn để trình cấp có thẩm quyền tặng thưởng Huân chương và danh hiệu Anh hùng Lao động cho PVC; tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Huân chương cho Trịnh Xuân Thanh...”
Trích lại các thông báo như vậy để thấy rõ một thực tế về ĐGCB không đúng sẽ gây ra hậu quả khó lường đến mức nào? Từ đánh giá sai cán bộ, không đúng nguyên tắc, thẩm quyền dẫn đến bố trí, sử dụng cán bộ sai sót, có trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của Đảng, như kết luận của UBKT Trung ương: “Những vi phạm, khuyết điểm nêu trên của Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và đồng chí Vũ Huy Hoàng đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, của Bộ Công Thương... gây bức xúc trong xã hội”. Từ đó, Trung ương xác định rõ: Khẩn trương rà soát, loại bỏ các cơ chế, chính sách đã lạc hậu, xây dựng, ban hành đồng bộ các chính sách để đổi mới mạnh mẽ CTCB. Trọng tâm là ĐGCB, xây dựng tiêu chuẩn cán bộ theo chức danh, tiêu chí ĐGCB làm cơ sở cho việc quy hoạch, quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng ĐNCB.
Nhận thức tầm quan trọng của khâu ĐGCB đối với ĐNCB và CTCB, thời gian qua, Trung ương khóa XII đã có nhiều chủ trương đổi mới. Mới đây nhất, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 89-QĐ/TW của Bộ Chính trị quy định khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí ĐGCB lãnh đạo quản lý các cấp; Quy định số 90-QĐ/TW về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí ĐGCB thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đây là những quy định hết sức cụ thể của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước.
Nghiên cứu về các quy định này, GS, TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, cho rằng: "Đây là cả một hệ thống các tiêu chuẩn, tiêu chí hết sức khoa học, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Cần lưu ý là, trong các quy định này, Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh các tiêu chuẩn, tiêu chí về phẩm chất đạo đức. Tất cả cán bộ cấp chiến lược thuộc Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, tiêu chuẩn đầu tiên phải là những tấm gương sáng về đạo đức cách mạng".
Cùng với xây dựng tiêu chí chức danh, Trung ương khóa XII cũng ráo riết lãnh đạo xây dựng tiêu chí đạo đức cho cán bộ các cấp, các ngành và quyết liệt đưa việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào chiều sâu, thực chất. Tại Hội nghị Trung ương 4, khóa XII, Trung ương đã chỉ ra 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Đây được xem là "bộ tiêu chí ngược"-điểm mặt, chỉ tên các dấu hiệu, biểu hiện hiện tiêu cực, nhằm giúp cán bộ, đảng viên nhận diện, chủ động đề phòng, ngăn chặn.
Trung tướng Nguyễn Hữu Chính, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng), khẳng định: "Hiện nay chúng ta có hai bộ tiêu chí đồng bộ, toàn diện trong CTCB. Một bộ tiêu chí chỉ ra những phẩm chất cần thiết để mỗi tổ chức, cá nhân phấn đấu, hướng tới. Bộ tiêu chí còn lại điểm mặt những biểu hiện, dấu hiệu cần tránh xa, phòng ngừa, đấu tranh. Đó sẽ là khung pháp lý, là cơ sở quan trọng để cấp trên đánh giá đúng cấp dưới, tổ chức đánh giá đúng cá nhân, nhân dân đánh giá đúng thực trạng ĐNCB".
Từ bộ tiêu chí đầy đủ, toàn diện đó, kết quả 2 năm gần đây, công tác ĐGCB có nhiều chuyển biến tích cực, thực chất. Cùng với việc phát hiện nguồn cán bộ tốt, chất lượng, Trung ương và các cấp ủy cũng kịp thời "tìm ra" những tập thể, cá nhân yếu kém, chậm tiến, tha hóa, biến chất để kịp thời có những giải pháp xử lý.
Bên cạnh những mặt tích cực, việc đánh giá hiệu quả hoạt động thực tiễn của cán bộ, công chức, đảng viên hiện nay vẫn là phần việc khó, chưa được “lượng hóa” và chưa thực sự trở thành kênh tiêu chí hàng đầu trong ĐGCB. Mặc khác, khi đánh giá về vốn kiến thức, năng lực tư duy khoa học của cán bộ, nhiều cấp ủy, chỉ huy còn xem nặng bằng cấp, học vị chung chung mà xem nhẹ năng lực thực tế, trình độ chuyên môn sâu, kết quả lao động, tư duy khoa học. Bởi vậy, một bộ phận cán bộ, công chức hiện chạy theo bằng cấp là do ảnh hưởng của cách đánh giá này.
Một vấn đề nữa là hiện nay chưa có đủ chế tài và điều kiện cho việc thực sự mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch trong ĐGCB. Có nghĩa, Trung ương đã ban hành nhiều quy định, văn bản giúp cấp ủy, tổ chức làm căn cứ ĐGCB hiệu quả thực chất, nhưng thiếu các quy định và điều kiện để quần chúng nhân dân tham gia ĐGCB và nếu có vẫn mang nặng tính hình thức.
Rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ bằng thực tiễn
Cùng với xây dựng, hoàn thiện bộ tiêu chí ĐGCB, 2 năm qua Trung ương khóa XII đã tập trung vào việc rèn luyện cán bộ ở tất cả các cấp. Với quan điểm "muốn nước trong thì phải chảy"-muốn có cán bộ tốt, trưởng thành thì phải thường xuyên luân chuyển, thử thách cán bộ bằng thực tiễn công tác, nhất là ở những nơi khó khăn, nhiệm vụ nặng, để vừa rèn luyện, vừa bồi dưỡng.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII, phần việc này được thực hiện hết sức bài bản, quyết liệt. Ban Tổ chức Trung ương và ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thẩm định hồ sơ nhân sự, tham mưu sắp xếp, bố trí cán bộ các cấp; nhất là việc thực hiện luân chuyển cán bộ (LCCB) một cách kịp thời, dân chủ, công khai, minh bạch. Chỉ tính trong năm 2017, ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã thẩm định, đề xuất quy hoạch, bổ nhiệm hàng nghìn trường hợp một cách chặt chẽ, đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Riêng ở cấp Trung ương đã tiến hành quy trình bầu cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển 424 lượt nhân sự thường xuyên; trong đó có 5 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; 3 đồng chí bộ trưởng và tương đương; 6 trưởng ban cơ quan Đảng, đoàn thể Trung ương; 8 bí thư tỉnh ủy, thành ủy và đảng ủy... Kết quả công tác LCCB góp phần tích cực vào việc đào tạo, bồi dưỡng, thử thách, rèn luyện cán bộ và khắc phục tư tưởng cục bộ, khép kín, trì trệ, bảo thủ trong ĐNCB.
Đặc biệt, ngày 7-10-2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 98-QĐ/TW của Bộ Chính trị về LCCB lãnh đạo và quản lý. Đây là quy định nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII về "Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" và Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị, khóa IX về việc LCCB lãnh đạo và quản lý. Quy định nêu rõ mục đích, yêu cầu, quan điểm, nguyên tắc; phạm vi, đối tượng, chức danh luân chuyển; tiêu chuẩn, điều kiện; thẩm quyền, trách nhiệm; kế hoạch, quy trình, hồ sơ cán bộ luân chuyển; thời gian luân chuyển; nhận xét, đánh giá; nguyên tắc bố trí cán bộ sau luân chuyển; chế độ, chính sách; kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm.
Cùng với thực hiện LCCB, Trung ương và các cấp ủy cũng chủ động giao việc khó để rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ; nhất là đẩy mạnh việc sửa đổi lề lối, tác phong công tác. 27 tháng qua kể từ sau Đại hội XII, nhiều hạn chế, khuyết điểm về tác phong công tác, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ không còn là chủ đề nóng của dư luận. Thay vào đó là tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân, tôn trọng nhân dân, tập trung giải quyết, tháo gỡ những bức xúc của nhân dân.
"Thực sự, khi được chứng kiến những chuyển biến trong lề lối, tác phong công tác của cán bộ, công chức thời gian gần đây, người dân chúng tôi càng thêm tin yêu thế hệ cán bộ hiện tại. Chúng tôi đặt trọn niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của nước nhà"-bà Võ Thị Kim Cúc, 78 tuổi, cán bộ hưu trí ở thị trấn Ba Tơ (Quảng Ngãi) trải lòng.
Tuy nhiên, công tác luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ thời gian qua cũng còn không ít vấn đề đáng bàn. Không ít cấp ủy, tổ chức đảng tiến hành LCCB chưa thực sự coi trọng đến năng lực, sở trường của cán bộ, mà còn nặng về cơ cấu, độ tuổi. Vì vậy, không ít cán bộ khi được luân chuyển về cơ sở không phát huy được vai trò, đánh mất vị trí của mình trong tổ chức. Mặt khác, cán bộ được luân chuyển cũng chưa thấy được khi được cấp trên điều về công tác ở cơ sở chính là cơ hội, điều kiện để học tập, tích lũy kinh nghiệm, mà có tư tưởng "nín thở" chờ hết thời gian. Bởi vậy, để việc LCCB phát huy được hiệu quả, từng cấp ủy, tổ chức đảng cần đánh giá đúng năng lực, sở trường của cán bộ và nhu cầu thực tiễn của địa phương, đơn vị để điều động, sắp xếp, giao nhiệm vụ hợp lý.
Những vấn đề nêu trên rất cần Trung ương nghiên cứu, điều chỉnh để bảo đảm thực sự phát huy được năng lực, sở trường, kinh nghiệm công tác của từng cán bộ. Thực hiện việc LCCB chính là cơ hội để rèn luyện cán bộ, mà không phải là chuyến đi công tác dài ngày...
Kiện toàn tổ chức, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở. Xây dựng đội ngũ đảng viên thật sự tiên phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm cao trong công việc, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng, ý thức tổ chức kỷ luật và năng lực hoàn thành nhiệm vụ”.(Trích Văn kiện Đại hội XII của Đảng) |
Bài 5: Những đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn
Tìm lời giải cho bài toán "làm gì để nâng cao chất lượng công tác cán bộ?", đội ngũ cán bộ (ĐNCB) đương chức các cấp và phần lớn các nhà khoa học, cùng nhiều cán bộ nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhất trí cho rằng: Trung ương cần làm tốt công tác chuẩn bị và tiến hành tổng kết 20 thực hiện Nghị quyết Trung ương (NQTƯ) 3, khóa VIII, trên cơ sở đó tiếp tục ban hành chiến lược cán bộ mới, hoặc xây dựng một nghị quyết, hoặc thống nhất một kết luận về việc tiếp tục thực hiện chiến lược quan trọng này
Đúc rút bằng được những bài học từ thực tiễn
Đồng chí Hồ Mẫu Ngoạt, Chánh văn phòng Tổng Bí thư, Trợ lý Tổng Bí thư, nhận định: Dù NQTƯ 3, khóa VIII còn nhiều quan điểm, nội dung rất đúng, rất hay, nhưng thực tiễn đang thay đổi, diễn biến mau lẹ nên nhiều vấn đề về công tác cán bộ (CTCB) cần sớm được bổ sung, phát triển. Hơn nữa, CTCB là công tác về con người nên cần phải đi trước, đón đầu so với thực tế xã hội và thực tiễn cách mạng.
Gần đây, dư luận hết sức quan tâm việc Trung ương đã và đang quyết liệt hoàn chỉnh Đề án về CTCB. Đó là phần việc vừa mang tính chiến lược, vừa mang tính cấp bách, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Theo đó, để có được những giải pháp cơ bản, khoa học và khả thi, Ban Chấp hành (BCH) Trung ương, Ban Chỉ đạo đề án Hội nghị Trung ương 7 đã tổ chức các hội nghị để phát huy trí tuệ của nhiều tầng lớp nhân dân, nhất là cán bộ, đảng viên tham gia ý kiến vào dự thảo đề án xây dựng ĐNCB các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ theo những tiêu chí, tiêu chuẩn đã được Trung ương ban hành. Việc lấy ý kiến vào dự thảo được Ban Chỉ đạo đề án Hội nghị Trung ương 7 tổ chức chặt chẽ, khoa học, dân chủ, rộng rãi với sự tham gia của nhiều thành phần, đối tượng từ Trung ương đến địa phương; từ trong Đảng đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội.
Tại Kỳ họp lần thứ 5, Hội đồng Lý luận Trung ương diễn ra mới đây, các đại biểu cũng tập trung thảo luận, làm rõ nhiều vấn đề về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện NQTƯ 3, khóa VIII; khẳng định những kết quả đạt được, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những bất cập còn tồn tại, "rào cản", "điểm nghẽn", "nút thắt" cả về lý luận và thực tiễn trong CTCB và xây dựng ĐNCB. Các đại biểu cho rằng, từ thực tiễn phát triển của đất nước, cần xác định đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của CTCB và xây dựng ĐNCB trên tinh thần đổi mới. Các đại biểu đề xuất: Bên cạnh việc ban hành một nghị quyết chuyên đề của Đảng về CTCB, cần thiết phải xây dựng Chiến lược cán bộ trong tình hình mới.
Tại Hội nghị Quân ủy Trung ương (ngày 14-3-2018), Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cho rằng: Hệ thống lý luận mới về CTCB, nhất thiết phải đúc rút bằng được những bài học từ thực tiễn. Cái hay là để tiếp tục vận dụng, phát huy, phát triển; cái chưa được, cái hạn chế là để nghiêm túc kiểm điểm, phê bình, khắc phục nhằm nâng cao chất lượng CTCB và xây dựng ĐNCB.
Theo khảo sát của Đoàn công tác Hội đồng Lý luận Trung ương chuẩn bị Dự thảo Báo cáo tư vấn cho Trung ương cho thấy, lãnh đạo các đơn vị 10 tỉnh, thành phố (được khảo sát), Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và nhiều ban, bộ, ngành Trung ương đều nhất trí cho rằng: Việc cần làm trước mắt là sớm bắt tay vào chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng XIII của Đảng và đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 với quan điểm kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển. Khắc phục những hạn chế, bất cập trong CTCB, nhất là những vấn đề đặt ra trong lựa chọn, bồi dưỡng, bố trí sắp xếp cán bộ và quy hoạch cán bộ của nhiệm kỳ Đại hội XII.
Khẩn trương hoàn thiện quy hoạch cán bộ chiến lược khóa XIII
Ở thời điểm hiện tại, nhiều ý kiến đặc biệt quan tâm đến công tác nhân sự của Đảng. Không khó để nghe được những câu chuyện của người dân bàn luận về công tác quy hoạch BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII. Thậm chí, nhiều người dân còn suy tính, tranh luận về các vị trí chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa mới. Theo Đại tá, PGS, TS Đỗ Duy Môn (Học viện Chính trị) thì hiện tượng tâm lý xã hội nêu trên là hoàn toàn tích cực, thể hiện thái độ, trách nhiệm, ý thức công dân rất cao của nhân dân đối với Đảng, Tổ quốc; là niềm tin và tình cảm của nhân dân dành cho Đảng.
Trên thực tế, sự quan tâm ấy phần nào được đáp lại bằng chính kết quả CTCB của Đảng. Trong hai năm qua, Trung ương và các cấp đã đẩy mạnh triển khai các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ gắn với 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược được Đại hội XII của Đảng xác định. Trong năm 2017, Trung ương đã tổ chức những đoàn cán bộ các cấp đi học tập, đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài (riêng Chương trình Đề án 165 đã đào tạo 1.086 cán bộ lãnh đạo, quản lý). Trung ương cũng chủ động tổ chức lớp bồi dưỡng cho các đồng chí Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng khóa XII; sơ kết, đánh giá việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nguồn để tham mưu, đề xuất tổ chức các lớp trong thời gian tới. Cùng với đó, các cấp thực hiện nghiêm việc học tập, xác nhận trình độ lý luận chính trị nhằm khắc phục tiêu cực trong học tập và cấp bằng; giao quyền đào tạo cao cấp lý luận chính trị cho một số cơ sở đào tạo của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong quy hoạch là không chỉ chú trọng về trình độ chuyên môn, mà còn phải tiến hành bồi dưỡng về trình độ nhận thức chính trị, nhất là những kiến thức về Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. ĐNCB các cấp trong thời đại hiện nay yêu cầu đặt ra không chỉ đơn thuần là trình độ chuyên môn, có ngoại ngữ, mà còn phải là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, với chế độ xã hội chủ nghĩa. Bản lĩnh chính trị, lòng trung thành của cán bộ không thể chỉ học qua một vài lớp, hoặc một khóa đào tạo, bồi dưỡng là có được, mà cần được kiểm nghiệm qua thực tiễn công tác, nhất là trong điều kiện khó khăn, gian khổ. Đây là vấn đề đặt ra đối với từng cấp ủy, tổ chức đảng trong công tác bồi dưỡng, đào tạo, rèn luyện cán bộ, xây dựng ĐNCB hiện nay.
Trong công tác quy hoạch và đánh giá cán bộ cần giải quyết được câu hỏi: Làm thế nào để BCH Trung ương hiểu rõ, nắm sâu về lý lịch chính trị, quá trình công tác, trình độ, năng lực, uy tín của cá nhân được quy hoạch? Đây thực sự là vấn đề khó, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, có cơ chế, điều kiện, cách thức tiến hành để việc lựa chọn cán bộ đưa vào quy hoạch bảo đảm chất lượng toàn diện, tránh việc nóng vội, bỏ qua những sai phạm, khuyết điểm của cán bộ như trong tiến hành CTCB đối với một số trường hợp cụ thể của nhiệm kỳ Đại hội XII.
Nhiều ý kiến thẳng thắn đề xuất, cùng với việc làm tốt công tác quy hoạch, nhất thiết phải kết hợp với việc thường xuyên rà soát quy hoạch, bổ sung quy hoạch, làm tốt công tác giám sát quy hoạch. Cần bám sát các tiêu chí không chỉ về năng lực, phẩm chất, uy tín mà phải coi trọng về tiêu chuẩn sức khỏe cán bộ; làm tốt việc kiểm tra sức khỏe định kỳ và đột xuất đối với cán bộ được quy hoạch để tránh các hiện tượng cán bộ không bảo đảm sức khỏe sau khi được bổ nhiệm các vị trí công tác quan trọng, chủ chốt.
Dẹp triệt để nạn "chạy chức, chạy quyền"
"Mặc dù Trung ương và các cấp tập trung sức lãnh đạo, quyết liệt khắc phục, đẩy lùi nhưng trên thực tế tình trạng chạy chức, chạy quyền vẫn diễn ra âm ỉ trong đời sống thường nhật"-Đồng chí Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương chia sẻ boăn khoăn. Ông đưa ra một số ví dụ cụ thể việc cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn và cho rằng, môi trường CTCB của Đảng hiện vẫn còn những "khoảng đất trống" cho việc "chạy chức, chạy quyền".
Còn nhớ, ngay từ khi triển khai thực hiện NQTƯ 6 (lần 2) khóa VIII, Bộ Chính trị đã báo cáo trước Trung ương, chỉ ra 5 loại chạy: Chạy chức trước khi bầu cử; chạy quyền trước khi phân công công tác; chạy lợi trước khi phân bổ ngân sách, đấu thầu, cấp quota; chạy chỗ trước khi bổ nhiệm; chạy tội trước khi điều tra, xét xử. Đáng bàn hơn, cán bộ không chỉ chạy cho bản thân mà còn chạy cho vợ con, anh em, người nhà, bạn bè, cấp dưới... Nhận thức rõ thực tế đó, tại Hội nghị toàn quốc ngành Tổ chức xây dựng Đảng năm 2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo: “Chúng ta không chủ quan được. Hiện nay, trong dư luận xã hội vẫn râm ran chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy chế độ, chạy luân chuyển".
Cảnh báo ấy của Tổng Bí thư giúp ngành Tổ chức xây dựng Đảng quyết liệt, trách nhiệm hơn trong tham mưu tìm giải pháp ngăn chặn tình trạng này. Hai năm qua, với sự đầu tư công sức, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, Ban Tổ chức Trung ương tiến hành nghiên cứu xây dựng dự thảo chuyên đề về "Kiểm soát quyền lực và phòng, chống chạy chức, chạy quyền trong CTCB", dự kiến sẽ trình Hội nghị Trung ương khóa XII sắp tới.
Theo đồng chí Hoàng Trọng Hưng, Chánh văn phòng Ban Tổ chức Trung ương, dự thảo chuyên đề kiểm soát quyền lực và phòng, chống "chạy chức, chạy quyền" trong công tác tổ chức cán bộ được đưa ra lấy ý kiến lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương. Mục tiêu mà Ban Tổ chức Trung ương hướng tới là 4 không, gồm: "Không thể chạy, không dám chạy, không cần chạy và không muốn chạy". Cơ quan này đưa ra 6 nhóm giải pháp, trong đó trước mắt tập trung vào "không thể chạy và không dám chạy".
Một số ý kiến vẫn bày tỏ mong muốn, phần việc này nên công khai, tạo điều kiện và phương thức để huy động trí tuệ toàn xã hội, mà không chỉ trong nội bộ Đảng, trong hệ thống chính trị. Nhiều ý kiến cho rằng, Trung ương cần phát động đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp; giáo dục nâng cao nhận thức, chú trọng khắc phục tình trạng "thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh". Cùng với đó, việc quyết định bổ nhiệm người đứng đầu các tỉnh, thành phố phải là người khác địa phương hay không, cũng cần được nghiên cứu, tính toán thật kỹ thiệt hơn để vận dụng linh hoạt, không nên cứng nhắc. Bởi trên thực tế, không phải cán bộ nơi khác về giữ cương vị chủ chốt ở địa phương cũng phát huy được hết khả năng. Điều quan trọng nhất là cần xây dựng, ban hành cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực, giải quyết thấu đáo mối quan hệ giữa cá nhân người đứng đầu với tập thể cấp ủy; khắc phục triệt để tình trạng người đứng đầu biến quy trình CTCB trở thành công cụ để vụ lợi hoặc ban phát chức vụ cho cán bộ, đảng viên thuộc quyền.
GS, TS Phùng Hữu Phú, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương quan niệm: Thực chất "chạy chức, chạy quyền" là một dạng của "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Để chống được biểu hiện này trong CTCB, cần tiến hành đồng thời nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện, nhưng về trước mắt, cần tiến hành rà soát lại cán bộ lãnh đạo các cấp. Tập trung giải quyết những trường hợp mà dư luận có nhiều ý kiến. Kiên quyết xử lý kỷ luật đúng tổ chức, cá nhân liên quan trực tiếp đối với các vụ việc tiêu cực đã phát hiện trong thời gian gần đây.
"Nhiệm vụ công tác tổ chức xây dựng Đảng trong thời gian tới hết sức nặng nề. Đường lối có đúng hay sai, tổ chức thực hiện có tốt hay không đều phụ thuộc vào cán bộ. Tôi chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà các đồng chí đang phải đối mặt, song, Đảng và nhân dân tin tưởng vào bản lĩnh, ý chí, quyết tâm, sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của cấp ủy các cấp, của từng cán bộ làm công tác tổ chức, xây dựng Đảng". (Trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng). |
CÔNG MINH - NGỌC LONG - TẤN TUÂN
Nguồn: www.qdnd.vn