Chiều 24.7, bản dịch tiếng Nga mang tên “Đặng Thùy Trâm - Nhật ký chiến tranh” đã ra mắt tại Hà Nội trong niềm hoài tưởng xúc động về người con gái anh hùng mà bình dị.
Kỹ lưỡng và dày công
Hồi tưởng về quá trình dịch thuật cuốn sách, TS Lê Văn Nhân – nguyên Chủ nhiệm bộ môn tiếng Nga Trường ĐH Hà Nội, 1 trong 2 dịch giả cho biết:
“Từ năm 2006, ý tưởng chuyển dịch cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” sang tiếng Nga đã luôn thôi thúc chúng tôi, bởi vì mối quan hệ giữa hai nước Việt - Nga ngày nay và Việt - Xô trước đây vô cùng đặc biệt, trong những trang viết của chị Trâm cũng luôn có hình ảnh đẹp đẽ của nhân vật Paven Coocsaghin.
|
Bìa cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” bản tiếng Nga. |
Nếu không dịch sang để bạn đọc Nga có cơ hội được tiếp cận với cuốn sách bằng tiếng mẹ đẻ của họ thì thật là đáng tiếc. Chính vì vậy tôi và TS Anatoly Sokolov - Phó Giáo sư của Viện Phương Đông Mátxcơva đã dành nửa năm vào cuốn sách này”.
Cuốn nhật ký của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm được viết trong 3 năm, từ năm 1968 đến năm 1970. TS A.Sokolov- một trong những nhà VN học hàng đầu của Nga đảm nhận phần dịch trang viết trong năm 1968, TS Lê Văn Nhân dịch toàn bộ phần còn lại và đặc biệt là các bài thơ trong cuốn nhật ký.
Sau khi 2 dịch giả hoàn thành phần việc của mình, bản dịch đã được đưa tới những chuyên gia ngôn ngữ giỏi để làm công việc “kết nối” để có thể hòa văn phong của 2 phần làm 1. Tiếp đó, cuốn sách lại tiếp tục được TS, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng và dịch giả, nhà văn Đoàn Tử Huyến hiệu đính thêm một lần nữa.
Đại diện cho gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, bà Đặng Kim Trâm đã xúc động cho biết: “Trong số 20 bản dịch ra các thứ tiếng khác nhau của cuốn sách, gia đình chúng tôi trân trọng đánh giá cao sự kỹ lưỡng và dày công của nhóm dịch giả bản tiếng Nga, có thể nói đây là một trong số những bản dịch được tiến hành chu đáo và cẩn trọng nhất”.
Không kỹ lưỡng sao được bởi bản dịch tiếng Nga của cuốn sách được làm bằng nhiệt huyết từ trái tim của những Nga yêu mến Việt Nam chân thành và tha thiết như TS Anatoly Sokolov và nhóm các dịch giả người Việt am hiểu sâu sắc về ngôn ngữ, văn hóa Nga như các TS Lê Văn Nhân, Nguyễn Huy Hoàng, Đoàn Tử Huyến… Với công trình này, họ đã dành một sự kính trọng và lòng biết ơn vô hạn với nữ liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm- một tâm hồn vô cùng trong trắng và cao đẹp khiến cho cả đất nước tự hào.
Như một ngôi sao băng…
Trong lời bạt, ông N.N. Kolesnik- Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Tổ chức liên vùng cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam của Nga đã dành những lời rất trân trọng cho liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Ông viết:
“Cuốn nhật ký được viết bằng thứ ngôn ngữ trữ tình, như dòng chảy rì rào của một con suối khởi nguồn từ tâm hồn trong trắng, mênh mông của Thùy… Như một ngôi sao băng, cô vụt qua bầu trời, bay cao, bằng ánh sáng kỳ diệu của mình soi sáng cuộc đời và số phận cả một thế hệ anh hùng...”.
Sau buổi ra mắt cuốn sách, dự kiến vào đầu tháng 9 tới, sẽ có một buổi lễ trang trọng được tổ chức tại nước Nga với sự có mặt của dịch giả, TS A.Sokolov- người lỗi hẹn với lễ ra mắt hôm 23.7 tại Hà Nội.
Buổi ra mắt cuốn sách nồng ấm trong cái bắt tay của những người bạn Nga- Việt.
Những trang viết của chị không quá giàu tính văn học, không một chút hư cấu, không màu mè, nó giản đơn và cuốn hút bằng tình cảm nồng hậu chị dành cho gia đình, cho đất nước, cho những tháng ngày đẹp đẽ tuổi thơ ở Hà Nội, cho những đồng đội, đồng chí kề vai sống chết cùng nhau…
Chính bởi tình cảm yêu thương trong sách và thắm thiết đó mà nhật ký Đặng Thùy Trâm dù có được chuyển dịch bao nhiêu lần đi nữa, mỗi lần giở lại là mỗi lần người đọc thấy thêm tự hào, kính trọng.
Để có được 3.500 cuốn sách in rất trang trọng và đẹp, độc giả cần phải tri ân những doanh nhân trong Câu lạc bộ May mặc Thăng Long ở Mátxcơva trong điều kiện kinh tế khó khăn đã dành một khoản cho công việc đẹp đẽ này.
theo danviet.vn