Hoạt động không hiệu quả Theo GS Từ Quang Hiển, mô hình đại học vùng đã thử nghiệm được 24 năm. Mô hình này cho thấy đang cản trở sự phát triển của các trường đại học thành viên và không có hiệu quả. “Vô tình, chúng ta đang tạo ra cấp trung gian quản lý trong quản lý giáo dục đại học hiện hành. Nó như cấp tổng cục vậy. Tôi từng là Hiệu trưởng Đại học thành viên cũng là Giám đốc Đại học vùng nên rất thấu hiểu tình trạng của đại học vùng. Vì thế, tôi đề nghị các đồng chí lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu kỹ mô hình này. Nếu giải thể được là tốt nhất. Nếu không giải thể đại học vùng thì trao quyền tự chủ cao cho các trường đại học thành viên và có cơ chế chính sách cho đại học vùng tương đương như đại học quốc gia. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý đại học vùng, đại học quốc gia cũng cần có những đổi mới để có thể phát huy tác dụng cao nhất của các trường thành viên” - ông Hiển nói. Mô hình đại học vùng đang bộc lộ những hạn chế cần khắc phục. Ảnh minh hoạ: A.C Ông Hiển cũng chỉ rõ cần thay đổi cách quản lý của đại học quốc gia và đại học vùng giống như quản lý University system của nước ngoài, có nghĩa là đại học không phải là cấp quản lý trung gian (tổng cục), cũng không phải là cấp trên của các trường đại học thành viên; thực hiện được như vậy thì đại học và các trường thành viên đều phát triển bền vững. Có cơ chế mở về đại học quốc gia/vùng, các trường đại học độc lập đóng cùng địa bàn với đại học quốc gia/vùng có thể tham gia đại học với tư cách trường thành viên, ngược lại các trường thành viên của đại học cũng có thể tách ra thành trường đại học độc lập. Đại học vùng phải là một tổ chức hữu cơ thực thụ Về vấn đề này, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT - cho rằng cần tìm ra nguyên nhân căn bản của việc đại học vùng chưa thể phát triển như kỳ vọng, liệu rằng đây có phải mới chỉ là phép cộng thuần tuý các trường lại với nhau thành một tổ hợp đa lĩnh vực, đa ngành nghề mà chưa có sự kết hợp, điều hành đúng, thực hiện đúng về bản chất và ý nghĩa của mô hình đại học vùng. Từ đó, mới tìm ra nguyên nhân do khâu tổ chức, quản trị có vấn đề hay nhu cầu giải thể là sự tất yếu. TS Vinh bày tỏ thêm: “Mô hình đại học vùng là đại học đa ngành, đa lĩnh vực, vậy tại sao lại không phát huy được sức mạnh tổng hợp của các trường thành viên? Đây có lẽ là câu chuyện về lãnh đạo, bởi bản chất của xã hội và nhu cầu của thị trường đang đòi hỏi sản phẩm mang tính liên ngành. Ví dụ công nghệ in 3D đâu phải chỉ đơn giản là kỹ thuật số, máy tính, lập trình, mà còn là cơ khí, chế tạo vật liệu và cả các khâu thiết kế, tiêu thụ… Tất cả các khoa học đó tích hợp với nhau và cần thiết một mô hình đa lĩnh vực để giải quyết. Nếu làm tốt, đại học vùng chính là giải pháp hữu hiệu để giải quyết bài toán này khi mà mỗi trường thành viên có một thế mạnh riêng được liên hợp với nhau. Vì thế, cốt lõi của vấn đề không phải là ghép các trường vào, bây giờ giải tán ra mà là chưa đạt được mục đích như ban đầu, trong quá trình vận hành thiếu một đường lối cứng rắn và một quản trị giáo dục đại học hiệu quả. Trong đại học vùng, các trường cần hợp tác với nhau để tạo ra một mặt trận có sức mạnh lớn để hội nhập và cạnh tranh” - ông Vinh nói. Để có thể phát triển tốt hơn, TS Vinh đề xuất đại học vùng, thậm chí kể cả đại học quốc gia cần có nghiên cứu lại về cách tổ chức quản trị, không để cấp trung gian, không để diễn ra câu chuyện một tổ chức hữu cơ mà các phần tử lại không liên kết với nhau. GS Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT - chia sẻ: “Có một hiệu trưởng trường thành viên ở Đại học Huế đã nói với tôi rằng, nếu có 3 điều ước, điều ước thứ nhất của ông là rời khỏi Đại học Huế. Điều ước thứ hai cũng là rời khỏi Đại học Huế và điều ước cuối cùng cũng là rời khỏi Đại học Huế. Đây là điều khiến bản thân tôi cũng rất trăn trở”.