Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 7, 11/01/2025

Đang duyệt: Trang chủ Tin tức - sự kiện

CHÚC MỪNG NGÀY HIẾN CHƯƠNG NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11

Không chỉ là hạnh phúc của người thầy

Tuần qua, ở khắp các địa phương trên cả nước đã diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Đặc biệt là việc tri ân các thầy, cô, những người đã dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp trồng người. Trên facebook, tràn những hình ảnh các cuộc gặp mặt của những lớp học trò cũ, với sự hiện diện của thầy, cô thân yêu.

Một bạn đồng môn Khoa Văn, Đại học Tổng hợp mấy chục năm trước, nữ PGS.TS về Ngôn ngữ học, còn chia sẻ về cuộc gặp gỡ với những học sinh cũ, nay đã thành đạt được tổ chức trên đất nước Nhật Bản xa xôi đang trong mùa lá đỏ. Hình ảnh được đăng lên cho thấy vẻ mặt rạng rỡ, tràn đầy hạnh phúc yêu thương của cô và trò. Một ai đó đã bình luận: Của để dành!
Ngẫm ra thấy cũng đúng. “Của để dành” là tiêu đề bộ phim về tình mẫu tử của đạo diễn Đỗ Thanh Hải, mà theo đó, con cái được coi như của để dành của cha mẹ. Với nhiều người thầy, người cô đáng kính, những thế hệ học trò họ từng dạy dỗ, đào tạo cũng có thể coi là “của để dành”, nhất là khi nhìn dưới góc độ tinh thần. Và cũng không chỉ về tinh thần. Cùng khóa tại Khoa Văn của tôi, có một anh bạn đã khiến mọi người xúc động và mến phục bởi đã đón thầy giáo đang ốm đau về chăm sóc, thuốc men cho tới khi bình phục. Và cũng không ít trường hợp những người học trò tuy chẳng dư giả gì vẫn gom góp, chung sức sửa nhà, chữa bệnh cho thầy, cô gặp hoàn cảnh khó khăn. Mà buồn thay, chuyện những thầy cô mẫu mực, chân chính dành cả cuộc đời cho sự nghiệp trồng người lúc về già lâm vào cảnh khó khăn có vẻ như không hiếm gặp trong hoàn cảnh hiện nay. 
Nói những người học trò là của để dành của thầy, cô cũng chẳng sai khi họ mang lại niềm vui, sự an ủi và tình cảm ấm áp cho thầy, cô, nhất là những lúc tuổi đã cao, sức đã yếu… Điều đáng suy nghĩ là chuyện những người “học trò - của để dành” báo đáp công ơn thầy cô gần đây hay thấy ở lớp người tuổi đã cao, thậm chí có người cũng như thầy cô của mình đã được nghỉ hưu theo chế độ. Cũng có người, nếu nối nghiệp thầy trong sự nghiệp trồng người cũng đã đến lúc nhận được sự chăm sóc, thăm hỏi cùng tình cảm từ học trò của họ… Nói cách khác là những việc làm ân nghĩa với thầy cô thời gian gần đây ở những người lớn tuổi có phần nhiều hơn. Lý giải điều này cũng không khó. Có lẽ phải đến một độ tuổi nhất định, với những trải nghiệm của cuộc đời người ta mới thấm thía cái nghĩa, cái tình, nhận thấy công ơn của thầy, cô, những người mà dân gian đã nhắc nhở: Không thầy đố mày làm nên! Mặt khác, đến lúc đó, mỗi người mới có điều kiện cả về thời gian cũng như kinh tế để mà nghĩ tới việc báo hiếu cha mẹ, trả nghĩa thầy cô. 
Nhưng cũng có một cách lý giải khác. Nhiều người cho rằng, lớp người hiện đang ở tuổi trong ngoài 60 dành tình cảm sâu nặng với những người đã dạy dỗ mình là bởi họ đã may mắn có được những người thầy thực sự yêu thương, dạy dỗ họ như của để dành, những người thầy ra thầy. Vậy câu hỏi đặt ra là: Liệu có phải những năm gần đây, cái nghĩa thầy trò có phần phai nhạt? Bởi dù không muốn, dù đau lòng chúng ta cũng phải thừa nhận một thực tế là đó đây, ở mọi cấp học, từ bậc mầm non cho đến các giảng đường đại học vẫn tồn tại những biểu hiện của sự thương mại hóa công việc cao quý mà chúng ta vẫn tôn vinh là sự nghiệp trồng người. Tình trạng lạm thu, dạy thêm học thêm, thậm chí mua bán điểm… không phải hiếm thấy. Một biểu hiện gần đây là việc Bộ GD&ĐT đề xuất đổi học phí thành “giá dịch vụ đào tạo” với quan điểm phải tính đúng, tính đủ mọi chi phí dạy và học. Nếu tính thế thì làm sao đủ cho những công sức của các thầy, cô ở Mường Típ (Kỳ Sơn - Nghệ An), Trung Lý (Mường Lát - Thanh Hóa) cùng nhiều trường miền núi của hai địa phương này dành cả những ngày nghỉ Quốc Khánh để cùng bộ đội, người dân dọn dẹp trường bị bùn vùi lấp, sạt lở, cuốn trôi thiết bị... quyết tâm nỗ lực khắc phục khó khăn để học sinh được đến tường khai giảng đúng kế hoạch. Rồi tính sao cho đủ công sức các thầy cô lội bùn cả một đoạn đường dài, vượt dèo, vượt dốc, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng bất cứ lúc nào để cõng gạo vào trường với một suy nghĩ giản dị: Để các em có cái ăn khi trở lại trường? 
Quan hệ thầy trò chỉ tốt đẹp, nghĩa tình khi học trò nhận được từ thầy cô những tình cảm và trách nhiệm người thầy một cách vô tư, trong sáng. Như vậy cũng có nghĩa là ở đâu, mối quan hệ đó bị nhuốm màu thương mại hóa, chắc chắn ở đó sẽ không còn những tấm lòng biết ơn của trò với thầy như chúng ta từng chứng kiến và như truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta từ bao đời nay.
Trở lại câu chuyện về “của để dành”. Thật hạnh phúc cho các thầy cô, xưa cũng như nay có được những học sinh biết ghi nhớ và đền đáp công ơn dạy dỗ của họ. Cũng có thể quả quyết rằng, những người học trò, dù ở cương vị nào, bằng cấp ra sao, nếu là người biết nghĩ đến công ơn của thầy, cô, chắc chắn sẽ luôn sống tốt, sống có nghĩa tình, luôn mong muốn làm người tử tế. Và như vậy, việc có những lứa học trò có thể xem là “của để dành” không chỉ là niềm vui, hạnh phúc của những người làm nghề dạy học cao quý, mà đó còn là may mắn của toàn xã hội. Bởi một xã hội chỉ tốt đẹp khi thành viên của nó là những con người tử tế!

Lê quân

 

Nghị lực của những nhà giáo đặc biệt

Tôi gọi họ là những nhà giáo đặc biệt bởi dù phải trải qua những nỗi đau cùng cực của số phận nhưng không vì thế mà họ mất đi niềm tin, tình yêu và hy vọng. 
Trước khó khăn, thử thách, các thầy giáo, cô giáo đó càng mạnh mẽ hơn. Và với trái tim yêu thương, với trách nhiệm người thầy, bằng nghị lực phi thường, họ đã thắp sáng những ước mơ, truyền dạy kiến thức cho các em nhỏ có hoàn cảnh không may mắn như mình, tạo động lực cho các em thêm niềm tin vào cuộc sống.
 
 

Bị liệt tay, chân từ nhỏ, nhưng bằng nghị lực của bản thân, thầy giáo Phùng Văn Trường (thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) đã miệt mài khổ luyện để viết chữ bằng miệng.

 

Giờ dạy chuyên biệt của thầy giáo Phùng Văn Trường với Tuấn - bị bệnh não từ nhỏ. Nay Tuấn đã biết đọc, biết viết.

 

Không phấn, bảng, không bục giảng, với giọng nói nhẹ nhàng, truyền cảm, cô giáo Đỗ Lê Na cùng học trò miệt mài bên những trang chữ nổi… Đó là lớp học chuyên biệt tại Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội.

 

Lớp học đặc biệt của thầy Trường với học trò là trẻ khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn.

 

Mắc bệnh tuyến yên, chỉ cao 1,17m và nặng 19kg, nhưng thầy Nguyễn Văn Hùng luôn là người thầy đầy trách nhiệm tại lớp học tình thương của Trung tâm Nghị lực sống (bán đảo Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội).

 

Là thành viên của Báo Hoa nắng và Chi đoàn Trường Nguyễn Đình Chiểu (dành riêng cho học sinh khiếm thị), cô giáo Na thường hướng dẫn các em học sinh khiếm thị biểu diễn trong các dịp liên hoan văn nghệ.

 

Thầy Nguyễn Văn Hùng hướng dẫn học sinh làm phần mềm lắp ghép, chỉnh sửa thiết kế nội thất.

 

Thầy giáo khiếm thị Ngô Văn Hiếu, Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu dạy các em học sinh khiếm thị trong giờ học toán.

Hữu Tiệp
Nguồn: kinhtedothi.vn; hanoimoi.com.vn

 

Số lượt đọc: 26844 Trở lại Bản in Về đầu trang

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển