Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 4, 24/04/2024

Đang duyệt: Trang chủ Tin tức - sự kiện

Chưa bao giờ tiêu chuẩn lãnh đạo rõ như lần này

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương:

Chưa bao giờ tiêu chuẩn lãnh đạo rõ như lần này

TP - “Tôi đã dự 5 kỳ Đại hội Đảng, nhưng việc chuẩn bị và chọn người vào cơ quan lãnh đạo chưa bao giờ nói rõ, nói thẳng như kỳ Đại hội này”, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư, trò chuyện với Tiền Phong xoay quanh vấn đề nhân sự trong nhiệm kỳ tới.

Điều cấm kỵ đã được nói công khai

Hội nghị Trung ương 11 vừa kết thúc đã khẳng định mục tiêu kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành T. Ư Đảng những người cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, mị dân, tư tưởng cục bộ, bè phái…Quan điểm của ông ra sao?

Muốn chọn được những người đủ tiêu chuẩn, trước tiên người đi chọn phải là những người gương mẫu, làm được những điều mà Hội nghị T.Ư đã nêu. Lần này T.Ư đã nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, nói đúng sự thật là phải làm thế nào để chọn được những người xứng đáng vào BCH đảng bộ các cấp. Những tiêu chí, tiêu chuẩn, thậm chí cả những điều cấm kỵ đã được nói một cách cởi mở, thẳng thẳng thắn, công khai. Đó là điều rất đáng mừng.

Sau khi Hội nghị T. Ư 11, cử tri và người dân dù hài lòng, song cũng tỏ ra lo ngại vì cho rằng các tiêu chuẩn đặt ra cho việc lựa chọn nhân sự nhiều, khó đạt được mục tiêu như mong muốn. Từ thực tiễn hiện nay, theo ông những lo ngại của cử tri có chính đáng không? Bản thân ông có lo ngại về điều này? 

Tôi thấy điều cử tri lo lắng là chính đáng. Bản thân tôi cũng rất lo lắng, nhưng tôi vẫn có niềm tin. Tôi đã dự 5 kỳ Đại hội Đảng, nhưng việc chuẩn bị và chọn người vào cơ quan lãnh đạo chưa bao giờ nói rõ, nói thẳng như kỳ Đại hội này. Không phải trước đây không nói, mà độ phức tạp hồi đó không như bây giờ. Bây giờ có nhiều biểu hiện tiêu cực trong Đảng, nên lần này đã đặt lên bàn Hội nghị T.Ư 11 rất nhiều vấn đề.

Từ biểu hiện của “một bộ phận không nhỏ” ấy T.Ư đã xác định, không thể để những con người thiếu phẩm chất, thiếu tư cách lọt lưới vào cấp ủy các cấp, đặc biệt vào cơ quan lãnh đạo tối cao. Tuy từ quyết tâm đến hành động còn có khoảng cách, nhưng cũng đáng mừng vì vấn đề đã được đặt ra công khai chứ không còn bí mật trong nội bộ. Tôi có niềm tin và hy vọng Tổng Bí thư cũng như nhiều đồng chí trong T.Ư sẽ rất nghiêm chỉnh thực hiện. Tôi tin tưởng và tôi hy vọng, không những các đồng  chí lãnh đạo làm theo chính sách mà họ còn giám sát, đấu tranh với những người làm trái tinh thần của Đảng.

Phải dựa vào dân

Vậy theo ông làm thế nào để chúng ta hiện thực hóa được niềm tin đó? 

Để đạt được mục tiêu đề ra, đầu tiên là những đồng chí kiên trung của T.Ư Đảng phải là những người nghiêm chỉnh, vạch ra những đồng chí nào có biểu hiện tiêu cực. Thứ hai, phải dựa vào dân. Khi tham gia vào T.Ư, tôi đã nhận được những bức thư phản ảnh của những cựu chiến binh, cán bộ lão thành. Điều đó đã giúp Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đảng phát hiện, ngăn chặn kịp thời những biểu hiện bè phái, vận động, tiêu cực. Bây giờ nếu tổ chức tốt được những đường dây nóng, những bộ phận, địa chỉ tin cậy thì sẽ có rất nhiều người gửi thư về. Họ sẵn sàng kí tên và họ không cần một xu bồi dưỡng. Họ không được lợi ích gì, nhưng vì trách nhiệm với đất nước nên họ sẵn sàng đấu tranh.

“Bây giờ nếu công khai, tổ chức tốt được những đường dây nóng, những bộ phận, địa chỉ tin cậy thì sẽ có rất nhiều người gửi thư về. Họ sẵn sàng kí tên và họ không cần một xu bồi dưỡng. Họ không được lợi ích gì, nhưng vì trách nhiệm với đất nước, họ sẵn sàng đấu tranh” - Ông Vũ Quốc Hùng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Ngoài ra cũng nên công khai danh tính người được bầu vào BCH. Vì Đảng của giai cấp công nhân, nông dân lao động, tôi không ở trong Đảng nhưng tôi cũng cần biết Đảng hoạt động thế nào. Mỗi hoạt động của Đảng đều ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và dân có quyền được biết. Tôi biết quá trình làm trong sạch Đảng và giới thiệu nhân sự là việc rất khó, nhưng những người có dấu hiệu này hay dấu hiệu khác, tôi tin với tinh thần này họ cũng phải để tay lên trán và suy nghĩ.

Nhân sự luôn được nhìn nhận là vấn đề khó khăn phức tạp, thời kỳ nào cũng có chuyện này, chuyện kia nên phải làm thận trọng, từng bước. Từ kinh nghiệm thực tiễn trong nhiều năm, theo ông điều quan trọng và cần thiết nhất để lựa chọn nhân sự kỳ này là gì?

Thận trọng thì phải bằng con đường dân chủ, nắm được ý kiến của đảng viên, của cấp ủy viên. Ví dụ có những nơi mất đoàn kết, chúng tôi có thư gửi cho các tỉnh ủy viên, đảm bảo sẽ không tiết lộ danh tính của họ. Từ đó họ sẽ cung cấp thông tin về người này, người kia gây mất đoàn kết. Càng ngày việc này càng tinh vi, nghiêm trọng hơn trong việc kết bè, kết cánh chống lại nhau. Tổng Bí thư đã nói rất đúng, trong đời sống của Đảng phải luôn luôn đấu tranh để tồn tại, trước hết là đấu tranh để gột rửa trong nội bộ mình. Đảng không chỉ làm sứ mệnh lãnh đạo mà phải quản lý, điều hành. Nếu để xảy ra những tình trạng này, Đảng có lỗi rất lớn với nhân dân.

Bao giờ đại hội cũng có 2 phần là hoạch định đường lối, chính sách, chủ trương cho nhiệm kỳ kế tiếp. Thứ 2 là bầu được ban lãnh đạo để thực thi nhiệm vụ đó. Bầu ra ban lãnh đạo các cấp rất quan trọng, và quan trọng nhất là tìm ra được những người toàn tâm, toàn ý vì nước vì dân và loại bớt những sâu mọt. Sâu mọt ở cấp thấp đã làm khổ dân rồi, sâu mọt ở cấp cao thì nguy hiểm cho dân. Khi đã chỉ ra rồi thì phải tập trung giải quyết vấn đề đó.

Liên quan đến tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ mà bài phát biểu bế mạc Hội nghị T. Ư 11 của Tổng Bí thư đề cập, theo ông tiêu chí nào quan trọng nhất?

Tôi đặc biệt quan tâm tới tiêu chuẩn chính trị, sau đó là đạo đức. Đạo đức và chính trị rất gắn với nhau. Chính trị là trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với dân tộc. Nếu một người đặt lợi ích Tổ quốc, lợi ích dân tộc trên hết thì đối với họ, ham muốn cá nhân không là gì cả. Còn nếu ngược lại, họ chỉ là con người thực dụng, tham vọng quyền lực để có tiền và có quyền rồi hưởng thụ.

Thực ra đạo đức lối sống là yêu cầu mang tính toàn cầu. Bất kỳ quốc gia nào cũng phải thừa nhận vai trò của người dân, nhà nước của dân, do dân, vì dân… Với một con người, đạo đức lối sống thể  hiện một cách trực diện trong cuộc sống hàng ngày. Còn cứ nói tôi trung thành thì ai đo được cái trung thành của anh. Sự mẫu mực là yêu cầu tối thiểu của một con người tử tế.

Chia sẻ với cử tri Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết cần đổi mới phương thức lãnh đạo. Tức là sẽ để Quốc hội bàn bạc trước trên cơ sở ý kiến của người dân rồi sau đó T.Ư quyết định. Ông nghĩ sao về điều này?

Khi tôi còn tham gia T.Ư, phương thức thay đổi này cũng đã được đề cập. T.Ư Đảng không quyết tất cả vấn đề, ví dụ như sân bay Long Thành chẳng hạn. Đảng không làm thay mà chỉ lãnh đạo, định hướng và yêu cầu các Đảng viên phải làm tốt vai trò Hiến pháp đặt ra. Tổng Bí thư khẳng định phương thức làm việc như vậy rất đúng. Từ lâu mọi người đã mong muốn được như vậy.

Đảng có sứ mệnh phải lãnh đạo, nhưng lãnh đạo không có nghĩa làm thay, bao biện hay vô hiệu hóa tổ chức do chính mình tổ chức ra. Có những trường hợp T.Ư giới thiệu nhân sự, nhưng Quốc hội không thông qua, điều đó chứng tỏ đã coi trọng vai trò của Quốc hội chứ không phải áp đặt.

Cảm ơn ông.

Theo tienphong.vn

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển