Lâu nay, Đảng và Nhà nước ta đã coi công cuộc chống tham nhũng là chống giặc nội xâm. Nhưng xem xét cụ thể, thì nhiều khi chống tham nhũng, không chỉ là chống nội xâm, mà còn là chống lại chính mình, chống lại chính lợi ích gia đình mình! Bởi thế, chống tham nhũng là một công việc vô cùng khó khăn, phức tạp.
Chống tham nhũng phức tạp bắt đầu ở chỗ "duy danh định nghĩa" hai chữ tham nhũng. Chúng ta thường nói rất nhiều về vấn đề gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt, vậy mà thực tế thì lại cứ lạm dụng tiếng nước ngoài, đặc biệt là chữ Hán. Ăn cắp - cho dù là ăn cắp của riêng hay của công cũng vẫn là ăn cắp, không có lý quan ăn cắp thì sang hơn kẻ trộm cướp, nên phải đổi lại thành tham nhũng? Thế là dẫn đến việc phải định nghĩa cái từ tham nhũng ấy để đưa vào luật - mà đáng ra chỉ cần gọi đích danh tội đó là ăn cắp, thì không cần giải thích gì nữa, không ai thắc mắc, hiểu lầm được nữa (Xin đọc thêm bài: "Ở ta làm gì còn... bọn tham nhũng").
Chống tham nhũng phức tạp còn bởi hành vi trộm cắp này dường như đã trở thành "phương châm sống" của một bộ phận cán bộ có chức có quyền.
Trong dân gian đã truyền tụng câu: "Hy sinh đời bố, củng cố đời con". Đó chính là "tuyên ngôn" của bọn tham nhũng! Cơ sở nào để có "tuyên ngôn" như vậy? Xin thưa, chính là sự nhận định sau đây:
Không phải mọi vụ tham nhũng đều bị phát hiện,
phát hiện chưa chắc đã đủ bằng chứng;
có đủ bằng chứng chưa chắc đã xử được;
xử được chưa chắc đã buộc tội được;
buộc tội được chưa chắc đã phải đi tù;
đi tù chưa chắc đã phải "ngồi bóc lịch";
ngồi bóc lịch chưa chắc đã ngồi mãn hạn!
Nên bọn tham nhũng rất liều lĩnh hoành hành là vì vậy!
Đó cũng là tình trạng chung của thế giới, không riêng gì Việt Nam ta. Là tình trạng chung của nhiều thời đại chứ không chỉ một thời đại nào!
Chẳng thế mà đầu năm 2008, trong cuộc họp với Hạ viện Nga hôm 11 tháng 3, Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã phải đề xuất hình phạt: "Phải chặt tay những kẻ ăn hối lộ giống như thời Trung cổ"!, ông nói, "Chỉ cần bắt đầu thi hành hình phạt này, nạn ăn hối lộ sẽ chấm dứt ngay lập tức".
Mới nghe tuyên bố trên của ông Putin, đã có người nói: Liệu sẽ là bao nhiêu triệu cái tay người Nga sẽ bị chặt đi đây, nếu ông Putin làm thật? Điều đó còn chờ xem. Nhưng điều dự đoán sau của ngài Thủ tướng thì có thể tin được: Chỉ cần thật sự bắt đầu thi hành hình phạt này, thì có khi chỉ mới chặt vài trăm cái tay thôi, cũng đã đủ chấm dứt ngay lập tức nạn quan tham!
Nước ta thời các vua Trần cũng đã có chuyện: Khi phu nhân Trần Thủ Độ có ý muốn xin cho con cháu lên chức này chức kia, Trần Thủ Độ đã nói: "Được! Nhưng phải chặt mỗi đứa đi một ngón tay, để phân biệt các quan thực tài, với chúng, bọn bất tài, nhưng được làm quan vì là con cháu ta"! Nghe vậy phu nhân đành phải chấm dứt những chuyện xin xỏ tương tự!
Dân ta xem thời sự trên VTV, thường hay bình luận: Phải mạnh tay xử lý quan tham như bên Trung Quốc, tức phải bắn bỏ ngay những tên đầu sỏ, để làm cho chúng chùn bước! Phải làm đâu chắc đấy, chứ cứ bắt, rồi tha; nay có tội, mai vô tội; xử tội này, để lại tội kia; hoặc kéo dài điều tra... thì sẽ dẫn đến nhờn pháp luật!
Đảng và Nhà nước ta không phải không có chủ trương mạnh tay, nhưng tại sao thực tế Dân vẫn chưa thấy mạnh? Có thể là bởi nguyên nhân này chăng: Cơ quan chống tham nhũng đúng ra phải hoạt động độc lập, thì khi thảo luận ở Quốc hội, người ta lại muốn "nhất nguyên hóa", với lý lẽ "Đã giao chân ga thì phải giao cả chân phanh" - ví von thật dân dã! Quên rằng như thế chẳng khác gì vừa đá bóng, vừa thổi còi cả!
Phải mạnh tay! Thật sự mạnh tay! Đó là biện pháp trước nhất, ít ra cũng là trong bối cảnh hiện nay! Không Trung cổ kiểu Putin, nhưng cần thấy rằng, đối với một người, mạng sống là vô cùng quan trọng. Một khi mạng sống đe dọa bị xóa bỏ thì tham đến mấy cũng phải chờn! Cho nên cách bắn bỏ của Trung Quốc có thể cũng rất hiệu quả!
Chống tích cực chính là phòng vững chắc! Khi quân xâm lăng đã tràn vào bờ cõi, thì chống xâm lược phải là hàng đầu. Tương tự, khi "giặc nội xâm" đang hoành hành trước mặt như hiện nay, thì chống phải là biện pháp trực tiếp, tối khẩn, để chặn đứng chúng lại!
Lâu nay chúng ta cứ sợ chống mạnh quá, là không đúng với phương châm lấy xây làm chính. Làm và nghĩ như thế chính là xa rời quan điểm vừa xây vừa chống của Đảng.
Vụ án "xử tử Cục trưởng quân nhu Trần Dụ Châu" thời kháng chiến chống thực dân Pháp(), người mà trước đó bốn năm Bác đã ký quyết định đề bạt - là một điển hình của tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc chống tham nhũng - "công ra công, tội ra tội": "Công không ai phủ nhận nhưng tội thì lớn hơn, tội làm mất lòng tin của nhân dân, tội này không thể tha thứ"; không thể lầm và càng không thể lẫn!
Điều đáng lưu ý ở đây là, thời Bác Hồ ký quyết định tử hình đối với Trần Dụ Châu, tham nhũng còn rất ít nhưng quyết định của Bác chính là hành động cương quyết dập tắt tệ tham nhũng.
Trong giai đoạn toàn quốc đang học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thiết tưởng việc nhắc lại những bài học về vụ án này là rất cần thiết!
Vụ án Trần Dụ Châu là vụ án tham nhũng nổi tiếng những năm 50 của thế kỷ trước. Vụ này đã được nhà báo Hồng Hà viết trên báo Cứu Quốc ngày 20-9-1950: Châu lấy cắp của công quỹ một số tiền lớn: 57.959 đồng Việt Nam, 149 đôla Mỹ, các tài sản khác trị giá 143.900 đồng Việt Nam. Giá gạo ở Thái Nguyên - Bắc Cạn năm 1950 là 50 đồng-một kg, ("57959 đ + 143900 đ = 201859 đ): 50 đ = 4020kg!"- Tr.H.Th).
Nghệ sĩ Tiến Hợi, người đóng vai Bác Hồ trong vở kịch Đêm Trắng, trả lời phỏng vấn báo Điện tử Đảng Cộng Sản (Ngày 22-8-2007).