Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 3, 24/12/2024

Đang duyệt: Trang chủ Sự kiện

Cho đỗ cao vì... tướng mạo đẹp

Sách xưa vẫn thường ghi chuyện có thí sinh vì tướng mạo đẹp mà được vua cho đỗ cao. Ngược lại có trường hợp đầu bảng, nhưng vì hình dạng xấu xí, nên bị vua đánh tụt xuống bậc thấp. Bây giờ nghe chuyện chúng ta cho là kỳ quặc. Nhưng thuở xưa chuyện đó thường vẫn diễn ra công khai tại một số khoa thi hương thi hội thời phong kiến nước ta!
 
Sách xưa vẫn thường ghi chuyện có thí sinh vì tướng mạo đẹp mà được vua cho đỗ cao. Ngược lại có trường hợp đầu bảng, nhưng vì hình dạng xấu xí, nên bị vua đánh tụt xuống bậc thấp. Bây giờ nghe chuyện chúng ta cho là kỳ quặc. Nhưng thuở xưa chuyện đó thường vẫn diễn ra công khai tại một số khoa thi hương thi hội thời phong kiến nước ta!
 
 
Suýt mất danh hiệu  trạng nguyên vì tướng mạo quá xấu

Sách chép, kỳ thi thái học sinh năm Giáp Thìn, niên hiệu Hưng Long thời Trần (1304), Mạc Đĩnh Chi (1280-1350) là thí sinh có bài làm xuất sắc nhất đứng đầu bảng rồng, trên 40 thí sinh trúng cách. Ông người làng Lan Khê, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương ngày nay. Sau dời sang làng Lũng Động, huyện Chí Linh cùng tỉnh (nay là huyện Nam Sách, Hải Dương). Hồi nhỏ ông rất thông minh, nổi tiếng thần đồng.

 
d
Đền thờ Mạc Đĩnh Chi ở quê hương

Nhưng khi Mạc Đĩnh Chi vào bái yết, vua Trần Anh Tông nhìn thấy ông tướng mạo khác thường, thân lùn, da đen, mồm rộng, mũi tẹt, trán dô… quá xấu, nên không muốn lcho ông đỗ trạng nguyên. Mạc Đĩnh Chi làm bài phú tự ví mình như hoa sen trong giếng ngọc (Ngọc tỉnh liên phú) dâng lên vua. Bài phú nguyên văn chữ Hán dịch Nôm có câu sau:

“…Há bởi lạc loài mà không ai dung, thân phận thuyền quyên sao nhiều lầm lỗi.
Nếu gốc ta vững chãi mà không cong queo nào ngại gì mưa chan, gió thổi?
Chỉ sợ khi nhạt phấn phai hương, người đẹp phải chịu qua thời xuân sắc…”

Vua Trần Anh Tông xem xong thấy hay và cảm  phục nên mới quyết định vẫn cho ông đỗ trạng.

Sau khi đỗ cao nhất nước, Mạc Đĩnh Chi được cử giữ nhiều chức vụ trong triều. Có lần đi sứ sang Trung Quốc, qua đối đáp xướng họa thơ văn, ông khiến cho người Tàu phải kính phục và được vua Nguyên phong làm trạng nguyên, nên mới có danh hiệu “Lưỡng quốc trạng nguyên”.

Trong đời làm quan, Mạc Đĩnh Chi rất thanh liêm. Có lần vua Trần Minh Tông thương hại cảnh nghèo, đã thử cho người ban đêm đem đến cửa nhà ông bỏ 10 lạng bạc. Sáng mai vào chầu, ông cầm số bạc đó tâu vua là nhặt được xin và nộp vào quốc khố.

Vậy là nếu Mạc Đĩnh Chi không thực tài làm được bài phú “Ngọc tỉnh liên” dâng lên vua, thì một tài năng của đất nước bị đánh giá sai, chỉ vì nhà vua, người chủ khảo cao nhất trong khoa thi đình, đã căn cứ vào diện mạo bên ngoài của thí sinh để cho điểm cao thấp…

Chuyện “trạng Me đè trạng Ngọt”


Sách xưa còn ghi trường hợp của Nguyễn Giản Thanh, người làng Ông Mặc, hay còn gọi là làng Me, huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh). Từ nhỏ ông đã tỏ ra thông minh. Giai thoại kể rằng năm lên sáu tuổi, một hôm Giản Thanh đang chơi ngựa bằng tua cau thì có viên quan nghỉ hưu trên đường đi tới. Lính tráng ra oai dẹp đường, nhưng Giản Thanh vẫn cưỡi tua cau đứng nhìn. Viên quan bèn hỏi:

- Cháu bé đã đi học chưa?

Khi nghe Giản Thanh trả lời là đã biết chữ, làm được câu đối, viên quan liền ra thử vế đối.

-  Trẻ cưỡi mo cau!

Giản Thanh nhìn thấy người lính đứng bế con hạc gỗ, đội biển vua ban, nên đối luôn:

-  Già chơi hạc gỗ!

Viên quan biết Nguyễn Giản Thanh phát lộ tài năng sớm, sau này ắt sẽ làm nên sự nghiệp, nên khen ngợi và thưởng cho tiền.

Đến khoa thi hội năm Đoan Khánh thứ 4 đời Lê Uy Mục (1508); Nguyễn Giản Thanh đi thi cùng với Hứa Tam Tỉnh, quê làng Như Nguyệt, hay làng Ngọt, huyện An Phong, trấn Kinh Bắc (nay là  huyện Yên  Phong, tỉnh Bắc Ninh), cũng là học trò nổi tiếng khắp vùng. Khi khảo quan chấm xong thấy bài Hứa Tam Tỉnh có phần trội hơn nên lấy đỗ nhất, còn Nguyễn Giản Thanh xếp thứ hai.

Đến khi vào yết kiến vua, thoạt thấy Nguyễn Thanh Giản người nho nhã, hào hoa, tướng mạo đẹp, bà Thái phi, mẹ nuôi của vua liền nức nở khen:

-  Trạng nguyên đây phải không? Chà xứng đáng quá, quý hóa quá!

Bấy giờ các quan và cả nhà vua đều tỏ ra lúng túng trước nhầm lẫn của Thái phi, song không biết xử lý thế nào. Nhà vua bèn nghĩ ra cách cho hai người cùng một bài phú, đầu đề là: “Phụng thành xuân sắc”, nghĩa là “Cảnh xuân ở Kinh thành”.

Hứa Tam Tỉnh theo thường lệ không thấy đề ra bắt làm chữ Nôm, nên cứ làm bài bằng chữ Hán. Nhưng Nguyễn Giản Thanh tinh khôn nhận thấy đến vua cũng còn nể ý kiến Thái phi, mà bà thì không am hiểu mấy chữ Hán, nên ông làm bài phú bằng chữ Nôm. Vả lại nếu thi tài chữ Hán thì Nguyễn Giản Thanh biết mình khó có thể làm hay hơn Hứa Tam Tỉnh. Bài phú của Nguyễn Giản Thanh có đoạn:

“ Chợ hòa đầm ấm, phố ngọc tần vần
Trai bảnh bao đá cầu vén áo
Gái éo le rũ yếm khỏi quần…”

Quả nhiên khi bình văn, bà Thái phi luôn miệng tấm tắc khen bài Giản Thanh hay. Thêm vào đó, vua lại biết Giản Thanh người cùng huyện với quê ngoại mình, bèn hỏi: “Làng Hương Mạc cách Phù Chẩn bao xa?”

Giản Thanh khôn khéo lựa lời thưa:

-  Tâu bệ hạ! Hai làng ở liền một cánh đồng ạ!

Trong thực tế hai làng này cách xa nhau. Nhưng Giản Thanh dùng chữ “đồng”, trong phép đo đạc ruộng đất, mỗi đồng là mấy trăm dặm, với chữ “cánh dồng” ngụ ý nói lên  sự gần gũi với quê vua. Nhà vua rất đẹp lòng, bèn đánh tụt Hứa Tam Tỉnh xuống bảng nhãn và đưa Nguyễn Giản Thanh lên trạng nguyên.

Dân gian đương thời có câu: “Trạng Me đè trạng Ngọt” để chế giễu về kiểu phân thấp cao qua tướng mạo trong thi cử, Giản Thanh quê làng Me bài thi kém hơn vẫn được xếp trên Tam Tỉnh quê làng Ngọt.

Không được trọng dụng vì "có tài mà không có tướng
"

Sách “Đại Nam liệt truyện tiền biên” cũng ghi chép chuyện ở đàng Trong, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) có trường hợp Vũ Đình Phương, người huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đỗ đầu khoa thi hương tiến (cử nhân). Khi chúa triệu vào gặp thì thấy mặt rất dị dạng, xấu xí, Chúa chê: “ Đáng tiếc có tài mà không có tướng!”, rồi cho về không dùng. Đương thời người ta mệnh danh cho Vũ Đình Phương là “Cống Đầu” có nghĩa là ông Cống to đầu.

Đình Phương đành về nhà tự học, đọc thêm sách vở, nghiên cứu cả kinh sử, binh thư. Khi ông đã 50 tuổi thì Chúa Trịnh đằng Ngoài cho người mang vào tặng chúa Nguyễn Phúc Tần một chiếc trống lớn và chiếc dùi gỗ dài 1 thước. Trên dùi có khắc 3 chữ :”Cáo bất thực” nghĩa là “Cáo chẳng ăn”, khảm bằng vàng. Chúa không hiểu, các quan cũng không ai biết, mới đòi ông Cống Đầu vào hỏi.

Vũ Đình Phương tâu rằng, đây chỉ mẹo người Bắc thử ta thôi. Ông bèn cầm dùi đánh vào trống, thì tiếng phát ra cũng như tiếng trống thường, không có gì lạ cả. Chúa bèn hỏi 3 chữ trên dùi trống ý nói gì. Ông Phương tâu đó chỉ là cách nói lái của người Bắc. Nghĩa 3 chữ trên là: Cáo chẳng ăn thì gầy. Cáo gầy nói lái là cây gạo vậy!

Bấy giờ Vũ Đình Phương mới được chúa Nguyễn  phong cho chức Ký lục rồi chức Tham mưu. Khi chúa Trịnh Tráng mất (1675), ông được cử ra Bắc điếu tang.

Như trên đã trình bày, thi cử thời xưa thường có hiện tượng vua, chúa chấm điểm cả dáng vóc con người, nên Vũ Đình Phương đỗ nhất hương cống từ 18 tuổi, mà mãi 32 năm sau mới được sử dụng, chỉ vì hình thù xấu xí, không vừa mắt nhà chúa!
 
(Theo "Những chuyện lạ trong thi cử thời xưa ở VN")

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển