Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 7, 20/04/2024

Đang duyệt: Trang chủ Nghiên cứu trao đổi

CHINH PHỤC BIỂN ĐẢO

Chinh phục Biển đảo   

Biển và hải đảo ngày càng trở thành nguồn lực kinh tế quan trọng và có vai trò to lớn về an ninh, quốc phòng. "Vươn ra biển" đã trở thành khẩu hiệu hành động mang tính chiến lược của nước ta...

Phát triển chưa tương xứng tiềm năng

Trong quy hoạch phát triển kinh tế biển, xây dựng các vùng biển, đảo việc kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh được xem là cơ sở để kinh tế và quốc phòng đều mạnh, tạo ra sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi mục tiêu Chiến lược biển Việt Nam 2020 mà Đảng ta đề ra trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, theo chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Theo đó, nước ta đã và đang triển khai tích cực hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kinh tế biển, đảo.

Công tác khảo sát, thăm dò, nghiên cứu khoa học biển ngày càng được quan tâm, làm cơ sở cho việc phát triển các ngành, các vùng kinh tế biển, cũng như việc hoạch định các chính sách quản lý tài nguyên môi trường biển của đất nước. Cơ cấu ngành nghề biển từng bước được điều chỉnh hợp lý hơn, những ngành khai thác và sử dụng lợi thế của biển như vận tải, dịch vụ hàng hải, du lịch, nuôi trồng thủy sản và đánh bắt hải sản xa bờ, đang được đẩy mạnh. Công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cư dân biển, đảo; vấn đề bảo vệ môi trường, đầu tư để tái tạo và làm giàu tiềm năng cũng được các ngành, các cấp quan tâm và đã tạo ra những chuyển biến mới.

Tính đến nay, cả nước đã có 9 cảng biển và 15 khu kinh tế ven biển được thành lập với tổng diện tích mặt đất và mặt nước lên đến 662.249 ha, thu hút khoảng 700 dự án nước ngoài và trong nước đầu tư, với tổng số vốn gần 33 tỷ USD và 330.000 tỷ đồng. Số dân cư sống ở các vùng ven biển tăng lên nhanh, bao gồm hàng triệu người làm nghề vận tải biển, đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ đóng sửa tàu thuyền, chế biến thủy sản, dầu khí, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, du lịch… Nhiều thị trấn, khu nghỉ dưỡng đã hình thành dọc theo chiều dài ven biển của đất nước.

Tuy nhiên, theo Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách môi trường Nguyễn Thế Chinh, có thể đánh giá một cách tổng thể, sự phát triển của kinh tế biển, đảo ở nước ta vẫn chưa xứng tầm với các điều kiện và lợi thế sẵn có. Theo đánh giá nhu cầu vốn đầu tư phát triển kinh tế biển, đảo từ nay đến năm 2020 cần hàng trăm nghìn tỷ đồng, trong đó, từ nguồn ngân sách khoảng 60%, còn lại là các nguồn vốn xã hội. Nói cách khác, Việt Nam tuy là một quốc gia biển, song đến nay, chúng ta vẫn chưa thực sự phát huy được các thế mạnh, tiềm năng của biển, đảo và vẫn chưa phải là quốc gia mạnh về biển. Phát triển kinh tế biển của Việt Nam mới chỉ nằm ở dạng tiềm năng là chính.

PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi cho rằng, trên thực tế, các khu kinh tế biển của Việt Nam cho đến nay, là sự lập lại mô hình khu công nghiệp ở đất liền đem ra biển khi gắn thêm vào đó cảng biển. Đó là cách thức khai thác biển theo lối "con cò lặn lội bờ sông", "đánh bắt ven bờ", không dám vươn ra khơi, không mang tư tưởng tìm kiếm và chinh phục đại dương.

Cảng biển trở thành hạt nhân trong định hình các khu kinh tế biển, kéo theo đó là sự đầu tư rất lớn cho khu cảng. Điều cần thiết, đáng ra là định hình khu kinh tế, xây dựng đô thị để thu hút nguồn lực, con người, cơ chế thật tốt để khuyến khích đầu tư, khởi nghiệp thì nguồn lực bị phân tán vào công trình cảng, mà cả khi xây xong cũng không biết hàng hóa lấy ở đâu, chuyên chở đi đâu. Sự dàn trải vốn đầu tư của Nhà nước và phân tán các nhà đầu tư cũng đưa đến kết cục không có khu kinh tế nào thành công và cũng không có bài học nào để rút ra, để cập nhật, bổ sung nhằm hoàn thiện cơ chế.

Tái cấu trúc mô hình kinh tế biển

"Chúng ta cần tái cấu trúc mô hình tăng trưởng kinh tế biển, trong đó, việc "nạp" kinh tế biển ở một tầm nhìn mới vào mô hình tăng trưởng mới theo phương thức kết hợp: khai thác mặt tiền và tự do hóa thương mại", ông Hồi nói.

Theo TS. Hồ Văn Hoành, Phó chủ tịch Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực, nhân tài Việt Nam, về quy hoạch, cần xây dựng đề án tái cơ cấu ngành kinh tế biển, các cơ chế, chính sách nhằm phát huy quyền chủ động của các ngành, các cấp, các địa phương và vùng lãnh thổ, có sự quản lý, tập trung của Trung ương, tạo nên bước đột phá về tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu theo hướng hiện đại, theo chiều rộng và chiều sâu…

Bên cạnh đó, khẩn trương xây dựng chiến lược thích ứng cho sinh kế ven biển, bảo vệ môi trường sinh thái, xác định và tiếp cận cho từng lĩnh vực như vận tải biển, đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi… có sự tham gia của đại diện các cơ quan ở địa phương, các chuyên gia kỹ thuật, các tổ chức quần chúng, các hộ gia đình.

TS. Trương Minh Tuấn,  nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định, để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội biển, đảo bền vững và đưa kinh tế nước ta tăng trưởng từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo, trong thời gian tới, cần tập trung triển khai thực hiện kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh, hợp tác quốc tế. Chú trọng quy hoạch và tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách và luật pháp về lĩnh vực biển, đảo và có cơ chế phù hợp để hỗ trợ phát triển kinh tế biển, đảo.

Tránh tình trạng "mạnh ai nấy làm" dẫn đến sự phân tán, nhỏ lẻ thiếu tập trung giữa các địa phương với cả vùng, giữa địa phương với từng ngành, mà cần có sự liên kết, phối hợp với nhau. Mặt khác, ở mức độ phù hợp cần tăng cường hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nước để thu hút nguồn vốn đầu tư, hình thành những dự án phát triển kinh tế liên hoàn, tăng cường trao đổi, xuất khẩu.

TS. Trần Văn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết, theo Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020, kinh tế đảo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 14 - 15%/năm. Để đạt được mục tiêu trên, nước ta sẽ hình thành và phát triển một số ngành mũi nhọn phù hợp với lợi thế của vùng đảo như du lịch, dịch vụ biển, khai thác và nuôi trồng hải sản…

Từ nay đến năm 2020, sẽ tập trung xây dựng nhanh hệ thống kết cấu hạ tầng trên các đảo, coi đây là khâu đột phá chính để thu hút đầu tư và khuyến khích ngư dân ra định cư lâu dài trên các đảo.

Hiện nay, kinh tế biển không chỉ đơn thuần là đánh bắt hải sản, vận tải biển, du lịch biển mà đã mở rộng sang lĩnh vực khai thác tài nguyên biển, năng lượng biển, bảo vệ và cân bằng môi trường sinh thái biển, phòng chống thiên tai, giảm nhẹ tác động biến đổi khí hậu do hiệu ứng nhà kính. Do đó, cần sớm nghiên cứu, phát hiện các lợi thế so sánh, phát huy thế mạnh của đất nước trong phát triển kinh tế biển.

TS. Hồ Văn Hoành, nhấn mạnh, thực tế triển khai Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 cho thấy, chúng ta đang thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn trong những ngành mũi nhọn. Vì vậy, việc cấp bách trước mắt là gấp rút đào tạo và bồi dưỡng cán bộ nghiên cứu quản lý các ngành kinh tế biển và cộng đồng cư dân ven biển, không những có trình độ chuyên môn mà còn có kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ chủ quyền biển đảo, phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%...

PGS. TS. Nguyễn Chu Hồi: "Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận kinh tế biển, đảo một cách toàn diện, phát triển kinh tế biển, đảo theo hướng bền vững, bảo đảm quyền lợi lâu dài của đất nước - phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia giàu mạnh về biển, đảo, bảo đảm vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển".

 

Hoan Nguyễn

Nguồn:thuonghieucongluan.com.vn

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển