Chỉ 1% làm việc không hiệu quả?
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu băn khoăn: Dư luận xã hội và ngay cả một số CB nhận định hiện có khoảng 1/3 CB-CC không làm được việc. Vậy đánh giá về chất lượng, phẩm chất đạo đức của CB-CC hiện nay thế nào? Trong tuyển dụng có vấn đề gì không? Trung ương 4 cũng đánh giá một bộ phận không nhỏ CB-CC thoái hóa biến chất, vậy qua đánh giá thì tỉ lệ này thế nào?...
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết đoàn giám sát cũng đã yêu cầu các địa phương báo cáo vấn đề này nhưng các địa phương đều nói Chính phủ chưa có tiêu chí đánh giá cụ thể nên không đánh giá được bao nhiêu phần trăm CB-CC làm được việc. Báo cáo của đoàn giám sát khi đánh giá về chất lượng của đội ngũ CB-CC lại chỉ thống kê số lượng CB có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, được đào tạo về lý luận chính trị…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày báo cáo giám sát. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho hay bộ này cũng đã đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, TP báo cáo phân tích số lượng, chất lượng đội ngũ CB-CC-VC. Theo số liệu tập hợp bước đầu, số không hoàn thành nhiệm vụ chỉ chiếm tỉ lệ trên dưới 1%. Ông Bình nói tổng hợp đầy đủ báo cáo mới có được số liệu chính thức.
Được phong tướng xong thì về hưu
“Bộ máy chúng ta cồng kềnh, kém năng lực, kém hiệu quả là có” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhận xét. Ông Hiển cho rằng việc tăng lên về số lượng của đội ngũ CB-CC là điều phù hợp với sự phát triển về mọi mặt của đất nước những năm qua. Tuy nhiên, báo cáo giám sát cần đánh giá tốc độ tăng như vừa qua đã thực sự hợp lý hay chưa? Công tác tuyển chọn, bổ nhiệm vừa qua có bảo đảm chất lượng không? có nặng về bằng cấp không?...
“Nhiều CB bằng cấp rất nhiều nhưng giao cho một việc cụ thể để làm thì không đạt yêu cầu. Cái đó phổ biến chứ không phải ít. Mà càng không làm được việc lại càng được cử đi học tập, đào tạo nhiều. Ta tuyển chọn CB phải dựa trên năng lực thực tế của con người” - ông Hiển nói.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước thì băn khoăn: “Năm ngoái, tôi đếm qua danh bạ có bộ đến 11 thứ trưởng. Có nơi cấp tổng cục cũng có cả chục đồng chí phó. Vậy trách nhiệm Bộ Nội vụ gác cổng cho Chính phủ như thế nào?”.
Ông Ksor Phước cho rằng Báo cáo giám sát nêu tất cả vấn đề nhưng những vấn đề nhạy cảm lại “xuôi theo”, không dám làm đậm lên. “Lẽ ra báo cáo phải có đoạn ghi có hiện tượng bổ nhiệm CB vượt khung không hợp lý. Dư luận nghi ngờ có hiện tượng tiêu cực. Thực tiễn vẫn bổ nhiệm người quá 55 tuổi, thậm chí là quá nhiều. Có người được phong tướng xong thì nghỉ hưu. Đề bạt bổ nhiệm được một năm rồi lại nghỉ hưu thế là thế nào?” - ông Ksor Phước đặt vấn đề.
Bổ nhiệm rất giống với bầu cử
Theo ông Ksor Phước, báo cáo cũng chưa trả lời được câu hỏi vấn đề tuyển chọn CB có hiện tượng cục bộ địa phương hay không. Tức là nếu ở trung ương, ông đứng đầu là người tỉnh nào thì nhân viên các tỉnh ấy được tuyển vào, được bổ nhiệm nhiều?
Ông Phước cũng chỉ ra một bất cập trong công tác bổ nhiệm CB hiện nay, đó là việc bổ nhiệm rất giống với bầu cử, “trước khi ký quyết định bổ nhiệm thì quy trình là bầu hết”. Thực tế này dẫn đến việc người đứng đầu không chịu trách nhiệm trực tiếp, người được bổ nhiệm không làm được việc thì cũng không có cách gì phê bình ông ký quyết định bổ nhiệm.
Đồng tình, ông Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng cần thay đổi cách bổ nhiệm CB vì hiện nay người được bổ nhiệm phải là người có tỉ lệ phiếu quá bán. Trong khi đó, “nhiều đồng chí dĩ hòa vi quý, không xung đột với ai thì phiếu cao. Còn người quyết tâm làm việc, nói thẳng thì hay va chạm…”.
“Tôi lo ngại với tình trạng hiện nay, cách làm việc hiện nay, năng suất hiện nay thì không rõ chúng ta có thực hiện được cải cách tiền lương không. Không ít CB 8 giờ sáng vẫn còn đi ăn sáng, uống cà phê, 10 giờ làm việc, chiều đến 4-5 giờ đi thể thao thì tiền lương giờ thế là cao rồi” - ông Hiển than.
"Tôi cho đây là điều buồn lắm!"
Báo cáo giám sát do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày có nhận xét: “Mặc dù Luật CB-CC có hiệu lực từ 1-1-2010 nhưng trong một thời gian dài vẫn phải áp dụng văn bản quy định về tiêu chuẩn các ngạch CC hành chính đã ban hành từ năm 1993, không phù hợp với công tác tuyển dụng, nâng ngạch…”. Mãi đến tháng 4-2013, Nghị định 36/2013 về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch CC mới được ban hành.
Nghe vậy, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng bình luận: “Lấy tiêu chuẩn của năm 1993 dùng cho 2013 là sao đây? Lấy của năm 1993 dùng đến năm 2010 đã là kinh khủng rồi. Các đồng chí vẫn quản lý CB giống 20 năm trước đây. Trách nhiệm thuộc về ai? Tôi cho đây là điều buồn lắm! Thế này thì không thể nói chất lượng lên được”.
|
ĐỨC MINH
Theo phapluattp.vn