Triển lãm “Ngự Phê trên châu bản triều Nguyễn (1802-1945)” vừa khai mạc hôm qua tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, số 18 phố Trung Yên 1, Hà Nội đã giới thiệu tới người xem bút tích của 10 vị vua triều Nguyễn, thể hiện quan điểm trong điều hành đất nước.
Châu bản khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa
do gia đình nhà nghiên cứu Phan Thuận An tặng Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I
Nhưng đó chưa phải là điều thú vị nhất của cuộc triển lãm này khi một thông tin về một cuộc triển lãm chuyên đề “Châu bản triều Nguyễn khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam” sẽ ra mắt trong thời gian sắp tới vừa được ông Hà Văn Huề, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tiết lộ. Theo thống kê, hiện Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I đang lưu giữ hơn một chục văn bản liên quan tới vấn đề chủ quyền biển đảo và đều là châu bản triều Nguyễn. Đặc biệt, toàn bộ tư liệu này đều là bản gốc. Có những văn bản trực tiếp nhưng cũng có văn bản gián tiếp như nhà vua cử các đội ra Hoàng Sa để thăm dò, hoặc bút phê việc khen thưởng những người có công với Hoàng Sa, Trường Sa…
Tư liệu gần đây nhất là do gia đình ông Phan Thuận An hiến tặng là châu bản 1939 về việc khen thưởng cho những người có công với việc bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa của triều Bảo Đại. Dự kiến, cuối năm 2012 Cục Văn thư lưu trữ sẽ tổ chức hội thảo liên quan tới việc sưu tầm tài liệu và giới thiệu nguồn sử liệu liên quan tới biên giới và biển đảo. Bước đầu là hội thảo về vấn đề học thuật. Tiếp theo là quy trình chọn lựa các tư liệu hiện có của cả 4 trung tâm trực thuộc Cục Văn thư lưu trữ có liên quan tới biên giới và chủ quyền biển đảo để tổ chức triển lãm.
Đã đến lúc cần công bố các tư liệu đặc biệt quý hiếm - PV: Thưa GS, ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của các châu bản triều Nguyễn? - GS sử học Phan Huy Lê: Có thể khẳng định rằng, đây là những tư liệu vô cùng quý giá. Tôi đã được tiếp xúc và nghiên cứu một số tờ châu bản nhà Nguyễn khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Hiện có khoảng 13 tờ châu bản đã được công bố, nhưng con số thực tế mà Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I đang bảo quản, theo tôi biết còn có nhiều hơn thế. Các bản này đều là bản gốc có ghi niên đại cụ thể, ngày giờ, có dấu ấn vương triều Nguyễn và nhiều tờ châu còn ghi rất cụ thể châu khê nhà Nguyễn, tập trung nhiều nhất vào thời vua Minh Mạng. Các tư liệu này trên thực tế đã công bố trên một số tờ báo và gần đây nhất là tập Kỷ yếu Hoàng Sa của huyện đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng). Đây là những tư liệu đặc biệt quan trọng khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam với 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. - Giáo sư có thể giải thích cụ thể hơn về ý nghĩa khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của châu bản triều Nguyễn? - Những tờ châu bản khẳng định chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam có nội dung “thép” gồm 2 mặt. Về giá trị lịch sử, các châu bản này cho thấy nhà Nguyễn đã thực thi việc tổ chức quản lý đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mà cụ thể là quy định Hoàng Sa thuộc về Quảng Ngãi và có hệ thống quản lý hành chính nhà nước. Về giá trị pháp lý, các châu bản khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam cho thấy nhà Nguyễn đã thể hiện chủ quyền của mình tại 2 quần đảo này bằng các văn bản nguyên gốc của triều đình, có giá trị hết sức lớn lao không chỉ trong nước mà còn đối với quốc tế. Ở đây là các văn bản phái các đội Hoàng Sa và kết hợp với các đội cựu quân đi Hoàng Sa, Trường Sa khảo sát 2 quần đảo này, lập các bản đồ, các tài liệu. Hay là các tờ điều các đội đi Trường Sa, dân phu đi Hoàng Sa. Đây là các tư liệu lịch sử gốc phản ánh tổ chức hành chính và hiện thực hóa việc nhà Nguyễn không chỉ sở hữu Trường Sa, Hoàng Sa mà còn thực thi chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa như thế nào. - Được biết, trước thời nhà Nguyễn, Việt Nam cũng đã có các tư liệu cho thấy Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Việt Nam, thưa Giáo sư? - Đúng là trước nhà Nguyễn, chúng ta đã có nhiều tư liệu khẳng định chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa thuộc Việt Nam. Nhưng rất tiếc, các tư liệu này chỉ tồn tại ở dạng các bản sao chép, không phải bản gốc. Ví dụ như bản đồ cổ sớm nhất là bản đồ Hoàng Sa thế kỷ 17 hay bản ghi chép của cụ Lê Quý Đôn. Nhưng để chứng minh được chủ quyền của Việt Nam tại 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì cần đến các tư liệu gốc mới đủ sức thuyết phục và chứng minh với quốc tế. - Trong bối cảnh như hiện nay, Giáo sư có đề xuất nào trong việc công bố châu bản triều Nguyễn khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam? - Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần công bố các tài liệu này để người dân Việt Nam hiểu và ý thức rõ ràng hơn về phần lãnh thổ máu thịt không tách rời của Việt Nam cũng như đối với dư luận quốc tế. Tôi có đề nghị là Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I cần tổ chức triển lãm giới thiệu một cách cơ bản nhất về các châu bản triều Nguyễn có nội dung liên quan đến việc khẳng định Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. - Xin cảm ơn Giáo sư! |
theo ANTĐ