Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 6, 26/04/2024

Đang duyệt: Trang chủ Nhân lực - nhân tài

Chàng trai của nhiều cái nhất

Là học sinh đạt điểm cao nhất (18 điểm) trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử năm học 2011 - 2012, Lê Thiện Anh, học sinh Trường THPT chuyên Bến Tre, tỉnh Bến Tre tâm sự: “Môn học không khó. Nhờ có đam mê, trí nhớ và hệ thống kiến thức tốt nên mỗi ngày em chỉ cần 30 phút học”.

 
Lê Thiện Anh: Nhiều tiền không bằng sở thích. Ảnh: Văn Chung
 

30 phút mỗi ngày để học tốt


Giáo viên lịch sử Nguyễn Thị Tuyết Mai cho biết: Thiện Anh là thủ khoa khối chuyên lịch sử, cũng là học sinh nam duy nhất của lớp; đạt các giải học sinh giỏi tỉnh khác nhau môn lịch sử nhiều năm. Tố chất giỏi các môn tự nhiên giúp Thiện Anh học giỏi cả môn Lịch sử.

Với Thiện Anh, học Lịch sử không chỉ để lấy kiến thức thuần túy mà “là một phần quan trọng trong học làm người, làm người Việt Nam, làm người dân của một đất nước ngàn năm văn hiến”.

Bản thân cậu không khỏi băn khoăn khi lựa chọn và theo đuổi bộ môn lịch sử trong suốt quãng thời gian học THPT. “Nhưng rồi những sự kiện, điểm mốc thời gian cứ như có linh hồn làm sống dậy trong em không chỉ là ngày tháng mà chính là cuộc đời, là tiếng nói của cha ông từ ngàn năm vọng lại”.

Để học lịch sử tốt, theo chàng trai giỏi sử này, trước hết cần phải có đam mê, trong mỗi sự kiện đều có nhiều điều thú vị nếu mình chịu khó tìm qua sách báo, mạng Internet. Liên tục học, tìm tòi bạn sẽ rèn được một trí nhớ tốt.

"Nhiều người cho rằng học lịch sử là nặng về trí nhớ, nhưng vẫn phải có lô-gic. Nếu không, trí nhớ tốt bao nhiêu nhưng với quá nhiều sự kiện ta cũng không thể nhớ nổi. Biết tập hợp, hệ thống kiến thức lại sẽ dễ học. Vì học thường xuyên nên mỗi ngày em chỉ cần 30 phút hoặc ít thời gian để tham khảo môn lịch sử. Phần nào không hiểu cần hỏi ngay giáo viên để kịp thời bổ sung kiến thức”.

Cậu học trò với gương mặt và nụ cười hiền khô chia sẻ thêm về cách làm bài để đạt điểm cao môn này: “Bạn phải lập luận sắc bén như một bài văn: có mở bài, thân bài và kết bài, có luận cứ, luận điểm”.

Nhiều tiền không bằng sở thích


Đạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Thiện Anh có quyền tuyển thẳng vào Khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM nhưng em muốn thử sức mình nên đăng ký thêm Trường ĐH Luật TP. HCM.

Nói về dự định tương lại, cậu bạn khiêm tốn: “Em chưa suy nghĩ nhiều. Trước mắt em cần tập trung thi tốt nghiệp đạt điểm thật cao, sau đó là thi đỗ vào Trường ĐH Luật TP. HCM mà em mong muốn”.

Không khỏi buồn trước việc nhiều bạn lựa chọn theo các ngành kinh tế đang “hot” mà không chú tâm đến ngành xã hội, theo Thiện Anh: “Mỗi người có một lựa chọn, con đường em sắp đi là theo sở thích và khả năng của mình. Có thể mức lương thấp hơn các bạn theo ngành khác nhưng chọn ngành có thu nhập cao mà mình không thích thì thật sai lầm”.
 

 
Sáng 14/4, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Bộ GD-ĐT đã tổ chức lễ tuyên dương và trao giải thưởng cho 211 học sinh đoạt giải môn lịch sử chọn học sinh giỏi quốc gia THPT. Ảnh: Văn Chung
 

Mỗi năm giảng dạy cô Tuyết Mai lại tìm ra được một vài gương mặt học trò thực sự đam mê môn lịch sử. Và năm nay, Thiện Anh là một trong số đó. “Gương mặt em lúc nào cũng thật say mê. Em rất chịu khó tìm tòi và trao đổi với cô giáo. Điều đó khiến cô rất mừng” – cô tâm sự.

Giảng lịch sử, theo cô Tuyết Mai “cần giống như kể chuyện cho trò nghe. Giáo viên cần làm cho giờ học sinh động, phát triển tư duy, để học sinh làm chủ trong giờ học, buộc các em phải tìm tòi, phát hiện ra cái mới thì các em mới yêu”.

Cô mừng lắm khi gần đây đã có những trò theo ngành sử, có em học sư phạm lịch sử, chuẩn bị ra trường làm đồng nghiệp của cô rồi. Riêng Thiện Anh, em cho biết: “Dù không đi theo ngành sử nhưng đi đâu làm gì tình yêu đối với bộ môn lịch sử trong em không hề nhạt phai”.

Trong niềm vui ngày đưa học trò ra thủ đô nhận giải thưởng và dự lễ tuyên dương học sinh giỏi lịch sử quốc gia năm 2012, người giáo viên già không giấu được nỗi niềm trăn trở là làm sao để lột bỏ tư tưởng coi thường và xã hội quan tâm hơn tới môn lịch sử.
“Có người khi hỏi tôi học sinh đó đạt giải gì vậy rồi dè bỉu là giải gì hóa ra giải môn lịch sử” – cô ngậm ngùi.
 
Phát biểu tại lễ tuyên dương và trao giải thưởng, ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT mong muốn: “Chúng ta không quên những tồn tại, bất cập, yếu kém trong việc học tập và giảng dạy môn Lịch sử nói riêng, các môn khoa học xã hội và của chương trình dạy và học nói chung. Chúng ta phải tìm mọi biện pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy, thực hiện đào tạo nguồn nhân lực chất luộng cao phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam  cho rằng: “Cải cách môn lịch sử lại phải đặt trong cải cách cả nền giáo dục quốc dân, tức phải “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”.
Và một trong những bước đi đầu tiên là biên bản ghi nhớ giữa Bộ GD-ĐT và Hội Khoa học Lịch sử vừa được ký kết. Theo đó, các nhà lịch sử sẽ tham gia soạn thảo chương trình, làm sách giáo khoa và có tiếng nói trong quá trình dạy học môn Lịch sử ở trường phổ thông.
 

 

theo vietnamnet.vn

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển