Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 6, 19/04/2024

Đang duyệt: Trang chủ Tin tức - sự kiện

CHÂN TRỜI MỚI TRONG QUAN HỆ VIỆT NAM - EU

Chiều 30-6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký Hiệp định Thương mại tự do  (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). 

Quang cảnh lễ ký kết EVFTA và EVIPA. Ảnh: VIẾT CHUNG

Quang cảnh lễ ký kết EVFTA và EVIPA. Ảnh: VIẾT CHUNG

Cùng dự buổi lễ có các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Về phía EU có Cao ủy Thương mại Cecilia Malmstrom; Bộ trưởng Phụ trách kinh doanh, thương mại và doanh nghiệp của Romania Stefan-Radu Oprea.
Hợp tác rộng lớn, toàn diện
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc chính thức ký 2 hiệp định đã mở ra chân trời mới hợp tác rộng lớn, toàn diện giữa Việt Nam và EU, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp 2 bên. EU với tầm nhìn hướng Đông đã coi Việt Nam, một quốc gia đang phát triển nằm cách xa nửa vòng trái đất để làm đối tác. “Là quốc gia giàu tiềm năng, phát triển năng động hàng đầu tại Đông Nam Á, thực hiện chính sách đối ngoại đa phương, đa dạng hóa quan hệ, với tầm nhìn mạnh mẽ về hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam rất vui mừng hợp tác với EU ở phía Tây bán cầu, một nền văn minh tiên tiến, một khối kinh tế phát triển hiện đại, hùng mạnh hàng đầu thế giới, cũng như mở rộng hợp tác song phương với 28 nước thành viên EU”, Thủ tướng nhấn mạnh.

 
Chân trời mới trong quan hệ Việt Nam - EU  ảnh 1Quang cảnh lễ ký kết EVFTA và EVIPA. Ảnh: Viết Chung
Theo Thủ tướng, EVFTA và EVIPA là những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với tiêu chuẩn cao, toàn diện, độ mở lớn và cân bằng lợi ích. Sự liên kết, tổng hòa các hiệp định quan trọng này sẽ nâng cánh quan hệ Việt Nam và EU lên tầm cao mới mang tính chiến lược. “Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên, các thách thức an ninh phi truyền thống càng lớn, thương mại toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn, sự hợp tác 2 bên mang ý nghĩa đặc biệt, thể hiện tư duy mạnh mẽ, tầm nhìn chiến lược của cả Việt Nam và EU cùng hợp tác, cùng có lợi và cùng phát triển”, Thủ tướng nêu và tin tưởng Nghị viện châu Âu, nghị viện các nước thành viên EU và Quốc hội Việt Nam sẽ sớm phê chuẩn EVFTA và EVIPA, để khi có hiệu lực, 2 hiệp định quan trọng này sẽ như tuyến đường cao tốc quy mô lớn hiện đại nối gần hơn nữa EU và Việt Nam, giúp 2 bên có thể tiếp cận thuận lợi thị trường của nhau. Đặc biệt doanh nghiệp EU có thể tiếp cận không chỉ thị trường gần 100 triệu người dân Việt Nam mà cả thị trường các nước ASEAN, CPTPP và các thị trường lớn khác ở Đông Á, góp phần tạo nên xung lực của hợp tác Đông - Tây mang đến sự phát triển thịnh vượng của 2 khu vực Á - Âu và toàn cầu.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, việc ký EVFTA, EVIPA mới là bước khởi đầu, 2 bên cần nỗ lực hợp tác để quá trình triển khai hợp tác thành công. Việt Nam sẽ ban hành chương trình hành động quốc gia thực hiện 2 hiệp định với các nhiệm vụ, biện pháp cụ thể thực thi nghiêm túc, đầy đủ các cam kết.
Đầu tư từ EU sẽ tăng trưởng vượt bậc
Bà Cecilia Malmstrom, Cao ủy Thương mại EU, cũng khẳng định sự kiện này chính là cột mốc quan trọng, thể hiện sự hợp tác lâu bền giữa 2 bên. “Sẽ rất sớm thôi người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận được hàng hóa từ châu Âu và ngược lại”, bà Cecilia Malmstrom nói sau khi nhắc tới câu nói của người Việt Nam “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” để cảm ơn sự chuẩn bị của các đối tác, đồng nghiệp ở Việt Nam trong suốt 9 năm qua.
Với EVFTA, 99% dòng thuế hàng Việt Nam sang EU sẽ được gỡ bỏ thông qua hạn ngạch thuế quan. Bà cũng hoan nghênh Việt Nam mở cửa thị trường mua sắm, để các công ty Việt Nam có thể mua thiết bị, dịch vụ giá cạnh tranh. “Đầu tư của EU vào Việt Nam sẽ tăng trưởng vượt bậc nhờ 2 hiệp định này”, bà Cecilia nói và nhấn mạnh: “Đây là tín hiệu gửi đi thế giới khi xu hướng bảo hộ đang gia tăng ở nhiều nơi. EU hướng tới những người bạn ở châu Á, và Việt Nam là trụ cột kinh tế ở ASEAN, nên hiệp định này là viên gạch nền tảng quan trọng trong hoạt động các bên”.
Theo ông Stefan-Radu Oprea, đây là thời điểm mang tính lịch sử sau quá trình đàm phán kéo dài nhiều năm. Hai hiệp định được ký kết là biểu tượng quan trọng trong bối cảnh thương mại quốc tế hiện nay. Nhờ đó, thuế và các hàng rào phi thuế quan đều được giảm, chỉ dẫn địa lý, mở rộng thị trường, mở cửa mua sắm khu vực công… 

- EVFTA gồm 17 chương, 2 nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo về thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ... Dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản... là những ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định này. Về thuế quan, ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 86% số dòng thuế và hơn 99% dòng thuế được gỡ bỏ sau 7 năm. Ngược lại, Việt Nam cũng cam kết sẽ bỏ ngay 48,5% số dòng thuế cho hàng hóa EU. Sau 7 năm số dòng thuế được xóa bỏ tăng lên 91,8% và sau 10 năm mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế... Người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cơ hội tiêu dùng các sản phẩm của châu Âu với giá cạnh tranh.

- EVIPA gồm các quy định hiện đại về bảo hộ đầu tư cho phép việc thực thi và triển khai thông qua hệ thống mới tòa án về đầu tư, đồng thời vẫn đảm bảo các chính phủ 2 phía có quyền điều tiết các lợi ích của công dân. EVIPA sẽ thay thế các hiệp định đầu tư song phương mà 21 nước thành viên EU đã ký với Việt Nam, triển khai một khung pháp lý mới đảm bảo ngăn ngừa xung đột về lợi ích cũng như tăng cường minh bạch.

Theo nghiên cứu của Bộ KH-ĐT, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định. EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm bình quân 2,18-3,25% (năm 2019-2023); 4,57-5,3% (năm 2024-2028) và 7,07-7,72% (năm 2029-2033).

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư NGUYỄN CHÍ DŨNG:

Góp phần thu hút đầu tư với chất lượng từ EU

Việc ký kết các hiệp định này sẽ góp phần tăng tốc tiến trình cải cách, hội nhập kinh tế theo chiều sâu của Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực thương mại truyền thống mà cả trong lĩnh vực thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, sở hữu trí tuệ, mua sắm của Chính phủ… Chính phủ Việt Nam có cơ sở để tin tưởng vững chắc rằng, việc ký kết EVIPA sẽ góp phần thu hút đầu tư với chất lượng cao từ các nhà đầu tư EU và tạo cơ hội tốt cho nhà đầu tư Việt Nam tiếp cận thị trường EU.

Bộ trưởng Bộ Công thương TRẦN TUẤN ANH:

Làm sâu sắc hơn mối quan hệ hai bên

Hiệp định được ký kết khẳng định sự tăng cường hơn nữa quan hệ song phương giữa Việt Nam và EU, làm sâu sắc hơn mối quan hệ về hợp tác thương mại, mang lại lợi ích cho 2 bên. 15 năm trước, Việt Nam chỉ chập chững bước vào hội nhập quốc tế, là đối tác thương mại nhỏ. Nay với kim ngạch gấp 10 lần, Việt Nam đã cùng EU bắt tay chuẩn bị vào giai đoạn mới.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VŨ TIẾN LỘC:

Hướng tới tương lai phát triển thịnh vượng và bền vững

Từ phía cộng đồng các doanh nghiệp và nhà đầu tư EU, EVFTA và EVIPA mở ra cơ hội cho hàng hóa EU có thể tiếp cận với thuế quan ưu đãi thị trường của Việt Nam, với 95 triệu dân đang có mức thu nhập được cải thiện, các chương trình mua sắm, đầu tư công của chính phủ và hơn 700.000 doanh nghiệp, gần 6 triệu hộ kinh doanh đang có nhu cầu tương đối cao với nhiều sản phẩm thế mạnh của EU (như: thực phẩm, dược phẩm, máy móc thiết bị, ô tô..). Đó cũng là cơ hội cho các nhà cung cấp dịch vụ của EU trong lĩnh vực tài chính, logistics, phân phối, cơ sở hạ tầng, bán lẻ, giáo dục, y tế… Việt Nam cũng sẽ là một cửa ngõ để các nhà đầu tư EU tiến vào các thị trường ASEAN, Liên minh Á - Âu, CPTPP.

Với EVFTA-EVIPA, chúng ta cùng hướng tới một tương lai phát triển thịnh vượng và bền vững hơn, cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam và EU.
________________________
Báo chí quốc tế: Thỏa thuận thương mại tự do tham vọng nhất

Hãng Reuters đánh giá đây là thỏa thuận đầu tiên mà châu Âu ký với một nước đang phát triển ở châu Á, mở đường cho việc giảm tới 99% hàng rào thuế quan hàng hóa giữa EU và Việt Nam, cũng như mở cửa thị trường dịch vụ và mua sắm công trong các lĩnh vực bưu chính, ngân hàng, hàng hải. Bên cạnh đó, Reuters cũng cho biết Việt Nam là một trong số nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực nhờ xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Trước EVFTA, Việt Nam cũng đã ký nhiều thỏa thuận thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Mỹ) với các sản phẩm xuất khẩu chính là giày dép và hàng may mặc. Reuters dẫn các số liệu chính thức cho biết trong năm 2018, Việt Nam đã xuất khẩu số hàng hóa và dịch vụ trị giá 42,5 tỷ USD vào EU, trong khi trị giá nhập khẩu từ khu vực này đạt 13,8 tỷ USD.

Trong khi đó, báo Handelsblatt của Đức đưa tin với thỏa thuận đạt được, Việt Nam - EU sẽ dỡ bỏ hầu hết hàng rào thuế quan, trong đó sẽ có khoảng 2/3 số hàng hóa lập tức không còn thuế quan khi EVFTA có hiệu lực. Theo báo trên, kể từ khi mở cửa kinh tế, quốc gia Đông Nam Á với 95 triệu dân này trong nhiều năm luôn đạt tỷ lệ tăng trưởng cao. Sau Singapore, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 của EU trong khu vực.
Tờ Financial Post của Canada cũng đưa tin về việc Việt Nam với EU ký EVFTA và EVIPA, trong đó dẫn đánh giá của EU coi EVFTA là “thỏa thuận thương mại tự do tham vọng nhất” mà châu lục này ký với một nước đang phát triển. Trang tin Euronews, nhật báo Het Financieele Dagblad của Hà Lan… cũng nhanh chóng thông tin về sự kiện này. (CAO VĂN)

PHAN THẢO - NGỌC QUANG

Nguồn: www.sggp.org.vn

 

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển