Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 6, 26/04/2024

Đang duyệt: Trang chủ Tin tức - sự kiện

CHẶN THAM NHŨNG QUYỀN LỰC- THIẾU THIẾT CHẾ ĐỀ KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC

BÀI 1: Chặn tham nhũng quyền lực

Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại Kỳ họp thứ 20 ngày 12 - 13.12 vừa qua đang làm nức lòng người dân. Cùng với đó, cụm từ “tham nhũng quyền lực” cũng được nhiều người nhắc tới khi mà hầu hết danh sách cán bộ cấp tỉnh bị kỷ luật hoặc bị đề nghị kỷ luật đều có vi phạm liên quan đến công tác cán bộ, ưu ái người thân.

Tham nhũng quyền lực thực ra không phải một dạng thức tham nhũng mới mẻ hay lạ lẫm gì! Nhân dịp này nếu nhìn lại một số vụ việc “chọn người nhà chứ không chọn người tài” hay “cả nhà làm quan” được phanh phui trong thời gian qua sẽ thấy tham nhũng quyền lực dường như đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” với nhiều tầng nấc. Cha bổ nhiệm con hay nói cho đúng cha tạo điều kiện để con được bổ nhiệm vào những vị trí rồi cũng có quyền lực; “sếp” nâng đỡ “không trong sáng” một nhân viên chẳng cùng họ hàng huyết thống đều là biểu hiện của tham nhũng quyền lực.

Nhưng không chỉ có thế! Tham nhũng quyền lực còn có muôn hình vạn trạng biểu hiện khác. Đó có thể là một chính sách cho thị trường địa ốc mà thoạt nhìn tưởng chừng dùng ngân sách để vực dậy cả một ngành nhưng thực chất để mở lối thoát cho lòng tham của giới đầu cơ liều lĩnh. Đó có thể là một chủ trương phát triển một loại cây công nghiệp, những tưởng là lối thoát cho nông dân nghèo nhưng thật ra chỉ để một số công ty bán giống, máy móc. Đó có thể là một lệnh hành chính về mua sắm công, thoạt trông để tiết kiệm ngân sách nhưng đằng sau đó là sự bắt tay giữa quyền lực và sự độc quyền cục bộ... Tất cả đều phải gán nhãn “tham nhũng quyền lực”. Dạng thức tham nhũng nhắm tới lợi ích riêng, bất kể thiệt hại cho xã hội này người ta dễ thấy nhưng lại khó lên tiếng vì rất nhiều lý do. 

Kết luận nghiêm minh của Ủy ban Kiểm tra Trung ương được người dân đồng tình nhưng cũng đồng thời đặt ra nhiều câu hỏi lớn. Đó là làm thế nào để chặn đứng tham nhũng quyền lực, cách nào ngăn người ta “nâng đỡ không trong sáng” lẫn nhau? Xử lý kỷ luật lúc sự đã rồi tuy có sức răn đe nhưng chừng đó có đủ không khi tham nhũng quyền lực mang lợi những lợi lộc quá lớn? Quy trình bổ nhiệm cán bộ rất chặt chẽ nhưng tại sao vẫn xảy ra nhiều sai phạm?

Những gì đã xảy ra trên thực tế cho thấy phòng, chống tham nhũng, lạm dụng quyền lực không chỉ nằm ở bịt đường không để người nhà, người thân len vào mà phải làm sao để người đứng đầu dù muốn cũng không dễ dàng ưu ái cho bất kỳ ai hưởng lợi từ quyền lực nhà nước giao cho họ. Muốn kiểm soát quyền lực thành công thì không thể dựa vào đạo đức của người đứng đầu mà phải dựa vào việc xây dựng luật lệ, cơ chế, thể chế để ai nấy dựa vào đó mà hành xử. Và cơ hội lạm dụng quyền lực chỉ nhỏ đi khi quyền lực được giám sát tốt hơn. Nếu cứ loay hoay với những giải pháp, thiếu căn cơ mà không thiết kế những nút chặn như thế và quyết tâm thực thi các nút chặn đó thì nạn tham nhũng sẽ từng ngày từng giờ bào mòn “của tin còn lại chút này” nơi người dân.

Hà Lan

BÀI 2: Thiếu thiết chế kiểm soát quyền lực

Các chuyên gia cho rằng cần chống chủ nghĩa thân hữu, có thiết chế kiểm soát quyền lực, tài sản để phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn

 Sáng 18-12, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề: MTTQ Việt Nam với công tác phòng chống tham nhũng (PCTN).

 

Nói thì dễ

Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nhấn mạnh tình trạng tham nhũng rất nhức nhối, diễn ra nhiều nơi, nhiều lĩnh vực, có cả tham nhũng lớn, tham nhũng vặt, làm xói mòn đạo đức xã hội, hư hỏng cán bộ, giảm lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý điều hành của nhà nước.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngà, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ), cho rằng phải làm sao để chống tham nhũng trở thành phong trào thấy cái đúng phải bảo vệ, thấy cái sai phải đấu tranh.

Theo bà Ngà, nói thì dễ nhưng qua nhiều vụ việc cụ thể mà UBKTTƯ đã xem xét mới thấy có tình trạng "thấy cái đúng để bảo vệ cũng không dám, sai cũng không dám đấu tranh". Đây chính là vấn đề đặt ra cho MTTQ Việt Nam phải có giải pháp để các tổ chức thành viên ở cơ sở chủ động, mạnh dạn hơn trong lĩnh vực này.

PGS-TS Ngô Huy Cương đề nghị phải đặc biệt quan tâm công tác cán bộ

Theo ông Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH), người tố cáo tham nhũng bị trù dập rất nhiều. Ủy ban Tư pháp của QH nhận được rất nhiều đơn thư về việc người tố cáo bị trù dập. Có người tố cáo tham nhũng rồi sau đó không thể vay ngân hàng để sản xuất vì có người chỉ đạo trù dập.

PGS-TS Ngô Huy Cương, giảng viên Khoa Luật ĐHQG Hà Nội, đề nghị phải đặc biệt quan tâm công tác cán bộ. "Mọi hiện trạng đều từ công tác cán bộ mà ra. Phải chống chủ nghĩa thân hữu. Không dám nói sự thật thì không thể chống tham nhũng. Bởi chủ nghĩa thân hữu bao che tham nhũng" - ông Cương nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đình Quyền bày tỏ: "Từ khi tôi tham gia QH, thấy QH luôn có một câu trong báo cáo của Ủy ban Tư pháp là việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra. 10 năm rồi vẫn chưa tương xứng và không bao giờ tương xứng vì công cuộc PCTN quá khó khăn".

Chế độ công vụ không rõ

Ông Nguyễn Đình Quyền cho rằng chế độ công vụ của chúng ta không rõ, trách nhiệm của từng vị trí công tác cũng không rõ. Ở các nước không có luật về PCTN mà có luật về kiểm soát tài sản. Bất kể tài sản nào được dịch chuyển đều bị phát hiện. Còn ở nước ta, nào kê khai, công khai nơi cư trú… nhưng chẳng để làm gì cả.

"Tôi phụ trách lĩnh vực đó trong 2 nhiệm kỳ và lần nào trong các báo cáo thẩm tra tôi cũng khẳng định đó là việc hình thức" - ông Quyền bày tỏ và cho biết chúng ta khác nhiều nước ở chỗ không có các thiết chế đặc biệt, cơ quan đặc biệt để phát hiện, điều tra tham nhũng trong khi có quá nhiều kẽ hở trong quản lý nhà nước. Chỉ riêng việc tuyển dụng một giáo viên mầm non hay tiêm phòng cho trẻ, nếu quy chế không chặt chẽ thì cũng dễ phát sinh tham nhũng.

Đặc biệt, ông Quyền nhấn mạnh là trong Luật PCTN, đề nghị đưa vào câu: "Nếu đoàn thanh tra, kiểm toán đã vào, đã thanh tra và kiểm toán mà không phát hiện gì, sau này các cơ quan khác phát hiện thì toàn bộ đội ngũ đó phải chịu kỷ luật và bị xử lý".

GS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH, cho biết thiết chế thanh tra của nhà nước ta không phải là thiết chế kiểm soát quyền lựcmà vẫn là thiết chế quản lý nhà nước. Vì vậy, kết luận thanh tra phải thông qua người ra lệnh thanh tra chứ đoàn thanh tra không tự kết luận được.

"Các vụ tham nhũng được UBKTTƯ kết luận thì trước đó đã thanh tra rồi. Đơn cử như vụ Lê Phước Hoài Bảo ở tỉnh Quảng Nam, trước đó Bộ Nội vụ đã thanh tra và khẳng định đúng quy trình rồi đấy chứ. Nên đừng hy vọng vào thanh tra nhiều, nó không phải thiết chế kiểm soát quyền lực mà là thiết chế để quản lý. Cần thay đổi chỗ này" - GS Đường nói.

Phát sinh tham nhũng là tất yếu

Ông Nguyễn Đình Quyền lưu ý trong cơ chế hiện nay, phát sinh tham nhũng là tất yếu nên cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu. Khó nhất là việc phát hiện vì các bộ máy cứ bao bọc, khép kín, rất kinh khủng. "Chúng ta cứ nói công khai minh bạch nhưng toàn công khai trong hội nghị giao ban của đơn vị thì ai biết cái gì. Chúng ta nói nhưng không làm đúng như vậy" - ông Quyền nói.

Bài và ảnh: Văn Duẩn

Văn phòng TW Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực - Nhân tài Việt Nam tổng hợp từ các nguồn: daibieunhandan.vn; nld.com.vn.

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển