Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 6, 29/03/2024

Đang duyệt: Trang chủ Nghiên cứu trao đổi

“Cần tập trung cập nhật và tăng cường phổ biến GD pháp luật cho GV và HSSV”

Đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý - Trưởng  Ban điều hành Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, GD pháp luật trong nhà trường” của Bộ GD&ĐT - (gọi tắt là Đề án 1928) tại cuộc kiểm tra Đề án 1928 giai đoạn 2009-2012 tại tỉnh Ninh Bình hôm nay 11/9. Tham gia đoàn kiểm tra cùng Thứ trưởng Trần Quang Quý còn có đại diện một số Bộ, ban ngành của T.Ư, các Cục, Vụ, Viện của Bộ GD&ĐT và đại diện các cấp, ngành, Sở GD-ĐT của tỉnh Ninh Bình...

 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý phát biểu, đánh giá sau khi kiểm tra kết quả thực hiện Đề án 1928 tại tỉnh Ninh Bình
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý phát biểu, đánh giá sau khi kiểm tra kết quả thực hiện Đề án 1928 tại tỉnh Ninh Bình

Báo cáo những thuận lợi, khó khăn qua 3 năm triển khai, thực hiện Quyết định số 1928/QĐ-TTg ngày 20/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, GD pháp luật trong nhà trường”, ông Vũ Văn Kiểm – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Bình cho biết: Kể từ khi triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, GD pháp luật trong nhà trường” ngành GD Ninh Bình đã tiến hành ký phối hợp liên ngành để tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (GDPL) trong nhà trường với Công an, Sở Tư pháp, Ban tuyên giáo, các cơ quan thông tin đại chúng, Hội Khuyến học tỉnh nhằm tuyên truyền về Đề án trong cộng đồng. Đồng thời triển khai ở tất cả các cấp học, từ mầm non đến các trường chuyên nghiệp, chi bộ trường học, đảng viên nắm bắt tinh thần, nội dung của Đề án. Nhiều hình thức phổ biến GDPL được đưa vào trong chương trình giảng dạy của các môn học, nhất là đối với môn học chính GD công dân. Điểm mới gần đây là đã gắn công tác phổ biến GDPL trong nhà trường với công tác thi đua - khen thưởng của các đơn vị đã tác động tích cực đến thực hiện Đề án.

Ngay từ đầu năm học, các trường học tổ chức cho các cơ sở GD, HS ký cam kết thi đua giữa các khối, trong đó có nội dung về thực hiện công tác phổ biến GDPL, xây dựng nội dung, kế hoạch triển khai đề án phù hợp với điều kiện của từng đơn vị, nhà trường. Tổ chức “Tuần sinh hoạt GD công dân” lồng ghép với phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”. Ngoài ra, hàng tháng các đơn vị trong toàn ngành tổ chức ngày pháp luật với nhiều hoạt động như tọa đàm, tìm hiểu kiến thức pháp luật, các hoạt động ngoại khóa. Các trường học lựa chọn đội ngũ GV, chủ yếu là GV môn GD công dân, GD pháp luật tham gia tổ cốt cán, báo cáo viên triển khai thực hiện công tác phổ biến GDPL. Cùng với tuyên truyền pháp luật cho cán bộ, GV, CNV, các em HSSV được tiếp thu kiến thức pháp luật thông qua bài giảng của các môn học như Văn học, Lịch sử, Địa lý, GD công dân các đơn vị, trường học thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt CLB, nói chuyện chuyên đề về Luật giao thông đường bộ, Luật Phòng - chống ma túy, Luật GD, Luật HN-GĐ, Luật Bảo vệ, chăm sóc và GD trẻ em. Qua đó trang bị kiến thức pháp luật cho HS-SV, thúc đẩy các em tích cực tham gia các hoạt động chính trị, xã hội ở địa phương, phòng - chống ma túy, ATGT...  Công tác phổ biến GDPL được chú trọng triển khai đã góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn, các bài giảng chính khóa được đầu tư sâu hơn, giúp HS tiếp cận kiến thức dễ dàng hơn. Thông qua tổ chức các hội thi, hội thảo, làm báo tường, tham quan trao đổi kinh nghiệm đã tạo sự đa dạng trong hoạt động phổ biến GDPL, thu hút sự hưởng ứng của HSSV. Ngành GD đã phối hợp tích cực với Công an tỉnh, Sở GT-VT tuyên truyền pháp luật về phòng, chống ma túy, ATGT. Bên cạnh đó, Ngành GD Ninh Bình còn phối hợp với lực lượng công an xử lý nghiêm các trường hợp HSSV vi phạm TTATGT, tùy theo mức độ vi phạm nhà trường xử lý kỷ luật HS từ mức trừ bậc hạnh kiểm, ghi vào sổ học bạ đến có thể buộc thôi học... Ngoài ra, Ngành cũng thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành công an - tư pháp - GD&ĐT kiểm tra các đơn vị, trường học về thực hiện công tác phổ biến GDPL nhằm đưa công tác này từng bước đi vào nề nếp, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật của cán bộ, GV, HSSV, giảm tình trạng vi phạm pháp luật, tạo sân chơi lành mạnh trong học đường..., ông Kiểm cho biết thêm.

Đại diện các Ban, ngành của T.Ư, Bộ GD&ĐT tham gia đoàn kiểm tra
Đại diện các Ban, ngành của T.Ư, Bộ GD&ĐT tham gia đoàn kiểm tra

Sau khi nghe báo cáo, những thuận lợi, tồn tại và khó khăn qua 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1928/QĐ-TTg ngày 20/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, GD pháp luật trong nhà trường” của các cấp ngành tỉnh Ninh Bình, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác phổ biến GDPL của tỉnh Ninh Bình góp phần tạo sự chuyển biến tích cực đến CB, GV và HSSV trong những năm qua. Nhằm tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế, khó khăn, tồn tại trong thời gian qua, Thứ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh cũng như Ngành GD Ninh Bình cần đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai thực hiện tốt một số nội dung như: Phổ biến kịp thời, thường xuyên các quy định pháp luật mới đến CB, nhà giáo, người học và người lao động trong ngành. Lựa chọn nội dung pháp luật phù hợp, có hệ thống và bảo đảm hiệu quả thiết thực đối với từng đối tượng; nội dung trọng tâm là các quy định pháp luật về GD mới ban hành; các quy định pháp luật mới về CB, CC, VC; các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành, tiết kiệm chống lãng phí. Hình thức phổ biến, GD pháp luật cần được đa dạng hóa; kết hợp GD chính khoá với GD ngoại khoá; phối hợp công tác GD pháp luật với công tác GD đạo đức và việc thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua lớn của ngành. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động phổ biến, GDPL; sử dụng tài liệu băng đĩa, phim ảnh, tiểu phẩm… trong việc phổ biến, GDPL. Tăng cường sự phối hợp giữa ngành GD, ngành tư pháp và các cơ quan, tổ chức liên quan trong công tác phổ biến, GDPL. Bổ sung, kiện toàn đội ngũ cán bộ pháp chế; tham mưu thành lập Phòng pháp chế theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP; xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp luật tại các cơ sở GD. Phối hợp với ngành tư pháp và các đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ GV giảng dạy môn GD công dân ở THCS, THPT và GDTX; tổ chức thường xuyên “Ngày pháp luật” định kỳ hàng tháng và các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; tổ chức biên soạn tài liệu phổ biến, GDPL phù hợp với từng đối tượng nhà giáo, người lao động, người học; xây dựng và bổ sung tủ sách, ngăn sách pháp luật trong nhà trường. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện công tác phổ biến, GDPL đối với các phòng GD, các nhà trường và các cơ sở GD...

Cùng ngày, đoàn kiểm của Ban điều hành Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, GD pháp luật trong nhà trường” của Bộ GD&ĐT và một số ban ngành của T.Ư cũng đã đi kiểm một số trường, cơ sở GD của tỉnh Ninh Bình. Qua kiểm tra, đoàn đánh giá cao công tác thực hiện, triển khai phổ biến GDPL của các trường, cơ sở GD trong việc thực hiện Đề án những năm qua.

theo gdtd.vn

 

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 1 Trung bình: 1
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển