Ông Vũ Đại Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 108/2003/QĐ-TTg ngày 5/6/2003 thành lập và ban hành Quy chế hoạt động KKT ven biển đầu tiên là KKT mở Chu Lai, đến nay, các KKT ven biển Việt Nam đã trải qua gần 9 năm xây dựng và phát triển.
Đến thời điểm này đã có 15 KKT được thành lập, gồm 2 KKT ở đồng bằng Sông Hồng, 10 KKT ở vùng duyên hải miền Trung và 3 KKT ở miền Nam.
Thủ tướng Chính phủ cũng vừa đồng ý bổ sung thêm 3 KKT và quy hoạch phát triển các KKT ven biển Việt Nam đến năm 2020 là KKT Đông Nam tỉnh Quảng Trị, KKT ven biển tỉnh Thái Bình và KKT Ninh Cơ tỉnh Nam Định. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong các KKT trên cả nước là gần 170 nghìn tỷ đồng.
Các KKT cả nước hiện thu hút được khoảng 130 dự án FDI với tổng mức đầu tư hơn 25 tỷ USD và khoảng 650 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư gần 537 nghìn tỷ đồng.
Trong đó có một số dự án lớn, quan trọng tại KKT Nghi Sơn, KKT Vũng Áng, KKT Dung Quất như Nhà máy lọc dầu số 1 và số 2, Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương, nhà máy cơ khí Doosan, các nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn, Vũng Áng, Nhà máy xi măng Nghi Sơn,….
Theo ông Vũ Đại Thắng, qua gần 20 năm phát triển KKT theo chủ trương của Chính phủ, các KKT có vai trò vô cùng quan trọng trong tiến trình xây dựng đất nước theo hướng CNH-HĐH. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, đã có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan nên hầu hết các KKT đều phát triển không được như kỳ vọng ban đầu.
PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện Trưởng Viện kinh tế Việt Nam nhìn nhận, một thực tế được nhiều công trình nghiên cứu gần đây xác nhận là sự phát triển các KKT ven biển chưa đạt hiệu quả mong muốn. Nguồn vốn đầu tư dành cho các KKT này cũng bị chia nhỏ, phân tán nguồn lực và gây cạnh tranh giữa các địa phương.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, việc quán triệt mục tiêu, chức năng ban đầu của KKT có ý nghĩa rất quan trọng, do đó các KKT phải đạt được các yêu cầu như không gian đủ lớn trên 10 nghìn ha; độ kết nối bên ngoài, kết nối hạ tầng và liên kết kinh tế thông suốt; tổ chức liên kết ngành trong KKT hợp lý, đi trước về công nghệ, có nghĩa là tập trung công nhiệp theo chuỗi và xu hướng hiện đại.
Ông Lê Văn Dũng, Phó Trưởng ban quản lý KKT Dung Quất thì nhấn manh vai trong “bà đỡ” trong xây dựng KKT, trong đó tự chủ tài chính là yếu tố quan trọng.
Một vấn đề khác cũng được các đại biểu đề cập là xuất hiện sự chồng chéo trong việc quản lý KKT giữa địa phương và Ban quản lý KKT, đặc biệt là lĩnh vực thanh tra, kiểm tra môi trường, lao động và đất đai…
Không nên phát triển thêm KKT
Ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng việc phát triển các KKT ven biển tương đối phân tán, nguyên nhân là do các địa phương tìm cách xin Trung ương cho phép xây dựng KKT.
Ông nhấn mạnh, hình thành các KKT là sự phát triển cần thiết trong thời kỳ CNH-HĐH. Tuy nhiên, việc phát triển thêm hoặc mở rộng các KKT sẽ được cân nhắc cẩn trọng để bố trí nguồn lực, tiềm năng phát triển và lợi ích quốc gia.
Theo Bộ trưởng thời gian tới, từ Trung ương tới địa phương cần thống nhất quan điểm không nên phát triển thêm KKT mà cần tập trung cơ chế chính sách, nguồn lực để nâng hiệu quả các KKT đã thành lập, một số KKT có tiềm năng, lợi thế tạo động lực lan tỏa ra cả vùng. Tập trung nguồn lực chọn những phân khúc nào có lợi thế nhất trong KKT để đầu tư.
Bộ trưởng cũng nói thêm chúng ta cần phải xác định lại mục tiêu, mục đích của các KKT từ đó chọn ra những KKT có đặc thù riêng, khác nhau để đầu tư, tạo ra lợi thế cạnh tranh riêng biệt ở mỗi tỉnh, từ đó thu hút đầu tư cũng đạt hiệu quả tốt hơn.