Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 7, 11/01/2025

Đang duyệt: Trang chủ Tin tức - sự kiện

"BỨT PHÁ 2019" - PHẢI ĐƯỢC XEM NHƯ MỆNH LỆNH

Chính phủ phải cải cách mạnh mẽ để đón nhận những cơ hội từ hội nhập, đồng thời hạn chế các rủi ro kèm theo.

Tiếp tục mạch thông tin về năm 2019 - năm tăng tốc, bứt phá của Chính phủ, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, TS Võ Trí Thành.

TS Thành (ảnh) cho rằng: Năm nay, kết quả của ngành nông nghiệp có tác động khá lớn khi lĩnh vực này tăng trưởng tới 3,76%. Kinh tế thế giới và những điều kiện khác cũng có vai trò quan trọng. Sự phục hồi của năm 2018 còn nằm ở kết quả của công nghiệp chế tạo với hai doanh nghiệp (DN) lớn là Samsung và Formosa. Năm này Samsung xuất khẩu hơn 60 tỉ USD, chiếm khoảng 1/4 kim ngạch xuất khẩu. Nhưng có điểm đáng lưu ý là Samsung phụ thuộc khá nhiều vào chu kỳ của các dòng smartphone.

Nhiều điều tích cực nhưng đừng quá lạc quan

. Phóng viên: Thưa tiến sĩ, kết quả của năm 2018 mang lại nhiều hứng khởi cho năm 2019, chúng ta có thể tìm thấy các yếu tố tích cực nào cho năm tới?

‘Bứt phá 2019’ - phải được xem như mệnh lệnh - ảnh 1
TS Võ Trí Thành

+ TS Võ Trí Thành: Có một điểm tích cực đáng quan tâm đó là tốc độ xuất khẩu của DN Việt Nam đã tăng cao hơn DN FDI. Một số lĩnh vực Việt Nam có lợi thế đã tăng tốc. Dệt may năm nay đạt 36 tỉ USD và năm sau đặt mục tiêu 40 tỉ USD.

Có một điểm khác đáng chú ý, năm này là năm đầu tiên sau nhiều năm tốc độ tăng trưởng của dịch vụ đóng góp thấp hơn vào tăng trưởng GDP so với công nghiệp chế biến. Trong dịch vụ chỉ có một số lĩnh vực tăng cao hơn tốc độ tăng chung như du lịch, tài chính-ngân hàng… Như chúng ta quan sát thì du lịch bắt đầu chững lại và giảm. Tài chính-ngân hàng sẽ gặp khó trong năm tới.

. Ông có nói rằng tuy vậy chúng ta không nên quá lạc quan. Phải chăng còn điều gì khác chưa được để ý tới?

+ Năm nay, dường như truyền thông lãng quên một điều khá quan trọng. Đó là chất lượng thể chế gắn với sự tăng trưởng. Bởi xét cho đến cùng, chất lượng thể chế có tính quyết định đối với chất lượng tăng trưởng. Đến thời điểm này, chúng ta thấy cổ phần hóa vẫn diễn ra chậm; đầu tư công hầu như không có dự án lớn. Đằng sau đó là gì? Phải chăng là sự trì trệ của bộ máy hành chính? Có nhiều nguyên nhân nhưng cũng rất có thể do nguyên nhân khách quan là chủ yếu. Bởi vậy, ta có thể hiểu vì sao “bứt phá” được Thủ tướng nhắc tới như một mệnh lệnh trong phương châm hành động của Chính phủ năm tới.

 
 
 

. Với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực, các FTA quan trọng khác cũng đang có tiến triển tốt nhưng những bất ổn như cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn đang tác động…, ông nghĩ năm 2019 có những điểm gì đáng lưu ý?

+ Chúng ta thấy rằng: Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ thấp đi trong hai năm tới, kinh tế thế giới chững lại và giảm đôi chút. Việt Nam là một nền kinh tế mở nên kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng tới. Hai nền kinh tế lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc đều có dấu hiệu giảm tốc nhanh hơn. Bên cạnh đó, bất định và rủi ro từ địa chính trị cũng tăng lên như Bắc Triều Tiên, Trung Đông, biển Đông…

Ngoài ra, giá cả hàng hóa cũng biến động bất thường. Giá dầu như năm vừa qua đã là một điều “may mắn” cho chúng ta. Nhưng thực tế đến nay thì không ai có thể dự báo chính xác. Đó là yếu tố bất định quan trọng.

Cuối cùng là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là một mệnh đề khó dự đoán. Ai dám nói cuộc chiến này sẽ thế nào.

‘Bứt phá 2019’ - phải được xem như mệnh lệnh - ảnh 2
Kết quả của ngành nông nghiệp năm nay có tác động khá lớn khi lĩnh vực này tăng trưởng tới 3,76%. Trong ảnh: Chế biến trà xuất khẩu tại tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: HTD

Sẽ là nguy cơ nếu không cải cách, bứt phá

. Quay lại câu chuyện trong nước, khi chúng ta vẫn bàn về tăng trưởng GDP 7,08% thì điều đó phát đi một tín hiệu thế nào?

+ Rõ ràng đó là một thách thức. Vấn đề đặt ra là kinh tế màu hồng, tại sao chúng ta lại nhiều trăn trở? Phải chăng chúng ta vừa muốn tăng trưởng, vừa muốn cải tổ, vừa muốn lấy lại lòng tin của công chúng?

. Màu hồng ông vừa nói có thể hiểu thế nào?

+ Xét ở khía cạnh tiêu dùng, người Việt Nam vẫn rất lạc quan. Nhiều năm qua, người tiêu dùng Việt Nam luôn tiêu dùng ở mức khá cao. Nhưng có một nghịch lý, du lịch dường như chỉ có câu chuyện thu hút nước ngoài mà lại bỏ quên thị trường trong nước.

Một trong những nội dung trọng tâm trong công tác điều hành của Chính phủ năm 2019 được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh là cải cách hành chính, xây dựng chính phủ điện tử; tăng cường công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Thực hiện nghiêm quy định về đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm người đứng đầu và tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hiện. Đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính thực chất, tạo điều kiện tốt hơn, thuận lợi hơn, tiết giảm chi phí và thời gian cho người dân, DN. Đẩy nhanh tiến trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, nhất là việc xử lý nợ, tài sản của các bên liên quan. Tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tham nhũng kéo dài, phức tạp… 

Ở góc độ hội nhập, các hiệp định thương mại, đặc biệt là CPTPP vừa có hiệu lực, giúp chúng ta tiếp cận thị trường lớn hơn. Nó vừa là cơ hội để đa dạng hóa thị trường nhằm hạn chế rủi ro nhưng cũng là nguy cơ nếu chúng ta không cải cách, bứt phá. Vì vậy, có thể hiểu được vì sao Chính phủ vẫn nêu cao tinh thần cải cách.

. Ông nói bất định và rủi ro vẫn còn. Vậy ta phải làm gì?

+ Tôi cho rằng ở đâu đó vẫn có cơ hội cho tăng trưởng cao hơn như mục tiêu kỳ vọng. Nhưng theo tôi, dù bất kỳ thế nào chúng ta cũng nên đặt ra kịch bản xấu nhất. Trong bức tranh đa sắc màu, rủi ro khó lường như hiện nay, chúng ta luôn phải đặt ra kịch bản xấu để cố gắng giảm thiểu tác động tiêu cực từ bên ngoài lẫn bên trong.

. Xin cám ơn ông.

Phải tập trung bứt phá tổng lực

‘Bứt phá 2019’ - phải được xem như mệnh lệnh - ảnh 3
TS TRẦN ĐÌNH THIÊN

Thủ tướng đã xác định năm 2019 phải bứt phá. Tôi nghĩ đó là điều rất cần thiết để đảm bảo tăng trưởng ổn định. Chính phủ trước hết nên tập trung đẩy mạnh chính phủ điện tử, đồng thời với nó là kinh tế số. Bởi lẽ đây vừa là hai nhiệm vụ, vừa là hai giải pháp thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao chất lượng điều hành và tiệm cận với công nghệ của thế giới, tạo ra động lực tăng trưởng lớn hơn.

Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành cũng cần phải bứt phá hơn nữa. Từ đầu nhiệm kỳ, nhất là năm qua, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh và cải cách các thủ tục đã tháo gỡ nhiều khó khăn cho DN và người dân. Không thể phủ nhận điều đó cũng giúp cho tăng trưởng có thêm động lực lâu dài. Các DN Việt Nam cũng cần được quan tâm hơn, không chỉ là các DN nhỏ và vừa. Các DN lớn hai năm vừa rồi đã khẳng định được mình và cộng đồng kinh doanh ngày càng chứng tỏ mình là trụ cột của nền kinh tế.

Thêm nữa, khả năng chúng ta giữ được ổn định và tăng trưởng cao trong một thế giới bất ổn là một điểm sáng. Chúng ta cần tận dụng điểm sáng này, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang là đối tác tốt của Trung Quốc và Mỹ, dù hai nền kinh tế lớn này đang có chiến tranh thương mại. Đây chính là một điểm sáng mà Chính phủ cũng đã nhận định và có thể dùng làm động lực thu hút đầu tư.

Năm nay, chúng ta thấy nông nghiệp phục hồi, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng. Tuy vậy, sự bứt phá trong nông nghiệp cũng cần phải được đặt ra. Bởi thực sự DN đầu tư vào nông nghiệp vẫn chưa… thuận lắm. Câu chuyện không nằm ở ưu đãi cho DN đầu tư vào nông nghiệp, mà nó nằm ở “quy tắc trò chơi”.

Ta tạo điều kiện cho DN đầu tư vào nông nghiệp đã đúng tinh thần chưa? Trả lời câu hỏi này sẽ giải được bài toán để DN tiếp cận được nguồn vốn và đất đai. Quan trọng nhất phải là cơ chế để giải bài toán sòng phẳng giữa DN và nông dân. Cùng với đó là các biện pháp thị trường. Nên nhớ, hai năm vừa qua thị trường chúng ta làm tốt hơn nên nông nghiệp cũng có động lực tăng trưởng.

Có nghĩa là sự bứt phá cần phải tổng lực.

TS TRẦN ĐÌNH THIÊNthành viên Tổ tư vấn về 
kinh tế của Thủ tướng

CHÂN LUẬN thực hiện
Nguồn: plo.vn
 

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển