Tại các kỳ SEA Games hay cao hơn là ASIAD, các môn thể thao Olympic, đặc biệt là điền kinh và bơi luôn được xem trọng nhất và đó cũng là thước đo cho sự phát triển của từng quốc gia trong tập luyện và thi đấu thể thao. Vì vậy, dù vẫn tập trung cho các vị trí trên bảng xếp hạng của Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần này nhưng Thái Lan, Singapore, Malaysia và Việt Nam vẫn ngầm đua tranh chiếm lĩnh đỉnh cao ở các môn Olympic.
Kình ngư Ánh Viên giành 8 HCV ở SEA Games 29. Ảnh: Hải Đăng
Những tượng đài mới
Khi trở lại đấu trường SEA Games 15 (năm 1989), Đoàn thể thao nước Việt Nam thống nhất chỉ giành được 3 HCV, trong đó không hề có điền kinh và bơi. Nói đúng ra, một chiếc HCV lúc đó ở hai môn thể thao vừa đề cập là một thứ "hàng xa xỉ" với thể thao Việt Nam. Năm tháng qua đi, bằng sự khát khao, nỗ lực của ngành thể dục thể thao (TDTT), của đội ngũ HLV, VĐV, chúng ta đã có được những chiếc HCV điền kinh quý giá. Và đến SEA Games 29 này, dù bộ môn điền kinh chỉ đề ra chỉ tiêu từ 10 đến 12 HCV nhưng các VĐV của chúng ta đã đạt tới 17 HCV-một thành công ngoài mong đợi. Cũng cần nói thêm, nếu trước đây thế mạnh của điền kinh Việt Nam là các cự ly chạy trung bình thì nay trải đều ở tất cả các cự ly, các nội dung nhảy xa, nhảy cao... Nếu 12 năm trước chúng ta có nữ hoàng tốc độ Vũ Thị Hương thì nay Tú Chinh xứng đáng kế tục. Chị không những giành 2 HCV cá nhân mà còn cùng đồng đội mang về chiếc HCV 4x100m, lập kỷ lục mới tại SEA Games. Hay hơn nữa là lần đầu tiên ở một kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á, tổ chạy tiếp sức 4x100m thắng được các cô gái Thái Lan.
Rất mừng là Tú Chinh xuất phát tốt hơn Vũ Thị Hương và đây là cơ sở để các chuyên gia đưa ra nhận định, cô gái 20 tuổi của thể thao Việt Nam sẽ tiếp cận được thành tích châu lục trong các cự ly chạy sở trường 100m, 200m.
Nói đến bơi là người hâm mộ nhắc đến Ánh Viên. Không những trong nước mà các phương tiện thông tin đại chúng ở nước ngoài cũng thán phục tuyển thủ Quân đội nhân dân Việt Nam. Trang Daily Mail (Anh) viết: “Tiểu tiên cá” làm dậy sóng đường đua xanh ở Malaysia. Còn trang Asianconrrespondent cho rằng: “Nguyễn Thị Ánh Viên đã tạo nên cơn địa chấn ở SEA Games...”.
Có thể khẳng định, Ánh Viên là một tượng đài của làng bơi Đông Nam Á mà 5 năm hay 10 năm tới cũng khó có ai có thể vượt qua. Vì thế, việc Ánh Viên đoạt được 8 HCV ở SEA Games lần này là điều dễ hiểu.
Ở SEA Games 29, kình ngư 15 tuổi Nguyễn Hữu Kim Sơn cũng làm dậy sóng đường đua xanh khi đạt thành tích 4 phút 22 giây 20 ở nội dung 400m hỗn hợp, giành HCV, phá kỷ lục SEA Games do VĐV Ratapong (Thái Lan) xác lập (thành tích 4 phút 23 giây 20) cách đây đã 14 năm. Rồi bơi Việt Nam còn trình làng gương mặt mới Nguyễn Huy Hoàng. Anh đoạt HCV, phá rất sâu kỷ lục SEA Games ở nội dung 1.500m nam.
Tuyển thủ Nguyễn Văn Lai, HCV chạy 5.000m. Ảnh: Hải Đăng
Sự nghiệt ngã của thể thao
Nhận định trên đúng với trường hợp xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Anh đến SEA Games lần này với tư thế nhà vô địch Olympic nhưng ngay cả ở nội dung sở trường 10m súng trường hơi, anh cũng chỉ về nhì. Thậm chí trước đó, ở nội dung súng ngắn 50m, anh còn không có huy chương. Có thể khẳng định, trình độ, bản lĩnh, kinh nghiệm của anh đứng hàng đầu nhưng có lẽ áp lực quá lớn đã khiến anh không thành công.
Cũng cần nói thêm, bắn súng là môn thể thao mũi nhọn của chúng ta nhưng đến nay đội mới giành được 1 HCV.
Một trong những sự nghiệt ngã của thể thao xuất hiện ở môn thể dục dụng cụ nữ. Nếu trước đây Hà Thanh và đồng đội còn đoạt huy chương ở cúp thế giới thì nay thiếu hẳn lực lượng kế cận và ở SEA Games này, các VĐV nữ đều không thành công.
Bóng chuyền nữ cũng rơi vào trường hợp tương tự. Ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan mạnh nhất. Việt Nam luôn đứng ở vị trí thứ hai và trước đây các đội còn lại được xem là “cửa dưới”. Song ở bán kết SEA Games lần này, Việt Nam đã thua Indonesia-một đối thủ chưa từng thắng chúng ta ở SEA Games. Thắng séc 1 với tỷ số 25-18 nhưng chúng ta thua lại séc 2 với tỷ số 21-25. Điều đáng nói là ở séc thứ 3, các cô gái của chúng ta đã dẫn tới 24-21, nhưng cuối cùng lại thua ngược 27-29. Dù cân bằng được tỷ số 2-2 trong séc đấu thứ tư nhưng chúng ta vẫn thua chung cuộc 2-3.
Đội bóng chuyền nam cũng để lại sự nuối tiếc quá lớn cho người hâm mộ trong trận bán kết. Dẫn trước Thái Lan 2-0, để đội bạn cân bằng tỷ số 2-2 và ở séc quyết định, dù liên tục dẫn điểm nhưng cuối cùng vẫn thua với tỷ số sít sao 18-20.
Xã hội hóa thể thao một cách triệt để
Tính đến hết ngày 26-8, đoàn Việt Nam giành được 51 HCV và đã tiếp cận được mục tiêu đề ra trước khi lên đường. Trong các ngày thi đấu còn lại, cơ hội gặt vàng còn nhiều và người hâm mộ hoàn toàn yên tâm các tuyển thủ của chúng ta sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Song vấn đề chúng tôi muốn đề cập là hướng đi cụ thể cho từng bộ môn thể thao, nhất là các môn Olympic.
Có thể khẳng định, thời gian qua, ngành TDTT đã cố gắng đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa các môn thể thao nhưng còn chậm và không ít môn còn nửa vời, chồng chéo... Trong lần tiếp xúc với chúng tôi hồi giữa tháng 7 vừa qua, tại Quảng Trị, ông Phạm Văn Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) bộc bạch: Phải xã hội hóa thể thao một cách triệt để, giao quyền tự chủ cho các liên đoàn thì mới mang lại hiệu quả thiết thực.
Hy vọng từ SEA Games này, thể thao Việt Nam có thể hoạch định rõ hơn các môn thể thao trọng điểm, có thể tiếp cận thành tích huy chương ở châu lục để chuẩn bị tốt nhất cho ASIAD 18.
ĐỖ KIM ANH
Nguồn: qdnd.vn