Hơn 20.000 tài liệu, hiện vật
Sau hơn 1.000 ngày triển khai xây dựng, sưu tầm hiện vật và tài liệu, Bảo tàng Báo chí Việt Nam chính thức mở cửa đón khách từ ngày 19.6. Sự kiện khánh thành bảo tàng là điểm nhấn trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Xuất phát từ ý tưởng, tâm huyết gìn giữ, tôn vinh và phát huy mạnh mẽ truyền thống tốt đẹp của các thế hệ người làm báo Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam đã hoàn thiện Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ông Lê Quốc Trung - nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhớ lại: Quá trình xây dựng bảo tàng nói là mất 3 năm, nhưng đó là tính từ khi được công bố thành lập, còn ý tưởng và những bản thảo đầu tiên về đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam được thực hiện từ những năm 2007 - 2008.
So với nhiều bảo tàng trong cả nước, Bảo tàng Báo chí Việt Nam ra đời khá muộn. Theo Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam Trần Thị Kim Hoa, chính vì đi sau nên việc sưu tầm, khai thác tư liệu vô cùng khó khăn. Khi Hội Nhà báo Việt Nam phát động quyên góp hiện vật cho bảo tàng, nhiều nhà báo lão thành sẵn sàng đóng góp, nên Bảo tàng đã có được các hiện vật giá trị, từ hiện vật của hậu phương tới chiến trường, từ đồ dùng cá nhân tới máy móc, thiết bị, tài liệu của các cơ quan báo chí… Bảo tàng vẫn đang tiếp tục tìm kiếm, bổ sung, chỉnh lý để có sưu tập tốt hơn.
Tới nay, Bảo tàng đã sưu tầm trên 20.000 hiện vật, tài liệu liên quan tới báo chí các thời kỳ. Trong số đó có trên 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm, phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam được nghiên cứu, lập hồ sơ, thẩm duyệt phục vụ trưng bày. Bảo tàng có 5 gian trưng bày gồm các giai đoạn báo chí Việt Nam từ 1865 - 1925, 1925 - 1945, 1945 - 1954, 1954 - 1975 và từ 1975 đến nay, mang đến bức tranh khá toàn cảnh, khái quát về quá trình hình thành và phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam.
Ghi dấu lịch sử đất nước
Trong suốt quá trình phát triển, báo chí luôn đồng hành với lịch sử đất nước, là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là nhân tố quan trọng góp phần xây dựng con người và văn hóa Việt Nam. Bởi vậy, trưng bày của Bảo tàng không chỉ thể hiện lịch sử của báo chí cách mạng Việt Nam, mà qua đó, còn tái hiện những dấu mốc đáng nhớ của lịch sử dân tộc.
Trong không gian trưng bày gần 1.500m2 là nhiều câu chuyện thú vị của báo chí và đất nước. Đó là những lời văn mộc mạc và dễ hiểu in trên truyền đơn cổ động mua báo Việt Nam Hồn của thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc, được phát nhiều nơi trong giới kiều bào ở Paris, Pháp, năm 1923, nhằm tuyên truyền, giáo dục để thức tỉnh đồng bào: “Tôi muốn làm ra, một báo tiếng ta, cho đồng bào đọc… Báo này sẽ đặt tên Việt Nam Hồn. Một tháng hai lần, mỗi lần trăm bản. Xin anh em bạn, ai có muốn coi, cắt gửi cho tôi, cái toa mãi chi…”. Hay năm 1946, khi nước nhà giành được độc lập, cuộc tổng tuyển cử ngày 6.1.1946 thành công, số cử tri đi bầu lên đến 89%. Trong điều kiện chiến tranh, trước sự ngăn cản của thực dân Pháp và tay sai, thì con số 89% cử tri tham gia bầu cử là không hề khiêm tốn. Và báo Quốc hội, tờ nhật báo chỉ ra trong kỳ Tổng tuyển cử đầu tiên đó, đã góp một phần không nhỏ trong công tác tuyên truyền cho hoạt động quan trọng này. Chỉ vỏn vẹn 15 số báo và tồn tại trong 21 ngày, tờ Quốc hội đã làm trọn nhiệm vụ vẻ vang của mình.
Báo Quốc hội được giới thiệu trong trưng bày của Bảo tàng
|
|
Ảnh: Ngọc Phương
Trong phần trưng bày Báo chí Việt Nam giai đoạn 1945 - 1954, các số báo Quốc hội được giới thiệu cùng những nội dung nổi bật như: Ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và bút tích lời kêu gọi của Người "khuyên đồng bào nam nữ 18 tuổi trở lên hôm nay tất cả đều đi bỏ phiếu, để bầu những người đại biểu xứng đáng vào Quốc hội đầu tiên của nước ta"; các ký họa; khẩu hiệu cổ động, thôi thúc toàn dân đi bầu cử như “Thận trọng lá phiếu của mình mà chỉ bỏ cho những người có tài đức”, rồi “Hỡi quốc dân đồng bào, hôm nay tất cả đều đi bầu cử! Bầu cử là kháng chiến! Bầu cử là kiến quốc!”… tái hiện không khí sôi động của những ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của đất nước.
Câu chuyện về tòa soạn báo bám trụ dưới tán rừng Tây Ninh - vùng căn cứ địa huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ, cách Sài Gòn - sào huyệt của địch chỉ hơn 170km, thường xuyên phải đương đầu với máy bay, pháo binh và các lực lượng quân sự của đối phương; gian hầm của báo Nhân dân trong thời điểm Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, bảo đảm “không một ngày ngừng xuất bản”; hay căn buồng tối của Báo ảnh Việt Nam trước những năm 1975; loa phóng thanh công suất 500W được dùng phát thanh bên bờ sông Bến Hải trong cuộc chiến tuyên truyền đấu tranh thống nhất đất nước… cũng là những không gian trưng bày vô cùng độc đáo và ý nghĩa.
Lưu giữ nhiều hiện vật, tài liệu thể hiện những thời khắc quan trọng của lịch sử dân tộc, gắn chặt với hơi thở đời sống, bà Trần Thị Kim Hoa hy vọng, Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ là điểm đến không chỉ của các nhà báo, những người nghiên cứu và học về báo chí, mà còn cả đông đảo công chúng. Bảo tàng dự kiến không chỉ tái hiện lịch sử báo chí, mà còn đồng hành với người làm báo hôm nay; ngoài trưng bày thường xuyên, sắp tới, Bảo tàng sẽ có các trưng bày lưu động, trưng bày chuyên đề...
Ngọc Phương
Nguồn: daibieunhandan.vn