Xin ông cho biết việc giáo dục chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa cho học sinh (HS) trong môn lịch sử hiện nay đã được thực hiện ra sao?Cho đến nay, nội dung này chưa có trong chương trình và sách giáo khoa (SGK) môn lịch sử cấp phổ thông. Đây là hụt hẫng rất đáng tiếc. Trong SGK của bất kỳ nước nào cũng vậy, quá trình hình thành xác lập chủ quyền lãnh thổ quốc gia là một nội dung bắt buộc trong môn lịch sử.
Theo ông, nếu chỉ dạy về chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa cho HS những địa phương ở Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Đà Nẵng thì đã hợp lý chưa? Có cần dạy cho HS cả nước về vấn đề này hay không và nội dung như thế nào là hợp lý?
Lịch sử dân tộc không có gì khác hơn là cuộc sống của cộng đồng cư dân, cộng đồng các dân tộc diễn ra trong không gian và thời gian. Không gian địa lý đó chính là lãnh thổ của quốc gia - dân tộc. Vì vậy, theo tôi, chủ quyền biển, đảo cần gắn với lãnh thổ thống nhất và toàn vẹn của quốc gia. Đó là một nội dung của lịch sử dân tộc. Trong nội dung này cần đặc biệt chú ý đến chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa vì tính thời sự và yêu cầu trang bị hiểu biết khoa học kịp thời cho thế hệ trẻ. Nội dung này phải có trong SGK môn sử của cả nước, không riêng một địa phương nào.
Học sinh Trường tiểu học Trần Cao Vân (TP.Đà Nẵng) tìm hiểu về biển, đảo trong giờ ngoại khóa - Ảnh: Diệu Hiền |
Đối với một số địa phương có trách nhiệm trực tiếp như Đà Nẵng với huyện đảo Hoàng Sa, Khánh Hòa với huyện đảo Trường Sa, Quảng Ngãi với đảo Lý Sơn - nơi xuất phát của đội Hoàng Sa..., thì có thể bổ sung thêm một số tư liệu quan hệ với địa phương trong phần giảng dạy của thầy, cô giáo.
Với những đòi hỏi bức thiết như hiện nay, theo ông nếu chờ đến sau năm 2015, khi thực hiện đổi mới chương trình, SGK mới cân nhắc việc đưa nội dung về Trường Sa, Hoàng Sa vào giảng dạy cho HS cả nước như một số ý kiến thì có phù hợp không?
Việc biên soạn lại SGK rõ ràng cần có thời gian để nghiên cứu, xác định lại vị thế, yêu cầu môn học, xây dựng lại chương trình. Vì thế, theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, đến năm 2015 mới có SGK mới. Tuy nhiên, tôi cho rằng không thể chờ đợi đến lúc biên soạn lại SGK mới, mà ngay từ bây giờ cần bổ sung vào nội dung môn sử.
Là một người luôn đề cao và nhấn mạnh việc phải tôn trọng sự thật của lịch sử, vậy theo ông, việc đưa nội dung giáo dục lịch sử về quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa cần đề cập tới vấn đề gì bức thiết nhất để HS vừa hiểu được thực tế vừa tăng thêm ý thức về chủ quyền dân tộc?
Tôi nghĩ vấn đề rất rõ ràng. Cần trình bày một cách khách quan và khoa học, nêu lên quá trình lịch sử cùng các luận cứ lịch sử và pháp lý về chủ quyền biển, đảo. Dĩ nhiên cần lựa chọn tư liệu và cách trình bày cho phù hợp với nhận thức của HS. Theo tôi, nên viết về chủ quyền đối với Trường Sa, Hoàng Sa trong nội dung bao quát cả lãnh thổ toàn vẹn và thống nhất của quốc gia.
Với tư cách là người đứng đầu Hội Sử học VN, xin ông cho biết Hội đã và sẽ đề xuất những vấn đề gì để Bộ GD-ĐT có sự quan tâm xứng đáng và hành động kịp thời hơn trong việc đưa nội dung giáo dục chủ quyền biển, đảo vào giảng dạy cho HS?
Chúng tôi đã có văn bản kiến nghị gửi lên Bộ GD-ĐT và các cơ quan có thẩm quyền. Tôi rất mừng là cho đến nay, chưa thấy ai phản đối kiến nghị đó, nhiều người ủng hộ.
Vấn đề đặt ra là việc tổ chức thực hiện như thế nào? Theo tôi, Bộ GD-ĐT nên mời một số chuyên gia biên soạn tài liệu bổ sung vào SGK gồm tài liệu cho HS và tài liệu hướng dẫn cho giáo viên. Trong lớp tập huấn giáo viên thường tổ chức vào mùa hè nên đưa nội dung này vào chương trình tập huấn.
Nên giảng dạy từ tiểu học Muốn nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu được chủ quyền biển, đảo của nước ta, ngoài việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, không có cách nào tốt hơn là phải đưa vào chương trình giáo dục ở các cấp bậc học một cách bài bản. Ở mỗi cấp học sẽ giáo dục với một mức độ khác nhau, nâng dần nhận thức lên theo mỗi lứa tuổi. Theo tôi, ngay từ cấp tiểu học, HS đã cần được giới thiệu về các quần đảo này. Luật Biển VN sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp sắp tới (dự kiến khai mạc vào 21.5 - NV) là một căn cứ pháp lý vô cùng quan trọng. Tôi cho rằng luật này cần nêu rõ trách nhiệm của ngành GD-ĐT trong việc xây dựng tài liệu và đưa vào giảng dạy, học tập chính khóa ở tất cả các bậc học để giúp thế hệ trẻ VN hiểu rõ và sâu sắc hơn các vấn đề liên quan tới tranh chấp trên biển Đông, đặc biệt là về chủ quyền thiêng liêng của người Việt Nam trên 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Sau khi luật Biển được thông qua, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ có kiến nghị và sẵn sàng phối hợp, trao đổi với Bộ GD-ĐT để sớm đưa nội dung chủ quyền biển, đảo vào giảng dạy một cách có hiệu quả hơn. Ông Lê Như Tiến (Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên - Nhi đồng của Quốc \hội) theo thanhnien.com.vn |