Với 88,2% phiếu tán thành, phương án về việc thực hiện hợp đồng làm việc với viên chức theo hướng “bỏ chế độ viên chức suốt đời” chính thức được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2020. Quy định này được đưa ra với hy vọng sẽ chấn chỉnh tình trạng chây ỳ, lười đổi mới, xóa bỏ tư tưởng tâm lý được vào cơ quan nhà nước là “ấm thân” đến già, khiến đội ngũ đông mà không mạnh.
Theo Luật Viên chức vừa được thông qua, từ tháng 7 năm tới, sẽ vẫn giữ nguyên hai loại hợp đồng làm việc là không xác định thời hạn và xác định thời hạn. Tuy nhiên, hợp đồng không xác định thời hạn hay “chế độ viên chức suốt đời” chỉ còn được áp dụng với 03 trường hợp sau: Viên chức được tuyển dụng trước ngày 01/7/2020; cán bộ, công chức chuyển thành viên chức; người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Ngoài những trường hợp trên, những viên chức mới trúng tuyển từ ngày 01/7/2020 thì đều phải ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn với khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng. Như vậy, sau năm 2020 sẽ không còn những hợp đồng không xác định thời hạn với viên chức-một loại hợp đồng theo kiểu viên chức vào dễ, ra khó, triệt tiêu mọi sự phấn đấu, nỗ lực, sáng tạo của đội ngũ viên chức.
Có thể nói, từ lâu nay chúng ta vẫn thường nói đến một bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả khiến cho khả năng chi trả của ngân sách nhà nước ngày một khó khăn. Dư luận vẫn nói rằng chỉ tầm 30%-50% công chức, viên chức làm việc hiệu quả, số còn lại là công chức “cắp ô”. Điều này có nghĩa những cán bộ này sáng vẫn đến cơ quan, hết giờ thì về, không vi phạm gì, nhưng gần như chẳng đóng góp gì cho nền công vụ. Thế nhưng khi chúng ta thực hiện sàng lọc, để loại bỏ những người không xứng đáng ra khỏi khu vực hưởng lương từ ngân sách thì rút cục chỉ tìm ra chưa đến 1% cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ. Thế nên bộ máy vốn cồng kềnh vẫn cồng kềnh và chưa có dấu hiệu giảm cũng như nâng cao chất lượng.
Vì sao lại xảy ra tình trạng này thì có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ việc tuyển dụng, bổ nhiệm, trả lương tưởng khó mà không khó, tưởng chặt mà lại lỏng. Lỏng ở chỗ, để có một hợp đồng viên chức suốt đời viên chức phải đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn. Nhưng khi đã vượt qua các “rào cản” rồi họ có thể “yên tâm”, “chắc chân” và chẳng ai đụng tới họ được.
Đấy là chưa kể không ít cán bộ lạm quyền, đưa vào hệ thống những nhân lực yếu kém, không có năng lực trình độ chuyên môn. Khi vào được bộ máy nhà nước, không ít người trong số này lại cậy quyền cậy thế, trong quá trình thực thi nhiệm vụ luôn gây khó khăn, cản trở cho người dân, doanh nghiệp, khiến hình ảnh người cán bộ, viên chức ngày một xấu xí. Thậm chí, nhiều viên chức được tuyển dụng từ hàng chục năm nay nhưng rất trì trệ, lười làm việc, chỉ biết đòi hỏi quyền lợi, nhiều khi còn chống đối, cản trở sự phát triển. Tóm lại, họ chính là những hòn đá tảng cần phải đưa ra khỏi hệ thống để dòng chảy công việc được khơi thông.
Bỏ biên chế suốt đời là một qui định được đánh giá là cần thiết phải làm lúc này. Bởi nguồn lực kinh tế không cho phép chúng ta kéo theo một đoàn tàu dài quá sức. Dễ thấy nhất là mỗi lần tăng lương là một lần các nhà quản lý đau đầu mà vẫn như “muối bỏ bể”. Thế nhưng ai, cơ quan nào sẽ tiên phong đưa người không xứng đáng ra khỏi khu vực hưởng lương từ ngân sách? Thế nên, chúng ta có thể kỳ vọng, bỏ biên chế suốt đời sẽ góp phần cùng các giải pháp khác để cơ cấu, nâng cao chất lượng đội ngũ trong thời gian tới.
Nhiều người kỳ vọng đây là một trong những giải pháp tốt để nâng cao chất lượng đội ngũ bởi nếu bỏ biên chế suốt đời, trả lương theo vị trí việc làm và chất lượng công việc... sẽ khuyến khích được người làm việc hiệu quả, giữ chân được người tài. Cách làm mới này khiến những người có năng lực thực sự vui mừng, là cơ hội để đưa những kẻ yếu kém, cơ hội ra khỏi bộ máy.
Nhiều kỳ vọng từ quy định bỏ biên chế suốt đời tuy nhiên vẫn còn không ít băn khoăn. ĐBQH tỉnh Hòa Bình Nguyễn Tiến Sinh cho rằng, cái gốc của nâng cao chất lượng bộ máy không chỉ nằm ở hợp đồng làm việc ngắn hay dài. Kể cả anh có hợp đồng không xác định thời hạn nhưng không hoàn thành nhiệm vụ thì cũng có quy định chuyển hoặc buộc thôi việc. Gốc của vấn đề ở đây chính là sự duy tình trong đánh giá cán bộ. Thế nên đến cuối năm ai cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ cả, thế thì, ngay cả khi hợp đồng từ dài hạn chuyển sang ngắn hạn, nếu vẫn cung cách đánh giá nể nang như trước cũng chưa chắc đã tìm ra viên chức không hoàn thành nhiệm vụ. Như vậy cái yếu ở đây chính là năng lực quản lý không tốt chứ không phải hợp đồng lao động ngắn hay dài. Chưa kể, chúng ta chưa lường đến tình huống nếu bỏ biên chế viên chức suốt đời thì hợp đồng thay đổi liên tục. Vậy ai ký, ký thế nào? Ai dám đảm bảo không có tiêu cực. Có khi người không ra gì thì được ký tiếp, còn người làm tốt lại không được ký. Điều này có nghĩa, việc bỏ biên chế suốt đời với viên chức phải được giám sát một cách thận trọng, tránh trường hợp xáo trộn, bất ổn, gây ra những hệ lụy không đáng có.
Đặc biệt, để tránh chuyện các cơ quan, đơn vị tranh thủ khoảng thời gian trước khi Luật có hiệu lực sẽ tranh thủ “né” quy định và “tăng tốc” ký các hợp đồng không xác định thời hạn tại đơn vị mình để được hưởng chế độ viên chức suốt đời. Muốn tránh tình trạng này, các cá nhân, đơn vị được giao nhiệm vụ phải tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện công khai, minh bạch công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, trả lương, hợp đồng làm việc… để tránh những hệ lụy có thể xảy ra.
Nguyên Khánh
Nguồn: daidoanket.vn