Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 3, 19/03/2024

Đang duyệt: Trang chủ Góc thư giãn

BIỂN QUÊ HƯƠNG

Bên quán nhậu lợp bằng lá dừa cạnh bờ biển, Tùng uống ly rượu thứ ba, thứ tư gì đó dưới ráng chiều tím biếc rồi cầm chiếc đàn măng-đô-lin cũ mòn í ơi một vài làn điệu dân ca miền biển.

Giọng hát khỏe và sâu, ca từ hoài cổ, xa xăm như đường chân trời xa tít tắp từ đằng đông mờ ảo, bất tận, xuất phát điểm của mọi con sóng đều đều vỗ bờ.

I

Mỗi lần đi biển về những thanh niên, trai tráng trong làng này lại tụ tập như vậy. Hát và trò chuyện là hai thú vui cuối ngày của nhiều ngư dân vùng biển không cứ đợi tết đến, xuân về.

Từ lâu ở cái làng chài Nam Ô, cạnh làng Hòa Vân, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 17 km này cũng như bao làng chài khác theo chiều dài 3.260 km bờ biển cả nước hình thành những sinh hoạt cộng đồng, dân giả, gắn kết, mang đậm chất hoang sơ như vậy. “Gắn kết, đoàn tụ là khả năng cộng sinh của ngư dân”. Có một nhà xã hội học nói như vậy.

Hèn chi hôm chúng tôi về đây, về cái làng này trùng với ngày hội cuối năm chẳng may gặp cơn mưa dầm trái mùa mà vẫn đông lạ. Già trẻ, trai tráng, nam nữ trong làng đều có mặt. Cứ đến hội làng là họ cùng nhau tạ ơn biển đã cho một năm mưa thuận gió hòa. Lòng thành và biển cả là sự sống, sự sinh tồn song song tồn tại trong tâm linh, vô thức của nhiều ngư dân.

Tính ra mỗi năm biển đã nuôi sống hơn 40 triệu ngư dân nếu tính từ Trà Cổ - Móng Cái đến Hà Tiên – Kiên Giang. Và, tính ra với 1 triệu km2 vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế biển rộng gấp 3 lần tổng diện tích đất liền. Với hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ biển không chỉ nuôi sống ngư dân mà còn giữ vị trí quan trọng về kinh tế - xã hội cả nước. Tiến sĩ Hồ Văn Hoành – TW Hội Biển Việt Nam cho biết hiện cả nước có 28/63 tỉnh, thành phố có biển, trong đó 10 địa phương có đảo, quần đảo, với 208.560km2 chiếm 41% diện tích cả nước và 41, 2 triệu dân chiếm non nửa dân số Việt Nam.

Từ lâu biển mang lại nguồn lợi vô giá từ hải sản, thủy sản, khoáng sản, dầu khí và vận tải biển, đó là chưa kể hệ thống cảng biển, du lịch biển và các khu nghỉ dưỡng với không khí trong lành... Nếu kể tất tần tật mọi nguồn thu, mỗi năm biển - nguồn lợi liên quan biển chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu và chiếm 60% nguồn thu ngân sách quốc gia.

II

Biển, như thế mạnh trời cho người dân quê ta để các bờ biển dằng dặc và các đảo xa kia trở thành hàng nghìn điểm du lịch trong hạ tầng du lịch biển hun hút mỗi năm thu hút hàng triệu du khách nước ngoài đặt chân đến. Theo đó, mỗi năm nước ta có bao nguồn thu.

Hèn chi, dưới triều nhà Nguyễn, ngay thời kỳ đầu Nguyễn Ánh - Gia Long lên ngôi mặc dù có lúc phải đối diện với thù trong giặc ngoài nhưng các vị vua trị vì vẫn chú trọng đến các nguồn lợi từ biển bằng cách đo đạc, quản lý, hằng năm cử các các toán lính ra các đảo xa để quản lý và bảo vệ chủ quyền.

Không cứ triều Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng mới có những tầm nhìn sâu rộng này mà ngay cả trước và sau khi Nguyễn Hoàng mở đất về phương Nam thì chủ quyền biển đảo cũng luôn luôn được xác lập.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, từ khi Việt Nam giành được quyền tự chủ vào những năm 900, nhà nước độc lập tự chủ đầu tiên cùng các sử gia đã bắt đầu vẽ bản đồ nước ta - chủ yếu là phần đất liền. Các thế kỷ sau đó, Biển Đông và các hải đảo của Việt Nam được vẽ, mô tả trên bản đồ.

Tôn vinh và khẳng định những giá trị bất khả phân người xưa để lại, ngày 15/12/2013, tại Nhà Thông tin Triển lãm 45 Tràng Tiền (Hà Nội), Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu đảo, biển và những bằng chứng lịch sử.

Tổng số cứ liệu, tài liệu trưng bày gồm 58 bản đồ, 33 tư liệu, 31 sách và bài dự thi viết về Hoàng Sa, Trường Sa, 100 bức ảnh về các đoàn công tác của thành phố Hà Nội ra thăm quần đảo và cuộc sống của quân và dân trên đảo.

Uống thêm một ly rượu nữa với Tùng cùng một nhóm bạn bè mỗi lúc một đông, lúc này chẳng biết là ly thứ mấy nữa chỉ biết có dấu hiệu của sự ngà ngà say, bất chợt tôi hỏi mỗi lần ra biển anh em có sợ gặp “tàu lạ” không bởi lâu nay “tàu lạ” có nhiều điều rất lạ?

Tùng cười, đoạn chỉ tay về cậu bạn ngồi cạnh. Lúc này tôi mới biết họ tên đầy đủ của thanh niên ngồi cạnh tôi bên tay phải là Trần Khánh Dư.

III

Thì ra trong lúc say hay ngà ngà say con người đôi khi có những hài hước, liên tưởng thú vị. Ví như hôm chúng tôi ngồi uống rượu bên bờ biển quê hương dịp cuối năm thay vì trả lời người bạn tên Tùng mà tôi kể khéo léo nhắc lại nhân vật đầy oai hùng dưới triều đại nhà Trần giỏi về thủy chiến giàu về mưu lược góp phần quan trọng trong cuộc chiến chống quân Nguyên trên sông Bạch Đằng.

Trần Khánh Dư là vị tướng kỳ lạ trong lịch sử. Sử ghi lại rằng: Không chỉ giỏi võ, Trần Khánh Dư còn kiêm tài văn. Ông nói: Người giỏi cầm quân không cần bày trận, người giỏi bày trận không cần phải đánh, người giỏi đánh thì không thua, người khéo thua thì không chết. Đúng là Trần Khánh Dư - Một vị tướng được coi không bao giờ chết.

Chuyện kể, một lần ông vi phạm tội trọng bị vua Trần Thánh Tông phạt tội đánh đến chết, nhưng vì quá yêu người con nuôi này, nên vua ngầm hạ lệnh cho lính đánh mạnh vào mông và lưng thay vì đánh vào đầu, cổ, nhờ thế tuy bị 100 gậy Trần Khánh Dư vẫn sống. Theo luật thời đó đánh 100 hèo mà không chết nghĩa là Trời tha. Khi giặc Nguyên sang xâm lược nước ta lần thứ 3, Trần Khánh Dư được vua Trần Nhân Tông phục chức, làm Phó tướng trấn giữ Vân Đồn để rồi làm nên trận đánh bất tử, vào đoàn tàu chuyên chở lương thảo, khí giới của tướng giặc là Trương Văn Hổ  vào tháng 12 năm 1287.

Châu Ô xưa kia là vùng đất từ đèo Lao Bảo, Quảng Trị trở vào. Còn Nam ô - nơi chúng tôi ngồi uống rượu dịp cuối năm là địa danh thuộc huyện Hòa Vang cũ, nay thuộc quận Liên Chiểu, Đà Nẵng. Theo người dân ở đây, Nam Ô có nghĩa nằm ở phía Nam châu Ô xưa. Còn Hòa Vang cũng theo dân gian truyền miệng, rằng tại đồng đất với nhiều núi rừng trập trùng ăn sát ra biển này xa xưa đã diễn ra lễ hội mừng công khi một cuộc chiến kết thúc với thắng lợi lớn. Hòa Vang có nghĩa cùng nhau vui, cùng nhau múa hát.

Uống ly rượu cuối cùng rồi chia tay khi mùa xuân đang gõ cửa từng nhà. Miên man nghĩ về cha ông cùng những câu chuyện xưa, những tên đất, tên làng, nghĩ về Trần Khánh Dư, biết đâu ông đã đến nơi này - nơi chúng tôi ngồi uống rượu để giữ cho đất nước thái bình, toàn vẹn lãnh thổ mà thấy biển trời lồng lộng với bao tinh kỳ phấp phới trong vòng tay bịn rịn, mái đầu bạc cùng những chiếc nón quai thao./.

Ghi chép của: Hồ Phú Hội

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Số lượt đọc: 14151 Trở lại Bản in Về đầu trang

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển