Trong ngồi nhà lụp xụp ở thôn Thanh Thần – xóm Biên Hòa – Thanh Cao – Thanh Oai - Hà Nội, bà Nguyễn Thị Kháng 67 tuổi, bà nội của Dung ngồi quay chỉ và kể lại câu chuyện của đứa cháu nội.
Bố mẹ Dung bỏ nhau lúc em mới có 7 tháng tuổi. Thương cháu còn nhỏ, bà đã khuyên can hết lời nhưng chỉ được đáp lại câu nói “của nhà bà thì bà nhận lấy mà nuôi” bà Kháng đành ngậm ngùi ôm đứa cháu nhỏ và bắt đầu những tháng ngày đầy gian khó.
Nhà nghèo, những lọ sữa của em là những lần bà đi năn nỉ người hàng xóm bán chịu cho để rồi đến vụ thì trả bằng thóc lúa.
“Lúc đó, cháu còn nhỏ quá, lại không có nhiều sữa như bây giờ, chẳng biết phải cho ăn gì, chỉ có cái sữa đóng lọ mua chịu của bà hàng xóm”. Bà nhớ lại những lúc Dung ốm sốt, nhà chỉ có hai ông bà già, ông lại bị tàn tật, trăm sự phải đổ lên đầu bà già ở cái tuổi “gần đất xa trời”.
|
Bà Nguyễn Thị Kháng 67 tuổi (bà nội Dung) |
Khó khăn lại nhân lên khi Dung đến tuổi cắp sách tới trường. Bà Kháng thở dài “biết bao nhiêu là khoản cần đóng góp, nào là sách vở, xây dựng, học phí…”. kinh tế chủ yếu của gia đình phụ thuộc tất cả vào việc quay chỉ của bà. Nhưng cũng chẳng được bao nhiêu: mỗi ngày cũng chỉ được 12 ngàn đồng. Lúc ốm, đau tuổi già thì tất cả công việc do cô học sinh nhỏ gánh vác.
Không được vui chơi như các bạn bè đồng trang lứa, ở cái tuổi 14, Dung đã làm tất cả các việc trong gia đình, từ việc chăm sóc ông bà, cơm nước, quay chỉ, đến cả việc đồng áng. Có thời gian rảnh Dung lại mang giỏ đi bắt con cua, con cá để cải thiện cho bữa ăn của gia đình. “Ông bà yếu không làm được thì em phải làm thôi anh ạ”
Khó khăn là thế nhưng không bao giờ em lơ là công việc học tập. Trong suốt 8 năm liền, Dung luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện. Những tờ giấy khen treo kín cả góc học tập nhỏ bé của học sinh lớp 8 này. Dung nói: “Em phải cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng ông bà đã vất vả nuôi mình và cũng để bố mẹ phải hối tiếc vì đã bỏ rơi mình”.
|
Dung đang ngồi quay chỉ và học bài |
Nói về cô học sinh nhỏ nhắn này, cô chủ nhiệm Lê Nga cho hay: “trong suốt 15 năm giảng dạy, tôi ấn tượng nhất với Dung. Hoàn cảnh gia đình như vậy nhưng em không vì thế mà em buông xuôi. Dung luôn biết cách vượt qua khó khăn, để trở thành niềm tự hào của lớp, của trường”. Là cô giáo dạy văn nên cô dễ cảm với những hoàn cảnh khó khăn, lớp học thêm cô mở, Dung được miễn phí tiền học và luôn khuyến khích động viên học tập.
Niềm vui như được nhân lên cho cả hai cô, trò khi Dung đạt giải cao nhất kì thi học sinh giỏi môn văn của huyện.
Sắp bước sang một năm học mới, niềm vui, sự háo hức được đến trường hiện rõ trong đôi mắt cô bé và những khó khăn cũng hiện lên khuôn mặt đầy những nếp nhăn của bà Kháng “chẳng biết cầm cự được đến bao giờ”.
theo vnn.vn