Nhiều dự báo lạc quan
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa công bố báo cáo cập nhật triển vọng phát triển Châu Á (ADO) 2020 trong đó đưa dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương ở mức 1,8% trong năm 2020 và gia tăng ở mức 6,3% trong năm 2021. Dự báo này mang đến nhiều tín hiệu lạc quan bởi ADB dự báo tổng sản phẩm (GDP) các nước khu vực Châu Á đang phát triển sẽ suy giảm 0,7% trong năm 2020, sau đó sẽ bật trở lại và đạt mức 6,8% trong năm 2021.
Theo nhận định của ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, tiêu dùng nội địa giảm sút và nhu cầu toàn cầu suy yếu do COVID-19 ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn dự kiến. Nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ vững vàng trong năm 2020, phần lớn là nhờ thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát sự lây lan của COVID-19. Tăng trưởng kinh tế sẽ được hỗ trợ bởi sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tăng cường chi tiêu công và những cải cách đang tiến hành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.
So với mức tăng trưởng 4,8% cũng được chính ADB đưa ra hồi đầu tháng 4.2020, mức tăng trưởng dự báo mới mà ADB vừa đưa ra cho nền kinh tế Việt Nam cho cả năm 2020 dù thấp hơn nhiều nhưng vẫn là một tín hiệu tươi sáng trong bối cảnh tăng trưởng khu vực Châu Á đang phát triển được dự báo suy giảm 0,7% với khoảng 3/4 các nền kinh tế khu vực dự kiến sẽ tăng trưởng âm trong năm 2020. Chưa kể theo đánh giá của ADB, kinh tế khu vực sẽ không thể hồi phục theo biểu đồ hình chữ V mà sẽ chuyển theo hình chữ L, cho thấy quá trình phục hồi sẽ chỉ diễn ra một phần thay vì hoàn toàn.
Tương tự các dự báo của ADB và dù đưa ra con số tăng trưởng khác, Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cũng đưa ra những dự báo quan trọng trong đó nhìn nhận dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi COVID-19, nền kinh tế Việt Nam vẫn có sức chịu đựng tốt, khả năng phục hồi sớm và Việt Nam theo đó sẽ là quốc gia có tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020.
Theo ông Jacques Morisset - Chuyên gia kinh tế trưởng của WB Việt Nam, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động mạnh tới toàn cầu, Việt Nam nổi lên như là một ngoại lệ nhờ thành công lớn trong việc kiểm soát và xử lý dịch bệnh.
Yếu tố then chốt là Việt Nam hấp thụ tương đối tốt cú sốc kinh tế từ COVID-19 và ảnh hưởng kinh tế của đại dịch đến nền kinh tế Việt Nam cũng được đánh giá là ít trầm trọng hơn so với nhiều quốc gia khác. Điều này được thể hiện qua việc GDP tiếp tục tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2020, đạt mức 1,8% và WB theo đó dự báo Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng khoảng 2,8% cho cả năm nay và 6,8% trong năm 2021, nếu tình hình trong nước và quốc tế thuận lợi. Nếu tình hình bên ngoài kém thuận lợi hơn, nền kinh tế sẽ tăng trưởng khoảng 1,5% trong năm 2020 và 4,5% trong năm 2021.
Nhiều yếu tố hỗ trợ tăng trưởng dương
Dù đưa ra nhiều dự báo lạc quan, báo cáo của các tổ chức quốc tế như ADB vẫn cảnh báo Việt Nam về những nguy cơ lớn mà dịch bệnh có thể gây ra đối với triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2020 và năm sau đó. Chưa kể những mối đe dọa khác như căng thẳng thương mại toàn cầu có thể dẫn tới gia tăng bảo hộ thương mại và các rủi ro tài chính có thể trầm trọng thêm bởi đại dịch kéo dài.
Theo đánh giá của ADB cho thấy, dù doanh số bán lẻ có phục hồi ngay trong tháng 7 và lạm phát duy trì ở mức thấp, tiêu dùng sẽ bị kìm hãm bởi thu nhập hộ gia đình và doanh nghiệp giảm, tỉ lệ thất nghiệp gia tăng và thêm nhiều doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Triển vọng đầu tư không đồng đều, đầu tư tư nhân vẫn yếu và đầu tư nước ngoài liên quan đến thương mại tiếp tục giảm. Đây sẽ là những yếu tố tác động rất mạnh tới triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay.
Theo đánh giá của PGS-TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), khi nhìn vào kết quả tích cực trong nửa đầu năm nay, khả năng cao nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 3,8% cho cả năm 2020. Ở một khả năng thấp hơn, nền kinh tế có thể chỉ tăng trưởng 2,2% do những diễn biến bất lợi của bệnh dịch.
Trong mọi kịch bản, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 phụ thuộc vào khả năng khống chế bệnh dịch không chỉ trong nước mà còn trên thế giới. Tuy nhiên theo PGS-TS Phạm Thế Anh, Việt Nam đang có nhiều yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng trong phần còn lại của năm bao gồm kỳ vọng về triển vọng kinh tế do việc hoàn tất ký kết Hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVFTA và IPA) đem lại; tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh như mong đợi; chi phí nguyên nhiên vật liệu duy trì ở mức thấp do suy giảm nhu cầu tiêu thụ và sản xuất; làn sóng dịch chuyển đầu tư nhằm phân tán rủi ro từ thương chiến Mỹ - Trung và tận dụng các ưu đãi đầu tư tại Việt Nam; môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát được ở mức trung bình, tạo điều kiện tốt cho việc thực thi các chính sách hỗ trợ tăng trưởng.
Trong khi đó theo PGS-TS Nguyễn khắc Quốc Bảo (Đại học Kinh tế TPHCM), để tạo ra bầu không khí lạc quan cho nền kinh tế phục hồi và phát triển, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong giai đoạn hiện nay sẽ là giải pháp cứu cánh cho nền kinh tế và theo đó cần có các giải pháp mang tính đột phá, đủ nhanh để giải quyết vấn đề này. Bởi nguồn tiền từ đẩy mạnh đầu tư công được nhìn nhận sẽ giúp kích thích tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, giải quyết đầu ra cho các ngành công nghiệp, trong khu vực sản xuất và quan trọng nhất là hàng hóa công sẽ được tạo ra, các công trình công cộng nâng cao chất lượng cuộc sống.
Xây dựng kế hoạch tăng trưởng 6-6,5% trong năm 2021
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8.2020 vào ngày 4.9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát, hoàn thiện các kịch bản tăng trưởng và phương án chỉ đạo điều hành quý III, IV, cả năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021 để báo cáo Bộ Chính trị và Quốc hội, trong đó lưu ý xem xét tốc độ tăng trưởng năm 2021 khoảng 6-6,5%. N.Văn