Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 7, 21/12/2024

Đang duyệt: Trang chủ Nghiên cứu trao đổi

"BẬP BÊNH" VÌ THIẾU KẾT NỐI THÔNG TIN

Sự mờ nhạt của vai trò trọng tài, thiếu kết nối giữa sản xuất và thông tin thị trường khiến quãng đường tiêu thụ nông sản ở Việt Nam phải vòng vèo qua nhiều khâu, nhiều tầng nấc trung gian.

Theo TS. Nguyễn Quốc Vọng, Đại học RMIT, Melbourne, Australia, chuỗi giá trị nông sản là gồm các khâu: Giống → các yếu tố trong thời kỳ canh tác (nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) → thu hoạch → sau thu hoạch → đóng gói, bao bì → phân phối → thị trường và cuối cùng là người tiêu thụ.

Đem chuỗi giá trị trên đặt vào hệ quy chiếu là các đơn vị quản lý Nhà nước, sẽ thấy vai trò nổi bật của ngành Nông nghiệp và ngành Công Thương trong việc quản lý và điều tiết các đối tượng trong các khâu của chuỗi giá trị. Nói nôm na, ngành Nông nghiệp lo sản xuất tốt, ngành Công Thương lo tìm thị trường tiêu thụ tốt thì việc vận hành của toàn chuỗi sẽ nhịp nhàng và đem về không những hiệu quả cho nông dân và doanh nghiệp mà cả sự cải thiện về kinh tế và vị thế của nông nghiệp Việt Nam.

Ảnh minh họa

Song trên thực tế, tình trạng thiếu kết nối thông tin về thị trường tiêu thụ khiến khâu sản xuất nông sản luôn ở trạng thái “bập bênh”.

Điển hình là chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo nhiều năm qua dù người dân không ngại áp dụng các phương thức canh tác, giống lúa có chất lượng cao song do thiếu thông tin chính xác về nhu cầu của thị trường nên khi sản lượng lúa gạo đạt đỉnh thì chúng ta gặp ngay khó khăn: thiếu kho tàng để tạm trữ lúa sau thu hoạch, thiếu cơ sở để chế biến, và quan trọng hơn hết là chúng ta thiếu thị trường để tiêu thụ một lượng hàng dồi dào. Đây cũng là tình trạng mà nhiều mặt hàng nông sản khác của Việt Nam gặp phải như: tôm, cá tra-cá basa, cà phê… cứ khi được mùa thì mất giá.

Nhiều người cho rằng thương lái và các doanh nghiệp trung gian đang khiến thông tin hai chiều giữa cung và cầu trong nông sản khó kết nối liền mạch được với nhau. Nhưng ít ai nói đến một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do sự phối hợp giữ các bộ, ngành, địa phương từ khâu sản xuất đến thông tin thị trường tiêu thụ còn lỏng lẻo, dẫn đến sự đứt khúc như trên.

Hệ quả, người dân khó tránh khỏi điệp khúc “trồng, chặt”, đây là một trong những nguyên nhân khiến mô hình sản xuất manh mún tiếp tục được duy trì, khó tiến lên sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Còn doanh nghiệp cũng thắc thỏm, chạy theo làm ăn chộp giật do thiếu thông tin đầy đủ về thị trường tiêu thụ.

Lời giải từ hơn 10 năm trước

Những “mối nối” lỏng lẻo giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản này không phải đến giờ mới được phát hiện. Từ năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 80/2002/TTg về Chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng với nội dung khuyến khích mạnh các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia vào hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Một trong những hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản được quy định là hợp đồng doanh nghiệp trực tiếp tiêu thụ nông sản cho nông dân, hợp đồng này được ký kết ngay từ đầu mùa vụ.

Đây là xu hướng rất tiến bộ với định hướng sản phẩm nông nghiệp phải trở thành hàng hóa ngay từ khi nó chưa được sản xuất ra.

Quyết định 80 đã được thể chế hóa cả quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia để tiêu thụ nông sản thuận lợi nhưng thực tế hiện tượng “bẻ kèo” vẫn diễn ra ở cả phía người dân và doanh nghiệp.

Ba nan đề của “bài toán” trọng tài

Thực tế, mặc dù đã có thỏa thuận bán sản phẩm cho doanh nghiệp nhưng nếu giá bán ngoài thị trường cao hơn thì nông dân sẵn sàng bỏ rơi doanh nghiệp để chạy theo lợi nhuận trước mắt bất chấp việc phá vỡ hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Tình trạng “tham bát, bỏ mâm” này khiến những mùa sau chính nông dân lại thấp thỏm “được mùa lo mất giá”. Tuy nhiên, hầu hết những vi phạm này rất khó xử lý, và đa phần đều được chính quyền địa phương bỏ qua.

Tương tự, tình trạng doanh nghiệp dù đã thỏa thuận bao tiêu sản phẩm nông sản với các hộ dân nhưng cũng sẵn sàng phá hợp đồng nếu diễn biến thị trường, điều kiện thu mua không thuận lợi. Song những vi phạm này, tương tự như các hộ dân, đều không có cơ quan nào đảm trách xử lý đến cùng.

Những bất cập trên đã tạo điều kiện cho phương thức buôn bán theo thương lái phát triển. TS. Hồ Văn Hoành – Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực – Nhân tài Việt Nam nhận xét: Một trong những mặt mạnh của lực lượng này là giúp người sản xuất bán được hàng hóa nhưng khó tiếp cận được với người mua (là doanh nghiệp); ngược lại, họ giúp cho doanh nghiệp muốn mua nguyên liệu để sản xuất nhưng không thể tiếp cận với nông, ngư dân do khoảng cách về địa lý, không đủ phương tiện thu gom và không đủ nhân lực thu mua.

Nhưng một bộ phận không nhỏ thương lái trong số này dựa vào lợi thế có tài chính, kênh tiêu thụ, nguồn khách hàng hoặc núp bóng doanh nghiệp để thực hiện: ép cấp, hạ giá, giấu sản lượng bán ra, khai thấp giá bán, trốn thuế, thiếu minh bạch…; chạy theo lợi nhuận, họ có thể bơm tạp chất, dùng hóa chất độc hại để bảo quản nguyên liệu, gây mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến thương hiệu hàng xuất khẩu và sức khỏe của người tiêu dùng.

thịt lợn giảm giá, nông sản ế ẩm, Trung Quốc ngừng mua, chăn nuôi lợn, ngành chăn nuôi, giá thịt lợn, thương lái ép giá thịt lợn

Ảnh minh họa

Thậm chí, họ còn cấu kết và tiếp tay cho thương lái nước ngoài tranh mua, tranh bán ở trong nước, đồng thời đưa nguyên liệu cây trồng, vật nuôi, sản phẩm kém chất lượng, các loại hóa chất độc hại từ nước ngoài vào nước ta làm lũng đoạn thị trường nội địa, ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, môi trường sống, đến vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, chế tài cũng như hướng xử lý những vi phạm của thương lái trong mua, bán nông sản gần như không có.

Thực tế này đặt ra yêu cầu hết sức bức thiết về cơ chế, chế tài cũng như sự “phân vai” rõ ràng về trách nhiệm xử lý các vi phạm trong mua, bán nông sản theo hợp đồng cho địa phương và các bộ, ngành liên quan.

Thiết nghĩ, nông nghiệp Việt Nam chỉ có thể vận hành nhịp nhàng với sự chuyên môn hóa cao của cả nông dân và doanh nghiệp, được xây dựng trên nền tảng nông dân và doanh nghiệp tin tưởng vào việc họ được bảo hộ trên lãnh địa “chuyên mua” và “chuyên bán”. Luật chơi càng rõ ràng, chứng tỏ sân chơi càng chuyên nghiệp. Dĩ nhiên, hiệu quả kinh tế của sự chuyên nghiệp luôn luôn cao hơn sự nghiệp dư, manh mún.

Hương Nam

Theo Báo điện tử Chính phủ

 
 
 

 

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển