Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 6, 10/01/2025

Đang duyệt: Trang chủ Tin tức - sự kiện

BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG

- Bài 1: Phải tuyên chiến với bạo lực học đường

- Bài 2: Người lớn hãy là điểm tựa cho con em

Phải tuyên chiến với bạo lực học đường

Chuyên gia tâm lý học đường TS Lê Nguyên Phương khẳng định như vậy sau những ồn ào về bạo hành trong nhà trường lâu lâu lại rộ lên và rồi lắng xuống như một vòng luẩn quẩn.

Phải tuyên chiến với bạo lực học đường - Ảnh 1.

Nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra trong thời gian vừa qua - Ảnh: TL

Trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ, TS Lê Nguyên Phương nhấn mạnh những hậu quả của bạo lực học đường không chỉ đối với trẻ bị bắt nạt mà còn ở một phạm vi rộng lớn hơn: Khi bị bắt nạt thường xuyên ở trường, trẻ sẽ sa sút trong học tập, hay trốn lánh chuyện học và đi học nếu chúng không dám trình bày với cha mẹ hay thầy cô.

Ở một số trẻ vị thành niên, chúng trốn chạy vào ma túy, hay thậm chí cuối cùng lại trở thành những trẻ có hành vi ngỗ nghịch phá phách.

Khi bạo lực học đường không được giải quyết, hậu quả còn tai hại hơn vì một thế hệ sẽ được hình thành không còn tin vào những giá trị nhân văn của dân tộc hay toàn cầu, sử dụng quyền thế và bạo lực để thăng tiến, giải quyết vấn đề và lòng tin vào các định chế xã hội sẽ tan rã, khiến những khái niệm như cộng đồng và cuối cùng là dân tộc cũng dần trở nên vô nghĩa, mỗi người chỉ tự lo cho bản thân của mình.

* Dưới góc nhìn của một nhà tâm lý học, theo ông, bạo lực học đường nói chung và ở Việt Nam nói riêng là do đâu?

- Bạo lực học đường tuy có thể tiếp cận từ vị thế tâm lý học, nhưng nó cần tiếp cận từ một nhận thức hệ thống và toàn diện hơn để có thể xây dựng được một hệ thống các biện pháp phòng chống hữu hiệu. Nói như nhà giáo dục John Goodlad: "Trẻ hư hỏng là triệu chứng của một xã hội không lành mạnh, chứ không phải ngược lại".

Theo nghiên cứu khoa học về đặc tính thể lý và sinh lý đặc trưng của trẻ bắt nạt, trẻ kém khả năng cảm thông với người chung quanh vì tỉ lệ máu tuần hoàn não thấp do nhịp tim chậm, có thể là hậu quả từ các chứng bệnh của cha mẹ trong khi thụ thai hay mang thai.

Về mặt trí tuệ, trẻ bắt nạt có thể gặp các vấn đề về nhận thức và học tập khiến chúng muốn chứng tỏ chính mình và giành lại tự chủ qua các hành động khống chế trẻ khác. Những trẻ này có khả năng tự kiềm chế hành vi kém, có những thái độ và suy nghĩ chống đối xã hội, hay từng có các hành vi bạo lực trong quá khứ.

Tuy nhiên, những tác nhân từ phía gia đình giúp chúng ta hiểu rõ hơn về xuất thân của trẻ bắt nạt.

Trẻ bắt nạt thường lớn lên trong một gia đình kém tình thân ái và nối kết, có cha mẹ nghiện ngập hay phạm pháp, có thói sử dụng bạo lực trong gia đình, thiếu quan tâm hay không tạo được quan hệ tình cảm với con cái, kém khả năng kiểm soát con cái, hoặc có biện pháp kỷ luật không nhất quán, quá dễ dãi hay khắc nghiệt.

Nghiên cứu về vấn đề này trên thế giới còn cho thấy các yếu tố vĩ mô cũng đóng phần không nhỏ trong việc gia tăng bạo lực học đường.

Khi cư dân mất dần các cơ hội thăng tiến về tài chánh kinh tế khiến mức độ nghèo đói và thất nghiệp cao dẫn đến việc hình thành các khu vực với mức độ vô gia cư, tội phạm cao và có sự hiện diện của băng đảng, việc này sẽ khiến các thành viên cộng đồng không còn tích cực tham gia việc chung và hậu quả là những luật lệ, quy ước, trách nhiệm hỗ tương và lòng tin trong quan hệ giữa người và người cũng như đối với các định chế xã hội sẽ bị suy giảm.

Đây chính là tiền đề cho sự khủng hoảng phẩm chất và giá trị nhân văn, và nó sẽ là mảnh đất màu mỡ cho những hành động bạo lực giữa người và người, trong đó có bạo lực học đường.

Tại Việt Nam, chúng ta có hầu hết những yếu tố đó. Một số gia đình cha mẹ đã bỏ rơi những giá trị nhân văn của gia tộc mình khi hãnh tiến với sự thành công về tài chánh và bài học họ gián tiếp hay trực tiếp dạy cho con là con đường dẫn đến thành công bất chấp mọi giá trị đạo đức, bao gồm cả việc bóc lột, lợi dụng và áp bức người khác.

Điều này cũng thể hiện trong nhà trường, khi ban giám hiệu hay thầy cô sợ hãi đối với những phụ huynh có thế có quyền và lừa dối hay áp bức các phụ huynh thân đơn thế cô. Đây là mảnh đất màu mỡ cho bạo lực học đường sinh sôi.

 

* Cần giải pháp gì để ngăn chặn thảm nạn này, thưa ông?

- Vấn nạn bạo lực học đường là vấn đề có thể giải quyết được, dù nó không đơn giản có thể can thiệp bằng một vài biện pháp rời rạc, rải rác, một chiều giản đơn. Nghiên cứu của nhóm giáo sư tại ĐH Virginia vào năm 2017 cho thấy bạo lực học đường tại Hoa Kỳ liên tục giảm trong thập niên vừa qua và học sinh cũng báo cáo cảm thấy an toàn hơn khi đi học.

Giáo sư Catherine Bradshaw của nhóm nghiên cứu trên nhận xét có thể sự ý thức và quan tâm của xã hội gia tăng, khiến những chính sách về vấn đề này được thay đổi ở mọi cấp đã góp phần vào việc cải thiện này. Các chương trình phòng chống xuất hiện ngày càng nhiều và được nhiều học khu và tiểu bang thử nghiệm.

Đồng thời, những dịch vụ sức khỏe tâm thần, từ tham vấn đến y tế, cũng giúp trẻ em nạn nhân cũng như trẻ bắt nạt có cơ hội giải quyết những vấn đề nội tâm, từ đó làm chủ được bản thân và gia tăng các kỹ năng xã hội như giải quyết xung đột tốt hơn.

Cải tiến kỹ thuật cũng góp phần quản lý học sinh tích cực, theo dõi hành vi của trẻ ở trường và trong khu phố nơi trẻ lai vãng khiến trẻ không dám bạo hành vì dễ bị nhận diện.

Về sự kiện ở Trường THCS Phù Ủng, tôi nghĩ việc đầu tiên là phải cho nữ sinh bị bạo hành được tham vấn tâm lý bởi người thực sự có khả năng chuyên môn về chấn thương tâm lý. Nhóm trẻ bắt nạt cần phải được trừng phạt không phải qua việc đình chỉ học tập tạm thời, mà phải dự các khóa hòa giải "phục hồi công lý" [restorative justice] và phải lao động phục vụ cộng đồng một thời gian.

Sau khi kết thúc điều tra về trách nhiệm, vai trò của thầy cô và quản lý nhà trường, một cuộc điều tra hi vọng là công minh, nếu có bằng chứng là nhà trường và địa phương đã bao che và dung dưỡng vấn đề này một thời gian dài, hiệu trưởng và những người liên quan phải bị ngưng chức và nếu cần thì bị truy tố dân sự về tội vô tình hay cố ý khiến cho một cá nhân trong trách nhiệm bảo vệ của mình bị tổn thương.

Các luật sư cũng có thể hỗ trợ phụ huynh em nữ sinh kiện nhà trường ra tòa, để nó trở thành một án lệ tích cực về việc xử lý bạo lực trong học đường.

Xử lý cha mẹ

Năm 2018, dân biểu bang Pensylvania, Mỹ là Frank Burns đã đề nghị một dự luật về nạn bắt nạt trong học đường. Theo dự luật này, nhà trường có học sinh vi phạm lần đầu sẽ phải có biện pháp can thiệp. Cùng học sinh đó vi phạm lần hai, bố mẹ phải đi học khóa dạy con. Nếu con vi phạm lần ba, quan tòa sẽ xem xét chứng cứ để quyết định phạt đến 750 USD hay không.

Thật ra số tiền đó quá ít. Tại bang California, phụ huynh hay người giám hộ sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự và thậm chí cả hình sự nếu con mình bắt nạt trẻ khác. Mỗi hành vi gây thương tích hoặc tử vong cho trẻ khác hay thậm chí chỉ tổn hại tài sản trẻ khác có thể bị phạt tiền đến 25.000 USD.

Tháng 7 vừa rồi, tại bang Connecticut, phụ huynh Tim Wilcox đã kiện Học khu (có thể xem tương đương với sở giáo dục - đào tạo) Norwich ra tòa vì đã để cho con mình là Bryan Mossor, 14 tuổi, bị bắt nạt. Khi học khu đề nghị hòa giải và bồi thường trước khi cuộc điều tra kết thúc, Wilcox đã yêu cầu ghi vào các điều khoản bồi thường việc yêu cầu giám đốc học khu từ chức, cả học khu phải tuyên bố công khai là đã phạm pháp vì không bảo vệ được học sinh của mình, và học khu phải thay đổi chính sách về phòng chống bắt nạt trong học khu của mình.

TS Lê Nguyên Phương nhận bằng thạc sĩ tâm lý giáo dục và chứng chỉ hành nghề tâm lý học đường tại ĐH California State Long Beach (CSULB), và bằng tiến sĩ lãnh đạo giáo dục chuyên ngành tâm lý giáo dục tại ĐH Southern California (USC).

Hiện nay, TS Lê Nguyên Phương là chuyên gia tâm lý học đường của Học khu Long Beach và giảng viên của chương trình cao học bộ môn tâm lý học đường tại ĐH Chapman. Năm 2011, ông là người đầu tiên nhận giải Chuyên gia thực hành tâm lý học đường quốc tế kiệt xuất của Hiệp hội Tâm lý học đường quốc tế.

NHẬT HUY thực hiện

Người lớn hãy là điểm tựa cho con em

 
Vụ việc nữ sinh bị đánh hội đồng xảy ra tại Hưng Yên làm chấn động dư luận cả nước trong những ngày vừa qua. Các chuyên gia tâm lý, các nhà giáo dục cũng đã phân tích những nguyên nhân vụ việc, cả khách quan lẫn chủ quan.
 

 

 Cha mẹ có vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhân cách cho con cái (ảnh: Mẹ hướng dẫn các con cách yêu thương động vật tại VooDoo Đà Lạt). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cha mẹ có vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhân cách cho con cái (ảnh: Mẹ hướng dẫn các con cách yêu thương động vật tại VooDoo Đà Lạt). Ảnh: HOÀNG HÙNG

 Dưới góc nhìn của nhà tâm lý học, chúng tôi xin phân tích và đề xuất ở khía cạnh sự quan tâm của người lớn đối với trẻ còn hời hợt. 

Thiếu sự quan tâm của người lớn 

Qua các vụ bạo lực học đường, có ý kiến cho rằng các em thiếu kỹ năng cũng như những giá trị sống cần thiết. Cũng có ý kiến tập trung vào nhóm nguyên nhân như do trẻ hiện nay đam mê bạo lực, hay tụ tập những nhóm không chính thức. Từ đó, đề xuất hệ thống những giải pháp để ngăn ngừa bạo lực học đường. Thực tế, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm, sự vô cảm và sự bao biện của người lớn. Có thể nhận thấy, không ít học sinh hiện nay thiếu sự quan tâm của người lớn. 

Có nhiều lý do khác nhau khiến các em thiếu điểm tựa vững chắc trong cuộc sống. Ở gia đình, một số phụ huynh vì cuộc sống túng thiếu hoặc vì mải mê mưu sinh mà xao nhãng trách nhiệm giáo dục con cái. Dường như họ rất ít thời gian quan tâm đến việc học tập, sinh hoạt, cũng như tâm tư, tình cảm của con. Có gia đình cho con sử dụng smartphone, máy tính nối mạng, nhưng không kiểm soát việc con liên lạc với ai, xem các nội dung gì và lên mạng như thế nào. Đã có không ít học sinh thản nhiên chứng kiến những vụ bạo lực học đường và quay video clip để tung lên mạng, do chưa hề được cha mẹ giáo dục, cảnh báo trước những nguy cơ mà hành vi vô cảm của mình mang lại. Thậm chí có gia đình cha mẹ giao khoán, phó mặc hoàn toàn việc giáo dục con cái cho nhà trường, ít quan tâm đến con cái nên khi các cháu gặp khó khăn thì không biết thổ lộ cùng ai. 

Ở nhà trường cũng vậy, chính sự bao biện, căn bệnh thành tích trầm kha nên nhà trường cũng ít quan tâm đến đời sống riêng tư của học sinh. Các em thành lập những nhóm không chính thức, lên mạng xã hội để kết bè rồi lập phe cánh, chia rẽ mối đoàn kết của tập thể lớp học, nhưng giáo viên rất khó mà nắm bắt được. Trong khi đó, không ít giáo viên vẫn còn thiếu những kỹ năng cần thiết để giúp học sinh lên mạng xã hội một cách an toàn. Cũng có giáo viên, vì thiếu hụt kiến thức tâm lý học lứa tuổi, thiếu nghiệp vụ sư phạm nên không biết ứng xử ra sao khi có mầm mống của bạo lực, và rồi khi xảy ra sự việc đau lòng thì bao biện, đổ lỗi. 

Trong các vụ bạo lực học đường, các học sinh đánh hội đồng là các em lứa tuổi không còn là trẻ con nhưng cũng không phải là người lớn, nên đời sống tâm lý có nhiều diễn biến phức tạp. Các em không phải là người không có lỗi, nhưng nguyên nhân chính lại là từ người lớn. Vì thiếu sự quản lý nên các em tự do tùy tiện; vì thiếu sự định hướng kịp thời nên các em không biết lựa chọn thông tin nào phù hợp; vì giáo viên thiếu kỹ năng, thiếu linh hoạt, sáng tạo dẫn đến xử lý thiếu tính giáo dục, thậm chí là phản cảm, khiến học sinh bị tổn thương hơn.

Vun đắp lòng hướng thiện

Người lớn phải thực sự là điểm tựa tinh thần của con em. Dù trong hoàn cảnh nào đi nữa thì cha mẹ cũng phải là người thường xuyên quan tâm, uốn nắn con cái. Gia đình luôn là nền tảng trong giáo dục con cái, chính việc tổ chức cuộc sống gia đình phù hợp, con cái có trách nhiệm trong gia đình, bầu không khí tâm lý hòa thuận, thì con em biết sống có trách nhiệm với cộng đồng. Hướng thiện từ trong gia đình là cách hướng thiện mang tính gốc rễ để có thể hình thành lối sống, nếp sống với tập thể và xã hội. 

Tại nhà trường, giáo viên phải là những người anh, người chị thân thiết, không chỉ dạy chữ mà còn dạy học trò làm người. Bên cạnh trang bị kiến thức, thầy cô phải gần gũi quan tâm sâu sắc đến học trò của mình, có những bài học thực tiễn sinh động, đầy tính nhân văn, từ đó mới có thể giúp các em tránh những hành động vô cảm, thờ ơ. Những mầm mống bạo lực sẽ bị triệt tiêu tận gốc nếu giáo viên nắm bắt kịp thời, có khả năng dự báo và nhanh chóng xử lý. Đồng thời thầy cô phải quan tâm đến đời sống sinh hoạt ở mọi nơi mọi chỗ của các em.

Tất nhiên, không phải lúc nào giáo viên cũng bên cạnh học sinh, nhưng nếu giáo viên có trách nhiệm thì có thể dễ dàng lắng nghe, thấu hiểu và cùng các em giải quyết những khó khăn vướng mắc. Thực tế, một số trường vì thành tích mà giáo viên bao biện, quản lý cũng bao biện, nên khi có sự việc xảy ra thì họ lúng túng và tìm cách đổ lỗi cho người khác. Không có học sinh yếu kém về học lực cũng như hạnh kiểm, mà chỉ có giáo viên chưa hoàn thành nhiệm vụ - đó là triết lý giáo dục mà mỗi nhà giáo cần phải nhận thức đầy đủ.

LÊ PHẠM PHƯƠNG LAN (giảng viên Tâm lý Đại học Nguyễn Huệ)

Nguồn: tuoitre.vn; www.sggp.org.vn

 

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển