Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 6, 26/04/2024

Đang duyệt: Trang chủ Tin tức - sự kiện

BAO GIỜ GẠO VIỆT CÓ THƯƠNG HIỆU

Gạo ST25 của Việt Nam vừa giành giải gạo ngon nhất thế giới. Tin vui này lại gợi đến một thực tế: Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lâu nay vẫn rất thấp so với các nước khác. Theo các chuyên gia, nguyên nhân do chúng ta không chú ý đến xây dựng thương hiệu gạo Việt mà chỉ xuất khẩu theo kiểu “vô danh”, dù vấn đề này đã được đặt ra từ nhiều năm nay.

Chỉ thua… sự nổi tiếng

Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nguyễn Trung Kiên cho rằng, chất lượng gạo nước ta hiện không thua kém bất cứ gạo xuất khẩu của nước nào trên thế giới. Đặc biệt, sau một thời gian dài chủ yếu xuất khẩu gạo có phẩm chất thấp thì nay nước ta đã xuất khẩu phần lớn gạo thơm. Mặc dù vậy, giá gạo xuất khẩu của nước ta lại rất thấp so với các nước khác, giá bán cao nhất cũng chỉ 750 - 800 USD/tấn trong khi gạo Thái Lan với phẩm chất tương tự được bán với giá  1.100 - 1.200 USD/tấn.

Trao đổi với báo chí, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình cho rằng: “Gạo Việt chất lượng chẳng thua ai, chỉ thua một cái là kém nổi tiếng. Sở dĩ gạo Thái Lan, Campuchia có giá cao là do họ làm thương hiệu tốt, tạo được niềm tin về chất lượng với khách hàng. Trong khi đó, gạo xuất khẩu của Việt Nam dù chất lượng cao nhưng không ai biết nên luôn có giá thấp”. Vì thế,  dù nước ta đã chuyển qua xuất khẩu gạo chất lượng cao nhưng giá trị thu về cũng không thay đổi nhiều so với thời kỳ xuất khẩu gạo thường.

Chuyên gia Phạm Tất Thắng (Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công thương) cũng cho rằng, giá xuất khẩu gạo thấp do chúng ta không chú ý xây dựng thương hiệu gạo Việt mà chỉ xuất khẩu theo kiểu “vô danh”. Trên thực tế cũng có một số doanh nghiệp tư nhân đã chú trọng xây dựng thương hiệu nhưng còn gặp nhiều khó khăn. Thêm nữa, trong chuỗi giá trị nông sản, doanh nghiệp chưa đứng ra làm vai trò kết nối, liên kết và dẫn dắt nên thương hiệu gạo Việt vẫn còn kém. Đối với những thương hiệu mạnh, có thị trường ổn định thì các doanh nghiệp rất ít bỏ tiền ra để bảo vệ thương hiệu của mình ở nước ngoài, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy bổ sung.

Bên cạnh đó, hầu hết giống gạo đoạt giải của nước ta đều đang ở quy mô sản xuất nhỏ, chưa phổ biến. Nguyên Phó Trưởng ban Nghiên cứu chiến lược phát triển thương mại Nguyễn Đình Bích (Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công thương) cho rằng, phần lớn gạo Việt vẫn là giống ngắn ngày, chất lượng chưa cao, sử dụng phân bón hóa học “vô tội vạ”. Việt Nam cũng chưa có thương hiệu gạo nào được công nhận là thương hiệu quốc gia nên không được thị trường thế giới đánh giá cao. 


Các sản phẩm gạo cần phải có truy xuất nguồn gốc xuất xứ rõ ràng

Doanh nghiệp lớn phải dẫn dắt

 Ngày 12.11 vừa qua, gạo ST25 của Việt Nam xuất sắc vượt qua nhiều giống gạo các nước khác để giành giải nhất cuộc thi World’s Best Rice 2019 (Gạo ngon thế giới) trong khuôn khổ Hội nghị Gạo thế giới diễn ra ở Philippines. Gạo ST25 thuộc dòng lúa thơm ST, là giống lúa cao sản có thể trồng 2 - 3 vụ/năm, được kỹ sư Hồ Quang Cua lai tạo và cải tiến trong hơn 20 năm qua.

Theo báo cáo từ Bộ NN - PTNT, khối lượng gạo xuất khẩu 10 tháng năm 2019 ước đạt 5,56 triệu tấn, đạt giá trị 2,43 tỷ USD, tăng 6,1% về khối lượng nhưng giảm 9,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Để xây dựng được thương hiệu gạo Việt, theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, cần phải chú trọng đến yêu cầu về chất lượng. Theo đó, quy hoạch vùng sản xuất lúa trên một diện tích tối thiểu phải đạt từ 10 - 13ha trở lên để có mã vùng, với điều kiện giống lúa phải bảo đảm tiêu chuẩn bên hợp đồng. Không những quy hoạch tại địa phương mà còn phải quy hoạch kể cả về vùng miền, đặc biệt là đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, như vậy sẽ tạo được số lượng đủ lớn và chất lượng ổn định. Ông Thủy cũng nhấn mạnh, các doanh nghiệp lớn phải liên kết với doanh nghiệp nhỏ để trở thành vệ tinh, đảm nhiệm từng khâu, trên cơ sở đó các tập đoàn lớn phải gương mẫu đi trước xây dựng các thương hiệu để hạt gạo vươn ra thế giới. Ngoài ra, cần thiết phải có mối liên kết ngang chiến lược, toàn diện giữa Bộ NN - PTNT, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ về các tiêu chuẩn như đo lường chất lượng, lượng bán, thị trường… để nông dân có thể lựa chọn được các thị trường lớn, có giá trị sinh lời cao và theo đuổi lợi ích ấy thì mới có thể xây dựng được thương hiệu gạo Việt thành công.

Bên cạnh đó, cần phải có cơ chế mở rộng cũng như các chính sách thông thoáng để tạo điều kiện cho sự tham gia của doanh nghiệp nhỏ và vừa, các thành phần kinh tế tư nhân, song song với việc phối hợp giữa các địa phương, nông dân để khoanh vùng, sản xuất ra những loại gạo có thương hiệu, chuyên gia Phạm Tất Thắng đề xuất. Bởi vì theo xu hướng của các ký kết trong hiệp định thương mại tự do (FTA), các sản phẩm cần phải có truy xuất nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cũng như các thương hiệu có uy tín trong sản xuất và phân phối.

Giải thưởng gạo ngon nhất thế giới là kết quả ban đầu. “Khi nào nông dân trồng lúa có thu nhập bằng hoặc cao hơn những người nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi…, đó mới là thước đo chính xác để đánh giá sự thành công trong xây dựng thương hiệu gạo Việt”, chuyên gia Phạm Tất Thắng chia sẻ.

Thảo Anh
Nguồn: daibieunhandan.vn

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển