Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 6, 29/03/2024

Đang duyệt: Trang chủ Sự kiện

BÁO CÁO CÔNG TÁC HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC NHÂN TÀI VIỆT NAM KHÓA I (2006 – 2011) VÀ NHIỆM VỤ CÔNG TÁC KHÓA II (2012-2017)

BÁO CÁO CÔNG TÁCHỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC NHÂN TÀI VIỆT NAM KHÓA I (2006 – 2011)VÀ NHIỆM VỤ CÔNG TÁC KHÓA II (2012-2017)

TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM

__________________

Số         /BC-TWH


  

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

______________

 Hà Nội, ngày …. tháng ….  năm 2011

 

BÁO CÁO CÔNG TÁC

HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN

NHÂN LỰC NHÂN TÀI VIỆT NAM KHÓA I (2006 – 2011)

VÀ NHIỆM VỤ CÔNG TÁC KHÓA II (2012-2017)

 

Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực – Nhân tài Việt Nam là một Tổ chức Xã hội với tôn chỉ phát triển, đào tạo nguồn Nhân lực, phát hiện và đề xuất trọng dụng Nhân tài cho Kinh tế - Xã hội, góp phần tham gia công cuộc Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa nước ta tiến tới thực hiện Chủ nghĩa xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, dưới sự Lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực – Nhân tài Việt Nam được Chính phủ cho phép thành lập theo Quyết định số 2367/QĐ-BKHCN ngày 02/12/2004 của Bộ Khoa học và Công nghệ, Quyết định số 33/2005/QĐ-BNV ngày 07/3/2005 và Quyết định phê duyệt Điều lệ số 720/QĐ-BNV ngày 15/6/2006 của Bộ Nội vụ và được khắc dấu Pháp nhân Hội. Vì vậy, TW Hội chỉ chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6/2006.

Trong nhiệm kỳ I (2006 – 2011). Sau năm năm hoạt động, công tác của Hội đã trải qua nhiều gian nan, nhất là trong thời gian từ 2005 đến 2009 tổ chức Hội mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ, quản lý thu chi sai nguyên tắc làm đình trệ mọi hoạt động của TW Hội. Chỉ sau khi được sự giúp đỡ triệt để của các cơ quan chức năng Nhà nước cùng với tinh thần đoàn kết, đấu tranh xây dựng trung thực của một bộ phận các Đ/c Ủy viên Ban Chấp Hành, Ủy viên Thường vụ, Thường trực và Hội viên TW Hội mới khôi phục, ổn định tổ chức bước đầu có những phát triển hoạt động Hội.

Đồng thời TW Hội tiếp tục nhận được sự quan tâm của TW Đảng, Chính phủ và Chính quyền địa phương… cho nên từ năm 2009 đến năm 2011 tổ chức bộ máy và nhân sự TW Hội được củng cố và tăng cường, các Hội thành viên, các Chi hội, Hội viên và các đơn vị trực thuộc tiếp tục được phát triển… nhiều cuộc hội thảo mang tính quốc gia và quốc tế được tổ chức trên cơ sở đó để kiến nghị, đề nghị với Đảng và Nhà nước xem xét, bổ sung các chính sách trong lĩnh vực nhân lực, nhân tài đồng thời để phát triển sự nghiệp của Hội.

 

PHẦN THỨ I

TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG NHIỆM KỲ I (2006-2011)

 

I. Công tác Tổ chức và Cán bộ TW Hội

1. Về Tổ chức Hội

Sau khi tiến hành Đại hội lần thứ I (5/2005), mãi đến ngày 15/5/2006 mới được phê duyệt Điều lệ và có con dấu. Trong một năm mặc dù chưa đủ cơ sở pháp lý để hoạt động song Ban Chấp hành, Ban Thường vụ đã triểu khai một số công tác Hội và tổ chức thành công lễ kỷ niệm một năm ngày có quyết định thành lập Hội (21/5/2006). Trung ương Hội vừa củng cố, kiện toàn tổ chức vừa phát triển Hội và Hội viên trong điều kiện không mấy thuận lợi. Là tổ chức xã hội tham gia công tác về phát triển nguồn nhân lực, nhân tài trong công cuộc hiện đại hóa nước nhà nên thành viên của Hội rất đa dạng. Đến nay TW Hội có 725 Hội viên, nếu tính cả Hội viên của các Hội thành viên thì có 1574 Hội viên, bao gồm 0,32% Hội viên nguyên là ủy viên TW Đảng; 0,89% Hội viên là nguyên Bộ trưởng, Thứ trưởng; 13,8% nguyên là lãnh đạo cấp Vụ, Cục; 8,38% là Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ; 21,85% là thạc sỹ, kỹ sư, cử nhân; 3,49% là nhà báo; 5,27% là chuyên gia tài chính doanh nghiệp; 5,14% là Tổng Giám đốc, Giám đốc… Với đặc điểm là có gần 2/3 trong tổng số Hội viên đang làm việc tại các cơ quan, tổ chức… trong nhà nước và dân lập.

Đồng thời trong thời gian qua đã thành lập được 4 Thành Hội, Tỉnh Hội; 14 Chi Hội và 30 đơn vị trực thuộc TW Hội bao gồm 9 viện nghiên cứu, 1 trường dạy nghề, 14 trung tâm khoa học, 4 công ty và Quỹ hỗ trợ Nhân tài (xem phụ lục 01 kèm theo).

Theo quy định của Pháp luật, Hội Trung ương do Nhà nước Trung ương cho phép thành lập và quản lý. Hội địa phương có cùng chức năng nhiệm vụ do cấp địa phương cho phép thành lập (Thành hội, Tỉnh hội) có tham khảo văn bản chấp thuận của TW Hội.

 

2. Về Cán bộ TW Hội

Ngày 25/5/2005 Đại hội lần thứ nhất đã bầu ra 67 ủy viên Ban Chấp hành, 19 ủy viên Thường vụ. Ban Thường trực gồm 6  đồng chí (1 Chủ tịch và 5 Phó Chủ tịch) và thành lập 5 Ban chuyên môn bao gồm: Văn phòng TW Hội, Ban Công tác Hội và Hội viên, Ban Đào tạo, Ban Hợp tác quốc tế, Ban Dự án và nghiên cứu khoa học.

Trong thời kỳ 2005 - 2009 hoạt động của TW Hội bộc lộ nhiều khó khăn khách quan và chủ quan như nguồn tài chính đủ cho công tác hoạt động của Hội nhưng lại sử dụng sai mục đích, trụ sở to, bộ máy Văn phòng thường trực nhiều người, làm việc không có hiệu quả, mất đoàn kết nội bộ.

Vì vậy, với tinh thần tâm huyết xây dựng lại tổ chức để phát triển, đa số các Đ/c ủy viên ban chấp hành TW Hội đã đề nghị triệu tập Hội nghị Ban chấp hành TW Hội vào ngày 18, 19 tháng 12 năm 2010.

Tại Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành TW Hội lần thứ 4, nhiệm kỳ I đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn phê bình, phân tích về công tác và Cán bộ. Hội nghị đã đi đến kết luận phải có sự thay đổi lớn về nhân sự lấy công tác để quyết định Cán bộ, chọn Cán bộ để phát huy hiệu quả công tác. Trên cơ sở Nghị quyết  củng cố một bước về tổ chức. Cho đến nay Ban Chấp hành TW Hội vừa bổ sung vừa điều chỉnh theo Điều lệ Hội có 57 đồng chí, Ban Thường vụ có 16 đồng chí, Thường trực TW Hội có 9 đ/c gồm 1 Chủ tịch và 8 Phó Chủ tịch phân công trách nhiệm công tác theo vùng, miền và chương trình hoạt động của TW Hội.

Triển khai Nghị quyết Ban Chấp hành TW Hội lần thứ 4/ Khóa I theo hướng bộ máy nhỏ, công việc to hướng chủ yếu hoạt động của TW Hội vào xây dựng chương trình  đào tạo, phát triển Nhân Lực, phát hiện và kiến nghị chính sách trọng dụng Nhân Tài, củng cố và phát triển các tổ chức Hội từ địa phương, từ cơ sở. các Đ/c Ủy viên Chấp hành, Thường vụ và Thường trực làm việc định kỳ tại Văn phòng TW Hội cùng phối hợp các công tác trong Hội vừa trực tiếp mở rộng quan hệ với các Cơ quan hữu quan của TW Đảng, Quốc Hội, Chính Phủ từ Trung ương đến địa phương để tranh thủ sự ủng hộ,giúp đỡ cho sự ổn định và phát triển công tác Hội.

Văn phòng TW Hội do 1 đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách được tổ chức gọn nhẹ, có một biên chế thường trực, giải quyết toàn bộ các công tác tổng hợp hành chính, tài chính, hậu cần và sự vụ, phát huy năng lực của công nghệ thông tin… Khi có tổ chức Hội nghị, Hội thảo thì huy động cộng tác viên từ các đơn vị cơ sở.

Ban Công tác Hội và Hội viên do Đ/c Phó Chủ tịch Thường trực trực tiếp điều hành.

Ngoài ra, có 2 Đ/c lãnh đạo các đơn vị trực thuộc kiêm nhiệm Phó Văn phòng, Phó Ban Công tác Hội và Hội viên được huy động khi có nhiều công việc đột xuất.

 

II. Công tác của TW Hội

 

1/ Các hoạt động có liên quan đến tư vấn, phản biện:

Trong năm năm qua, vừa phải đối phó với tình trạng không ổn định của tổ chức Hội, vừa phải kiện toàn công tác tổ chức, nhân sự, vừa phát triển Hội và Hội viên, các đơn vị trực thuộc TW Hội. Từ chỗ không có một đơn vị thành viên nào với hơn 350 hội viên ban đầu thì đến nay đã phát triển được cả bề rộng lẫn bề sâu, hoạt động của TW Hội bước đầu đã đi vào thực chất và dần ổn định.

TW Hội đã cố gắng trong việc tăng cường quan hệ với các Bộ, các ngành, các cấp ở Trung ương và địa phương. Tổ chức nhiều Hội nghị mở rộng có sự tham gia của các Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Lao động, thương binh và xã hội, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tổng cục Thống kê, Ban Tổ chức TW Đảng, Văn Phòng Chính Phủ, Ban Đối ngoại TW,… bàn về kế hoạch phối hợp khảo sát, phân loại, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực ở nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa. Đã tổ chức 02 Hội nghị với liên Bộ cùng các Nhà quản lý, các nhà khoa học, các nhà quản lý, các doanh nhân… trong việc thành lập cơ sở dữ liệu nhân lực nhân tài, tạo lập hệ thống thông tin khoa học thực tiễn về nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên môn cao để giới thiệu cho nhà sử dụng lao động và các ngành kinh tế…

Năm 2011 đã tổ chức 3 cuộc Hội thảo cấp Quốc gia và Quốc tế tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế 11 Lê Hồng Phong – Hà Nội.

a/ Hội thảo “Đào tạo Nhân Lực – Những thuận lợi và trở ngại” tổ chức ngày 01/7/2011 có 150 đại biểu đến dự, có 53 đại biểu và phóng viên các cơ quan thông tin đại chúng đến dự và đưa tin. Tại Hội thảo này, Đ/c Nguyễn Đức Kiên - Ủy viên TW Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đến dự và phát biểu chỉ đạo.

b/ Hội thảo “Phát triển nhân lực vùng ven biển Việt Nam trong biến đổi khí hậu” tổ chức ngày 26/8/2011, có 220 đại biểu đến dự, trong đó có 24 đại biểu các tỉnh ven biển, có 47 đại biểu và phóng viên các cơ quan thông tin đại chúng đến dự và đưa tin. Đặc biệt có nhiều đại biểu ở các Bộ, Ngành Trung ương và đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành đến dự và phát biểu tham luận.

c/ Hội thảo Nhân Tài đối với thịnh suy của Đất Nước tổ chức ngày 27/9/2011, có 250 đại biểu đến dự, có 71 đại biểu và phóng viên các cơ quan thông tin đại chúng đến dự và đưa tin. Tham dự Hội thảo còn có một số đồng chí nguyên là Lãnh đạo các cơ quan Đảng và Nhà nước tới dự và phát biểu tham luận trong đó có 2 đồng chí nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, 2 đồng chí nguyên là Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, Thứ trưởng, chuyên viên cao cấp, lãnh đạo Vụ, Cục của một số Bộ, Ngành như Bộ Nội vụ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an,…

Mục đích của các hội thảo tổ chức lần thứ nhất này là mời các Nhà lãnh đạo, các Giáo sư, Tiến sỹ, chuyên gia đầu ngành chuyên sâu theo các chuyên đề có tham luận và đóng góp ý kiến giúp cho TW Hội tổng hợp được các nội dung kiến nghị lên các cơ quan Đảng và Nhà nước xem xét điều chỉnh, bổ sung vào các chính sách cho phù hợp. Đồng thời TW Hội cũng quảng bá tổ chức Hội, sự nghiệp Hội và thông qua hội thảo để tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong nước và quốc tế phát triển cơ sở Hội, đây là cơ hội mới cho phát triển tổ chức Hội cả bề rộng lẫn chiều sâu.

Việc tổ chức thành công các cuộc hội thảo này là một cố gắng lớn của TW Hội và các đơn vị trực thuộc, các Hội thành viên, Chi hội và Hội viên. Qua việc tổ chức hội thảo, chúng ta đã mời được các Vị Lãnh đạo cấp cao Đảng - Nhà nước, các Giáo sư, Tiến sỹ khoa học, các Chuyên gia đầu Ngành của nhiều lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, các Nhà hoạt động Chính trị - Xã hội, đại diện các cơ quan TW Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, Ngành và địa phương hữu quan tham gia viết tham luận, tham dự và phát biểu tại Hội thảo.

Được sự phối hợp giúp đỡ của các cơ quan báo chí và truyền thông đã chuyển thông tin nhanh, kịp thời trên các đài phát thanh, truyền hình và báo chí về các hoạt động của TW Hội đến công chúng trong Nước và Quốc tế.

 

2. Về công tác truyền thông và đối ngoại

Trong thời kỳ 2005 đến 2007, đã phát hành 12 số bản tin “Tri thức và phát triển”, mỗi đợt phát hành 2000 bản, mỗi số 32 trang với tổng số là 24.000 bản. Các thông tin hoạt động của Hội đã gửi đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, các ngành, đến Bí thư, Chủ tịch của 64 tỉnh thành và cung cấp thông tin miễn phí cho toàn thể Hội viên. Trang Website của Trung ương Hội được thiết lập ngay từ cuối năm 2006 đến nay đã có gần 2 triệu lượt người truy cập, hiện nay đang được nâng cấp. Hoạt động của Hội cũng đã được giới thiệu trên tạp chí Cộng sản, số Xuân năm 2008 và báo Đại biểu nhân dân… Tuy vậy cho đến nay do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, và hạn chế tài chính của TW Hội đã không đủ kinh phí để duy trì in bản tin, cũng như việc nâng cấp thành tạp chí.

Công tác đối ngoại được triển khai ngay từ ngày đầu mới thành lập. TW Hội đã tiếp và làm việc với các đoàn nước ngoài như: Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Canada, đoàn Trường đại học Vân Nam Trung Quốc, các Tổ chức phi Chính phủ Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Hiệp hội những người thần đồng Vương quốc Bỉ,… và các công ty Việt kiều, Ba Lan, Liên Bang Đức,… TW Hội đã mời đoàn cựu Chủ tịch Hội “Mensa” Vương quốc Bỉ vào Việt Nam hướng dẫn phương pháp trắc nghiệm chỉ số thông minh (IQ) cho Tập đoàn Tâm Việt… và tổ chức Hội thảo về vấn đề này tại Văn phòng TW Hội, đồng thời đã gửi 3 dự án đề nghị xin tài trợ cho Đại Sứ quán Phần Lan, Đại Sứ quán Australia và Quỹ hỗ trợ cộng đồng Lawrence S.ting, đó là dự án “Tham gia của người dân thúc đẩy vào quá trình ra quyết định phát triển kinh tế xã hội ở cấp xã”. Dự án “Tăng cường năng lực cho TW Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực – Nhân tài Việt Nam trong lĩnh vực thu thập số liệu, xử lý thông tin, phân tích đánh giá, tổng kết kinh nghiệm, đề xuất cơ chế chính sách và phát hiện tuyển chọn bồi dưỡng trọng dụng nhân tài”. Dự án “Trang bị cơ sở để cập nhật thông tin từ Trung ương Hội đến các Hội thành viên, các đơn vị trực thuộc và hỗ trợ tài chính để trao giải thưởng cho Quỹ hỗ trợ nhân tài Việt Nam”. Mặc dù các dự án này chưa được tài trợ nhưng bước đầu đã đặt nền móng cho mối quan hệ giữa TW Hội và một số Đại Sứ quán và Tổ chức quốc tế có mặt ở Việt Nam.

Trong nhiệm kỳ qua, TW Hội đã tạo điều kiện cho một số đơn vị trực thuộc tham dự các cuộc Hội thảo do các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài và trong nước để chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm các dự án như: Hội thảo đào tạo từ xa do chương trình khu vực PANDORA ASIA Networking (IDRC) tổ chức; Hội thảo liên kết đạo tạo cao đẳng quản lý khách sạn du lịch của Nangang Singapore tổ chức; Hội thảo quản lý các nguồn viện trợ, vai trò của tổ chức phi Chính phủ Việt Nam, tập huấn về xây dựng kế hoạch chiến lược do VNGOA tổ chức.

III. Hoạt động của các Hội thành viên, các Chi Hội

Đến nay đã có 04 Hội thành viên sau khi thành lập ở các địa phương đã tự nguyện gia nhập TW Hội:

- Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực – Nhân tài thành phố Hồ Chí Minh thành lập 03/12/2006.

- Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực – Nhân tài tỉnh Lâm Đồng thành lập 02/07/2007.

- Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực – Nhân tài tỉnh Nghệ An thành lập 19/8/2007.

- Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực – Nhân tài tỉnh Đồng Nai thành lập 30/08/2008.

Và đang xúc tiến thành lập Thành hội thành phố Hải Phòng, Thành hội Thành phố Hà Nội và một số tỉnh khác như Tiền Giang, Bến Tre, Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu…

Các Hội thành viên sau khi thành lập mặc dù gặp nhiều khó khăn về trụ sở, kinh phí để hoạt động và đội ngũ cán bộ song đã khẩn trương đề ra chương trình hành động, ban hành Nghị quyết, thành lập các ban chuyên môn, các đơn vị trực thuộc và triển khai các đề tài nghiên cứu...

1/ Thành hội Thành phố Hồ Chí Minh: tiếp tục duy trì sinh hoạt thường kỳ, phối hợp với các ban ngành của Thành ủy, Ủy ban nhân dân và các tổ chức xã hội khác xây dựng tiêu chí nhân tài trong công nhân, nông dân, trí thức…, tổ chức 02 cuộc tọa đàm về phát triển nhân lực và phát hiện nhân tài.

2/ Tỉnh hội Đồng Nai: Sau khi thành lập đã tiếp tục phát triển hội viên ở các huyện, thị trấn và thành phố Biên Hòa, thành lập 20 Chi hội trực thuộc. Đến nay đã có 147 Hội viên. Đồng thời thành lập Trung tâm nghiên cứu đào tạo nhân lực, nhân tài Đồng Nai, liên kết với trường Đại học Lạc Hồng, Đại học sư phạm tỉnh, Viện nhân lực TW và các trường dạy nghề để đẩy mạnh công tác đào tạo. Năm 2011 đã thành lập Quỹ tài năng, trao học bổng trị giá 1.000.000 đồng/suất cho bốn học sinh xuất sắc.

3/ Tỉnh hội Lâm Đồng: đến nay đã có 96 Hội viên và 5 chi hội ở 5 huyện, đồng thời thành lập trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, thực hiện 2 đề tài khoa học “Thực trạng nguồn nhân lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Lâm Đồng và giải pháp khắc phục” và đề tài “Vấn đề bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (nhân tài) tại tỉnh Lâm Đồng qua các thời kỳ từ ngày thành lập tỉnh đến nay. Giải pháp cho thời gian tới”. Hai đề tài này sẽ tổ chức Hội thảo vào cuối năm 2011.

4/ Tỉnh hội Nghệ An: Đã khẩn trương hướng dẫn thực hiện điều lệ, thành lập 3 chi hội, chuẩn bị cho Hội thảo “Nguồn nhân lực, nhân tài tỉnh Nghệ An, thực trạng và giải pháp”, song do điều kiện khách quan, thiếu nguồn kinh phí cho việc thuê trụ sở và duy trì hoạt động nên hiện nay đang gặp khó khăn trong việc củng cố tổ chức và phát triển.

5/ Thành phố Hải Phòng:

Tại thành phố Hải Phòng, sau một thời gian khá dài để thay đổi nhân sự trong công tác vận động phát triển Hội tại địa phương, tại Hội nghị Ban Chấp hành TW Hội kỳ 5/ Khóa I đã bổ sung ủy viên Ban Chấp hành Đ/c Trần Vĩnh Hải nguyên là cán bộ của Hải Phòng hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần hợp tác Quốc tế Sao Biển và Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Hải Khánh - Hải Phòng, TW Hội đã giao Đ/c Trần Vĩnh Hải tranh thủ sự quan tâm của Lãnh đạo Thành phố, sự giúp đỡ của các Ban, Ngành chức năng, các tổ chức tại địa phương nên đến tháng 9/2011 đã thành lập Ban Vận động thành lập Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực - Nhân tài Hải Phòng và đã được Sở Khoa học và công nghệ Hải Phòng công nhận. Thành Hội Hải Phòng được sự ủng hộ, giúp đỡ trực tiếp của các Đ/c Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng và các Sở, Ban Ngành Thành phố Hải Phòng Ban vận động đã họp phiên trù bị, dự kiến Đại hội vào đầu năm 2012.

6/ Thành phố Hà Nội:

Chi hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực – Nhân tài Việt Nam thành phố Hà Nội thành lập tháng 4/2011, với 35 Hội viên ban đầu do Đ/c Bùi Thành Phần - Phó Chủ tịch TW Hội là Chủ tịch Chi Hội đã thực hiện triển khai nhanh công tác ổn định tổ chức và sinh hoạt thường xuyên định kỳ. Chi Hội Hà Nội phối hợp công tác với TW Hội để triển khai công tác vận động thành lập Thành hội Hà Nội trong thời gian tới.

7/ Các địa phương khác:

Thường trực TW Hội phụ trách phía Nam đã làm việc với các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu để vận động thành lập Hội ở các địa phương này, tỉnh Bến Tre đang xúc tiến làm các thủ tục.

            8/ Các Chi hội trực thuộc TW Hội:

            Trong nhiệm kỳ qua đã phát triển được 14 Chi hội (xem phụ lục 01 kèm theo). Một số Chi hội đã hoạt động tốt, song nhiều Chi hội tổ chức sinh hoạt không thường xuyên nên triển khai công tác Hội còn hạn chế, mặt khác Thường trực TW Hội mới chú ý đến thành lập mà chưa thật quan tâm đến việc theo dõi, chỉ đạo và định hướng cho các đơn vị.

           

          IV. Hoạt động của các đơn vị trực thuộc

            Trong thời gian qua có 30 đơn vị trực thuộc của TW Hội được thành lập và được cấp giấy phép hoạt động, trong đó 08 đơn vị hoạt động vào cuối năm 2006, 13 đơn vị hoạt động vào năm 2007, 06 đơn vị hoạt động vào năm 2008 và 03 đơn vị thành lập năm 2009.

            Hoạt động của các đơn vị trực thuộc tập trung chủ yếu vào 03 lĩnh vực: nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết đào tạo với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề và tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn như tin học, ngoại ngữ, nghiệp vụ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, tham gia các hoạt động dịch vụ biên soạn ấn phẩm, tổ chức Hội thảo…

            Trong thời gian qua, hầu hết các đơn vị gặp nhiều khó khăn phải tự lo về tài chính đề thuê trụ sở làm việc, mua sắm thiết bị, trả lương nhân viên và kinh phí cho hoạt động, tổ chức bộ máy và cán bộ… Đặc biệt trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới và ở nước ta đã ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều đơn vị.

            Tuy vậy ở một số đơn vị có nhiều cố gắng trong việc tuyển chọn nhân sự, củng cố tổ chức, mời các nhà khoa học làm cố vấn, mở rộng quan hệ với các đối tác, tổ chức hoạt động lồng ghép, lấy ngắn nuôi dài, nhờ vậy một số đơn vị cân đối được thu chi và hoạt động có hiệu quả. Điển hình như các đơn vị sau:

            1. Trung tâm Khoa học phát triển nguồn nhân lực Đất Việt: thành lập ngày 2/7/2007 đã liên kết với các trường đại học, đến năm 2010 đã đào tạo được trên 3.678 học sinh, sinh viên, dự kiến trong năm 2011 sẽ là 3.000 học sinh, sinh viên. Đồng thời đã đầu tư nâng cấp phòng máy có trên 60 máy vi tính. Là đơn vị thực hiện tốt việc đóng góp xây dựng Hội 100% theo quy định (2008 – 2010). Đời sống của cán bộ, công nhân viên đều ổn định, thu nhập bình quân là 4.050.000 VNĐ.

            2. Trung tâm công nghệ thông tin và truyền thông Vietnet (Vietnet-ict): được thành lập ngày 21/11/2007 đã có nhiều cố gắng trong việc tìm kiếm các dự án quốc tế, cụ thể là:

            a, Dự án “Nâng cao vai trò lãnh đạo nữ của Việt Nam ở các tổ chức tổ chức phi Chính phủ thông qua sử dụng công nghệ” do tổ chức Internews Network Hoa Kỳ tài trợ, với tổng số tiền là 44.000 USD, tương đương với 650 triệu VNĐ thực hiện trong thời gian từ tháng 9/2008 đến tháng 8/2009. Kết quả dự án đã đào tạo được 62 lãnh đạo và cán bộ ở 32 tổ chức phi Chính phủ Việt Nam với 4 nhóm chức năng: truyền thông internet, an ninh mạng, quan hệ công chúng, quản lý dữ liệu.

b, Dự án “Nâng cao kỹ năng quản lý và lãnh đạo cho các nữ lãnh đạo tổ chức phi Chính phủ Việt Nam” trong khuôn khổ quỹ tài trợ nhỏ của Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam với số tiền tài trợ 15.000 USD tương đương 300 triệu VNĐ thực hiện từ tháng 9/2010 đến tháng 12/2011. Đồng thời đã triển khai một số dự án khác có liên quan đến tạo cơ hội việc làm cho thành phần người khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn, đào tạo các kỹ năng cần thiết để họ có thể làm việc trong môi trường công nghệ thông tin.

            c, Trung tâm Vietnet đã đóng góp 1.000 USD cho Quỹ hỗ trợ nhân tài Việt Nam trực thuộc TW Hội. Hoàn thành tốt việc đóng góp xây dựng Hội 100% trong 2 năm 2009, 2010 và đóng góp trong Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam trong biến đổi khí hậu” 12 triệu đồng để trả tiền nhuận bút cho 12 bài tham luận và có 5 cán bộ phục vụ Hội thảo.

            Đây là đơn vị hoạt động có hiệu quả trong lĩnh vực đối ngoại và đóng góp xây dựng Hội.

            3. Trung tâm Khoa học phát triển nguồn nhân lực Thăng Long mặc dù gặp nhiều khó khăn trong liên kết đào tạo, song đã nhanh chóng điều chỉnh phương hướng hoạt động cho phù hợp với điều kiện suy thoái của nền kinh tế. Được sự đồng ý của Sở Giáo dục đào tạo thành phố Hà Nội, Trung tâm thành lập trường Mầm non Thăng Long từ năm 2008 đến nay và đã bắt đầu ổn định số lượng các cháu là 75, đồng thời tư vấn du học cho 3 học sinh đi học tại Canada và Vương quốc Anh. Trong năm 2010 Trung tâm đã tham gia chương trình “Ngày sáng tạo Việt Nam” với chủ đề Biến đổi khí hậu do Ngân hàng thế giới tại Việt Nam tổ chức , đã thu hút 262 đề án dự thi. Kết quả Trung tâm đã trúng giải và được World Bank tài trợ 15.000 USD, tương đương khoảng 250 triệu VNĐ cho dự án: “Ứng dụng quy trình sản xuất phân vi sinh ở cấp nông hộ”, địa điểm thực hiện tại Gia Bình, Bắc Ninh từ tháng 8/2010 đến tháng 8/2011.

            Trung tâm đóng góp tiền xây dựng Hội đầy đủ và Giám đốc Trung tâm kiêm nhiệm phó Văn phòng TW Hội từ cuối năm 2010.

            4. Trung tâm tư vấn phát triển nhân lực doanh nghiệp đã triển khai đề tài nghiên cứu “Các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua sự gắn kết giữa các cơ sở đào tạo và các hiệp hội nghề nghiệp” và đề tài “Nâng cao khả năng xử lý tình huống thực tế cho sinh viên”. Mặc dù gặp khó khăn trong liên kết đào tạo, nhưng Trung tâm đã liên kết với các trường Đại học, cao đẳng, tính đến 31/12/2010 đã mở ra 05 lớp trung cấp chuyên nghiệp, 13 lớp cao đẳng chính quy, 03 lớp liên thông trung cấp, cao đẳng và 01 lớp cao đẳng, đại học trong các lĩnh vực kế toán, quản lý kinh doanh và tin học, đã liên kết đào tạo khoảng 1500 học sinh, sinh viên. Trung tâm đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đóng góp xây dựng Hội 100% (năm 2009, 2010).

            5. Trung tâm tư vấn hỗ trợ gia đình, trẻ em nghèo nông thôn (CESPAC) nay đổi tên là Trung tâm tư vấn hỗ trợ giáo dục và y tế cộng đồng (CESPH) đã kết thúc dự án “Hỗ trợ vốn dạy nghề đan móc sợi xuất khẩu” tạo việc làm, tăng thu nhập cho 240 phụ nữ nghèo, trong đó có 90 phụ nữ sống chung với HIV/AIDS tại xã Quỳnh Hưng, Quỳnh Phụ, Thái Bình do quỹ hợp tác phát triển quốc tế Hà Lan tại Việt Nam tài trợ 255.190.000 VNĐ và dự án Nâng cao năng lực truyền thông, pháp lệnh dân chủ cơ sở; luật bình đẳng giới; luật phòng chống bạo lực gia đình cho 161 cán bộ cơ sở và 162 thí sinh của 23 xã, phường, thị trấn của huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang do quỹ phát triển quốc tế Canada tài trợ. Do hoạt động còn gặp nhiều khó khăn nên TW Hội cho phép đổi tên, Trung tâm đang tìm nguồn tài trợ từ nguồn phát triển giáo dục Hoa Kỳ. Trung tâm chưa đóng góp đầy đủ theo quy định của TW Hội về xây dựng Hội.

            6. Viện Khoa học đào tạo và phát triển kinh tế văn hóa

            Trong năm 2008 – 2009 hoạt động có hiệu quả liên kết với các trường đại học, cao đẳng ở Thái Nguyên, Bắc Ninh, Thái Bình đào tạo được 1400 học sinh, sinh viên và đóng góp xây dựng Hội 100%. Từ năm 2010 đến nay hoạt động khó khăn vì Bộ Giáo dục và đào tạo thay đổi cơ chế chính sách (Quyết định 42, Luật giáo dục sửa đổi), do đó việc liên kết đào tạo không triển khai được.

            7. Viện Khoa học giáo dục và phát triển tài năng

            Thành lập vào tháng 5/2008 nhưng đã có nhiều cố gắng tìm tòi, sáng tạo trong việc triển khai các chương trình đào tạo ngắn hạn và dài hạn, thực hiện các dự án đào tạo theo hợp đồng với các đơn vị ở tỉnh Bắc Giang để đào tạo tin học văn phòng, lắp ráp, sửa chữa máy vi tính, kế toán, ngoại ngữ với tổng số 5.000 học viên dài hạn và gần 2.500 học viên hệ ngắn hạn… Đơn vị đóng góp xây dựng Hội đạt 30% theo quy định (năm 2009 – 2010).

            8. Viện Nghiên cứu và hỗ trợ phát triển nhân lực Doanh nghiệp

            Viện Nghiên cứu và hỗ trợ phát triển nhân lực doanh nghiệp thành lập ngày 25/11/2008 gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, đã hoàn thành tốt đóng góp xây dựng Hội 100% theo quy định (năm 2010).

            9. Viện Khoa học phát triển nhân lực kinh tế và văn hóa

            Thành lập ngày 25/12/2006, sau một thời gian dài hoạt động chưa hiệu quả, đến năm 2010 được củng cố về tổ chức và nhân sự đã bắt đầu có chuyển biến tích cực trong việc liên kết với các tỉnh Hưng Yên, Cao Bằng, Bắc Kạn. Thực hiện một số đề tài khoa học tổ chức Hội thảo, xuất bản 02 đầu sách phục vụ cho việc phát triển văn hóa và du lịch ở các địa phương. Đóng góp xây dựng Hội mới được 10% theo quy định (năm 2008-2010), tuy vậy Chủ tịch Hội đồng Viện kiêm nhiệm phó Ban công tác hội và hội viên từ cuối năm 2010.

            10. Viện Nghiên cứ đầu tư phát triển nhân lực quốc tế Phương Nam: đã mở rộng đa dạng các mô hình đào tạo và đào tạo lại theo hợp đồng được gần 500 học viên về các lĩnh vực kiến thức thị trường chứng khoán, kỹ năng hoạt động của các doanh nghiệp… và 1000 học viên ngoại ngữ. Đã đóng góp xây dựng Hội được 64,52% so với quy định của TW Hội.

            11. Viện Khoa học phát triển Nhân lực và Tài năng Việt Nam: đã phối hợp với một số đơn vị để triển khai các đề tài khoa học như Thuyết trường quyển vật thể, xây dựng cầu vượt đa năng, phòng chống cháy tự động… tổ chức liên kết đào tạo theo chuyên đề và các lớp ngoại ngữ, tin học. Đã đóng góp xây dựng Hội đạt 50% so với quy định của TW Hội.

            12. Viện Khoa học phát triển nhân lực quốc tế Sài Gòn: đã có nhiều cố gắng trong liên kết đào tạo với các trường đào tạo trong nước và ngoài nước, nhất là trong những năm 2008 – 2009…, đã đóng góp xây dựng Hội đạt được 50% theo quy định của TW Hội.

            Số đơn vị trực thuộc TW Hội còn lại hoạt động gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong hướng phát triển, nhất là trong lĩnh vực liên kết đào tạo, cán bộ lãnh đạo chưa thật năng động,… vì thế kết quả đạt được còn hạn chế.

 

V. Khuyết điểm và tồn tại

            Nhiệm kỳ I (2006 – 2011) Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực – Nhân tài Việt Nam có nhiều cố gắng đề duy trì và phát triển đã đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên cũng bộc lộ nhiều khuyết điểm và tồn tại cần sớm khắc phục trong nhiệm kỳ II, đó là:

            1. Công tác phát triển Hội thời gian qua chưa đáp ứng với mong muốn của toàn thể hội viên, chưa tổ chức được Hội viên sinh hoạt ở các cơ sở để huy động sự đóng góp và khai thác thế mạnh của mỗi thành viên, hoạt động của Hội chưa được quảng bá rộng rãi trong cộng đồng.

            2. Một số ít đồng chí ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, các Ban chuyên trách chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong những năm 2007 – 2008, Thường trực, Thường vụ tập trung nhiều thời gian giải quyết những vấn đề nội bộ, vì thế chưa triển khai được các mặt công tác khác. Đến  cuối năm 2010 mới tổ chức lại được bộ máy song đến nay vẫn chưa tạo nên sức mạnh tổng hợp của Hội.

            3. Trong những năm 2006 – 2009 việc thiết lập mối quan hệ giữa Hội Trung uơng, Thành hội, Tỉnh hội với các cơ quan quản lý, các cơ quan chuyên môn, các Bộ, Ngành ở Trung ương và địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan truyền thông báo chí… chưa thật tốt, từ năm 2010 – 2011 đã có tiến bộ, song chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển.

            4. Các đơn vị trực thuộc TW Hội ngoài 8 đơn vị hoạt động hiệu quả còn có 14 đơn vị gặp khó khăn và 8 đơn vị phải ngừng hoạt động. Một số đơn vị chưa thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, chưa đóng phí xây dựng Hội.

            5. Nguồn thu tài chính cho hoạt động của Hội từ Trung ương đến địa phương đều khó khăn do chưa đa dạng được nguồn thu. TW Hội chưa chỉ đạo tốt trong việc thu hội phí, phí xây dựng Hội, chưa phát thẻ Hội viên. Trụ sở của TW Hội và các đơn vị trực thuộc luôn thay đổi, thiếu kinh phí hoạt động, vì vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện nhiệm vụ.

 

            VI. Khen thưởng

            Hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ (2006 – 2011) đã đạt được những kết quả chính là nhờ sự nỗ lực của toàn thể hội viên từ TW Hội, các Hội thành viên, các đơn vị trực thuộc. Trong phong trào thi đua đã xuất hiện các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích đóng góp cho sự phát triển của Hội. Thường vụ TW Hội đã xem xét và quyết định tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân sau:

            A. Tập thể

            1. Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực – Nhân tài tỉnh Lầm Đồng

            2. Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực – Nhân tài tỉnh Đồng Nai

            3. Trung tâm Khoa học phát triển nguồn nhân lực Đất Việt

            4. Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Vietnet

            5. Trung tâm Tư vấn phát triển nguồn nhân lực Doanh nghiệp

            6. Trung tâm Khoa học phát triển nguồn nhân lực Thăng Long

            7. Viện đào tạo và phát triển kinh tế văn hóa

 

            B. Cá nhân

            1. Ông Nguyễn Kim Đĩnh – Phó Chủ tịch TW Hội.

            2. Ông Nguyễn Văn Hiếu - Ủy viên Ban Chấp hành TW Hội, Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực – Nhân tài tỉnh Lâm Đồng.

3. Ông Đỗ Hữu Tài – nguyên Ủy viên Ban Chấp hành TW Hội, nguyên Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực – Nhân tài tỉnh Đồng Nai.

            4. Ông Bùi Văn Nam – Ủy viên Ban Chấp hành TW Hội, Giám đốc Trung tâm Khoa học phát triển nguồn nhân lực Đất Việt.

            5. Bà Nguyễn Thu Huệ - Ủy viên Ban Chấp hành TW Hội, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Vietnet.

            6. Ông Đoàn Văn Hoan – Trung tâm tư vấn phát triển nguồn nhân lực doanh nghiệp.

            7. Ông Cát Văn Huỳnh – Ủy viên Ban Chấp hành TW Hội, Giám đốc Trung tâm Khoa học phát triển nguồn nhân lực Thăng Long.

            8. Ông Nguyễn Văn Quỳnh – Ủy viên Ban Chấp hành TW Hội, Chủ tịch Hội đồng Viện, Viện phó thường trực Viện Khoa học phát triển nhân lực kinh tế văn hóa.

            9. Ông Vũ Đình Tân - Ủy viên Thường vụ TW Hội.

 

C/ Tặng kỷ niệm chương được tặng thưởng cho những cá nhân có đóng góp đặc biệt xuất sắc cho công tác xây dựng phát triển Hội:

1/ Ông Đoàn Duy Thành – Nguyên Chủ Tịch TW Hội.

2/ Ông Mai văn Bẩy – Nguyên Quyền Chủ tịch TW Hội, Chủ Tịch Thành Hội Hồ Chí Minh, hiện là Phó Chủ Tịch TW Hội phía Nam.

3/ Bà Trần Thị Đường – Phó Chủ Tịch TW Hội.

4/ Ông Vũ Ngọc Phương – Chủ tịch TW Hội.

5/ Ông Bùi Duy Tảo – Phó Chủ Tịch thường trực TW Hội

6 / Ông Hồ Văn Hoành – Phó Chủ tịch phụ trách Văn Phòng TW Hội.

7/ Ông Bùi Thành Phần – Phó Chủ Tịch phụ trách khu vực Hà Nội.

8/ Ông Lê văn Hải - Ủy viên thường vụ Trưởng Ban Kiểm tra TW Hội.

9/ Ông Trần Vĩnh Hải - Ủy viên chấp Hành TW Hội, Trưởng Ban Ban vận động Thành Hội Hải Phòng.

 

PHẦN THỨ II

PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NHIỆM KỲ II (2012-2017)

 

            Trên cơ sở kết quả hoạt động trong nhiệm kỳ I (2006-2011), những khó khăn, thuận lợi trong thời gian tới, phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ II của Hội (2012-2017) như sau:

            1. Tích cực khai thác nội lực, phát huy trí tuệ của toàn thể hội viên, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực, các hội thành viên, chi hội các đơn vị trực thuộc để tạo ra các sản phẩm đóng góp cho sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, phát hiện bồi dưỡng nhân tài trên tất cả các lĩnh vực mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra.

            2. Không ngừng nâng cao uy tín và vai trò của Hội trong xã hội, liên kết phối hợp với các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức xã hội, các cơ quan thông tấn báo chí, các nhà khoa học trong và ngoài nước để làm tốt công tác tư vấn cho Đảng, Nhà nước về chiến lược phát triển nguồn nhân lực, nhân tài trong giai đoạn cách mạng mới.

            3. Củng cố và phát triển Hội viên, các Chi hội, các Hội thành viên, các đơn vị trực thuộc trong cả nước trên cơ sở bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả. Đồng thời phải có phương án về kinh tế tài chính đảm bảo cho hoạt động, thực hiện tốt nhiệm vụ không chỉ trước mắt mà lâu dài để duy trì và phát triển Hội.

            4. Huy động các nhà khoa học, các nhà quản lý trong và ngoài Hội nghiên cứu lý luận và thực tiễn để tư vấn và phản biện các đề án của Nhà nước, của các tổ chức xã hội và của các địa phương. Đề xuất với Đảng và Nhà nước về phát triển nguồn Nhân lực, Nhân tài, đồng thời xuất bản sách để phổ biến rộng rãi trong cộng đồng.

            5. Hỗ trợ các địa phương tổ chức thành lập các Thành hội, Tỉnh hội, Chi hội, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hải Phòng, Hà Nội, Bến Tre… và các khu công nghiệp theo tinh thần nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ, đồng thời phát triển các đơn vị trực thuộc, các Chi hội và Hội viên.

6. Củng cố về mặt tổ chức nhân sự, phương hướng hoạt động… cho các đơn vị đang gặp nhiều khó khăn như: Quỹ hỗ trợ nhân tài Việt Nam, Viện Khoa học phát triển nhân lực nông thôn và miền núi, Trung tâm tư vấn quản trị nhân lực Phương Đông…

7. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến rộng rãi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển con người, giới thiệu các hoạt động của Hội trong xã hội thông qua các câu lạc bộ, các cuộc Hội thảo, các cơ quan ngôn luận của Hội như Website, tạp chí và các cơ quan báo chí thông tấn trong Nước, tiến tới quảng bá ra Quốc tế.

8. Mở rộng quan hệ đối ngoại, tranh thủ sự hỗ trợ về vật chất và tinh thần thông qua các dự án, các chương trình nghiên cứu của các ngành, các cấp ở TW và địa phương, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ và trí thức người Việt Nam ở nước ngoài.

9. Tăng cường mở rộng quan hệ với các cơ quan quản lý cấp trên: Bộ Nội vụ, Bộ Khoa học và công nghệ, Văn phòng TW Đảng, Ban Đối ngoại TW, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ kế hoạch và đầu tư, các Ngành, các cấp địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí,… để phối hợp các chương trình công tác nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ.

10. Phát huy nội lực của Hội trong việc đa dạng hóa các nguồn thu, đồng thời tranh thủ sự đóng góp về tài chính của các nhà đầu tư trong và ngoài nước để đảm bảo hoạt động của Hội bền vững.

11. Thực hiện tốt việc thu hội phí, phí xây dựng Hội, phát Thẻ Hội viên, sớm có trụ sở ổn định, lâu dài của TW Hội, các Hội thành Viên, các Đơn vị trực thuộc.

12. Tăng cường sự đoàn kết và thống nhất trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, các Hội thành viên, các đơn vị trực thuộc và toàn thể Hội viên. Củng cố bộ máy của TW Hội gọn nhẹ và hoạt động có hiệu quả.

 

*

*     

*

 

 

 

Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực – Nhân tài Việt Nam đã trải qua 5 năm hoạt động của nhiệm kỳ đầu tiên. Năm năm là một thời gian không dài đối với sự tồn tại của một tổ chức xã hội, nhưng đầy thử thách cam go mà cuối cùng với trí tuệ và tinh thần đoàn kết Tập thể - chúng ta đã vượt qua chặng đường đầu tiên để có những kết quả nhất định. Bước vào nhiệm kỳ II (2012 – 2017), chúng ta có Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, có bài học đoàn kết, đại đoàn kết… vẫn luôn là những giá trị cao quý nhất của thành công mà chúng ta phải gìn giữ như “con ngươi của mắt mình” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn… nhất định Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực – Nhân tài Việt Nam sẽ vượt qua được những khó khăn chủ quan và khách quan, phát huy năng lực và trí tuệ cùng nhau thống nhất trong ý chí và hành động để củng cố, phát triển Hội góp phần trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, phát hiện bồi dưỡng nhân tài phục vụ cho sự nghiệp Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa nước nhà.

 

 

 

T/M BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC – NHÂN TÀI VIỆT NAM

CHỦ TỊCH

Đã Ký

 

 

VŨ NGỌC PHƯƠNG

 

 


Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển