GDKNS là một quá trình tác động sư phạm có mục đích, có kế hoạch nhằm hình thành năng lực hành động tích cực, có liên quan tới kiến thức và thái độ, giúp cá nhân có ý thức về bản thân, giao tiếp, quan hệ xã hội, thực hiện công việc, ứng phó hiệu quả với các yêu cầu thách thức của cuộc sống hằng ngày. Định hướng của GDKNS giúp trẻ làm chủ bản thân, ứng xử phù hợp với cộng đồng và xã hội, thích nghi, học tập hiệu quả, nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất, ứng phó tích cực trong các tình huống của cuộc sống.

Học sinh tham gia trò chơi trải nghiệm tại khóa học kỹ năng sống tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Nắm bắt nhu cầu của xã hội, nhiều đơn vị GDKNS mở ra như “nấm mọc sau mưa”. Có đơn vị chỉ chuyên dạy kỹ năng sống, tuy nhiên đó chỉ là số ít, đa phần khi xin phép đăng ký thành lập cơ sở kinh doanh giáo dục với sở kế hoạch và đầu tư ở các địa phương, kỹ năng sống chỉ là một trong các hạng mục được phép hoạt động bên cạnh dạy các môn học, như: Toán, Văn, Ngoại ngữ, Tin học… Chính vì vậy, chất lượng từng cơ sở dạy kỹ năng sống bị đặt dấu hỏi ở điểm: Nếu kết hợp dạy kỹ năng sống với các môn học khác mà không được chuyên nghiệp hóa, liệu có bảo đảm chất lượng?

Điều đáng nói, kỹ năng sống là chuyên ngành mới, chưa có cơ sở giáo dục sư phạm bậc đại học nào ở Việt Nam đào tạo chuyên ngành này. Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT ngày 28-2-2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định quản lý hoạt động GDKNS và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa nêu rõ, giáo viên chỉ cần có bằng cấp sư phạm là có thể đi dạy… kỹ năng sống. Công ty TNHH Tư vấn, GDKNS, kỹ năng học MH (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) thành lập từ năm 2016, tuyển lựa những giáo viên có khả năng giao tiếp lưu loát để dạy kỹ năng sống nhưng vấn đề là đội ngũ giáo viên này vốn được đào tạo để đi dạy các môn Toán, Văn, Lịch sử… chứ không hề có kinh nghiệm giảng dạy kỹ năng sống hoặc được đào tạo ngành học gần gũi, chẳng hạn như tâm lý học giáo dục.

Đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới chính thức tổ chức thẩm định và ban hành hai bộ tài liệu về kỹ năng sống, là: Bộ tài liệu 15 cuốn dành cho giáo viên về GDKNS trong một số môn học và hoạt động giáo dục ở tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông (theo Quyết định số 2188/QĐ-BGDĐT ngày 24-6-2014) và 9 cuốn “Thực hành kỹ năng sống” dành cho cấp tiểu học và trung học cơ sở từ lớp 1 đến lớp 9 do PGS, TS Huỳnh Văn Sơn chủ biên (theo Quyết định số 2368/QĐ-BGDĐT ngày 13-7-2017). Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT cũng nêu rõ các cơ sở giáo dục có quyền tự lựa chọn hoặc tự xây dựng giáo trình, tài liệu, miễn là được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động hoặc cơ quan xác nhận đăng ký hoạt động chấp thuận; có nội dung phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, không trái với các quy định của pháp luật. Công ty TNHH Tư vấn, GDKNS, kỹ năng học MH “tự biên tự diễn”, cóp nhặt ở nhiều nơi, chỉ là khuyên bảo học sinh biết ứng xử lễ phép, thiếu các hình thức trải nghiệm, trò chơi để tăng tư duy sáng tạo và học tập hiệu quả. Điều đáng nói là các cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương có trách nhiệm thanh tra chỉ kiểm tra đề mục bài giảng thay vì nội dung cụ thể, biết đâu trong bài giảng lại có yêu cầu trẻ đi trên mảnh thủy tinh như bộ sách “Thực hành kỹ năng sống” do TS Phan Quốc Việt (chủ biên) đã bị thu hồi năm 2014.

Tâm lý đám đông đang tác động lên nhiều bậc phụ huynh với mong muốn con có kiến thức, kỹ năng và thái độ tốt khi trưởng thành. Lợi dụng điều này, nhiều chương trình học khác cũng gắn mác kỹ năng sống để thu hút người học. Chị Hồ Thanh Thủy (quận Ba Đình, TP Hà Nội) băn khoăn: “Tôi có con trai ở độ tuổi mới lớn, tâm lý của cháu rất khó đoán và gia đình cũng không chia sẻ được nhiều với cháu nên nghỉ hè, tôi đăng ký cho cháu một khóa học kỹ năng sống “Đạo lý và đời sống”. Khóa học chỉ kéo dài từ 1 đến 1,5 tháng, mỗi tuần học hai ngày. Theo đó, các thầy sẽ giảng cho học viên nghe về mặt đạo lý, cách đối nhân xử thế, sự sẻ chia, cảm thông và những bài học nhỏ trong cuộc sống… Những khóa học ngắn như vậy khó có thể mang lại tác dụng ngay cho học sinh, đặc biệt ở tuổi của các cháu chưa hiểu hết những gì mình được giảng dạy. Thế nên dù có đầu tư cho con đi học, tưởng chừng sẽ hiệu quả nhưng tôi thấy cháu không thay đổi gì, thậm chí còn trầm hơn, ít chia sẻ hơn”.

Để chọn lựa phù hợp từng lớp học với con em mình, điều quan trọng là các bậc phụ huynh cần tìm hiểu kỹ các đơn vị và các khóa học. Ông Bùi Văn Linh, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho rằng: “Phụ huynh cần trao đổi với con để biết các em thiếu kỹ năng gì và có mong muốn học thêm kỹ năng nào. Từ đó mới có thể lựa chọn chương trình học thú vị và bổ ích cho một kỳ nghỉ hè. Kỹ năng sống không phải là điều gì cao xa, đôi khi chỉ đơn giản là các em chưa biết bơi thì nên cho đi học bơi để có một kỹ năng sinh tồn quan trọng. Không nên chạy theo phong trào để học kỹ năng sống mà thiếu tìm hiểu chất lượng cơ sở giảng dạy, tránh tình trạng mất thời gian, tiền bạc mà không hiệu quả”.

Bài và ảnh: HÀM ĐAN

Nguồn: www.qdnd.vn