“Con ước được làm một chiếc điện thoại di động” – Bài văn khiến người lớn giật mình của em bé lớp 1.
Nếu được hỏi về kỷ niệm tuổi thơ đáng nhớ của mình, điều gì sẽ hiện lên trong đầu bạn? Thử nhớ lại nhé. Hồi bé, bạn có thường được bố dạy chơi bóng sau sân nhà? Mẹ có hay ngồi kèm bạn học bài mỗi tối, đương nhiên không quên phục vụ sữa nóng và đồ ăn vặt cho bạn hàng đêm? Gia đình bạn có thường xuyên đi chơi xa, hoặc đơn giản chỉ là cùng nhau nấu nướng một bữa thịnh soạn và quây quần ăn uống rôm rả? Bạn vẫn nhớ như in những tháng ngày tươi đẹp đó chứ?
Giờ hãy quay lại thực tế trước mắt, khi cuộc sống đang dần được lấp đầy bởi công nghệ. Những đứa trẻ của thời đại này sẽ phải học làm quen với những thiết bị lạ lẫm mà người lớn hiếm khi nào rời khỏi tay. Vậy ký ức tuổi thơ của chúng có gì khác? Khái niệm “gia đình” trong mắt một đứa trẻ hiện đại có gì khác thường? Hãy cùng đọc câu chuyện dưới đây và suy ngẫm.
Sau bữa tối, một cô giáo tiểu học bắt đầu chấm bài cho học sinh. Chồng cô ngồi bên cạnh, dán mắt vào màn hình điện thoại di động, cố gắng phá vỡ kỷ lục trò Candy Crush Saga anh đã dày công nghiên cứu cả tháng trời. Bỗng nhiên, bầu không khí yên lặng bị phá vỡ bởi tiếng sụt sịt của người vợ. Thấy mắt cô đang rơm rớm, anh vội quay sang vợ hỏi nhỏ:
“Này em, sao tự dưng lại khóc? Có chuyện gì à?”
Người vợ thổn thức trong nước mắt: “Hôm qua em giao bài tập làm văn cho tụi nhỏ lớp 1, viết về chủ đề “Điều ước của con”... ”
“Anh hiểu rồi, nhưng vì sao em khóc?” – Người chồng tiếp tục gặng hỏi trong khi mắt vẫn không rời khỏi trò chơi đang đến hồi gay cấn.
“Bài văn cuối cùng này đã làm em khóc”.
Không giấu nổi sự tò mò, anh chồng bèn ngẩng mặt lên hỏi đầy ái ngại: “Bài văn của một đứa trẻ con cũng khiến em khóc được sao?”
“Anh nghe này…” – Người vợ chậm rãi đọc, nước mắt vẫn không ngừng rơi.
“Ước mơ của con là trở thành một chiếc điện thoại di động. Bố mẹ con yêu điện thoại di động lắm. Đến mức con cảm thấy bố mẹ quan tâm đến điện thoại còn hơn quan tâm đến con. Khi bố đi làm về, dù rất mệt mỏi nhưng bố vẫn chỉ ngồi bấm điện thoại di động chứ chẳng nhớ gì đến con. Khi bận bịu việc gì quan trọng, nếu bất chợt có chuông điện thoại reo, bố mẹ sẽ ngay lập tức nhấc máy nghe. Thế nhưng lúc con khóc thì bố mẹ lại chẳng sốt sắng đến thế. Bố mẹ thích chơi trò chơi trên điện thoại di động chứ chẳng muốn chơi cùng con. Khi nói chuyện với ai đó trên điện thoại, bố mẹ cũng chẳng bao giờ thèm nghe con nói gì, cho dù con có chuyện rất quan trọng muốn chia sẻ. Vì thế, con chỉ ước được làm một chiếc điện thoại di động”.
Sững lại vài giây khi nghe xong bài văn, người chồng rụt rè hỏi vợ:
“Trò nào viết bài này vậy em?”
Ngước cặp mắt dâng đầy nước lên nhìn chồng, cô nghẹn ngào:
“Con trai của chúng ta”.
Bạn có giật mình khi đọc câu chuyện này?
Đừng bao giờ để vật chất lấn chiếm thời gian dành cho gia đình và các mối quan hệ quan trọng. Điện thoại di động được sinh ra để khiến cuộc sống trở nên dễ dàng và tiện lợi hơn, chứ không phải để điều khiển và khiến chúng ta phụ thuộc vào nó.
Tuy nhiên, lúc này vẫn chưa quá muộn để bạn gạt bỏ những thứ ngoài lề nhằm cải thiện khoảng thời gian ít ỏi dành cho gia đình mỗi ngày . Hãy nhớ lại ngày trước, khi chúng ta vẫn chưa biết tới điện thoại thông minh, internet hay trò chơi trực tuyến, những thứ vô hình nhưng lại có sức chôn chân bất kỳ ai. Chẳng phải giữa người với người chỉ cần có thế?
Hãy thử bỏ điện thoại xuống một lát. Hãy nói chuyện với những người bạn yêu thương và làm họ cảm thấy được quan tâm thực sự. Bởi lẽ, một chiếc máy vô tri sẽ không bao giờ có thể cho bạn tình yêu như những con người ấy.
Theo Tri thức trẻ và Vietnamnet