Dự án VP6 Linh Đàm Chung cư VP6 Linh Đàm

Thứ 3, 24/12/2024

Đang duyệt: Trang chủ Nghiên cứu trao đổi

BẠCH LONG VĨ - MỘT ĐẢO TIỀN TIÊU CÓ VỊ TRÍ QUAN TRỌNG TRONG SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC

Bạch Long vĩ ở phía đông nam thành phố Hải Phòng, cách trung tâm thành phố 133km. Tọa độ địa lý 20009’30’’B, 107042’30’’Đ. Chiều dài đảo theo hướng đông bắc- tây nam: 3km, chiều rộng theo hướng tây bắc - đông nam: 1,5km. Diện tích phần nổi khoảng 2,5km2.

Tên gọi Bạch Long Vĩ có từ lâu, bắt nguồn từ truyền thuyết một con rồng trắng từ trên trời đáp và lưu lại vùng biển Quảng Ninh- Hải Phòng ngày nay; Bạch Long Vĩ là cái đuôi con rồng đó. Tên đảo đã được nhắc đến trong vài cuốn sách Trung Quốc soạn đời nhà Minh, mô tả đường thủy từ Trung Quốc sang nước ta như: “ Từ Quảng Đông thuyền khởi hành từ Ô Lôi, theo đường bể, đi một ngày đến núi Bạch Long Vĩ thuộc châu Vĩnh An; hai ngày đến châu Vạn Ninh; một ngày đến Miếu Sơn; một ngày đến tuần ty Đồn Tốt; hai ngày đến phủ Hải Đông; Hai ngày đến Kinh Thục; một ngày đến cửa Bạch Đằng…”

Nguyễn Trãi (阮 廌) cũng đã nhắc đến địa danh Bạch Long Vĩ trong bài thơ “Quá Hải”( 過 海) trong “Ức Trai thi tập” ( 抑 齋 詩  集 ):  

Nguyên văn:

撥 盡 閑 愁 獨 倚 蓬,

Bát tận nhàn sầu độc ỷ bồng,

水 光 渺 渺 思 何 窮。

Thuỷ quang diểu diểu tứ hà cùng.

松 林 地 斥 疆 南 北,

Tùng Lâm địa xích cương Nam Bắc,

龍 尾 山 橫 限 要 衝。

Long Vĩ sơn hoành hạn yếu xung.

義 氣 掃 空 千 障 霧,

Nghĩa khí tảo không thiên chướng vụ,

壯 懷 呼 起 半 帆 風。

Tráng hoài hô khởi bán phàm phong.

扁 舟 羨 我 朝 天 客,

Biển chu tiển ngã triều thiên khách,

直 駕 鯨 鯢 跨 海 東。

Trực giá kình nghê khóa Hải Đông.

Dịch nghĩa: Qua biển

Gạt hết âu sầu, một mình tựa mui thuyền,

Sắc nước, mênh mông, từ nói sao hết được.

Rừng thông ngăn đất làm giới hạn qua Nam Bắc,

Núi Long Vĩ nằm ngang làm chỗ ngăn trở hiểm yếu.

Nghĩa khí quét  phăng nghìn lớp mây mù,

Tráng hoài gọi gió nổi, buồm căng nửa cánh.

Chiếc thuyền nhỏ, mừng ta là khách chầu trời,

Cưỡi kình nghê mà vượt thẳng biển Đông.

Dịch thơ:

Gạt hết âu sầu chạnh tựa bồng,

Mênh mông sắc nước tứ khôn cùng.

Tùng Lâm ngăn cách chia Nam Bắc,

Long Vĩ giăng ngang chặn hiểm xung.

Nghĩa khí quét mù muôn lớp dẹp,

Tráng hoài nổi gió nửa buồm giong.

Lá thuyền mừng tớ chầu trời trẩy,

Thẳng cưỡi kình nghê vượt biển Đông. (Đào Duy Anh dịch)

Theo gia phả họ Phạm làng Khinh Dao, xã An  Hưng, huyện An Dương thành phố Hải Phòng ngày nay và một số tài liệu ghi sự kiện bọn phỉ Quan Lan chiếm cứ vùng Đầm Hồng, tỉnh Quảng Yên, lợi dụng địa điểm hiểm trở, hẻo lánh hoành hành cướp phá, tàn bạo vùng biên giới Trung - Việt. Mấy năm liền, quan quân tỉnh Quảng Đông không thể dẹp nổi, nhiều lần đưa thư tới quan Trấn thủ xứ Yên Quảng nước ta hẹn cùng dẹp phỉ, nhưng mấy năm liền hao binh tổn tướng mà không kết quả. Năm Mậu thìn (1748), triều đình nước ta phái quan thượng thư bộ Binh Phạm Đình Trọng tuần tiễu vùng ven biển này. Ông sai bộ tướng Vĩnh Thọ hầu đem chiến thuyền đến Đầm Hồng trước, phao tin hội họp với quan quân Quảng Đông tiến đánh, nhưng lại ngầm bố trí quân mai phục ở Vân Đồn và Bạch Long Vỹ. Quả nhiên, bọn giặc mắc mưu, 7 tên đầu sỏ giặc bị bắt sống, đám phỉ bị dẹp tan, đem bình yên cho miền biên giới. Quan tỉnh Quảng Đông dâng sớ tâu về triều, vua Càn Long nhà Thanh khen ngợi, đem vàng lụa và mũ áo Thượng thư ban tặng. Do đó, đời sau xưng tụng ông (Phạm Đình Trọng) là Lưỡng quốc Thượng thư (Thượng thư hai nước).

Đêm 30 Tết năm Giáp Tuất (1754) ông bị ép uống thuốc độc chết do vu cáo của quần thần Đỗ Thế Giao, gây thương cảm vua Lê, sĩ thứ khắp trong triều, ngoài nội. Vua Càn Long được tin, sai Tổng đốc tỉnh Quảng Đông đưa lễ viếng và bài văn tế khá cảm động, trong đó có câu: “Bắc phương chính khí, Nam quốc trọng thần, bát đồ kim nhật, nãi tác cổ nhân” (Vốn là chính khí Bắc phương, lại là Nam quốc lân bang trọng thần. Ai hay gió cuốn mây vần. Giờ người đã hóa cổ nhân mất rồi).

Vua sai lập đền thờ ở quê Khinh Dao, ở Nghệ An. Dân các làng Trung Thanh Lang, huyện An Lão, Lâm Động Thủy Nguyên… cũng thờ làm phúc thần.

Khi thực dân Pháp đã đặt được nền thống trị nước ta, tỉnh Hải Ninh đặt năm 1836, bon giặc Tàu Ô hoành hành nên Toàn quyền Đông Dương mới đặt Hải Ninh là đạo quan binh thứ nhất (chế độ quân quản). Năm 1937 chính quyền đô hộ Pháp cùng vua Bảo Đại phái người lập đồn binh và đặt xã Bạch Long Vĩ  thuộc tỉnh Quảng Yên). Cuối năm 1949, Giải phóng quân Trung Quốc tiến đánh Hoa Nam, quân chính phủ Tưởng Giới Thạch thất bại rút chạy ra Đài Loan và các đảo lân cận, một bộ phận đến trú ngụ ở đảo Bạch Long Vĩ. Tháng 7.1955, Giải phóng quân Trung Quốc đổ bộ giải phóng đảo này. Do thỏa thuận 2 nước Trung – Việt , ngày 16.11.1957, Trung Quốc làm lễ bàn giao lại Bạch Long Vĩ cho Việt Nam. Ngày 15.2.1957 Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định số 049/TTg quy định đảo là 1 xã thuộc  Ủy ban hành chính thành phố Hải Phòng. Từ năm 1959 thuộc huyện Cát bà. Ngày 18.11.1992 Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCNVN ban hành quyết định số 106/ TTg nâng cấp đảo thành huyện thuộc UBND thành phố Hải Phòng.

Nhà nước đã xây dựng đồn binh, xây dựng cảng cá, khu neo đậu tránh trú, cấp cứu tàu thuyền bị nạn, bảo đảm trật tự an ninh… đồng thời vận động nhân dân mà đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là nòng cốt, ra xây dựng phát triển kinh tế đảo tiền tiêu. Cơ sở vật chất kỹ thuật như điện, đường, trường học, bệnh viện đã đựoc xây dựng. Thành hội Phật giáo Hải Phòng đã xây chùa Bạch Long để Phật tử có nơi thờ Phật, thờ thánh Trần.

Tuy còn nhiều việc phải tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh, nhưng so với ngày tiếp quản, bộ mặt của Bạch Long Vĩ đã khác hẳn xưa mà có người hiểu lầm là đảo Vô Thủy.

7.2014

Ngô Đăng Lợi- Đồng Thị Hồng Hoàn (Hội Sử học HP)

Tài liệu tham khảo chính

 

  • Đào Duy Anh- Nguyễn Trãi toàn tập. NXB Khoa học xã hôi 2001
  • Ngô Đăng Lợi (Chủ biên)- Từ điển Bách khoa địa danh HP, NXB HP 1998
  • Ngô Đăng Lợi (đồng chủ biên)- Kỷ yếu hội thảo “Tiến sỹ Trần Bình Trọng”- NXB Văn hóa Thông tin- 2011
  • Ngô Vi Liễn – Tên làng xã và Địa danh các tỉnh Bắc Kỳ- NXB Văn hóa thông tin, tái bản 1999
  • Trần Văn Giầu- Trần Bạch Đằng- Mạc Đường (Chủ biên). Lịch sử Việt Nam tập I. NXB Trẻ 2001

Đánh giá của bạn về bài viết

Tổng số: 0 Trung bình: NaN
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM NHIỆM KỲ III (2022 - 2027)HỘI NGHỊ, GIAO LƯU BAN LÃNH ĐẠO TW HỘI KHOA HỌC PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC - NHÂN TÀI VIỆT NAM VỚI CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC VÀ BAN VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP THÀNH HỘI NHÂN LỰC - NHÂN TÀI HÀ NỘI
VIETNET-ICTYVS VietnamViện Nghiên cứu phát triển Lãnh đạo chiến lược Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranhViện Khoa học đào tạo phát triển nhân lựcTrung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữTrung tâm Giáo dục và phát triển